Quay lại

Binh đoàn cánh Tây Nam

Khi nói về Mùa xuân đại thắng năm 1975, Đại tướng Lê Đức Anh cho rằng: “Nếu nói tới chiến thắng 30-4 mà chỉ nói nhiều đến đơn vị xe tăng của Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập thôi thì không đủ, mà phải thấy rõ cả 5 cánh quân từ 4 hướng”. Một trong 5 cánh quân đó là Binh đoàn cánh Tây Nam.
 

Sau này, khi đánh giá lại hoạt động của Binh đoàn cánh Tây Nam, các nhà nghiên cứu lịch sử quân đội đã đặt ra những vấn đề lý luận và thực tiễn cần tiếp tục nghiên cứu về tổ chức đơn vị chủ lực cấp quân đoàn  với trang bị khí tài hiện đại tại địa bàn đặc thù sông nước Nam bộ.
 

Từ Đoàn 232 đến Binh đoàn cánh Tây Nam

Sau chiến dịch đường 14 - Phước Long, Trung ương Cục miền Nam thông qua bước 2 kế hoạch mùa khô 1974-1975, trong đó chỉ thị giải phóng cho được đại bộ phận nông thôn đồng bằng, mở thông hành lang từ Tây Ninh xuống Quân khu 8, Quân khu 9, chia cắt tuyến quốc lộ 4 nối Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long.


Sư đoàn 5 (Binh đoàn cánh Tây Nam) đánh chiếm cầu Bến Lức chia cắt quốc lộ 4 trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
 

Từ kế hoạch này, Bộ Tư lệnh Miền thành lập một đơn vị chủ lực có quy mô cấp quân đoàn - Đoàn 232, gồm Sư đoàn 5, Sư đoàn 3, Trung đoàn 16, các đơn vị pháo binh, xe tăng, thông tin, công binh và cơ quan Đoàn bộ do Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà) làm Tư lệnh. Ngay lập tức, Đoàn 232 khẩn trương thực hiện nhiệm vụ mở hành lang trên hướng Tây Nam Sài Gòn, tiến công các vị trí mạn Tây sông Vàm Cỏ Đông, đánh chiếm Chi khu Dầu Tiếng, các căn cứ Suối Ông Hùng, Cầu Khởi Bến Cầu, Mộc Bài, Đức Hòa Tuyên Nhơn, Bình Thành, mở thông hành lang từ Tây Ninh xuống Kiến Tường.

Đầu tháng 4-1975, Đoàn 232 phát triển thành Binh đoàn cánh Tây Nam do Trung tướng Lê Đức Anh (Sáu Nam) làm Tư lệnh. Sau khi được bổ sung quân số và thiết bị vũ khí, ngày 9-4-1975, Binh đoàn nổ súng tiến công Chi khu Mộc Hóa, hệ thống đồn bót địch ở phía Bắc quốc lộ 4, giải phóng một vùng rộng lớn dọc bờ sông Vàm Cỏ Tây và kênh Bo Bo, hoàn thành nhiệm vụ chia cắt chiến lược, mở bàn đạp sẵn sàng đánh chiếm các mục tiêu được phân công trong thành phố Sài Gòn.
 

Một trong 5 binh đoàn tiến công giải phóng Sài Gòn

Ngày 26-4-1975, mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó Binh đoàn cánh Tây Nam phối hợp cùng các đơn vị khác và lực lượng vũ trang địa phương đảm nhiệm triển khai theo hướng Tây và Tây - Nam. Ngày 28-4, Binh đoàn tiến công vào tuyến phòng thủ trực tiếp thành phố Sài Gòn. Sư đoàn 3 đánh chiếm đầu cầu khu vực An Ninh - Lộc Giang, tổ chức vượt sông Vàm Cỏ. Sư đoàn 5 cắt đứt hoàn toàn quốc lộ 4 đoạn từ Bến Lức đến Long An. Sư đoàn 9 vượt sông Vàm Cỏ Đông vào vị trí tập kết tại Mỹ Hạnh, Đức Hòa. Các trung đoàn 24, 88 đánh chiếm các căn cứ mở rộng khu vực đứng chân phía Bắc Cần Giuộc và làm chủ đường số 5.

Ngày 29-4, Binh đoàn đồng loạt tiến công chặn và tiêu diệt các tập đoàn chủ yếu của địch ở vòng ngoài. Sư đoàn 3 đánh chiếm thị xã Hậu Nghĩa, các chi khu Đức Hòa, Đức Huệ và căn cứ Trà Cú, mở bến vượt sông Vàm Cỏ Đông. Sư đoàn 5 đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, giữ vững quốc lộ 4. Sư đoàn 9 vượt qua Mỹ Hạnh, Vĩnh Lộc, tiến vào hướng Bà Quẹo, Bà Hom. Sáng 30-4, Binh đoàn đồng loạt tổng công kích vào nội thành, góp phần cùng các lực lượng khác giải phóng thành phố Sài Gòn, kết thúc cuộc tổng tiến công và nổi dậy mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Binh đoàn cánh Tây Nam là bước phát triển tiếp theo nhằm thực hiện thắng lợi quyết tâm của Bộ Chính trị về kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Binh đoàn cánh Tây Nam thực hiện thành công nhiệm vụ chia cắt chiến lược Sài Gòn với miền Tây Nam bộ, thực hiện một đòn tiến công hiểm, từ phía sau vào hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn.
 

Đại tá PGS-TS HỒ SƠN ĐÀI