Quay lại

Một gia tộc giàu truyền thống hiếu học, yêu nước và đấu tranh cách mạng trên quê hương Phú Lộc

Đồng chí Lê Đức Anh (1920 - 2019) là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một vị tướng tài ba, một nhà chính trị tầm cỡ, người đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Đức Anh gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 


Là một người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế, đồng chí Lê Đức Anh được sinh ra và lớn lên trong một gia tộc giàu truyền thống hiếu học, yêu nước và đấu tranh cách mạng - gia tộc họ Lê ở làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chính truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng và tinh thần nhân văn được lưu truyền trong gia đình, dòng tộc đã chắp cánh cho những quyết tâm, hoài bão và con đường cách mạng của đồng chí Lê Đức Anh.
 

1. Vài nét về làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc

Làng Bàn Môn là một trong 10 làng của xã Lộc An, huyện Phú Lộc và cũng là làng lớn nhất của xã. Làng có lịch sử hình thành từ khá sớm, trong thư tịch cổ, tên này chưa xuất hiện trong Ô châu cận lục (viết năm 1555), nhưng đã xuất hiện trong Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Ðôn (viết khoảng sau năm 1774). Vào đầu thế kỷ XIX, theo ghi chép của địa bạ lập dưới thời vua Gia Long (1810 - 1818), Bàn Môn là 1 trong 23 làng của tổng Dương Nổ, huyện Phú Vang.

Làng Bàn Môn nằm giữa vùng đầm phá và đồi núi, trên con đường thiên lý xưa, là quốc lộ 1 hiện nay nên thuận lợi về giao thông, giao thương của cửa ngõ kinh đô Huế với xứ Quảng trước đây. Hiện nay, số dòng họ sinh sống ở làng thống kê được đến 43 dòng họ, gồm có: Trần Hữu, Hoàng, Cao, Trương, Lê Đăng, Lê Bá, Lê Ðức...

Mặc dù, ở gần đầm Cầu Hai và vùng đồi núi ven ngọn núi Truồi thơ mộng, nhưng Bàn Môn xưa nay vẫn là một làng thuần nông, có truyền thống lâu đời về hoạt động nông nghiệp, đặc biệt là truyền thống khai hoang, làm thủy lợi để bảo đảm cuộc sống sinh tồn của mình. Do địa thế của làng ở vị trí nơi cuối cùng của con sông Truồi nổi tiếng giáp với vùng đầm phá nên lượng phù sa được bồi đắp hằng năm khá lớn, cộng với sự cần cù thông minh của bao thế hệ nông dân tụ cư về đây, khai phá nên công cuộc khai hoang mở rộng diện tích canh tác, mở rộng làng xã có nhiều thành tựu và Bàn Môn nhanh chóng phát triển thành một làng lớn.

Với điều kiện kinh tế khá giả, trong làng có nhiều dòng họ giàu có nên con cháu có điều kiện để ăn học và làm quan dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn, đóng góp cho đất nước, tiêu biểu như: họ Hoàng có ông Hoàng Văn Diễn (1767 - 1854) làm đến chức Thượng thư Bộ Lại; họ Trần có ông Trần Ðình Túc (1807 - 1892) làm quan đến chức Thượng Thư dưới triều Nguyễn... Các ông đều nổi tiếng là các vị quan thanh liêm, cần mẫn, thương dân, được nhân dân nhiều đời truyền tụng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Bàn Môn là nơi diễn ra nhiều phong trào yêu nước và đấu tranh cách mạng. Đầu thế kỷ XX, Bàn Môn là địa bàn tập hợp quần chúng nổi lên hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội ở miền Trung do Thái Phiên, Trần Cao Vân lãnh đạo với sự tham gia của vua Duy Tân. Cụ Lê Túy - thân phụ đồng chí Lê Ðức Anh, làm Đội trưởng phụ trách Đội thuyền chở vua về trú tại làng Hà Trung. Hoạt động của ông Hoàng Ðức Trạch ở Viện dân biểu Trung Kỳ tiêu biểu cho một thời kỳ đấu tranh công khai hợp pháp với thực dân Pháp. Trong quá trình vận động chuẩn bị thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam ở Huế, Truồi đã trở thành một trung tâm và với sự vận động của Nguyễn Khoa Văn, Trần Hữu Duẫn, Trần Phạm Phương, ông Lê Bá Dị quê ở Bàn Môn đã được kết nạp vào Ðảng Tân Việt năm 1929 và năm 1930, trở thành Bí thư Chi bộ ghép hai huyện Phú Vang - Phú Lộc của Đảng Cộng sản Đông Dương. Bàn Môn cũng là nơi đã sản sinh ra những người con ưu tú, những thế hệ đảng viên đầu tiên đông đảo nhất trong tỉnh gồm các đồng chí: Lê Trọng Uẩn, Lê Trọng Ngạc, Lê Thúc Khánh, Lê Nhã, Nguyễn Sơn... 

Trải qua 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dù trong vòng tạm chiếm, nhân dân Bàn Môn vẫn một lòng một dạ theo Ðảng và đã đóng góp nhiều cho sự nghiệp cách mạng đến ngày thắng lợi. Ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân Bàn Môn cho sự nghiệp cách mạng, năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng đã tặng Bảng vàng “Có công với nước” cho làng, phong tặng 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng.

Làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc chính là vùng đất tiêu biểu có truyền thống văn hóa lịch sử và truyền thống cách mạng kiên cường trên quê hương Thừa Thiên Huế, nơi đã sản sinh ra nhiều gia đình, dòng tộc, người con có truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng trong lịch sử của Đảng và lịch sử dân tộc. 
 

2. Gia tộc họ Lê - một gia tộc giàu truyền thống hiếu học, yêu nước và đấu tranh cách mạng trên quê hương Phú Lộc

 Là một trong những dòng họ lớn của làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, họ Lê có nguồn gốc từ xã La Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội, xứ Bắc Kỳ (nay là Thủ đô Hà Nội). Ngài sơ tổ của họ là Từ Gia Diệu Tướng Lê Quý Công, húy là Bôi (Lê Ngọc Bôi). Ông chính là người đầu tiên vào lập nghiệp tại làng La Khê (Bao Vinh), huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là làng La Khê, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Theo gia phả họ Lê thì đến thời điểm năm 1994, dòng họ này đã truyền đến 15 đời, đến nay khoảng 18, 19 đời và có 5 phái. Đồng chí Lê Đức Anh thuộc phái thứ 4, đời thứ 12.

Đây là một trong những gia tộc có nhiều tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, cần mẫn, chịu khó nhưng cũng rất khí khái, hiên ngang, tiêu biểu như: ngài Lê Văn Hoằng, đời thứ hai, làm quan đến chức Tri phủ từ đời Lê cho đến đời Nguyễn; ngài Lê Văn Thành, đời thứ bảy, làm Tri huyện huyện Minh Linh tỉnh Quảng Trị, vào khoảng niên hiệu Gia Long (1802 - 1819), vua nghe tiếng ông giỏi về nghề thuốc liền triệu về kinh, phong chức Y chính ở Thái Y viện; ông Lê Văn Mậu, đời thứ 9, dưới triều vua Tự Đức ông thi đỗ khoa Võ nghệ, được cử huấn luyện hương binh; ông Lê Đình Trân, đời thứ 11 đỗ tú tài Hán học khoa thi Hương Mậu Ngọ (1918)... Đặc biệt, ông Lê Văn Hộ, thuộc đời thứ 8, dưới thời vua Minh Mạng, ông làm quan cửu phẩm tại viện Thái Y, được cử giữ chức Chánh ngự y, ông đã từ chối không nhận, xin về quê dưỡng hưu và làm thuốc. Vua ân phong tước Hộ Đức Nam. Năm Tân Sửu đầu đời Thiệu Trị (1841), vì cớ tuổi già mà con cái nhỏ dại, ở chốn phồn hoa e dễ tập quen thói xa xỉ, ông bèn về Hà Trung, Phú Lộc, sớm cày ruộng, chiều dạy học. Lúc đầu chỉ dựng nhà cửa, cuối cùng lập thành thôn ấp. Đến đời Đồng Khánh, dân trong ấp thờ làm tiền Khai Canh và xin sắc phong thần. Đến năm Duy Tân thứ tám, ông được sắc phong Dực bảo.

Không chỉ là các bậc tiền nhân tiên tổ, các đấng sinh thành, anh em gia đình của đồng chí Lê Đức Anh cũng là những con người học cao, hiểu rộng, có cốt cách nhân hậu, sống chan hòa, nhân văn nhưng cũng rất kiên trung, bản lĩnh trong đấu tranh cách mạng để bảo vệ quê hương, đất nước.

Ông cố của đồng chí Lê Đức Anh là cụ Lê Văn Trinh (1835 - 1915). Ông là một danh y tài giỏi, có tấm lòng nhân ái, hay cứu giúp người. Không chỉ người dân trong làng, ông còn được người dân quanh vùng tìm đến và được ông tận tình cứu giúp. Người dân địa phương vẫn truyền tụng những bài vè ca ngợi tài năng của ông:

“Thương hàn thầy Giáo, thầy Lan

Châm chích Lưu, Thống, đậu Sang, Vinh, Huỳnh”.

Khi ông mất, nhân dân địa phương vô cùng thương xót, tình cảm ấy được bày tỏ qua bài hò:

 “Xưa nay ai được như thầy.

 Công ơn nghĩa nặng đong đầy vẻ vang.

 Làm người trung hiếu lưỡng toàn.

 Đáng trang trung dũng khí thiên lương (như) cao hề”.

Bà cố của đồng chí Lê Đức Anh là cụ Võ Thị Mân (1835 - 1885), người xã Bàn Môn, tổng An Nông, huyện Phú Lộc; vốn là con gái thứ hai của ông Võ Quý, là Án sát tỉnh Vĩnh Long (Nam Kỳ)2. Hai ông bà sinh hạ được 8 người con (7 con trai và 1 con gái).

Người con trai thứ ba của ông Lê Văn Trinh - ông Lê Văn Chuân (1860 - 1922), là người từng làm việc nhiều năm dưới các triều đại nhà Nguyễn. Năm Đồng Khánh nguyên niên (1886), ông được bổ nhiệm chức đằng lục ở Quốc Sử quán, sung bút thiếp (như thư ký), biên chép bộ Thực lục. Năm Duy Tân thứ 7 (1913), ông được thăng hàm chánh thất phẩm. Vợ của ông là bà Hoàng Thị Chanh (1867 - 1944), người xã Bích Khê, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Bà là con gái thứ ba của ông Hoàng Hữu Công, Phó Đô ngự sử viện Đô Sát3.

Các con trai của ông Lê Văn Chuân cũng đều là những người đỗ đạt và làm quan, có nhiều đóng góp công sức dưới các triều đại nhà Nguyễn, như: ông Lê Mộng Hủ (1893 - 1968), là sơ bổ thừa phái, làm việc ở phủ Bình Sơn, tỉnh Quãng Ngãi; ông Lê Đình Trân (1900 - 1971), đỗ tú tài Hán học khoa thi Hương Mậu Ngọ (năm 1918), là sơ bổ thừa phái tỉnh Hà Tĩnh (năm 1931), đến năm 1956 ông nghỉ hưu với ngạch kiểm sự.

Ông nội của đồng chí Lê Đức Anh - cụ Lê Thảng (1861 - 1939) là người con trai thứ tư; làm nghề thuốc nhưng phần lớn là chữa bệnh cứu người. Bà nội của đồng chí Lê Đức Anh là cụ Cung Thị Quyến. Hai cụ sinh được 6 người con. Ông Lê Quang Túy (1885 - 1969), thân phụ của đồng chí Lê Đức Anh là con trai trưởng.

Bà cô của ông Lê Quang Túy là Lê Thị Kiêm lấy chồng ở làng Trường Hà, xã Vinh Phú, huyện Phú Vang. Do gia đình không có con nên ông Túy sang làm con nuôi của ông bà. Ông bà nuôi đã truyền nghề làm thuốc cho ông Túy, cho ông học chữ Nho rồi cưới vợ cho. Cũng chính vì vậy nên dù quê quán ở làng Bàn Môn, xứ Truồi, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, nhưng nơi chào đời và lớn lên của anh chị em Đại tướng Lê Đức Anh là ở làng Trường Hà, xã Vinh Phú, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là vùng quê nghèo, đất đai cằn cỗi nằm bên kia phá Tam Giang. Sau này có cây cầu Trường Hà nổi tiếng nối đôi bờ từng một thời cách sông trở đò. Việc học hành của Đại tướng Lê Đức Anh từ thuở nhỏ cũng vì thế mà hết sức gian nan.

Thân mẫu của đồng chí Lê Đức Anh là bà Lê Thị Thoa (1886 - 1967), cũng là người làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Bà là một người phụ nữ cần cù và chịu thương, chịu khó. Hai ông bà sinh được 13 người con, 4 người mất lúc nhỏ, còn lại 9 người. Mặc dù, ông Túy có thêm nghề thầy thuốc nhưng chủ yếu vẫn là làm việc thiện cứu người. Gia đình đông con nên ông bà phải tần tảo, bươn chải, vừa làm ruộng, vừa làm thuốc, vừa đi làm thuê kiếm sống. Mặc dù vậy, hai ông bà vẫn chăm lo cho con học hành.

Được sinh ra trong một gia tộc có truyền thống hiếu học và trên quê hương có truyền thống đấu tranh cách mạng, đồng chí Lê Đức Anh và các anh, chị, em của mình sớm được thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương. Chính tính nhẫn nhịn, chịu thương, chịu khó của phụ mẫu và người dân quê hương đã ảnh hưởng nhiều đến tính cách và chí hướng của đồng chí Lê Đức Anh và các anh, chị, em trong gia đình về sau này.

Đồng chí Lê Đức Anh sinh ngày 01/12/1920 tại gia đình ông bà nuôi ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế - một làng quê nghèo bên phá Tam Giang. Ở đây, ruộng canh tác ít, đất cát rất khó để gieo trồng, người dân quanh vùng phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm sống. Nạn đói kém, ốm đau, bệnh tật cộng với sự bóc lột hà khắc của chủ nghĩa thực dân, phong kiến nên đời sống nhân dân hết sức khốn cùng. Bản thân đồng chí Lê Đức Anh sau một trận dịch đậu mùa không có điều kiện để chữa trị, đã hỏng một bên mắt trái, đôi chân yếu ớt phải mất một năm mới đi lại được.

 Mặc dù, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đồng chí Lê Đức Anh đã sớm được gia đình chăm lo và cho đi học. Lên 5 tuổi, đồng chí được học chữ Nho tại nhà. Từ 6 tuổi đến 10 tuổi, đồng chí được học chữ Quốc ngữ ở làng Dưỡng Mong và Trường An Lương Đông của huyện Phú Lộc. Trong hồi ký của mình, đồng chí kể lại: “Trường xa nhà, nên buổi sáng đi học tôi thường nhịn đói. Ngày ấy, những đứa học trò nhà quê như chúng tôi không có giày dép, đi đâu cũng chân trần. Trên chặng đường tới trường ở Dưỡng Mong (nay thuộc xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang) phải qua một trảng cát, những ngày trời nắng, cát bỏng như rang, chúng tôi phải lấy những cái bẹ nan của cây tre, rồi dùng dây bẹ chuối cột dưới bàn chân để đi qua trảng cát cho đỡ bỏng chân”.

Năm đồng chí lên 11 tuổi, nạn đói kém, thất học hoành hành các làng quê Việt Nam như một thứ “giặc nội xâm”. Để không gián đoạn việc học, đồng chí Lê Đức Anh được bố mẹ gửi ra Nghệ An sống với gia đình người chị ruột. Bằng những bữa cơm nửa đói, nửa no với củ khoai, củ mì, những món “nhút” truyền thống xứ Nghệ và sự động viên hết mực của anh chị, đồng chí đã học hết bậc tiểu học và quay trở lại quê nhà ở Trường Hà, Vinh Phú.

Khi đồng chí Lê Đức Anh đến tuổi trưởng thành, bố mẹ nuôi của thân, phụ mẫu cũng lần lượt qua đời. Gia đình đồng chí chuyển về sống tại quê gốc ở làng Bàn Môn. Cũng chính nơi đây, đồng chí Lê Đức Anh đã được “dự thính” những cuộc chuyện trò của các bậc cha chú, những người luôn đau đáu với thời cuộc và bắt đầu hun đúc tinh thần cách mạng.

Một trong những người đã định hướng và góp phần vun đắp, bồi dưỡng tinh thần yêu quê hương, đất nước và từng bước hướng đồng chí Lê Đức Anh đến với chủ nghĩa cộng sản phải kể đến là đồng chí Lê Bá Dị - Bí thư Chi bộ ghép Phú Vang - Phú Lộc, một trong những chi bộ cộng sản đầu tiên ở Huế, cũng là người cậu họ của đồng chí Lê Đức Anh. Chính đồng chí Lê Bá Dị đã sưu tầm các loại sách, báo về tình hình trong và ngoài nước rồi đưa cho người thiếu niên sáng dạ Lê Đức Anh đọc và sớm khơi gợi tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng cho đồng chí Lê Đức Anh. Cũng chính vị tiền bối này đã kết nạp đồng chí Lê Đức Anh vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Nối tiếp truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương, các anh, chị, em của đồng chí Lê Đức Anh sau này đều tích cực tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Người chị gái đầu là Lê Thị Ngọc Tỉ cùng chồng là ông Trần Mạnh Kiệp đều tích cực tham gia hoạt động trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đều là liệt sĩ. Ông Trần Mạnh Kiệp từng là Xã đội trưởng. Năm 1947, trong lúc làm nhiệm vụ thì ông bị địch truy bắt và hy sinh tại đầm Cầu Hai, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Các con của ông, bà sau này cũng đều tích cực tham gia kháng chiến và có một người con trai là liệt sĩ.

Người chị thứ chín là Lê Thị Kha cùng chồng là anh Hồ Nguyên cũng tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Anh Hồ Nguyên là một trong những người đã dìu dắt, giúp đỡ và định hướng cho đồng chí Lê Đức Anh đến với cách mạng. Năm 1937, nghe tin đại diện Chính phủ Pháp sẽ sang điều tra tình hình ở Đông Dương chính anh Hồ Nguyên đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Đức Anh đi vận động lấy chữ ký của nông dân các làng vào danh sách yêu cầu đối với thực dân Pháp. Sau cuộc vận động, anh là người đã giới thiệu để kết nạp đồng chí Lê Đức Anh vào Đảng Cộng sản. Năm 1947, anh bị chỉ điểm, bị địch bắt và đã hy sinh không lâu sau đó.

Em gái đồng chí Lê Đức Anh - bà Lê Thị Xoan (thường gọi là Soan), tham gia cách mạng từ lúc còn trẻ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bà làm cán bộ Hội Phụ nữ cứu quốc huyện Phú Lộc. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bà làm Bí thư chi bộ làng Bàn Môn và bám trụ hoạt động trong một thời gian dài, sau đó bà bị địch bắt, kết án và giam vào nhà lao Thừa Phủ 3 năm. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà công tác tại Trường Trung cấp y tế Huế.

Ngày nay, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha ông, con cháu dòng họ Lê không ngừng nỗ lực phấn đấu trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh và lòng mong mỏi của các bậc sinh thành và tiền nhân.

Gia tộc họ Lê - nơi đã sản sinh ra người cộng sản ưu tú tài năng xuất sắc Lê Đức Anh, là một gia tộc có truyền thống hiếu học từ nhiều đời, có nhiều người từng làm quan dưới các triều đại phong kiến và có nhiều đóng góp cho dân tộc. Dưới chế độ thực dân, đế quốc xâm lược, mặc dù có lúc phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ nhưng đây là một trong những gia đình, dòng họ luôn giữ vững bản lĩnh, chí khí kiên trung, luôn giữ vững phẩm chất và lý tưởng vì sự nghiệp cách mạng, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước. Đúng như gia phả họ Lê đã biên chép lại: “Tổ tiên ta có lúc hy sinh gian khổ mà đầy khí phách, có lúc lầm than khó nhọc, rày đây mai đó nhưng cũng có lúc vinh quang, chói lọi với non sông”. Đây thực sự là một gia tộc đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương Phú Lộc nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung trong công cuộc đấu tranh chung của dân tộc.


HOÀNG KHÁNH HÙNG

SÁCH ĐỒNG CHÍ LÊ ĐỨC ANH VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM VÀ QUÊ HƯƠNG THỪA THIÊN HUẾ