Quay lại

Bộ Chỉ huy Miền trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 - Bài 2: Thế và lực cho cuộc tổng tiến công

Tháng 10-1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 21 chủ trương: Con đường cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng, bất kể trong tình huống nào cũng phải giữ vững chiến lược tiến công, tiến lên hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. 
 

Chuyển hoạt động ra phía trước

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 21, trên cơ sở tán thành phương án 2 của Nghị quyết, Bộ Chỉ huy Miền hạ lệnh cho các lực lượng vũ trang cách mạng được phép trừng trị quân ngụy lấn chiếm ở bất kỳ đâu, bằng các hình thức và lực lượng thích đáng.

Đại tướng Lê Đức Anh

Mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy Miền đã trực tiếp gỡ bỏ những lúng túng của lực lượng vũ trang các cấp trong thời đoạïn lịch sử đầy tế nhị phức tạp sau Hiệp định Paris, mở ra những thắng lợi quân sự vang dội ở Chương Thiện (Khu 9), rừng Sác (Khu 7) và thêm nhiều chiến trường khác ở Nam bộ và cực Nam Trung bộ.

Tháng 11-1973, Bộ Chỉ huy Miền đề ra kế hoạch quân sự mùa khô 1973-1974 và toàn năm 1974 với nội dung: Đẩy mạnh đánh địch bình định lấn chiếm, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long, tiêu diệt địch ở vùng rừng núi, mở rộng hành lang tiếp nhận chi viện từ miền Bắc vào và hành lang thông nối đến các chiến trường. Mở rộng và hoàn chỉnh vùng giải phóng, đưa lực lượng vũ trang áp sát đô thị buộc địch phải bị động tập trung phòng thủ ở Đông Nam bộ và thành phố Sài Gòn.

Diễn biến hoạt động của lực lượng vũ trang Miền trong mùa khô 1973-1974 chia làm 2 đợt.

Trong đợt 1, Bộ Chỉ huy Miền đã chỉ đạo các đơn vị chủ lực chuyển hoạt động ta phía trước, tiến công liên tục, phá lấn chiếm của quân nguỵ, mở rộng vùng làm chủ của cách mạng, phát triển phong trào du kích chiến tranh đến vùng tranh chấp, tạo điều kiện tăng cường công tác tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng cơ sở ở vùng địch kìm kẹp, vận động nhân dân bung về vùng giải phóng.

Trong đợt 2, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chỉ huy Miền, Sư đoàn bộ binh 5 từ Đông Nam bộ hành quân xuống đồng bằng Khu 8 hoạt động mở hành lang từ vùng biên giới Long An xuống Vàm Cỏ Tây. Sư đoàn 9 tiến đánh xuống Bến Cát, mở thông hành lang từ căn cứ địa Lộc Ninh đến các căn cứ kháng chiến ở phía Bắc Sài Gòn như Bời Lời, Long Nguyên, Củ Chi. Sư đoàn 7 đánh bức rút nhiều đồn bót địch, giải phóng khu vực đường 14 từ Chơn Thành đến Đồng Xoài.

Chỉ trong 6 tháng mùa khô, lực lượng vũ trang B2 đã loại khỏi vòng chiến đấu 10.000 tên địch, gỡ hơn 1.400 đồn, giải phóng 16 xã, 582 ấp với hơn 360.000 dân. Nhịp điệu và cường độ tiến công của lực lượng vũ trang Miền trong mùa khô 1973-1974 không dừng lại theo thông lệ (bộ đội nghỉ ngơi bổ sung quân số trang bị vào mùa mưa) mà tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh cho đến hết năm 1974.
 

Tạo lực để đón thời cơ mới

Đồng thời với chỉ đạo hoạt động tác chiến, Bộ Chỉ huy Miền nhiều lần tổ chức hội nghị chuyên đề về xây dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị hậu cần kỹ thuật, tạo lực để sẵn sàng đón lấy thời cơ mới.

Trước hết, Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo kiện toàn hệ thống hậu cần Miền, thành lập thêm các phòng quản lý xăng xe, phòng kiến thiết cơ bản, các trạm sửa chữa xe, xưởng quân giới, đặc biệt thành lập mới Bộ Tư lệnh Công binh làm nhiệm vụ xây dựng con đường cơ giới nối đường cơ giới Đông Trường Sơn từ Sêrêpok qua Bù Gia Mập đến Lộc Ninh, hỗ trợ các tiểu đoàn xăng dầu 559 lắp đặt đường ống dẫn dầu từ miền Bắc vào, các đơn vị thông tin xây dựng hệ thống đường dây thông tin hữu tuyến…

Hàng loạt hành lang mới được mở từ Bắc Tây Ninh xuống Quân khu 8, Quân khu 9; từ Lộc Ninh xuống Bến Cát, Củ Chi; từ chiến khu D xuống Long Phước, Xuyên Mộc…

Công tác tạo nguồn chuẩn bị vật chất được Bộ Chỉ huy Miền trực tiếp chỉ đạo thực hiện với nhiều biện pháp: tổ chức tiếp nhận chi viện từ miền Bắc vào, tăng cường nguồn thu tại chỗ, đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Tổng cộng từ tháng 1-1973 đến tháng 11-1974, các đoàn hậu cần Miền đã tiếp nhận chi viện được 37.000 tấn binh khí kỹ thuật hiện đại, thu mua và tự sản xuất được 80.000 vật chất, không kể 28.000 tấn dự trữ từ trước.

Cùng với hoạt động chuẩn bị hầu cần kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo Cục Tham mưu khẩn trương điều chỉnh phát triển lực lượng. Nhiều cơ quan chức năng được củng cố lại.

Từ các phòng binh chủng và Đoàn 75, Bộ Chỉ huy Miền ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Thông tin (Đoàn 23), Bộ Tư lệnh Công binh (Đoàn 25),  Bộ Tư lệnh Tăng-Thiết giáp (Đoàn 26), Bộ Tư lệnh Đặc công (Đoàn 27), Bộ Tư lệnh Phòng không (Đoàn 77), Bộ Tư lệnh Pháo binh (Đoàn 75). Dựa vào chi viện của Trung ương cộng với thực lực hiện có, Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo thành lập mới hàng loạt đơn vị vũ trang cấp quân đoàn, sư đoàn, trung đoàn.

Ngày 20-7-1974, Quân đoàn 4 thành lập gồm 3 sư đoàn bộ binh (5,7,9), 5 trung đoàn binh chủng, do Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh, Đại tá Bùi Cát Vũ làm Phó Tư lệnh. Cùng thời gian, Lữ đoàn đặc công biệt động 316, Sư đoàn bộ binh 3 ra đời.

Các quân khu thành lập các sư đoàn nhẹ. Lực lượng vũ trang thành đội Sài Gòn-Gia Định tổ chức thành 6 mũi tiến công: Đoàn 196 (hướng Chủ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp), Đoàn 197 (hướng Tân Bình, Bình Chánh), Đoàn 198 (hướng Nam Bình Chánh, Nhà Bè), Đoàn 199 (hướng Nam Thủ Đức), Đoàn 195 (trong nội đô).

Lực lượng đặc công được bố trí sẵn sàng tấn công các mục tiêu. Lực lượng biệt động thành tổ chức thành 3 tiểu đoàn, 11 đại đội, bố trí 2 bên Đông và Tây thành phố Sài Gòn.

Bộ đội địa phương và dân quân du kích phát triển với tốc độ chưa từng thấy. Đến tháng 12-1974, toàn B2, dân quân du kích tăng lên 96.000 người, bộ đội địa phương có gần 87.000 quân.

Được sự chi viện to lớn của Trung ương và nỗ lực chung của quân và dân trên chiến trườùng Nam bộ và cực Nam Trung bộ, đến cuối năm 1974, Bộ Chỉ huy Miền đã làm tham mưu, chỉ đạo, chỉ huy hoàn tất việc chuẩn bị, tạo nên một thế trận và lực lượng mới cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.

 

HỒ SƠN ĐÀI