Quay lại

Cái gì đúng là ông quyết liền

Tôi cùng Chi đội 1 với ông Lê Đức Anh thời chống Pháp, hồi đó gọi là “Chi đội Cò Trương”. Ông Anh chỉ thị cho Thái Quang Sa qua làm phong trào phụ nữ. Năm 1948, ông Anh dẫn bộ đội về đánh bốt Ba Trọn (ở xã Thuận Giao, giờ là Thuận An).
 

Tập kết ra Bắc tôi gặp ông đạp xe Vĩnh Cửu ở phố Hàng Bông. Lúc đó ông làm Phó cục trưởng Cục Tác chiến. Ông là đảng viên trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Lấy Trần Ngọc làm Tham mưu trưởng của Liên trung đoàn 301-310, người theo Đạo Cao Đài, rất tốt.

Năm 1964, tuy hai người đi hai đoàn khác nhau nhưng cùng vào chiến đấu trong miền Nam. Khi vô tội làm quân lực. Ông Anh đi cùng Năm Tâm, Ba Bính, Mười Ngọ (Trưởng phòng Quân nhu). Hồi đó tôi phụ trách tàu bè đường mòn trên biển, vì mình "mã" lại với cơ yếu. Suốt thời đó không hề bị lộ, tôi rất tự hào.

Lãnh đạo giao cho ông Anh nghiên cứu chuyện vô Sài Gòn. Ở Trảng Chiên ông nghiên cứu bản đồ, và ngay lúc đó ông đã phác ra “năm cánh quân”.

Năm 1965, tôi và ông đạp xe từ Trảng Chiên xuống Trạm 40. Tôi luộc khoai lang và hột gà (trứng). Ở đâu ra? Tự chăn nuôi! Tới Suối Dây, Bến Thí, Tha La (ngã ba Đồng Pan), đi đến trạm có nắm tay chạy ra kêu trở về vì nó không cho đi. Hôm sau tôi bảo kiếm năm xe đạp cho năm ông về, còn tôi và ông Anh ở lại. Cốt để gặp được bà Bảy Anh. Nhưng không gặp được.

Qua Ông Ba Trà đến đón nhỏ Hồng. Đi ngang qua không báo, mà dẫn đi luôn. Hôm sau mới vào báo ông Anh. Ông Anh bảo: “Ông này lạ! Con mình đi qua mà ổng không cho gặp”.

Năm 1966, địch mở cuộc càn Áttenborơ. Ông và ông Thanh họp ở Trung ương Cục. Ông điện về: “Cậu chuẩn bị 200 khẩu AK!”. Tôi nói: “Đâu có!”. Ông bỏ máy liền. Khi về ông bảo: “Tôi giao cho anh quản lý trang bị khi tôi đi ra Bắc họp. AK giờ đâu? Kiểm tra và báo cáo tôi”. Trời ơi! Trên tôi còn bao người chỉ huy: Ba Trà, Ba Trần, Ba Định..., lệnh thì tôi phải xuất. Tôi đưa cho ông khẩu AK, ông đưa lại, bảo: “Mày đưa cái này xuống Củ Chi!”.

Đến cuộc Gianxơn Xity, ở lại chỉ có sáu người: ông, tôi, Bình Minh và ba lính bảo vệ Minh tức Huỳnh Ngọc Đấu tức Hai Đấu).

Ngồi ăn cơm tôi nói: Anh em giờ tản cư hết, tôi theo anh như đi an dưỡng, thì khoẻ. Ông nói: “Ừ, an dưỡng! Chờ rồi chạy.” Và bàn hai việc:

Chiều nay tôi thay mặt Bộ Chỉ huy Miền thông qua Quyết tâm chiến đấu của Sư đoàn 9. Nó yêu cầu thì cậu làm công tác bảo đảm. Theo ý cậu điều Sư nào bảo vệ kho đạn ở biên giới Tây Ninh?

- Không Sư nào chịu nổi, bỏ chạy mà đạn nổ thì không sử dụng được. Tôi trả lời.

- Cậu nói sao?

- Chừ quân Mỹ nó tự dẫn xác ra đây cho ta đánh. Giờ nên phân phát kho vũ khí đưa về các “huyện” có hầm hào rồi, cho anh em dùng, còn thì bảo vệ. Nhiều lúc ta phải lần mò vô sào huyệt của chúng để đánh. Giờ nó tự ra cho ta đánh thì phát súng cho anh em.

- Sợ thất thoát.

- Cứ phát. Đánh xong còn bao nhiêu thì thu lại.

Và sau đó tôi báo cáo người phụ trách quân lực của Miền là ông Đỗ Đức, có văn bản của ông Đức trình, ông liền ký tên Sáu Nam.

Đoàn tiếp nhận hồi đó do ông Bùi Phòng làm Đoàn trưởng, Chính uỷ là ông Năm Thái (sau này làm Cục trưởng Bảo vệ). Lúc đó ông Thái nói là “Không được!”. Tôi đưa giấy ra. Ông bảo tôi: “Sao nãy không đưa?”. Và ông chấp hành. Tôi ra đón anh em vận chuyển, nói lấy gạo ít thôi, vô đây lãnh súng. Anh em mừng lắm. Tôi phát mỗi người một AK và súng B40, ba quả đạn. Hồi đó không phải cán bộ nào cũng muốn đánh đâu. Ông Sáu dặn: “Sư đoàn yêu cầu gì thì cậu đáp ứng”. Sư 9 lúc đó Năm Thành là Sư trưởng, Tạ Minh Khâm là Tham mưu trưởng, mấy ông yêu cầu ba triệu đạn 12,8 ly. Tôi nói - Đâu có! Ông Sáu liền giật áo tôi, nói khẽ: “Nó nói thế có nghĩa không thể có để đánh”. Tôi nói - Ừ! Thôi bảo đảm! Nó xin hai khẩu cối 120 ly để trang bị cho trung đoàn của Ba Hàm, trong khi nó có hai khẩu rồi. Súng thì có nhưng người đâu? Ra gặp Sáu Hoá, tôi bảo - Cậu xem có thằng nào là lính cối thì đưa tới. Cuối cùng cũng có cho nó phối thuộc. Thực ra chỉ để pháo kích vào Sóc Con Trăng, xong cho về. Đạn 12,8 ly chỉ có 8 vạn viên, anh phải giữ mà đánh - Tôi nói vậy. Khi chia tay Ba Hồng nói: - Thôi thôi! Thế này sao được, anh phải cho tôi cái giấy. Lúc đó Ba Hồng là Chỉ huy trưởng Trung đoàn 3 Sư đoàn 9. Hồi đó anh nào trụ lại để quyết chiến đấu thì dùng gì cho nấy, còn anh nào chạy thì lính ta gọi là “Sọc dưa”. Thực ra số vũ khí dự trữ này là để chuẩn bị cho Tổng tiến công Mậu Thân. Khi nó tổ chức cuộc hành quân tổng lực Gianxơn Xity để “tìm diệt cơ quan đầu não và chủ lực”, để “bẻ gãy xương sống” của Việt Cộng, thì các ông rút hết lên phía giáp biên giới Campuchia, nghĩa là ra ngoài tầm pháo. Sở Chỉ huy chỉ còn nhóm của ông Lê Đức Anh, tức là ông và mấy chúng tôi. Dưới Tà Đạt có anh Tư Diệp. Cơ quan Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền đều dời lên phía bắc lộ 7. Số ở lại cũng không nhiều lắm nhưng chất lượng rất cao vì toàn là lính chiến. Sở Chỉ huy tiền phương của chúng tôi cơ động linh hoạt giữa Sóc Ôm, Móc Câu, Cầu Bà Chiêm.

Tôi thấy ông Lê Đức Anh có nhiều cái kiên quyết. Đợt 2 ông ở Mỹ Hạnh. Ông chỉ huy mà lại xuống tận Ba Thu. Ông Sáu Nam thì chuyên mặc quần đùi, áo thun và thường phải bò vì ông cao quá, đi thẳng thì lộ dễ bị địch bắn.

Tôi đi đợt 3 với ông Trần Văn Trà. Ông bảo tôi hỏi còn bao nhiêu? Ông Sáu trả lời: “Theo Nghị quyết Quân uỷ dành DKB và DH 12 để đánh đô thị. Giờ có thay đổi gì không?”. Ông Trà nói: Thôi! Tôi viết điện trả lời.

Ngày 8-3-1970, ở Campuchia, Lon Non được Mỹ giật dây làm đảo chính lật Xihanúc. Ông Sáu (lúc đó đang ở Quân khu 9) điện về góp ý và đề nghị là “Lật cánh”. Ở biên giới ta có một trạm thu mua hàng, trên này cũng đang bán trúng ý của ông là “Lật cánh”. Nhưng rồi không thấy cấp trên quyết định nên thời cơ bị bỏ lỡ.

Thời gian chiến đấu ở Campuchia

Bữa đó họp Thường vụ, đặt vấn đề vì sao chất lượng bộ đội kém? Tôi bảo: - Chất lượng bộ đội đi đôi với cấp bậc, chức vụ tương xứng. Nếu cử 10 đồng chí thượng sĩ ra cuốc đất thì không bằng giao cho 10 binh nhất có một trung sĩ phụ trách. Ông liền tôi hỏi: - Tại sao? Tôi trả lời: - Hiện nay có rất nhiều đồng chí cùng đeo hàm thượng sĩ nhưng làm cả cán bộ phụ trách từ tiểu đội đến đại đội. Nói cụ thể hơn là tiểu đội trưởng mang hàm thượng sĩ, trung đội trưởng, rồi đại đội trưởng cũng đều là thượng sĩ. Trên giao chức vụ cho người ta mà không giao “sao” tương ứng. Bữa đó có mặt cả Mười Huy, Trưởng phòng Cán bộ; anh Huy nói rằng đây là sự khống chế của Bộ Quốc phòng điều vô. Ông hỏi: - Bây giờ tôi làm báo cáo, thì anh báo ai? Ông Huy bảo: - Trợ lý hồ sơ!. Ông bảo: - Tôi Thứ trưởng mà báo cáo Trợ lý hồ sơ, sao vậy?. “Vì có gặp được ai biết kỹ hơn ngoài Trợ lý hồ sơ. Ông nói đưa giấy cho ông. Chúng tôi đưa, ổng bảo: - Giờ tôi ký Quyết định sẵn. Các anh lên đó (ông giao cho tôi và Năm Tẩm tức Dương Cự Tẩm), lên các mặt trận hỏi ý kiến tập thể, ai làm được thì điền tên vô giao quân hàm thiếu uý cho họ. Sáu tháng sau kiểm tra, họ làm được thì phong trung uý. Đợt đó giải quyết được hơn 2.800 anh em. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ để nói lên ông là người rất quyết đoán nhưng cũng chịu lắng nghe cấp dưới. Khi nào thấy việc cần thiết thì ông quyết luôn.

Tôi và ông đi trực thăng lên Côngpong Thom. Khuya nghe đài thấy xảy ra chiến sự ở biên giới phía Bắc. Tôi vô giật võng ông, ông hỏi: - Cái gì? Tôi nói: - Anh bảo Sáu Ngọc kêu trực thăng để về. Ông bảo: - Đi năm ngày kia mà, sao lại về? Tôi nói: - Xảy ra chiến sự ở biên giới phía Bắc rồi Anh là Tư lệnh phải về. Thật không? - Dạ, thật! Và rồi chúng tôi trở về, ăn sáng xong vừa lúc có máy bay trực thăng lên là về liền. Qua đó thấy rằng mỗi khi ông thấy cái đúng là ông nghe liền.

Tôi sống bên ông cũng học được khá nhiều. Nếu gọi là điểm yếu, thì nhân vô thập toàn, bên cạnh cái mạnh, cái hay là cơ bản thì người ta ai chả có điểm yếu. Vậy cái yếu của ông Sáu Nam là ở chỗ ông chăm lo cho cấp dưới người nhiều người ít.

Ở Tổng tiến công Mậu Thân

Khi tôi đi kiểm tra thấy đạn một đường, súng một đường mà lại để xa nhau cách một ngày đường. Tôi bàn với anh Tư Anh, Trạm trưởng biên giới, mời vị Tỉnh trưởng Karachê là con rể Việt Nam cho mượn xe để chở đạn vô. Ông ta đáp ứng và còn chiêu đãi.

Khi về, ông Tấn hỏi: - Cậu có biết đạn bị lạc không? Tôi bảo - Có, nhưng tôi giải quyết rồi. Còn anh Năm Thái thì cự tôi: - Đường đó là của Quân ủy Miền, sao anh dám mở làm vận chuyển? Hồi đó con đường đó chỉ có bảo vệ mới được biết. Thì anh Tấn nói luôn: - Lẽ ra phải tốn năm triệu, nay mất có năm ngàn Riên, lại vận chuyển kịp thời, còn nói gì!

Khi đạn tới Xihanúcvin, tôi tới Phnôm Pênh nắm tình hình và làm kế hoạch phân phối, tổ chức các đơn vị tiếp nhận. Sự thật như vậy mà sách viết chưa đúng.

Năm 1961 tôi vô, lúc này Bộ Tư lệnh Miền đang củng cố chiến trường có sẵn, tập huấn cho cán bộ các nơi nên ông Trần Văn Quang lệnh không được chống càn vì sợ mất cán bộ của địa phương. Trong sử sách viết hai đơn vị bắn trực thăng là không đúng. Vì “Nhà trường không được chống càn”.

Ông Sáu Nam vô rất đúng lúc. Ông nhạy bén và quyết đoán. Ông với ông Trà là cặp bài trùng.

Khi ông đi chữa mắt ở Liên Xô về, nằm ở Tân Sơn Nhất. Tôi vô và nói với ổng: “Anh bảo, đánh thắng Mỹ thì đui cũng được. Giờ đánh xong rồi, anh lại sáng mắt, mắt lại đẹp như mắt đầm. Anh đưa tôi coi”. Ông biểu: - Đỡ lắm! Và cười. Ông giản dị vậy đó.

Đi đánh Bình Giã là hai trung đoàn. Trang bị súng cácbin, trường Mát (của Pháp cũ). Đạn rất ít nên làm kế hoạch xin trên. Đến hết đợt một thì có một tàu Không số chở vô được 70 tấn. Lúc này nhờ thế đã thay đổi được vũ khí trang bị: Mỗi tiểu đoàn có 60 khẩu tiểu liên AK, sáu khẩu B40, ba khẩu B41, và trung liên, đại liên. Mỗi trung đội được hai khẩu trung liên, nên bộ đội đánh sướng lắm.

Năm 1970, sau Mậu Thân. Tụi tôi bảo lột xác vì mất hết rồi. Lúc đó yêu cầu miền Bắc cho mỗi tiểu đoàn năm đại đội và có cả cán bộ khung; trước đây giao quân xong là khung trở ra. Vậy mà cũng được đáp ứng. Qua chuyện này, tôi ngấm chân lý “Miền Bắc là hậu phương lớn của chiến trường miền Nam” rất rõ. Không có miền Bắc thì không thắng được đâu.

Khi ông Anh nhận nhiệm vụ về Khu 9, biết rằng dưới đó có ba trung đoàn: 3, 10 và 20 và mười mấy tiểu đoàn, ông bảo chúng tôi: “Các cậu nhớ phân phối cho tớ đàng hoàng”. Tiễn nhau đi mà nước mắt cứ chảy vì biết rằng dưới đó đang rất ác liệt, đi xuống đó là sẵn sàng hy sinh.

Một chuyện nữa: Chỉ thị số 53 về “Người Hoa và người Việt gốc Hoa”. Thấy Ba Tường, tôi bảo nó đi bộ đội từ hồi còn nhỏ, giờ sao bảo người Hoa? Ông Anh bảo: - Đâu ? Đem vô! Và ông quyết định để Ba Tường trở lại công tác bình thường, ông nói: “Tôi sẽ chịu trách nhiệm”. Ba Tường lúc đó là Phó phòng Quân lực. Còn Hoàng Đình Quý, Chủ nhiệm Thông tin, đang ở mặt trận thì họ gọi về nghỉ! Rồi Hà Văn Đông, Trưởng phòng Quân nhu, về sau này lên đến Đại tá, Cục trưởng Hậu cần Quân khu 7, v.v ... Ông đã quyết giữ lại rất nhiều cán bộ tốt.

 

Đại tá Võ Thanh Hùng
Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước