Quay lại

Phát biểu của Đ/c Nguyễn Ngọc Thiện - Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, tại Lễ khánh thành Nhà văn hóa

Hôm nay, trong không khí hào hùng của những ngày Tháng 4 lịch sử, chào mừng kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; mừng khai mạc Năm Du lịch Quốc gia và Festival Huế 2012, trên vùng đất cách mạng thôn Bàn Môn - xã Lộc An (Phú Lộc), chúng ta vui mừng tổ chức lễ khánh thành Nhà văn hóa mang tên Đại tướng Lê Đức Anh - một người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế, một bậc lão thành cách mạng, một nhà chính trị, quân sự lớn từng giữ nhiều cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước và quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Trong lịch sử của dân tộc, có những người gắn liền cuộc đời mình với vận mệnh đất nước và nhân dân. Cuộc đời hoạt động của họ góp phần không nhỏ làm thay đổi thế cuộc, mở ra một cách nhìn, cách nghĩ, một cách làm với hướng đi mới. Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những con người như vậy. Chúng ta thật sự ngưỡng mộ sâu sắc về chặng đường hoạt động cách mạng sôi nổi, anh dũng, kiên cường và trọn vẹn của đồng chí với gần 74 năm hoạt động cách mạng, 73 năm tuổi Đảng, và càng tự hào hơn về một nhà lãnh đạo tài năng và uy tín trên nhiều lĩnh vực, về một tấm gương kiên trung, gắn bó máu thịt với đất nước, quê hương.

Đồng chí Lê Đức Anh (bí danh Sáu Nam) sinh ngày 1/12/1920 tại thôn Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Đồng chí tham gia cách mạng năm 1937, được kết nạp vào Đảng năm 1938; vào quân đội và trực tiếp chiến đấu, chỉ huy trong những ngày đầu chống Pháp trên chiến trường Nam Bộ và có mặt ở những địa bàn khốc liệt nhất, trong những thời điểm gay go nhất trong hai cuộc kháng chiến cứu nước và thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước. Đồng chí đã gắn chặt cuộc đời mình trên các chiến trường với hơn 30 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, 10 năm giúp nước bạn Căm-pu-chia đánh bại diệt chủng Pôn-pốt và trong hơn 30 năm thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí tham gia quân đội ngay từ thời điểm cách mạng tháng 08/1945, giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng đến Chính trị viên tiểu đoàn, Trung đoàn; tiếp đó là tham mưu trưởng các Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn; giai đoạn 1951 - 1954, giữ chức tham mưu phó, quyền tham mưu trưởng bộ tư lệnh Nam bộ. Từ năm 1955, công tác tại Bộ Tổng Tham mưu, đồng chí được cử giữ chức Cục phó Cục Tác chiến, rồi Cục trưởng Cục Quân lực, mang quân hàm Đại tá năm 1958; đến mùa thu năm 1963, đồng chí được Đảng, Nhà nước cử giữ chức vụ Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 11/1963, đồng chí được điều động vào miền Nam với bí danh Sáu Nam, giữ chức Tham mưu trưởng, rồi giữ chức vụ Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền và Tư lệnh Quân khu 9 vào năm 1969. Đảm nhiệm trọng trách và đứng trước tình hình cách mạng miền Nam cam go, ác liệt sau Mậu Thân 1968, đồng chí luôn thể hiện là người chịu lắng nghe, có ý kiến cân nhắc, cẩn trọng, thể hiện tố chất của một cán bộ tham mưu có tầm chiến lược. Đồng chí đã cùng Trung ương Cục miền Nam, Bộ Chỉ huy Miền lãnh đạo quân và dân miền Tây Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long chiến đấu ngoan cường, sáng tạo, kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực của Quân khu với lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị tại chỗ, tiến hành đồng thời ba mũi tiến công: quân sự, chính trị và binh vận, đã lần lượt đánh bại 75 tiểu đoàn quân “Việt Nam cộng hòa” với kế hoạch bình định, tràn ngập lãnh thổ, thực hiện Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - ngụy. Đây là cơ sở để Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 21 và những chủ trương mới chỉ đạo cách mạng ở miền Nam.

Trực tiếp chỉ huy chiến đấu và lập nhiều chiến công xuất sắc, đồng chí được Đảng và Nhà nước quyết định phong hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng và đảm nhiệm cương vị Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền. Đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh Miền xây dựng “Kế hoạch hoạt động mùa khô 1974 - 1975” theo phương hướng chỉ đạo mới của Trung ương, tạo thế lực mới ở chiến trường Nam bộ để tiến tới cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam; tổ chức tiến công mang ý nghĩa “trinh sát chiến lược” và chiến thắng ở Tây Ninh - núi Bà Đen - Đường 14 - Phước Long, tạo nên thế và lực mới, áp sát và uy hiếp sào huyệt địch tại Sài Gòn, giúp Trung ương Đảng có cơ sở vững chắc hạ quyết tâm giải phóng miền Nam. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí được giao làm Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch, kiêm Tư lệnh cánh quân Tây - Tây Nam, đã chỉ huy đánh chiếm được sớm các mục tiêu quan trọng như Tổng nha Cảnh sát, Cảnh sát Đô thành, Biệt khu Thủ đô, Cảng hải quân... góp phần quan trọng làm nên đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ năm 1976 đến năm 1979, đồng chí Lê Đức Anh làm Tư lệnh Quân khu 9, rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 và Tư lệnh Tiền phương Bộ Quốc phòng, chỉ huy bộ đội chiến đấu đánh bại quân Pôn-pốt xâm lược, bảo vệ biên giới Tây Nam. Từ năm 1979 đến tháng 12/1986, đồng chí làm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nước bạn Căm-pu-chia, rồi làm Trưởng ban lãnh đạo các chuyên gia tại Căm-pu-chia, đồng chí đã coi giúp bạn là giúp chính mình; coi việc cấp bách số 1 là khôi phục lại sản xuất, phum sóc, làng xã, chùa chiền, ruộng đất, nhà cửa, được nhân dân Căm-pu-chia quý trọng và qua đó, nhân loại tiến bộ trên thế giới ngày càng đánh giá cao sự giúp đỡ quý báu của quân, dân Việt Nam đối với nhân dân Căm-pu-chia.

Với cương vị Tổng Tham mưu trưởng và tiếp đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời kỳ 1987 – 1992, đồng chí đã chỉ huy quân đội củng cố thế chiến lược, góp phần đổi mới đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Khi trên cương vị là Chủ tịch nước (1992 – 1997), đồng chí luôn chăm lo đến đời sống thực sự của người dân, đồng thời là người con hiếu thảo của nhân dân. Đại tướng Lê Đức Anh thấu hiểu những mất mát hy sinh lớn lao của những người vợ, người mẹ suốt cuộc đời thờ chồng, nuôi con đánh giặc. Vì vậy, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đề xuất việc phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và được Bộ Chính trị đồng ý. Ngày 29/12/1994, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tuổi ngoài 70 đã cùng duyệt hàng quân danh dự với người đứng đầu Nhà nước Việt Nam - Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.

Xuất phát từ lợi ích quốc gia, đoàn kết quốc tế, từ truyền thống hoà hiếu của dân tộc, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã góp một phần quan trọng trong việc mở rộng quan hệ với nước ngoài và việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trên các cương vị công tác, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí Lê Đức Anh cũng luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc, giữ vững và phát huy phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên Cộng sản; có tầm nhìn chiến lược, thận trọng và quyết đoán, hoàn thành cao nhất nhiệm vụ và trọng trách được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trong lời tựa của cuốn sách “Đại tướng Lê Đức Anh”, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định: “Anh nắm chắc tình hình, trong ngoài nước và tình hình quân đội nên giải quyết chắc chắn. Sinh hoạt và lối sống giản dị, mẫu mực. Tôi cho rằng, anh Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi nói về Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã khẳng định rằng: “Ngần ấy thời gian biết anh Sáu Nam - Lê Đức Anh, có lúc cùng chiến trường, có lúc ở cấp lãnh đạo Nhà nước, anh là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị tướng chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm. Một bộ trưởng quốc phòng trong thời bình xây dựng có nhiều đổi mới trong tổ chức và bố trí lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân; một trong những người lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước... Công bằng mà đánh giá, cũng không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh. Với ngần ấy công sức, tâm lực, cống hiến cho đất nước và dân tộc, anh xứng đáng được trân trọng ”.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thừa Thiên Huế, xin được gửi đến đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Đồng thời, xin hứa với Đại tướng Lê Đức Anh, các đồng chí lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bậc lão thành cách mạng là sẽ không ngừng tăng cường đoàn kết trong Đảng bộ, đồng thuận trong nhân dân; nỗ lực giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; chú trọng kiện toàn và đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị; quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế có cảnh quan, thiên nhiên, con người đẹp, có môi trường sinh thái, di sản văn hoá đặc sắc, phát triển theo hướng hiện đại và sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Kết luận 48 của Bộ Chính trị.

Nhiều năm trước đây, ý tưởng xây dựng Nhà Văn hóa mang tên Đại tướng Lê Đức Anh đã được đề cập nhiều lần và trở thành ý nguyện của Đảng bộ, nhân dân tỉnh nói chung và của Đảng bộ, nhân dân huyện Phú Lộc và xã Lộc An nói riêng. Việc xây dựng Nhà Văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh có ý nghĩa quan trọng trong việc khắc ghi những công lao to lớn của thế hệ cách mạng tiền bối, góp phần giáo dục và giúp thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống đạo lý và nhân văn của dân tộc ta. Và đến hôm nay, với quyết tâm cao và bằng tình cảm trân trọng, quý mến đã biến ý tưởng đó thành hiện thực.

Công trình Nhà Văn hóa mang tên Đại tướng Lê Đức Anh hoàn thành là công trình có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương, thể hiện sâu sắc truyền thống “uống nước, nhớ nguồn” và sự tri ân của thế hệ hôm nay về những cống hiến sức lực, trí tuệ to lớn vì mục tiêu cao cả độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đại tướng Lê Đức Anh.

Sau lễ khánh thành hôm nay, tỉnh sẽ trực tiếp chỉ đạo các ngành và huyện Phú Lộc tiếp tục nghiên cứu và phát huy ý nghĩa, giá trị công trình; quan tâm giữ gìn, bảo vệ, nghiên cứu khai thác, sưu tập và trưng bày các tư liệu lịch sử về đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh để vừa phục vụ nghiên cứu khoa học, vừa có ý nghĩa xây dựng địa điểm này trở thành một địa chỉ tham quan văn hóa - du lịch lịch sử, phục vụ nhân dân đến đọc sách, báo, sinh hoạt chính trị, văn hóa - văn nghệ, luyện tập thể dục - thể thao để nâng cao kiến thức, sức khỏe, giáo dục đạo đức, lối sống đẹp và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trên địa bàn xã Lộc An, huyện Phú Lộc nói riêng và của toàn tỉnh nói chung.


Một số hình ảnh về nhà văn hóa - thư viện