Quay lại

Bài học "thời cơ” nhìn từ Cách mạng Tháng Tám 1945

Cách đây ít ngày, tại buổi gặp mặt với chủ đề “Ký ức cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội” do Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức đúng vào chiều 19-8-2015, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phát biểu: “Bài học về Cách mạng tháng Tám cần tổng kết và nói kỹ, không chỉ để cho quá khứ, mà còn để vận dụng ở hiện tại và tương lai”.
 

Có lẽ, một trong những bài học quan trọng cần được nhìn nhận là câu chuyện nắm vững thời cơ cách mạng và vận dụng nó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
 

Phía sau những khuyến nghị về “thời cơ” và “hiểm họa”

Một “người trong cuộc” của cách mạng tháng Tám năm nay đã ở tuổi 95 là Đại tướng Lê Đức Anh, người từng chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở Lộc Ninh (Bình Phước) khi được hỏi về điều tâm đắc nhất đã nói: "Bài học về chọn thời cơ, chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi. Thời điểm đó, nếu ta phát lệnh khởi nghĩa sớm hơn cũng không được mà chậm hơn cũng không được”. Theo Đại tướng Lê Đức Anh, thành công của Cách mạng Tháng Tám đã nêu lên một mẫu mực về vấn đề tận dụng thời cơ, cơ hội thuận lợi mà quá trình cách mạng đã tạo ra. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước và cho đến ngày nay, giá trị chính trị, lý luận và thực tiễn đó đã được Đảng ta vận dụng một cách triệt để.

 

Thế nhưng, với cách nhìn phiến diện hoặc xét lại lịch sử, gần đây, lại có những ý kiến cho rằng, Đảng, Nhà nước ta chưa thấy hết được “thời cơ vàng” và “hiểm họa đen” nên đất nước chưa thể hóa “Rồng” như một số quốc gia khác đã giành độc lập, thoát khỏi chiến tranh sau mấy chục năm. Ở một khía cạnh khác, họ lại cho rằng, chúng ta không lường hết được “hiểm họa”, thụ động, hèn nhát trước những nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ. Họ đòi hỏi phải “cứng rắn”, “đứng lên”, “liên minh” này nọ. Đã xuất hiện những quan điểm, cách nhìn một phía, thiển cận, mơ hồ về đối tượng, đối tác, thời cơ, nguy cơ. Góp ý cho chiến lược của Đảng trước một kỳ Đại hội Đảng gần đây, có người khuyến nghị những điều tưởng như tâm huyết về “Tổ quốc trước hai hiểm họa”, nghe có vẻ bắt được nhịp thời đại nhưng tìm hiểu kỹ lại là một sách lược cực đoan, mù quáng. Để nắm thời cơ, xóa hai hiểm họa, theo ông ta, về đối nội phải xóa bỏ chế độ XHCN còn về đối ngoại phải tìm đồng minh chiến lược mới với các nước tư bản. Với tư duy thầy bói xem voi, thấy cây mà không thấy rừng, không ít “nhà dân chủ” khác nhân dịp chuẩn bị Đại hội XII của Đảng cũng đang vẽ ra những con đường “đổi mới” nào là “lần 1, lần 2, lần 3” mà thực chất là kêu gọi thay đổi thể chế chính trị, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.
 

Cẩn trọng trước cái gọi là “thời cơ vàng”

Bài học chớp thời cơ của cách mạng tháng Tám không phải là bài học của sự phiêu lưu, liều lĩnh. Đúng như Đại tướng Lê Đức Anh nói nếu muốn khởi nghĩa sớm hơn cũng không được mà muộn hơn cũng không xong. Nên nhìn nhận bài học xử lý thời cơ từ chính những người đứng đầu khởi nghĩa ở Nam Bộ như Giáo sư Trần Văn Giàu. Bài viết “Những điều ít biết về khởi nghĩa ở Nam Bộ” đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 19-8-2015 cho biết, Xứ ủy Nam Kỳ đã 3 lần họp bàn tính thời điểm khởi nghĩa và nhận thấy khong thể manh động khi quân Nhật ở Sài Gòn còn quá đông. 

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam, trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu - TTXVN

Trong giai đoạn đổi mới hiện nay cũng vậy, không thể “đốt cháy giai đoạn”. Phê phán quan điểm mơ hồ, ảo tưởng khi cho rằng "chúng ta lần đầu tiên trong hai thế kỷ không có kẻ thù chiến lược", trừ phi "chúng ta tự chuốc lấy kẻ thù cho mình’, đây là thời cơ vàng mà nếu bỏ lỡ là lỗi của chúng ta”, GS Trần Thanh Đạm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, một trí thức trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp từng thẳng thắn coi quan điểm này là những mũi tên ngầm có tẩm thuốc độc bên trong. “ Trong cái lời lẽ rổn rảng ca ngợi thời cơ vàng là các luận điểm chủ quan như: Việt Nam hiện nay không có kẻ thù chiến lược; không nên tự chuốc kẻ thù cho mình. Các cường quốc ngày nay hình như chỉ làm điều tốt lành cho thế giới và cho Việt Nam. Hoa Kỳ hình như không hề bao vây, cấm vận để bóp nghẹt Việt Nam mà đã tạo những thời cơ để Việt Nam ký hiệp định thương mại nhưng Viêt Nam đã mấy lần bỏ lỡ nhịp. Hình như mọi tiến bộ và thành công của chúng ta trong việc cải thiện môi trường quốc tế, quan hệ đối ngoại của chúng ta không phải do cuộc đấu tranh kiên quyết, kiên trì của chúng ta, không phải do thế và lực của Việt Nam về nhiều mặt đã tốt lên, mạnh thêm mà là do thiện chí của các cường quốc luôn luôn ban cho chúng ta, còn chúng ta thì vì "lập trường" nên không biết lợi dụng và tiếp nhận đầy đủ các ân huệ đó v.v... Rõ ràng đó là những nhận định rất chủ quan và phiến diện về tình hình quốc tế và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta”. 

Những người hồn nhiên cổ súy cho những “thời cơ vàng” từ bên ngoài có lẽ nên hiểu câu châm ngôn không có bữa tiệc nào miễn phí và cũng nên đọc cuốn sách “Chiến tranh tiền tệ” của tác giả Song Hong Binh. TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện nghiên cứu Tin học và kinh tế ứng dụng khi viết lời tựa cho cuốn sách này đã nhận xét: Cho đến khi đọc cuốn sách “Chiến tranh tiền tệ”, chúng ta mới chợt giật mình nhận ra một điều kinh khủng rằng, đằng sau những tờ giấy bạc chúng ta chi tiêu hàng ngày là cả một thế lực ngầm đáng sợ - một thế lực bí ẩn với quyền lực siêu nhiên có thể điều khiển cả thế giới rộng lớn này… Đó là một cuộc chiến mà đồng tiền là súng đạn và mức sát thương thật là ghê gớm. “Chiến tranh tiền tệ” giúp chúng ta hiểu nhiều điều như Bill Gates chưa phải là người giàu nhất hành tinh, vì sao phố Wall lại mạo hiểm đổ hết vốn liếng của mình cho việc “đầu tư” vào… Hitler. 

Không nên ảo tưởng, mơ hồ khi có trong tay cuộc sống hòa bình hôm nay. Nên nhớ tới thông điệp Tổng thống Mỹ Ri-gân, một người có nhiều sách lược chống cộng sản từng đưa ra: “Chấm dứt chiến tranh không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ, cái giá phải trả cho hòa bình là ngàn năm đen tối cho các thế hệ sinh tại Việt Nam về sau. Tôi và bạn đều biết hòa bình dù có đẹp cách mấy cũng không có ý nghĩa gì nếu nó được mua với cái giá gông cùm và nô lệ”. Sự thật sau những lời mỹ miều ấy được bóc trần khi Ri-gân tuyên bố: “Chúng ta nên làm gì để có được hòa bình? Chỉ một cách, rất đơn giản. Có một ý nghĩa trong câu nói của Barry Goldwater: “Hòa bình qua sức mạnh.”

Không thể nhân danh thời cơ vàng để đề nghị Đảng cưỡi một con ngựa không cương hay cầm lái một chiếc xe không phanh chỉ để tăng trưởng kinh tế thật nhanh. Không thể thay đổi thể chế và đường lối kinh tế tùy tiện để rồi đánh mất độc lập, tự chủ; mất ổn định chính trị, đa nguyên, đa đảng…sẽ chỉ tạo đất cho những vòi bạch tuộc ngoại bang. Ngược lại, chính hòa bình, ổn định mới là điều kiện hàng đầu cho sự phát triển. Những bài học từ sự bất ổn trên chính trường Thái Lan gần đây cho thêm chúng ta những bài học quý về giữ gìn hòa bình và ổn định để phát triển đất nước. Nhìn từ bài học đau xót của Liên Xô, nhà cách mạng Fidel Castro đã gọi sự sụp đổ của Liên Xô là cuộc tự sát của cách mạng, bởi vì họ đã trở thành nạn nhân của chủ nghĩa cơ hội từ bên trong. Chúng ta cần hết sức cảnh giác đối với những xu hướng cơ hội, xét lại về chính trị, nhất là trong bối cảnh hoạch định đường lối chiến lược trước thềm Đại hội XII của Đảng hiện nay.
 

Không một phút xao nhãng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Nhận thức thời cơ và nguy cơ luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu của Đảng trong lãnh đạo cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công”. Nhưng nhận thức thời cơ và nguy cơ phải trên quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển. Đánh giá thời cơ và nguy cơ với Đảng ta luôn phải xuất phát từ hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Trong điều kiện hòa bình, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm song không vì thế mà xem nhẹ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Xin được nêu một bài học từ chính quốc đảo Xin-ga-po. Ông Lý Quang Diệu, trong cuốn sách “ Bí quyết hóa Rồng” đã chia sẻ kinh nghiệm: Ngay sau khi tuyên bố độc lập, một trong những nhiệm vụ hàng đầu ông ưu tiên là phải bảo vệ đất nước, xây dựng quân đội, mua sắm vũ khí. “Mối quan tâm kế tiếp của tôi là phải bảo vệ đất nước này. Chúng tôi phải làm thế nào để nhanh chóng xây dựng một số lực lượng phòng thủ, cho dù chỉ mới là bước đầu? Chúng tôi phải làm nhụt chí, và nếu cần thì ngăn chặn bất kỳ hành động điên cuồng nào của những kẻ quá khích”. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “vị tướng của hòa bình” cũng để lại cho chúng ta bài học quý về sự cảnh giác khi chúng ta được yên ấm trong cuộc sống hòa bình. Trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, khi được hỏi về việc Việt Nam cần làm gì khi đã hòa bình, xung đột đã chuyển sang các lục địa khác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Chúng ta đang phải đối mặt với một tình hình thế giới khó khăn và chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Hiện nay, người ta đang nói nhiều về các cuộc chiến tranh phòng ngừa, hạnh phúc của nhân dân bị áp đặt bằng vũ lực hoặc bằng các quy luật thị trường. Chúng ta không thể dự đoán những gì có thể xảy ra... Giới trẻ phải học cách trân trọng giá trị của hòa bình…”..

Bài học từ cách mạng tháng Tám cũng cho thấy, chớp thời cơ, ít đổ máu để đi tới thành công không đồng nghĩa với “tay không bắt giặc” mà phải gắn liền với xây dựng lực lượng, chuẩn bị cách mạng qua nhiều cao trào lớn để tạo ra sức mạnh vật chất thực sự. Chiếc nỏ thần bảo vệ Tổ quốc chính là sức mạnh nội sinh của Tổ quốc. Mà sức mạnh quốc phòng chỉ có được khi có sức mạnh kinh tế, khi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thành công. Để bảo vệ Tổ quốc có nhiều việc phải làm nhưng Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã vạch ra những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về bảo vệ Tổ quốc rất xác đáng, đó là: Giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước; đồng thời luôn nêu cao cảnh giác, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, xâm lược của các thế lực thù địch; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Nguồn: Nguyễn Văn Minh - QĐND