Quay lại

Về cột mốc chủ quyền Việt Nam được xây dựng tại Nhà văn hoá - thư viện Đại tướng Lê Đức Anh

Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh được xây dựng trên mảnh đất xứ Truồi, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, quê hương của Đại tướng Lê Đức Anh.

Người dân đến Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh để đọc sách, báo, sinh hoạt văn hóa. Đồng thời, cũng là để được nghe, được đọc tài liệu về cuộc đời cách mạng của người con ưu tú xứ Truồi - vị Đại tướng dạn dày kinh nghiệm trận mạc, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Nét đặc biệt của Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh là cột mốc chủ quyền Việt Nam được dựng lại giống như cột mốc tại đảo Trường Sa lớn năm 1988.

Ngày 6/11/1987, tình hình biển đông rất phức tạp, Đại tướng Lê Đức Anh đã ký mệnh lệnh số 1679/ML-QP “Đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi cạn chưa có người, không chờ xin chỉ thị cấp trên, trước mắt đưa ngay các lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ. Khai thác và phát huy khả năng của các lực lượng vũ trang, các ngành, các địa phương để chi viện từ bờ ra đảo xa. Nếu đối phương xâm phạm đảo hoặc dùng vũ lực uy hiếp thì đánh trả và luôn cảnh giác, tỉnh táo, không mắc mưu địch khiêu khích”.

Đầu năm 1988, quân đội ta đã dũng cảm, kiên quyết thực hiện mệnh lệnh trên của Đại tướng Lê Đức Anh nên đã đóng giữ thêm 11 đảo ở Trường Sa: Đá Tây (15/1), Tiên Nữ (26/1), Đá Lát (5/2), Đá Lớn (6/2), Đá Đông (18/2), Tốc Tan (27/2), Núi Le (2/3), Cô Lin (14/3), Len Đao (14/3), Đá Nam (15/3) và Đá Thị (15/3). Chiến thắng này đã nâng tổng số đảo lên 21, gấp trên hai lần giai đoạn trước đó (10 đảo). Riêng trong ngày 14/3, bộ đội ta đóng giữ các đảo Cô Lin và Len Đao trong tam giác Co Lin - Len Đao - Gạc Ma. Ngay sau sự kiện Cô Lin- Len Đao - Gạc Ma, Đại tướng Lê Đức Anh đã ra thị sát Trường Sa và vào ngày 7/5/1988 bên cột mốc chủ quyền Tổ quốc tại đảo Trường Sa lớn, ông đã đọc lời thề bảo vệ biển đảo của Tổ quốc:

Hôm nay, giữa trời cao, biển rộng bao la, trước anh linh tổ tiên và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắc nhủ với các thế hệ mai sau: "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta!". Các chiến sĩ hải quân cùng hô vang với tôi: "Xin thề!". Tiếng hô: "Xin thề! Xin thề! Xin thề!" vang vọng cả biển trời. (Trích từ chương 11 cuốn "Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng").

Đại tướng Lê Đức Anh đọc lời thề bảo vệ biển đảo Tổ quốc

tại Trường Sa năm 1988.

Và để kỷ niệm sự kiện này, Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh đã xây dựng cột mốc theo nguyên mẫu cột mốc chủ quyền Tổ quốc tại đảo Trường Sa lớn - nơi mà tại đó, Đại tướng Lê Đức Anh đã đọc lời thề vang vọng non sông.

Mô hình cột mốc chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ở đảo Trường Sa

tại Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh

 

 


Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh