I. KHÁI LƯỢC VỀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, với bao khó khăn, thử thách, đồng chí Lê Đức Anh luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân; đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Lê Đức Anh - người chỉ huy quân sự tài ba, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, dạn dày kinh nghiệm trận mạc, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Đại tướng Lê Đức Anh là một trong số rất ít người lính đã đi đến kết thúc của cả 4 cuộc chiến tranh, 2 cuộc chiến giải phóng dân tộc và 2 cuộc chiến bảo vệ đất nước. Đồng chí Lê Đức Anh - nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, với nhiều đấu ấn nổi bật trong sự nghiệp đổi mới đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy nhiều trận đánh lớn, mang tính chất quyết định và xoay chuyển cục diện chiến trường. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đại tướng Lê Đức Anh đã trực tiếp tham gia và chỉ huy nhiều chiến dịch lớn: chiến dịch Bình Giã, đánh bại cuộc hành quân mang tên Gian-xơn Xi-tic ủa Mỹ năm 1967; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; chống địch lấn chiếm, phá hoại Hiệp định Pa-ri năm 1973 trên địa bàn Quân khu 9; giải phóng tỉnh Phước Long năm 1974 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975.

Đồng chí tham gia chỉ huy lực lượng của ta đánh tan quân Pôn Pốt xâm lược trên tuyến biên giới Tây Nam và cùng quân dân Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng ngày 7/1/1979. Là Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam kiêm Trưởng ban Lãnh đạo Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Cam-pu-chia, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều chủ trương thể hiện tầm nhìn và tư duy chiến lược về việc giúp bạn hồi sinh đất nước.

Đại tướng Lê Đức Anh đã điều chỉnh bố trí chiến lược quốc phòng, ổn định tình hình biên giới phía Bắc; tăng cường phòng thủ biển, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa. Đồng chí trực tiếp chỉ đạo thực hiện giảm quân số từ 1,5 triệu xuống còn 450 ngàn, nhưng sức mạnh chiến đấu không giảm mà càng được tăng cường.

Năm 1987-1988, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Lê Đức Anh ra mệnh lệnh mở rộng các điểm đóng giữ tại Trường Sa. Bộ đội Việt Nam đã đóng giữ thêm 12 đảo ở Trường Sa, xây dựng hệ thống nhà giàn DK1 trên thềm lục địa Biển Đông.

ooo

Đồng chí Lê Đức Anh tham gia cách mạng từ năm 1937, vào quân đội từ năm 1945. Từ tháng 8/1945 đến tháng 10/1948, Đồng chí giữ các chức vụ từ trung đội trưởng đến chính trị viên Trung đoàn 301. Từ tháng 11/1948 đến tháng 12/1950 là Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8 và Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ năm 1951 đến năm 1954 là Tham mưu phó, Quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

Tập kết ra Bắc, đồng chí nhận nhiệm vụ sư đoàn trưởng sư đoàn 330. Từ tháng 5/1955 đến tháng 7/1963, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ Cục phó Cục Tác chiến và Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu. Tháng 8/1963, Đồng chí được bổ nhiệm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ tháng 2/1964 đến năm 1968, đồng chí được giao giữ chức vụ Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ năm 1969 đến năm 1974, đồng chí là Tư lệnh Quân khu 9. Từ năm 1974 đến năm 1975 là Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân hướng Tây - Tây Nam đánh vào Sài Gòn.

Tháng 5/1976, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân khu 9. Tháng 6/1978, được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam. Tháng 6/1981, được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; Phó Trưởng ban, rồi Trưởng ban Lãnh đạo Đoàn Chuyên gia Việt Nam tại Campuchia.

Đồng chí được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974; được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1980, Đại tướng năm 1984.

Tháng 12/1986, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 2/1987, là Phó Bí thư Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ngày 23/9/1992, Quốc hội khóa IX đã bầu đồng chí làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến tháng 12/1997.

Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khoá VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001; Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII và IX.

Với những công lao và đóng góp của mình, Đại tướng Lê Đức Anh được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác của Việt Nam và nhà nước Liên Xô, Cu Ba, Lào, Campuchia.

Đại tướng Lê Đức Anh là người mở đường bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Đồng chí có nhiều đóng góp cho tiến trình thúc đẩy để Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995. Chủ tịch nước Lê Đức Anh là người đề xuất và ký Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
 

II. QUÊ HƯƠNG, TÊN GỌI VÀ BƯỚC ĐẦU HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG

Đồng chí Lê Đức Anh sinh ngày 01/12/1920 tại làng Trường Hà, xã Phú Gia, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế; quê quán làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông có tên khai sinh là Lê Văn Giác. Năm đầu đi học, mắt kém nhưng tên có vần G nên ông phải ngồi phía sau. Thầy giáo nói với cha mẹ ông đổi tên sang sang vần A để ông ngồi phía trên. Từ đó ông mang tên là Lê Đức Anh.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông có bí danh là Lê Phú Hòa. Năm 1946 tỉnh ủy Thủ Dầu Một có 7 đồng chí và lấy bí danh theo bảy chữ: Chánh - Phủ - Cộng –Hòa – Dân - Chủ - Việt. Đồng chí Lê Đức Anh là Hòa, Lê Phú Hòa.

Trong chiến tranh chống Mỹ và sau này ông có bí danh là Sáu Nam. Bí danh Chín Hòa (cùng với bí danh Sáu Nam) được dùng trong thời gian ông là tư lệnh Quân Khu 9 giai đoạn 1969-1974, tạo thành cặp Hòa - Thuận với đồng chí Võ Văn Kiệt (bí danh Tám Thuận), Bí thư Khu uỷ Khu 9 lúc đó.

Đồng chí xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước, ông nội là Lê Thảng một sĩ phu từng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp, cha là Lê Quang Túy (1885-1969) làm nghề thầy thuốc, người dân địa phương thường gọi là "Thầy khóa Túy"; Cậu là Lê Bá Dị (1901-1978) - thành viên của tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn, Đảng bộ ĐCSVN tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông là người sáng dạ nên được gia đình cho đi học từ nhỏ. Lên 5 tuổi, ông bắt đầu học chữ Nho tại nhà, từ 6 tuổi đến 10 tuổi, học chữ Quốc ngữ ở làng Dưỡng Mong và trường An Lương Đông, huyện Phú Lộc. Năm 11 tuổi, ông ra học tại thành phố Vinh (Nghệ An). Học hết tiểu học, trở về quê giúp đỡ cha mẹ làm nông. Năm 15 tuổi, đi làm gia sư, dạy chữ Quốc ngữ ở Dưỡng Mong, rồi sau đó đi làm gia sư ở Huế.

Ngoài giờ đi làm gia sư, đồng chí còn đọc báo, đọc sách cho cha mẹ, anh chị em trong gia đình và người dân trong làng nghe vì ở nông thôn, những người ít tuổi mà biết chữ Quốc ngữ, biết tiếng Pháp không nhiều. Từ chỗ được giao việc đọc sách, báo cho dân chúng nghe, và được sự dìu dắt của đồng chí Lê Bá Dị, Đỗ Tram, đồng chí Lê Đức Anh được giác ngộ và năm 17 tuổi, năm 18 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Tháng 10/1939, thực dân Pháp tiến hành khủng bố ở Thừa Thiên, hầu hết các đảng viên huyện Phú Vang bị bắt. Để bảo toàn lực lượng theo chủ trương của tổ chức cộng sản, đồng chí đã bí mật rời quê hương vào Đà Lạt hoạt động. Đầu năm 1942, đồng chí rời Đà Lạt xuống đồn điền cao su Lộc Ninh làm thuê, bắt liên lạc với tổ chức và tiến hành giác ngộ, vận động, gây dựng và phát triển phong trào của phu cao su. Khi phong trào phát triển nhanh và vững ở đồn điền cao su Lộc Ninh, đồng chí đã gây dựng phong trào phát triển rộng đến các đồn điền lân cận, như: Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch.

Đồng chí đã trực tiếp giác ngộ hàng trăm phu cao su Lộc Ninh, tuyển chọn và kết nạp được bốn người, thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên do đồng chí làm Bí thư Chi bộ. Ngày 23/8/1945, đồng chí Lê Đức Anh đã lãnh đạo công nhân cao su và đồng bào dân tộc ở Hớn Quản và Bù Đốp khởi nghĩa thành công, sau đó kéo quân về hợp điểm giành chính quyền ở tỉnh lỵ đêm 24 rạng sáng 25/8/1945.

Trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, tại Hớn Quản, Đội võ trang do đồng chí Lê Đức Anh thành lập và chỉ huy có quân số hơn 100 người với cung nỏ khoác vai, bao tên đeo ngang hông mà nhân dân trong vùng quen gọi là “Đội quân áo nâu”.

Những năm đầu hoạt động cách mạng sôi nổi với bao khó khăn, thử thách, đã tôi rèn đồng chí Lê Đức Anh trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên cường, để suốt đời chiến đấu hy sinh vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của Nhân dân.
 

III. ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH - NHÀ QUÂN SỰ TÀI BA, VỊ TƯỚNG TRẬN MẠC QUA 4 CUỘC CHIẾN TRANH

1. Đồng chí Lê Đức Anh trong kháng chiến chống Pháp xâm lược

Đồng chí Lê Đức Anh tham gia thành lập, phát triển và chỉ huy các đội võ trang, từ 8/1945 đến tháng 10/1948, Đồng chí giữ các chức vụ từ trung đội trưởng đến chính trị viên tiểu đoàn, chi đội 1 và trung đoàn 301.

Cuối năm 1948, thấy được tố chất và khả năng tham mưu quân sự của đồng chí Lê Đức Anh, Xứ ủy Nam Kỳ điều đồng chí về làm Tham mưu trưởng Khu 7. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và Cơ quan Tham mưu, lực lượng vũ trang Khu 7 đã tổ chức nhiều trận đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch.

Cuối năm 1949, đầu năm 1950, quân Pháp liên tục mở các cuộc hành quân càn quét, uy hiếp vùng giải phóng phía Đông và Đông Bắc Sài Gòn - Gia Định. Sau một tháng chuẩn bị, chiến dịch Bến Cát đã diễn ra từ ngày 25 đến ngày 27/1/1950; ta đã loại khỏi chiến đấu gần 100 tên địch, phá hủy 3 xe bọc thép, làm gián đoạn giao thông của địch. Chiến dịch Bến Cát và chiến dịch Cầu Kè, Trà Vinh (07- 26/12/1949) là hai chiến dịch tiến công đầu tiên của lực lượng vũ trang Nam Bộ, làm thay đổi cục diện chiến trường - từ chỗ ta bị động đối phó với các cuộc hành quân càn quét của địch, sang chủ động tổ chức những trận tiến công có quy mô chiến dịch.

Cuối năm 1952, đầu năm 1953, đồng chí Lê Đức Anh vinh dự cùng đồng chí Lê Duẩn ra Chiến khu Việt Bắc để báo cáo với Bác Hồ và Bộ Tổng Tư lệnh về kinh nghiệm chiến đấu. Nghe đồng chí Lê Đức Anh báo cáo, Bác Hồ rất vui, khen ngợi bộ đội và nhân dân Nam Bộ đánh giặc giỏi. Sau khi tham dự lớp học chính trị do Trung ương tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, đồng chí Lê Đức Anh lên đường trở về miền Nam tiếp tục chiến đấu.

Năm 1954, sau khi hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, đồng chí Lê Đức Anh tập kết ra Bắc.

2. Đồng chí Lê Đức Anh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy nhiều trận đánh lớn, mang tính chất quyết định và xoay chuyển cục diện chiến trường. Ông được phong vượt cấp từ đại tá lên trung tướng và được dẫn đầu đoàn quân chiến thắng diễu binh trong ngày Quốc khánh thống nhất đầu tiên của đất nước vào ngày 2/9/1975.

Tháng 12/1963, nhận nhiệm vụ cấp trên giao, đồng chí Lê Đức Anh bí mật lên đường vào chiến trường miền Nam trên con tàu “Không số”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đại tướng Lê Đức Anh đã trực tiếp tham gia và chỉ huy nhiều chiến dịch lớn: chiến dịch Bình Giã, đánh bại cuộc hành quân mang tên Gian-xơn Xi-ti của Mỹ năm 1967; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; chống địch lấn chiếm, phá hoại Hiệp định Pa-ri năm 1973 trên địa bàn Quân khu 9; giải phóng tỉnh Phước Long năm 1974 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975.

Đồng chí đã cùng cơ quan Bộ Tham mưu tích cực tiến hành công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiến công Bình Giã. Trong hơn một tháng chiến đấu tiến công, từ đêm 2/12/1964 đến ngày 3/1/1965, chiến dịch Bình Giã đã giành thắng lợi to lớn.

Chỉ huy bộ đội đánh bại cuộc hành quân lớn nhất của quân đội Mỹ. Mùa khô năm 1966-1967, quân đội Mỹ mở cuộc hành quân Gian-Xơn Xi-ti đánh vào Chiến khu Dương Minh Châu (bắc Tây Ninh), nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và chủ lực của ta, đâylà cuộc tấn công lớn nhất của quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam. Tham mưu trưởng Lê Đức Anh trực tiếp chỉ huy đánh địch với cách đánh “Chiến tranh nhân dân trên một địa bàn không có dân”: lực lượng của ta tổ chức thành các “Huyện căn cứ”, các “Xã căn cứ” để đánh địch tại chỗ, phát huy cao độ ưu thế của du kích chiến, kết hợp với các đơn vị chủ lực cơ động đánh vào bên sườn và phía sau đội hình quân địch. Sau gần hai tháng chiến đấu (22/2-15/4/1967), ta đã loại khỏi chiến đấu hơn 14.000 tên địch bảo vệ vững chắc căn cứ, cơ quan đầu não kháng chiến, đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của Mỹ - Ngụy.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đồng chí được phân công chỉ huy bộ đội ở hướng Tây Sài Gòn, từ Long An đánh vào Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát Đô thành. Quá trình diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, trên cơ sở phân tích, đánh giá thấu đáo tình hình, đồng chí đã có những đề xuất quan trọng về chuyển hướng tiến công. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã có ý nghĩa quan trọng, làm phá sản Chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh.

Đầu năm 1969, đồng chí Lê Đức Anh được cấp trên giao nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 9 trong tình hình địch đã bình định lấn chiếm gần hết vùng giải phóng trước đây, chỉ còn căn cứ U Minh và khu giải phóng nam Cà Mau, lực lượng; phong trào cách mạng giảm sút nghiêm trọng. Đồng chí Lê Đức Anh các đồng chí trong Khu ủy, Bộ Tư lệnhquân khu đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức củng cố lực lượng, khôi phục lại thế và lực của Quân khu. Đến năm 1971 - 1972, lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã liên tiếp nổ súng tiến công, đẩy lùi quân địch vào sát thị xã, thị trấn, bước đầu đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Chủ động tấn công làm xoay chuyển cục diện cuộc chiến trường. Đã từng bị doạ đưa ra toà nhưng lại được thăng vượt cấp từ đại tá lên trung tướng. Sau khi hiệp định Pa-ri được ký kết (27/1/1973), ngụy quyền Sài Gòn ngang nhiên vi phạm Hiệp định, ráo riết thực hiện kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ”, đẩy mạnh bình định lấn chiếm. Trước tình hình đó, nếu chấp hành lệnh“Năm cấm chỉ”: Cấm tấn công vũ trang, cấm bao vây đồn bót, cấm đánh địch bung ra, cấm pháo kích, cấm làm xã ấp chiến đấu thì sẽ mất đất, mất dân. Trước tình hình đó, dưới sự chỉ huy trực tiếp, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm của Tư lệnh Lê Đức Anh, quân và dân quân khu 9 đã kiên quyết nổ súng đánh trả, bẻ gãy các cuộc hành quân lấn chiếm, lần lượt đánh bại 75 tiểu đoàn địch với kế hoạch bình địnhcủa chúng, giữ vững và mở rộng vùng đóng quân. Tư lệnh quân khu 9 Lê Đức Anh bị dọa đưa ra tòa án binh vì hành động chống lệnh này. Mặc dù chống lệnh nhưng quân khu 9 không những giữ được đất, giữ được dân mà còn mở rộng được vùng giải phóng. Hơn nữa, tuy rằng quân khu 9 đã không thực hiện đúng lệnh của cấp trên nhưng thực hiện đúng nghị quyết 15 (1959) của Ban chấp hành Trung ương Đảng với phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là bạo lực cách mạng nhằm thống nhất nước nhà.

Kết quả hoạt động của quân khu 9 đã giúp trung ương ban hành nghị quyết 21 (1974) có nội dung: con đường các mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Nội dung khẳng định đảng ta tiếp tục thực hiện nghị quyết 15 trước đây là phải đấu tranh vũ trang. Thực tế chiến trường của quân khu 9 đã giúp tạo nên bước ngoặt của đấu tranh thống nhất đất nước. Thực hiện nghị quyết 21 đã làm xoay chuyển cục diện chiến trường, tạo đà cho các chiến thắng khác và chúng ta đã giành thắng lợi hoàn toàn.

Nếu như không có nghị quyết 15, nếu như năm 1973 chúng ta không kiên quyết tiếp tục thực hiện nghị quyết 15 có lẽ đất nước chúng ta vẫn còn chìm trong đau khổ của chia cắt.

Với chiến công chống địch vi phạm Hiệp định Paris và các thành tích chống Mỹ giai đoạn 1964 - 1974, tháng 4 năm 1974 đồng chí Lê Đức Anh được thăng vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.

Năm 1974, được giao đảm nhiệm cương vị Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, đồng chí Lê Đức Anh đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến mùa khô 1974-1975. Cuối năm 1974, đầu năm 1975, đồng chí cùng Bộ Chỉ huy Miền đã chỉ huy các đơn vị liên tiếp tiến công địch trong các chi khu Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Xoài... tiến tới tiêu diệt và làm tan dã hoàn toàn quân địch ở Phước Long, giải phóng tỉnh Phước Long với hơn 50 vạn dân. Chiến thắng Đồng Xoài - Phước Long có ý nghĩa là “Trinh sát chiến lược” thăm dò khả năng của quân đội Sài Gòn và sự can thiệp của Mỹ là quân đội Sài Gòn thua mà Mỹ không dám trở lại, là cơ sở vững chắc để Trung ương hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976 khi thời cơ lớn đã mở ra.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Lê Đức Anh đảm nhiệm Phó Tư lệnh Chiến dịch kiêm Tư lệnh cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam đánh vào Sài Gòn. Với tài thao lược và kinh nghiệm trận mạc được tích lũy trong suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ huy cánh quân đánh chiếm các mục tiêu theo kế hoạch tác chiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của dân tộc.

Ngày 2/9/1975 Trung tướng Lê Đức Anh dẫn đầu đoàn quân vừa thắng trận diễu binh qua quảng trường Ba Đình vào ngày quốc khánh thống nhất đầu tiêncủa đất nước.

3. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng, tái thiết đất nước

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 5/1976, đồng chí Lê Đức Anh được quyết định về làm Tư lệnh Quân khu 9. Đồng chí đã chỉ đạo Quân khu tập trung giải quyết cùng lúc nhiều việc lớn và đưa các hoạt động trong toàn Quân khu đi vào nền nếp. Đánh giá đúng tình hình biên giới, quân khu 9 đã quyết định giữ lại một sư đoàn thường trực, còn hai sư đoàn tổ chức đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế; như vậy được coi như đã giảm quân số thường trực theo chủ trương chung nhưng vẫn giữ được quân số tại ngũ. Vì thế, khi quân Pôn Pốt xâm lấn biên giới Tây Nam, Quân khu 9 đã chủ động đối phó, không bị rơi vào tình trạng bỏ trống địa bàn.

Năm1978 đồng chí Lê Đức Anh được điều động về làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở Mặt trận Tây Nam. Thực hiện chủ trương của cấp trên, đồng chí Lê Đức Anh đã tích cực chỉ đạo Quân khu 7 giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng ngay trên địa bàn Quân khu.

Đồng chí tham gia chỉ huy lực lượng của ta đánh tan quân Pôn Pốt xâm lược trên tuyến biên giới Tây Nam và cùng quân dân Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng ngày 7/1/1979. Là Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam kiêm Trưởng ban Lãnh đạo Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Cam-pu-chia, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều chủ trương thể hiện tầm nhìn và tư duy chiến lược về việc giúp bạn hồi sinh đất nước. Đồng chí đề xuất và được tập thể lãnh đạo nhất trí là bộ đội và chuyên gia của ta phải tập trung cứu đói, cứu đau cho dân. Đây là việc cấp bách số 1; rồi nhanh chóng khôi phục lại xã hội Cam-pu-chia,khôi phục lại sản xuất; vận động binh lính Pôn Pốt đầu hàng, trở về với gia đình; giúp bạn xây dựng thực lực cách mạng để bạn tự đảm đương công việc của mình.

Đồng chí đã chỉ đạo các đơn vị Quân tình nguyện cùng lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia đánh bại các cuộc phản kích của, mở các chiến dịch truy quét tàn quân địch vào các năm 1983, mùa khô 1984-1985, làm tan rã một bộ phận lớn sinh lực địch, giữ vững thành quả cách mạng; đồng thời giúp bạn xây dựng công trình phòng thủ biên giới mang tên “K5”, dài 800 ki-lô-mét. Tuyến phòng thủ có tác dụng ngăn chặn xâm nhập từ Thái Lan vào Cam-pu-chia, tạo điều kiện thuận lợi truy quét địch trong nội địa.

Do điều kiện lịch sử, cuối năm 1982, Bộ Chính trị có chủ trương điều chỉnh không để hệ thống cấp ủy từ Quân ủy Trung ương đến cấp trên trực tiếp cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 07. Trước vấn đề này, đồng chí Lê Đức Anh đã thẳng thắn đề nghị và được Bộ Chính trị đồng ý, riêng quân tình nguyện và chuyên gia đang làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạnCam-pu-chia vẫn cho giữ chế độ Đảng ủy như cũ; do đó đã giữ vững và phát huy được sức mạnh lãnh đạo của các cấp ủy đảng, còn bộ đội thì vững tin và rất hoan nghênh. Ở trong nước, sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 07 đã bộc lộ nhiều nhược điểm, nên ngày 04/7/1985, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 27, khôi phục lại hệ thống cấp ủy đảng trong toàn quân. Điều đó càng cho thấy đề xuất của đồng chí Lê Đức Anh trước đây là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện tư duy chiến lược, có tầm nhìn xa, trông rộng.

Với thành tích xuất sắc trên chiến trường Cam-pu-chia đồng chí Lê Đức Anh được thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng năm 1980 và từ Thượng tướng lên Đại tướng năm 1984. Đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị từ năm 1982.

Lúc đó, Thượng tướng Lê Đức Anh, đang là thứ trưởng Bộ Quốc phòng mà đã được bầu vào Bộ Chính trị, mặc dù không nằm trong bộ tam cơ cấu Bộ Chính trị: Bộ trưởng, Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Điều đó một lần nữa nói lên tầm quan trọng của chiến trường này, cũng như đánh giá đúng, chính xác năng lực và phẩm chất của tướng Lê Đức Anh.
 

IV. ĐỒNG CHÍ LÊ ĐỨC ANH TRÊN CƯƠNG VỊ BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

1. Ổn định tình hình biên giới phía Bắc

Ngày 7/12/1986, đồng chí Lê Đức Anh nhận quyết định giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến ngày 16/2/1987đồng chí Lê Đức Anhđược bổ nhiệmlàm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Nhận nhiệm vụ mới, Đại tướng Lê Đức Anh đã đi thị sát dọc vùng biên giới phía Bắc, lúc đó ta đang giao tranh với Trung Quốc. Sau đó, Đại tướng Lê Đức Anh đã yêu cầu các chốt của ta ngừng bắn trả địch mà tiến hành địch vận là chính, trong đó có việc bắn pháo truyền đơn, phát loa sang Trung Quốc nhằm làm dịu tình hình. Sau một thời gian, bên kia không bắn pháo sang ta nữa và tình hình ổn định dần.

Tiếp đó,Đại tướng ra lệnh rút một số chốt tiếp cận đối phương về phía sau rồi rút từng phần các đơn vị chủ lực về tuyến hai để đưa dân quân, bộ đội địa phương và bộ đội biên phòng lên tuyến một. Cán bộ chỉ huy các cấp, từ cấp quân khu, lúc đó rất lo ngại, không dám cho quân dưới quyền lui xuống nhưng Đại tướng Lê Đức Anh rất kiên quyết và lấy trách nhiệm cá nhân đảm bảo cho quyết định này. Trước hành động thiện chí của ta, đối phương cũng rút dần các chốt cắm trên đất ta. Tình hình biên giới dần ổn định và khởi đầu cho bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Quyết định của Đại tướng Lê Đức Anh mang tầm chiến lược, táo bạo và có thể nói có một không hai nhưng rất sáng suốt và đúng đắn.

2. Đồng chí Lê Đức Anh với Trường Sa

Biển Đông: Mở rộng điểm đóng giữ, kiên quyết đánh trả nhưng không mắc mưu địch khiêu khích.

Thời kỳ đồng chí Lê Đức Anh làm bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Việt Nam đã đóng giữ thêm 12 đảo ở Trường Sa, xây dựng hệ thống nhà giàn DK1 trên thềm lục địa Biển Đông

Năm 1987, thời gian Đại tướng Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Bộ quốc phòng, tình hình Biển Đông vô cùng phức tạp.

Đối với Trường Sa, có 6 bên tuyên bố chủ quyền, trong đó 5 bên đóng giữ tại đây. Việt Nam, Philipines, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan có quân đội đóng tại Trường Sa. Brunei tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa nhưng không có quân đội đóng tại đây.

Đến hết năm 1986 tình hình là như sau:

- Việt Nam đóng giữ 9 đảo, trong đó có 5 đảo có từ trước 30/4/1975 Việt Nam (Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn và Sơn Ca). Năm 1978 Việt Nam đóng giữ thêm 4 đảo (An Bang, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh và Trường Sa Đông).

- Philipines kiểm soát 7 đảo: 5 đảo vào năm 1971-1973, 2 đảo năm 1977-1978. Malaysia kiểm soát 3 đảo vào năm 1983-1984. Đài Loan kiểm soát đảo Ba Bình từ 1956.

Từ cuối năm 1986, Trung Quốc và Maylaysia gia tăng các hoạt động tại khu vực. Trung Quốc tăng số lần tàu chiến, tàu vận tải trinh sát, thăm dò tại Trường Sa. Ngày 31 tháng 12 năm 1986 Malaysia đến đóng giữ bãi Kỳ Vân và uy hiếp các đảo khác gần đảo Thuyền Chài.

Trước tình hình đó, trong năm 1987, Bộ trưởng Bộ quốc phòng hai lần xuống làm việc với Bộ tư lệnh Hải quân, vùng 4 Hải quân để giao nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa, đóng giữ các đảo chìm. Ngày 5 tháng 3 năm 1987 ta đã đóng giữ đảo Thuyền Chài.

Ngày 6 tháng 11 năm 1987, Đại tướng Lê Đức Anh ký mệnh lệnh số 1679/ML-QP “Đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi cạn chưa có người, không chờ xin chỉ thị cấp trên, trước mắt đưa ngay các lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ. Khai thác và phát huy khả năng của các lực lượng vũ trang, các ngành, các địa phương để chi viện từ bờ ra đảo xa. Nếu đối phương xâm phạm đảo hoặc dùng vũ lực uy hiếp thì đánh trả và luôn cảnh giác, tỉnh táo, không mắc mưu địch khiêu khích”.

Thực hiện mệnh lệnh trên, từ đầu năm 1988 đến 15 tháng 3 năm 1988 ta đóng giữ thêm 11 đảo: Đá Tây (15/1), Tiên Nữ (26/1), Đá Lát (5/2), Đá Lớn (6/2), Đá Đông (18/2), Tốc Tan (27/2), Núi Le (2/3), Cô Lin (14/3), Len Đao (14/3), Đá Nam (15/3) và Đá Thị (15/3), nâng tổng số đảo lên 21, gấp trên hai lần giai đoạn trước đó (10 đảo). Riêng trong ngày 14 tháng 3, ta đóng giữ Cô Lin và Len Đao trong tam giác Co Lin-Len Đao-Gạc Ma.

Năm 1988 Trung Quốc cũng tăng đột biến các hoạt động tại Trường Sa và đã đóng giữ 6 điểm, trong đó có Gạc Ma trong xung đột ngày 14 tháng 3.

Như vậy, trong các năm 1987-1988, Việt Nam, Trung Quốc và Malaysia đã gia tăng các điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa. Các bên đóng giữ các đảo phần lớn là không tiếng súng. Chỉ duy nhất có nổ súng khi tranh chấp đóng giữ tại Gạc Ma và Cô Lin. Chúng ta đã kiềm chế, không mắc mưu khiêu khích của đối phương nên đã không xảy ra xung đột lớn. Ngay sau sự kiện Co Lin-Len Đao-Gạc Ma, Việt Nam đã đóng giữ thêm 2 đảoĐá Nam và Đá Thị mà không xảy ra xung đột nào.

Ngay sau sự kiện Co Lin-Len Đao-Gạc Ma, Đại tướng đã ra thị sát Trường Sa và đã đọc lời thề bảo vệ biển đảo của Tổ quốcvào ngày 7/5/1988:“Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

Bằng cách đóng quân trên 12 đảo mới (1 đảo năm 1987 và 11 đảo năm 1988), chúng ta thực tế đã mở rộng bờ cõi sang phía đông. Đóng quân thực tế khác hẳn với việc tuyên bố chủ quyền nhưng không đóng giữ. Khi đã đóng quân, Việt Nam đã không để mất một tấc đất nào.

Việt Nam không chỉ thực thi chủ quyền trên quần đảo Trường Sa bằng cách mở rộng điểm đóng giữ mà còn thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán trên thêm lục địa.

Ngày 29- 5-1989 Đại tướng Lê Đức Anh ký Mệnh lệnh 167/ML-QP về đóng giữ khu vực thềm lục địa, các bãi đá ngầm (khu DK1) của Việt Nam. Từ tháng 6 năm 1989 liên tục có mặt của Việt Nam trên thềm lục địa 60.000 km2 thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với Luật Biển quốc tế 1982.

3. Đồng chí Lê Đức Anh với các chính sách lớn

Đại tướng Lê Đức Anh đã chú trọng việc điều chỉnh bố trí chiến lược quốc phòng; Theo đó, Quân đoàn 3 được điều lên đứng chân ở Tây Nguyên kịp thời đẩy lùi mọi hoạt động của bọn phản động, tạo môi trường ổn định cho Tây Nguyên phát triển kinh tế; đội hình bố trí lực lượng của các quân, binh chủng được điều chỉnh thích hợp; tăng cường phòng thủ biển, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa.

Cũng với tư duy và tầm nhìn chiến lược, Đại tướng Lê Đức Anh đã chỉ đạo rất sát sao, có tình, có lý trong lộ trình thu hồi quân cảng Cam Ranh.

Đồng thời với điều việc chỉnh bố trí chiến lược, Đại tướng Lê Đức Anh đã đề xuất với Đảng, Nhà nước và trực tiếp chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề lớn, quan trọng về quân sự, quốc phòng như: Thực hiện giảm quân số từ 1,5 triệu xuống còn 450 ngàn, nhưng sức mạnh chiến đấu không giảm mà càng được tăng cường; giảm ngân sách quốc phòng trong tình hình nền kinh tế bị khủng hoảng; tiến hành các chính sách cụ thể để cải thiện đời sống bộ đội, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ, chính sách hậu phương quân đội, chính sách nhà đất cho gia đình bộ đội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong tình hình mới...
 

V. ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH VỚI NHIỆM VỤ MỞ ĐƯỜNG BÌNH THƯỜNG HOÁ QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC VÀ MỸ

Một điểm rất đặc biệt là nhà quân sự Lê Đức Anh được giao nhiệm vụ của nhà ngoại giao: mở đường cho bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.

1. Bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc

Đại tướng Lê Đức Anh thực hiện hai cuộc thăm dò: Một là thăm dò qua cộng đồng người Hoa ở khu vực Chợ Lớn - Thành phố Hồ Chí Minh. Hai là thăm dò qua đường Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội.

Vào đầu tháng 3/1987, Đạitướng Lê Đức Anhvào gặp thành phố Hồ Chí Minh nói chuyện với Ban Hoa vận của Thành uỷ và gặp gỡ đại diện có uy tín trong cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn. Cuộc gặp tám Hoa kiều, một người đại diện thành ủy và Đại tướng Lê Đức Anh. Đồng chí Lê Đức Anh nói, người Việt và người Hoa, Việt Nam và Trung Quốc bấy lâu vẫn đoàn kết, hữu nghị. Vừa rồi xảy ra chuyện xung khắc là chuyện không bình thường. Vì vậy, cả người Việt và người Hoa có trách nhiệm xoá bỏ cái không bình thường, hàn gắn lại tình hữu nghị, đoàn kết. Những người Hoa dự buổi gặp rất vui mừng khi nghe những lời này của Đại tướng Lê Đức Anh và rất đồng thuận.

Trở ra Hà Nội, Đại tướng Lê Đức Anh chỉ đạo ông Vũ Xuân Vinh, Cục trưởng cục Đối ngoại của Bộ Quốc phòng mời Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy đến dùng cơm tại nhà khách Bộ Quốc phòng (28 phố Cửa Đông). Đồng chí Lê Đức Anh điểm lại quá trình quan hệ hữu nghị giữa hai nước, về hiện trạng xung đột giữa hai bên và đề nghị đồng chí đại sứ báo cáo với lãnh đạo của Trung Quốc; để lãnh đạo hai nước gặp nhau giải quyết việc này.Đại sứ Trương Đức Duy nhận lời sẽ về báo cáo với lãnh đạo Trung Quốc. Đại tướng Lê Đức Anh đã hoàn thành sứ mệnh mở luồng và thăm dò một cách sáng tạo và xuất sắc.

Cuối tháng 7/1991, với tư cách là phái viên của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Đức Anh sang thăm Trung Quốc để trao đổi những vấn đề cụ thể việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Sau chuyến đi này của đồng chí Lê Đức Anh, từ ngày 5 đến ngày 10/11/1991, là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu, theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Bằng. Đây là mốc đánh dấu chính thức bình thường hóa và mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, khép lại nhiều năm đối đầu căng thẳng.

2. Bình thường hoá quan hệ với Mỹ

Để mở đầu việc xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đồng chí đã đề xuất chọn con đường tiếp cận từ khoa học, bằng việc cử Thiếu tướng Nguyễn Huy Phan, bác sỹ bệnh viện quân y 108, Giáo sư đầu ngành về y học phẫu thuật chỉnh hình sang thăm Mỹ để trao đổi về nghiệp vụ theo lời mời của các nhà khoa học Mỹ. Sau đó, Việt Nam mời bác sỹ Mỹ sang tham gia phẫu thuật nhân đạo, phía Mỹ đồng ý và cử đoàn “phẫu thuật nụ cười” sang phẫu thuật cho trẻ em bị khuyết tật môi, hở hàm ếch. Bác sỹ Phan được cử đi làm nhiệm vụ mở quan hệ với Mỹ nhưng đây là nhiệm vụ mật, rất ít người được biết. Nhiều người, nhất là cấp trên trực tiếp gán cho thiếu tướng Phan tội thỏa hiệp, đầu hàng địch. Khi đó Chủ tịch nước Lê Đức Anh đang bị xuất huyết não nên không biết việc Thiếu tướng Nguyễn Huy Phan bị nghi oan. Sau khi đồng chí Lê Đức Anh bình phục mới biết chuyện và đã minh oan, khôi phục quyền lợi chính trị cho đồng chí Nguyễn Huy Phan. Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Thiếu tướng - Giáo sư Nguyễn Huy Phan.

Khi mọi việc đang diễn ra thuận lợi, tổng thống Mỹ đã đưa ra bản lộ trình bình thuờng hoá quan hệ với Việt Nam thì một số phần tử xấu ở Mỹ tung ra bức ảnh giả về cái gọi là “ba phi công Mỹ còn sống đang bị giam cầm tại Việt Nam”. Mỹ thành lập Uỷ ban đặc biệt để làm sáng tỏ vấn đề này và cử các phái đoàn sang Việt Nam. Đoàn do Thượng nghị sỹ John Kerry dẫn đầu đã được Chủ tịch Lê Đức Anh tiếp. Do nghi ngờ Việt Nam còn giam giữ tù binh, ông Kerry đề nghị được thăm thành cổ Hà Nội (trụ sở Bộ Quốc phòng) và công trình ngầm dưới lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Lê Đức Anh đã chấp nhận đề nghị này, đây là việc không có tiền lệ và duy nhất có. Sau khi thăm hai địa điểm này, thượng nghị sỹ John Kerry đã khẳng định thông tin có ba phi công Mỹ đang bị giam giữ và kho hài cốt Mỹ chỉ là chuyện bịa đặt. Sau đó phía Mỹ tự giác bỏ vấn đề tù binh trong các cuộc tiếp xúc và văn bản trao đổi song phương.

Bằng những nỗ lực của hai bên, sáng 12/7/1995 (theo giờ Việt Nam), hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ. Tháng 10/1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang New York dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hợp Quốc; Đồng chí trở thành Nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam đặt chân tới Mỹ. Cùng với xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp cho tiến trình thúc đẩy để Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995.
 

VI. ĐỒNG CHÍ LÊ ĐỨC ANHTRÊN CƯƠNG VỊ CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Khi trên cương vị là Chủ tịch nước (1992 -1997), Chủ tịch nước Lê Đức Anh và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã dồn hết tâm lực cho công việc với quyết tâm và cố gắng cao nhất, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy mọi động lực mới, khai thác mọi tiềm năng để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân.

Cùng với việc phấn đấu hoàn thành các công việc về công tác xây dựng pháp luật, công tác cán bộ, công tác tiếp dân, công tác thi đua - khen thưởng...

Đồng chí luôn chăm lo đến đời sống thực sự của người dân, đồng thời là người con hiếu thảo của nhân dân. Đại tướng Lê Đức Anh thấu hiểu những mất mát hy sinh lớn lao của những người vợ, người mẹ suốt cuộc đời thờ chồng, nuôi con đánh giặc. Vì vậy, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đề xuất việc phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và được Bộ Chính trị đồng ý. Ngày 29/12/1994, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tuổi ngoài 70 đại diện cho khắp cả nước đã cùng duyệt hàng quân danh dự với người đứng đầu Nhà nước Việt Nam - Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. Cũng kể từ đó, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa và nhận phụng dưỡng suốt đời các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng được hưởng ứng sôi nổi, rộng khắp trong cả nước, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Thấu suốt đường lối đối ngoại của Đảng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp quan trọng trên lĩnh vực đối ngoại của đất nước, nổi bật là việc xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ và thúc đẩy Việt Nam gia nhập ASEAN. Tháng 10/1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang New York dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc; đồng chí trở thành Nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam đặt chân tới Mỹ.

Cùng với xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp cho tiến trình thúc đẩy để Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995.

Đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Bộ Chính trị chỉ đạo sát sao các bộ, ngành để mở rộng quan hệ với các nước. Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã thăm chính thức và làm việc với 13 nước trên thế giới; đón tiếp 26 nguyên thủ quốc gia thăm hữu nghị chính thức và nhiều đoàn khách quốc tế tới thăm Việt Nam; tiếp nhận 90 đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài tại Việt; ký quyết định phê chuẩn 1 Hiến chương, 26 Công ước, 5 Hiệp ước, 35 Hiệp định, 3 Nghị định thư giữa Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế; trình Quốc hội phê chuẩn 1 Công ước theo quy định của Hiến pháp (Công ước quốc tế về Luật biển); ủy quyền đàm phán và ký kết một số điều ước quốc tế khác.