Quay lại

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh chỉ đạo xây dựng bộ đội hoá học đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Đại tướng Lê Đức Anh là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng, đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quân đội. Trong thời gian trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (02/1987 - 8/1991), đồng chí đã cùng Quân ủy Trung ương đề xuất nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn và chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chăm lo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có Bộ đội Hóa học vững mạnh toàn diện, không ngừng phát triển và trưởng thành.
 

Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng dẫn đến sụp đổ. Ở trong nước, do duy trì quá lâu mô hình quản lý theo kiểu tập trung quan liêu, bao cấp, đất nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân và quân đội gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã định ra đường lối đổi mới sâu sắc, toàn diện, mở ra thời kỳ mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Về nhiệm vụ xây dựng quân đội, Đại hội chỉ rõ: “Xây dựng Quân đội nhân dân chính quy, ngày càng hiện đại, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, có tổ chức hợp lý, cân đối, gọn và mạnh, có kỷ luật chặt chẽ, có trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu cao”. “Thực hiện đúng cơ chế Đảng lãnh đạo đối với quân đội và sự nghiệp quốc phòng”2. “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển nền khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam”3. “Từng bước phát triển công nghiệp quốc phòng đi đôi với tăng cường tiềm lực kinh tế của đất nước...”4.

Thực hiện đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh đã trực tiếp chỉ đạo việc “nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức, biên chế, bố trí chiến lược của quân đội cho phù hợp với kế hoạch phòng thủ cơ bản trong thời kỳ mới”5, theo phương châm “số quân thường trực ít nhưng tinh nhuệ, hiện đại, cơ động linh hoạt”6; chỉ đạo đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm trang bị cho quân đội nhằm tạo sức mạnh phòng thủ đất nước.

Thực hiện ý định chấn chỉnh tổ chức, điều chỉnh lực lượng của Bộ trư­ởng Bộ Quốc phòng và sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham m­ưu, năm 1987, Binh chủng Hóa học tiến hành điều chỉnh tổ chức, giải thể các đơn vị Trường hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật hóa học; Khung tập huấn; Ban kinh tế; Ban chính sách; chuyển nhiệm vụ đào tạo hạ sĩ quan hóa học sang Trường Sĩ quan Phòng hóa và Trung đoàn 86; tập trung quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Năm 1988, điều chỉnh biên chế Trung đoàn 86 tăng từ 3 tiểu đoàn lên 6 tiểu đoàn. Thành lập mới 3 tiểu đoàn và điều chỉnh cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ Cơ quan hóa học phía Nam. Trường Sĩ quan Phòng hóa phát triển thêm nhiệm vụ đào tạo cán bộ sơ cấp, bổ túc chủ nhiệm hóa học trung đoàn, sư đoàn và tiểu đoàn trưởng, đào tạo hạ sỹ quan và nhân viên kỹ thuật trung, sơ cấp hóa học. Đồng thời, điều chỉnh vị trí đóng quân của các đơn vị Tiểu đoàn 901, Kho khí tài 61 và Tiểu đoàn 906 phù hợp với ý định của cấp trên.

Trong 3 năm (1989-1991), tiếp tục điều chỉnh biên chế cơ quan Bộ Tư lệnh và đơn vị trực thuộc theo hư­ớng gọn, nhẹ, giảm bớt trung gian, giảm quân số nhằm đưa hoạt động của các tổ chức, lực lượng đi vào chiều sâu, có chất lượng, phù hợp với yêu cầu mới. Trường Sĩ quan Phòng hóa có nhiệm vụ đào tạo sỹ quan chỉ huy, tiểu đội trư­ởng, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, bổ túc cán bộ, sĩ quan dự bị... Khối kỹ thuật cơ bản giữ như­ biên chế năm 1989-1990 nhưng tăng thêm một kho hóa học (28/02/1990 thành lập mới Kho K63). Giải thể Tiểu đoàn 906 và giao nhiệm vụ huấn luyện dự bị động viên cho Tiểu đoàn 905. Trung đoàn 86 được điều chỉnh rút gọn còn 03 tiểu đoàn (Tiểu đoàn 908 sáp nhập vào Tiểu đoàn 901 huấn luyện vũ khí lửa và khói; Tiểu đoàn 904 sáp nhập vào Tiểu đoàn 903 huấn luyện  tiêu độc, tẩy xạ; giải thể Tiểu đoàn 907 và 909; chuyển nhiệm vụ đào tạo tiểu đội trưởng hóa học cho Trường Sĩ quan Phòng hóa). Điều chỉnh vị trí đóng quân của trung đoàn.

Lực lượng hóa học toàn quân cũng được tổ chức sắp xếp lại theo quy định của Bộ: Tổ chức tiểu đoàn phòng hóa ở các quân khu, quân đoàn trực thuộc Bộ; đại đội phòng hóa ở các quân đoàn trực thuộc quân khu, quân chủng và sư đoàn đủ quân. Các sư đoàn khung rút gọn, khung thường trực, tỉnh đội có trợ lý hóa học.

Thực hiện chủ trương xây dựng, bố trí thế trận phòng thủ đất nước, trọng tâm là xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước; tháng 4/1989, Binh chủng tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn đồng bộ, toàn diện trong quân đội. Trên cơ sở đó quy định chức năng, nhiệm vụ các ngành có liên quan trong quân đội và đề nghị thành lập cơ quan phòng thủ dân sự ở các cấp để triển khai từng bước quy hoạch, kế hoạch phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn theo một kế hoạch thống nhất. Đến tháng 7/1990, Binh chủng tiếp tục tham mưu, đề xuất vấn đề khắc phục sự cố hóa chất độc. Xác định đây là một nhiệm vụ của cơ quan nhà nư­ớc có liên quan và là một nội dung trong kế hoạch tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố, cơ quan quân sự tỉnh tham mưu, dự kiến phương án, xác định cơ chế chỉ đạo, chỉ huy, hiệp đồng, huy động lực lượng, phư­ơng tiện khắc phục sự cố hóa chất nếu xảy ra. Những tham mưu, đề xuất này thể hiện vai trò, trách nhiệm của Bộ đội Hóa học đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Quán triệt tinh thần đổi mới trong huấn luyện chiến đấu, công tác huấn luyện giai đoạn 1986-1991 được các cơ quan, đơn vị trong Binh chủng triển khai toàn diện. Trong huấn luyện, các đơn vị từ cấp đại đội đến tiểu đoàn tăng cường tổ chức huấn luyện đêm, hành quân đường dài, diễn tập dã ngoại; luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, các phương án tác chiến; rèn luyện sức chịu đựng, bền bỉ dẻo dai; huấn luyện thuần thục kỹ thuật cơ bản cá nhân, kíp xe và tiểu đội; sử dụng thành thạo các trang bị, khí tài xe máy hóa học, nắm được nguyên tắc chiến thuật và hiệp đồng chặt chẽ cấp tiểu đội, trung đội, đảm đương được nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu ở cấp tiểu đội (kíp xe), trung đội trinh sát, tiêu tẩy và tiểu đội đặt đài quan sát khi có tình huống. Công tác chỉ đạo, điều hành huấn luyện sâu sát, chặt chẽ; cán bộ các cấp bám nắm thao trường nhiều hơn; tổ chức phương pháp huấn luyện, huấn luyện thực hành có tiến bộ; việc đánh giá kết quả huấn luyện đã đi vào thực chất hơn. Công tác huấn luyện từ năm 1987 đến năm 1991 đã quán triệt tốt tinh thần đổi mới, vận dụng tốt phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, tập trung vào khâu then chốt là huấn luyện thành thạo động tác kỹ - chiến thuật chuyên môn binh chủng, huấn luyện cán bộ và phân đội. Coi trọng đổi mới tổ chức, phương pháp huấn luyện cả ở đơn vị và nhà trường nên chất lượng huấn luyện được nâng lên, kết quả huấn luyện hằng năm đạt khá, giỏi. Cùng với đó, Bộ đội Hóa học đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xử lý sự cố hóa chất độc do vỡ các thùng chứa hóa chất cloropicrin tại Nhà máy thuốc lá Thăng Long (tháng 7/1988); giám định, kết luận khối kim loại lạ nghi là uranium tại Đà Nẵng (tháng 12/1988) giúp cho cơ quan chức năng có cơ sở xử lý một cách thỏa đáng. Kết quả khắc phục các sự cố trên khẳng định thêm Bộ đội Hóa học có đủ khả năng làm tốt nhiệm vụ khắc phục hậu quả hóa chất độc hại trong công nghiệp, cũng như­ chất độc tồn lưu sau chiến tranh.

Song song với công tác chấn chỉnh tổ chức lực lượng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; hiện đại hóa vũ khí trang bị là một nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đại tướng Lê Đức Anh quan tâm chỉ đạo sát sao, cần phải “Xây dựng công nghiệp quốc phòng tự chủ, có khoa học kỹ thuật tiên tiến, có lực lượng cán bộ và nhân viên khoa học ngày càng phát triển”. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hóa học tăng cư­ờng chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu, hiện đại hóa trang bị hóa học nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; xây dựng, phát triển lực lượng; bảo đảm phòng hóa cho các lực lượng vũ trang nhân dân khi xảy ra chiến tranh địch sử dụng vũ khí hủy diệt lớn. Trong đó, chủ động khai thác, tạo nguồn, tiếp nhận, bảo quản, khai thác, sử dụng có hiệu quả số trang bị kỹ thuật hóa học do Liên Xô và các nước anh em viện trợ, hạn chế thấp nhất hư hao, mất mát. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu khoa học như: nghiên cứu sản xuất mặt nạ phòng độc, khói nguỵ trang có điều khiển, nghiên cứu chế thử than hoạt tẩm xúc tác; nghiên cứu, cải tiến đạn B41 thành B41C, cải tiến súng M72, đạn cháy AC-70 với tầm bắn 1000m. Nghiên cứu chuyển hóa bột tiêu độc DT-2 (Dicloramin) thành DT-1 (Monocloramin); nghiên cứu các đề tài thuộc chư­ơng trình phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn (Chương trình 66A); nghiên cứu men sinh hóa dùng để phát hiện chất độc thần kinh độc tính cao; nghiên c­ứu than hấp phụ hơi khí độc từ nền than hoạt ép viên. Nghiên cứu chế thử pin CS dùng để kiểm tra độ kín mặt trùm; công trình phòng chống NBC. Triển khai xây dựng phương án tổng thể và dự án đầu tư nhà máy sản xuất mặt nạ. Công tác phòng hóa trong tác chiến bảo vệ biển, đảo; khắc phục sự cố hóa chất độc; công tác phòng hóa trong tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố... Chính nhờ sự quan tâm sâu sát của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sự nỗ lực cố gắng của Binh chủng nên khi không còn sự viện trợ trang bị hóa học của Liên Xô, Binh chủng vẫn chủ động bảo đảm tốt vũ khí trang bị kỹ thuật hóa học cho các đơn vị trực thuộc và toàn quân.

Như vậy, mỗi bước phát triển, trưởng thành của Bộ đội Hóa học đều gắn liền với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương, trực tiếp là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo đó, Bộ đội Hóa học đã từng bước chấn chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, cơ cấu hợp lý; điều chỉnh thế đứng chân trên các địa bàn, hướng chiến lược quan trọng, tạo ra sự biến đổi quan trọng về chất của lực lượng hóa học 3 thứ quân, làm nòng cốt bảo đảm phòng hóa cho các lực lượng vũ trang và nhân dân sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.

Quán triệt, vận dụng những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc; những năm qua, Bộ đội Hóa học không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu được nâng lên một bước. Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức có sự bổ sung, phát triển. Cùng với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, Binh chủng đã hoàn thành tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các chủ trương, giải pháp xây dựng và phát triển tiềm lực phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn cho đất nước, quân đội; khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; ứng phó sự cố hóa chất độc, sinh học, phóng xạ, hạt nhân (sự cố CBRN); phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ khác được Bộ Quốc phòng giao cho. Thực hiện gần 20 dự án, nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh. Xử lý hàng trăm sự cố CBRN, điển hình như xử lý ô nhiễm tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, Nhà máy Z121, Công ty Cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông... Trong đại dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Bộ đội Hóa học đã tổ chức tẩy độc, khử trùng, vệ sinh môi trường tại nhiều khu vực trọng điểm trên địa bàn cả nước, góp phần khống chế, không để dịch bệnh bùng phát mạnh trên diện rộng, kịp thời giúp nhân dân vùng bị dịch yên tâm, tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống dịch của cơ quan chức năng; góp phần giữ vững môi trường an ninh, an toàn để xây dựng, phát triển đất nước, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và quân đội, góp phần làm sáng rõ hình ảnh Bộ đội cụ Hồ trong thời bình. Đồng thời khẳng định khả năng, trình độ và vị thế của Bộ đội Hóa học trong bảo đảm phòng hóa và bảo vệ môi trường.

Trong những năm tới, Bộ đội Hóa học tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, xây dựng Binh chủng vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ bảo đảm phòng hóa cho lực lượng vũ trang và nhân dân; ứng phó sự cố CBRN, bảo vệ môi trường sinh thái quốc gia. Theo đó, tiếp tục xây dựng Binh chủng vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về “đối tượng”, “đối tác”; chủ động đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp, nguy hiểm, độc hại.

Chủ động nghiên cứu tình hình, dự báo, đánh giá đúng tình hình phát triển của vũ khí hủy diệt lớn trên thế giới; các thách thức an ninh phi truyền thống, trên cơ sở đó kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các giải pháp phát triển tiềm lực phòng, chống vũ khí huỷ diệt hàng loạt; các chủ trương, giải pháp chuẩn bị, ngăn ngừa, đối phó với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ cả trong thời bình và thời chiến, nhất là về tổ chức bảo đảm phòng hóa trong những hình thái tác chiến mới trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra). Tham mưu xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Binh chủng và xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Thực hiện các công ước, điều ước và cơ chế về không phổ biến vũ khí hủy diệt lớn mà Việt Nam là quốc gia thành viên, góp phần tạo sự tin cậy của cộng đồng quốc tế và môi trường hòa bình để phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ sớm.

Quy hoạch tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh, linh hoạt, phù hợp với điều kiện tác chiến, nghệ thuật tác chiến của Bộ đội Hóa học, có khả năng cơ động cao, cân đối, vững chắc trên các địa bàn chiến lược, mục tiêu trọng điểm, tạo thế trận phòng hóa vững chắc trong khu vực phòng thủ, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang đánh thắng chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt (nếu xảy ra), ngăn ngừa, ứng phó hiệu quả các tình huống CBRN trong thời bình. Tập trung ưu tiên hiện đại hóa 3 Trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân, Đội khắc phục hậu quả môi trường ASEAN và Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đề xuất, kiện toàn hệ thống cơ quan và phân đội hóa học quân khu, quân đoàn, binh chủng, sư đoàn, tỉnh, vùng hải quân...

Đầu tư mua sắm có chọn lọc trang bị, phương tiện hiện đại theo hướng đồng bộ, tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, phù hợp với khí hậu, thời tiết, môi trường hoạt động và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước để trang bị cho lực lượng hóa học chuyên môn, các phân đội hóa học làm nhiệm vụ chống khủng bố, khắc phục sự cố CBRN; xử lý môi trường đi thẳng lên hiện đại, từng bước nâng cao tỷ lệ bảo đảm trang bị hiện đại, công nghệ mới cho lực lượng hóa học toàn quân.

Đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, trọng tâm là huấn luyện lực lượng ứng phó sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân có đủ khả năng xử trí các tình huống phức tạp trên phạm vi cả nước, sẵn sàng tham gia khắc phục sự cố môi trường trong khu vực và quốc tế. Điều chỉnh nội dung, chương trình huấn luyện cho các đối tượng theo hướng toàn diện, chuyên sâu, theo chuẩn khu vực và quốc tế, phù hợp với nhiệm vụ và những thay đổi về phương thức, môi trường tác chiến và sự phát triển của vũ khí công nghệ cao. Thực hiện tốt phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, thực sự, thực tế, sát đối tượng tác chiến và địa bàn, mục tiêu đảm nhiệm. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện bản lĩnh, ý chí, tính kỷ luật, sức chịu đựng gian khổ trong môi trường độc hại; sáng tạo, linh hoạt trong xử trí các tình huống; có trình độ chuyên môn giỏi, khả năng cơ động cao, sử dụng thành thạo vũ khí trang bị có trong biên chế, làm chủ các trang bị mới, hiện đại. Coi trọng huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng ứng cứu sự cố CBRN sát với các tình huống xảy ra trong thực tiễn, bảo đảm đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ trên phạm vi cả nước cũng như trong khu vực ASEAN.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tạo ra những sản phẩm khoa học, công nghệ mang tính đột phá, trực tiếp phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh và bảo vệ môi trường. Tập trung cải tiến, hiện đại hóa các trang bị phòng hóa hiện có trong biên chế. Đặc biệt coi trọng ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để hiện đại hóa dây chuyền công nghệ sản xuất đã được đầu tư; chế tạo các trang thiết bị, vật tư phòng hóa. Hiện đại hóa hệ thống chỉ huy, các phòng thí nghiệm, hệ thống quan trắc, cảnh báo phóng xạ, hóa học, sinh học... Nghiên cứu, phát triển nghệ thuật sử dụng Bộ đội Hóa học trong các loại hình tác chiến, nhất là tác chiến bảo vệ biển, đảo, phòng, chống khủng bố, khắc phục sự cố CBRN.

Coi trọng xây dựng nguồn nhân lực phòng hóa chất lượng cao, làm nòng cốt bảo đảm phòng hóa trong lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ có kiến thức toàn diện, đủ khả năng lãnh đạo, chỉ huy tham mưu tác chiến hóa học trong tác chiến hiệp đồng quân binh chủng; có đủ khả năng làm chủ kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực hóa học, sinh học, hạt nhân; ứng phó sự cố CBRN; xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh...

Đại tướng Lê Đức Anh đã về cõi vĩnh hằng, song tấm gương tiêu biểu về phẩm chất đạo đức cách mạng suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cùng với những quan điểm, tư tưởng, chỉ đạo thực tiễn về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc của Đại tướng vẫn là những chỉ dẫn quan trọng để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hóa học tiếp thu, vận dụng vào xây dựng Bộ đội Hóa học “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 Thiếu tướng HÀ VĂN CỬ