Quay lại

Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với chiến lược bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc (1987 - 1991)

Trải qua 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 - 1975) và hai cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam, phía Bắc của Tổ quốc đã khẳng định Đại tướng Lê Đức Anh là nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, nhà chỉ huy quân sự tài ba, vị tướng xông pha nơi chiến trường với những quyết định đúng đắn, táo bạo, sát thực tiễn.
 

Năm 1987, năm đầu tiên quân và dân ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, cũng là năm đầu tiên Bộ đội Biên phòng thực hiện Quyết định số 419/QĐ-QP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuyển đổi cơ chế chỉ huy theo 3 cấp (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố, đặc khu; đồn biên phòng, các đơn vị cơ động, các hải đoàn) trong bối cảnh các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh phá hoại nhiều mặt với nhiều phương thức,
thủ đoạn mới tinh vi và thâm độc hơn. Trên tuyến biên giới phía Bắc, 
đối phương vẫn đóng và chốt giữ nhiều điểm cao, sâu trong lãnh thổ nước ta, thường xuyên pháo kích và gây xung đột trên biên giới (riêng hướng Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên, địch vẫn thường xuyên duy trì bố trí 3 sư đoàn chủ lực thuộc Tập đoàn quân số 27; củng cố và triển khai 5 sư đoàn biên phòng trên toàn tuyến), đ­ưa lực l­ượng vũ trang xâm nhập tuần tra, phục kích, tập kích sang đất ta, tăng c­ường hoạt động gián điệp, tình báo và tiến hành chiến tranh phá hoại nhiều mặt. Bên cạnh các hoạt động vũ trang, Trung Quốc còn tăng cường các thủ đoạn chiến tranh tâm lý, tuyên truyền, xuyên tạc, kích động nhằm làm giảm lòng tin của nhân dân ta đối với Đảng và Nhà nước. Tình hình an ninh, trật tự ở khu vực biên giới phía Bắc diễn biến phức tạp.

Trước tình hình đó, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh trực tiếp chỉ đạo các đơn vị tập trung mọi nguồn lực chăm lo đời sống bộ đội, ổn định tư tưởng, xác định quyết tâm bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc; cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước định hướng, chỉ đạo vận dụng đúng đắn đường lối chính trị, quân sự của Đảng, từng bước xây dựng kế sách giữ nước một cách toàn diện, tập trung củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; đã cùng xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang ba thứ quân; chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc và làm tốt nghĩa vụ quốc tế.

Sau khi được bổ nhiệm Tổng Tham mưu trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh đã đi thị sát dọc vùng biên giới các tỉnh phía Bắc, trực tiếp kiểm tra, nắm tình hình tại các khu vực trọng yếu, trong đó có mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) và báo cáo đề xuất với Bộ Chính trị, lùi quân chủ lực về tuyến sau, tập trung phòng ngự chiến lược để giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, góp phần giảm căng thẳng, đối đầu, kết thúc cuộc chiến tranh, từ đó định ra chiến lược và sách lược của công tác đối ngoại biên giới. Đề xuất của Đại tướng Lê Đức Anh được Bộ Chính trị nhất trí thông qua với chủ trương điều chỉnh chiến lư­ợc, đư­a quân đội về tuyến sau, tăng c­ường lực lượng bộ đội biên phòng lên phía trước, bố trí bổ sung quân số, thành lập ở mỗi xã biên giới một đồn biên phòng; tổ chức xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc dọc tuyến biên giới, sẵn sàng đối phó với chiến tranh xâm lược và chống các hoạt động tình báo, gián điệp, biệt kích, thám báo, chiến tranh tâm lý, chiến tranh phá hoại. Giai đoạn này, nhiệm vụ chủ yếu của bộ đội biên phòng là xây dựng thế phòng thủ vững chắc kết hợp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phá hoại và chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ T­ư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo bộ chỉ huy bộ đội biên phòng các tỉnh phía Bắc tiếp tục duy trì quản lý biên giới theo hiện trạng (Hiệp ư­­ớc Pháp - Thanh năm 1885), chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ nước ta của địch; thay đổi ph­­ương thức hoạt động linh hoạt, phù hợp với tình hình trên biên giới, tập trung lực lượng, ph­ương tiện chuyển hoạt động lên phía tr­­ước, tổ chức thêm 74 đồn biên phòng (mỗi xã một đồn), nâng tổng số lên 146 đồn, 25 huyện biên phòng để thay thế các đơn vị quân chủ lực; tăng cường tuần tra, mật phục thay cho bố trí chốt điểm cao; tăng cường tuần tra, kiểm soát (lưu động, bất ngờ, có trọng điểm); xây dựng đài quan sát, nắm chắc tình hình nội, ngoại biên, hoạt động quân sự và các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ của phía Trung Quốc; lập hồ sơ các điểm chốt trên biên giới, các điểm lấn chiếm (xâm canh, xâm cư­)­; kiên quyết ngăn chặn, đấu tranh chống âm m­­ưu đẩy dân di c­­ư trở về hoặc lập làng, bản lấn chiếm biên giới. Các đơn vị bộ đội biên phòng khẩn trương xây dựng và bổ sung phương án chiến đấu bảo vệ đồn, trạm, bảo vệ địa bàn; tham gia tổ chức diễn tập phương án cụm làng xã chiến đấu gắn với diễn tập chiến đấu phòng thủ biên giới; triển khai xây dựng và sử dụng hiệu quả các công trình phòng thủ biên giới không để bị tập kích, phục kích bất ngờ; có phương án chiến đấu đánh biệt kích, thám báo xâm nhập, tập kích; xây dựng kế hoạch truy lùng gián điệp, biệt kích xâm nhập qua biên giới, đấu tranh ngăn chặn hoạt động chiến tranh tâm lý và chủ động đối phó các tình huống xảy ra trên biên giới.

Thực hiện chủ tr­ương từng b­­ước bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc của Đảng và Nhà nư­ớc ta, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ Tư­ lệnh Bộ đội Biên phòng đã quán triệt, chỉ đạo thực hiện 10 đối sách biên phòng, chuyển phương thức hoạt động ra phía trước bảo vệ vành đai biên giới, tập trung quản lý, bảo vệ biên giới chặt chẽ, có chiều sâu, hạn chế xung đột, giảm các hoạt động vũ trang; từng b­ước làm cho tình hình quan hệ hai bên biên giới giảm căng thẳng, đối đầu; chuyển hướng sang đấu tranh chính trị, đấu tranh nghiệp vụ chống các hoạt động gián điệp, tình báo, chiến tranh tâm lý, chủ động đối phó với âm mưu phá hoại biên giới của địch, không để chúng xâm nhập gây thiệt hại cho nhân dân. Công tác kiểm tra, kiểm soát biên giới được đẩy mạnh bằng các biện pháp công khai và bí mật nên đã từng bước ngăn chặn có hiệu quả hoạt động xâm nhập của lực lượng vũ trang đối phương. Bộ đội Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu hàng chục trận chống thám báo địch xâm nhập tập kích, phục kích và phá hoại, tiêu diệt 112 tên, làm bị thương nhiều tên, phá hủy 2 trận địa cối 12 ly của địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược. Mặc dù tình hình biên giới diễn biến phức tạp, hoạt động chống phá trên các lĩnh vực của địch liên tục diễn ra (vi phạm chủ quyền, xâm nhập, tập kích, đẩy dân di cư trở về, chiến tranh tâm lý...) nh­­ưng với sự chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư­ lệnh Bộ đội Biên phòng đã hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Cuối tháng 02/1987, tại “Nhà Con Rồng” - Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng diễn ra cuộc họp “Bộ Chính trị hẹp”. Đại tướng Lê Đức Anh báo cáo toàn bộ tình hình biên giới phía Bắc và đề xuất thực hiện “phá thế bao vây cấm vận của Mỹ và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, tìm cách gia nhập ASEAN”. Bằng những dẫn chứng thực tế, những phân tích đánh giá sát đúng, những đề xuất táo bạo và sắc sảo của Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ Chính trị đã nhất trí thông qua. Nội dung báo cáo tập trung giải quyết tình hình ở biên giới phía Bắc, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Đồng thời, từ thực tiễn quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia định ra chiến lược và sách lược của công tác đối ngoại, mở rộng quan hệ với các nước ASEAN và từng bước gia nhập tổ chức này, đưa nước ta từng bước hội nhập thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cuối năm 1987, tình hình trên các tuyến biên giới có những diễn biến mới. Trên tuyến biên giới phía Bắc, tình trạng đối đầu về quân sự giảm, nhưng đối phương tiếp tục tăng cường các hoạt động lấn chiếm biên giới, xâm nhập vũ trang, phục kích bắt cóc cán bộ và nhân dân, chiến tranh tâm lý... Trước yêu cầu giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới trong tình hình mới, ngày 30/11/1987, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW, quyết định chuyển giao bộ đội biên phòng sang trực thuộc Bộ Nội vụ.

Đại tướng Lê Đức Anh, lúc này với vai trò Ủy viên Bộ Chính trị đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo bộ đội biên phòng tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới theo quan điểm: “Cách tốt nhất giữ vững an ninh biên giới là đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, xây dựng một nếp sống văn hóa lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, sống hòa hợp hữu nghị với đồng bào dân tộc ở phía bên kia biên giới. Muốn làm được như thế thì lực lượng biên phòng phải làm nòng cốt, cùng dân tham gia sản xuất, hướng dẫn giúp đỡ dân ra làm ăn, sinh sống sát đường biên. Phải tích cực và gương mẫu trước dân trong mọi hoạt động..., phải làm sao cho vùng biên giới trở nên sầm uất, đông vui, đường sá giao thông thuận lợi, giao lưu kinh tế, văn hóa dễ dàng”. Để giữ vững an ninh biên giới, ngoài chú ý phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội còn phải “giáo dục, phổ biến cho dân thấy cần phải tôn trọng đường biên giới, không được sang xâm canh, xâm cư trên đất bạn, giữ vững mối quan hệ tình nghĩa láng giềng thân thiện. Hoàn cảnh kinh tế của đồng bào bên nước bạn cũng có thể có những khó khăn, trong điều kiện có thể, ta nên sẵn lòng hỗ trợ giúp bạn, nhất là những nhu yếu phẩm, gạo, muối, thuốc chữa bệnh... Tạo mối quan hệ tôn trọng và giúp đỡ nhau thì sẽ ngăn chặn được âm mưu phá hoại của kẻ địch, giữ vững an ninh biên giới, bảo đảm ổn định chính trị xã hội, phát triển kinh tế, nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân”2. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chủ động phối hợp với các lực lượng vũ trang phát huy sức mạnh tổng hợp và hiệu lực của cơ chế chỉ huy mới, đổi mới tư duy trong công tác biên phòng và xây dựng lực lượng vững mạnh về mọi mặt, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt, chiến tranh lấn chiếm biên giới và các hoạt động phá hoại của đối phương.

Cuối năm 1988 đầu năm 1989, tình hình tuyến biên giới phía Bắc giảm dần đối đầu về quân sự. Những tranh chấp, bất đồng trên biên giới được lực lượng bảo vệ biên giới hai bên hiệp thương giải quyết, báo cáo lên Chính phủ hai nước, tránh xung đột căng thẳng; tiếp tục phối hợp xây dựng hiệp đồng để bảo vệ an ninh biên giới và có kế hoạch hướng dẫn thực hiện. Thực hiện Thông báo số 118/TB-TW ngày 19/11/1988 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc cho phép cư dân hai bên biên giới Việt Nam - Trung Quốc được qua lại thăm thân và mua bán, trao đổi hàng hóa thiết yếu phục vụ cho đời sống và sản xuất; từ đó tạo cơ sở bước đầu thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta để từng bước bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Các đơn vị bộ đội biên phòng khẩn trương xây dựng kế hoạch khảo sát đơn phương tuyến biên giới phía Bắc, hoàn chỉnh tài liệu về đường biên, mốc quốc giới trên bộ phục vụ đàm phán và hoạch định biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Bộ đội biên phòng đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo những giải pháp của Đại tướng Lê Đức Anh về bảo vệ biên giới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Theo chức trách, nhiệm vụ được giao, các đơn vị bộ đội biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc nếu đối phương xâm chiếm đất đai; đồng thời chú trọng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn đường biên, mốc giới, vùng biển; bảo vệ an ninh trật tự ở khu vực biên giới, bảo đảm cho nhân dân làm ăn, sinh hoạt bình thường, ngăn chặn vượt biên trái phép, xâm canh, xâm cư và các hành vi lấn chiếm khác.

Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 14/10/1991, Bộ Nội vụ ra Chỉ thị số 08/CT-BNV về “Công tác an ninh, trật tự thực hiện chủ trương bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc”. Đối với nhiệm vụ biên phòng, Bộ Nội vụ giao Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng chủ trì phối hợp với các lực lượng liên quan xây dựng và thực hiện quy chế hiệp đồng bảo vệ an ninh biên giới, xây dựng phong trào quần chúng, củng cố cơ sở các xã biên giới; tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (bố trí lại lực lượng, phương tiện ở các cửa khẩu, tổ chức quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập biên theo đúng quy định hiện hành và thỏa thuận giữa hai nước).

Sau hai năm thực hiện Thông báo số 118/TB-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và qua nhiều lần đàm phán các cấp, để có cơ sở cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia phù hợp với xu thế chung của hòa bình, hợp tác và phát triển vì lợi ích của nhân dân Việt Nam - Trung Quốc và sự ổn định khu vực và quốc tế, ngày 07/11/1991, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ký kết Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới hai nước, gồm 7 chương, 14 điều. Hiệp định tạm thời quy định việc thực hiện và phối hợp giải quyết những vấn đề nảy sinh trên biên giới trên cơ sở tôn trọng độc lập của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình. Việc hai bên ký Hiệp định tạm thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền và góp phần tăng cường quan hệ giao lưu buôn bán ở vùng biên giới, củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Lịch sử Việt Nam đã bước sang trang mới, những công lao to lớn của Đại tướng Lê Đức Anh được Tổ quốc, nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận. Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại trong lòng nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ hình ảnh một vị tướng tài năng về quân sự, giỏi về ngoại giao, luôn thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sống trung thực, giản dị, sâu sắc, nhân văn trong cuộc sống, giàu lòng vị tha, được nhiều người vô cùng yêu mến. Những quan điểm về bảo vệ biên giới của Đại tướng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng ghi nhớ, trân trọng và làm theo trong thực hiện quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.


Thiếu tướng LÊ ĐỨC THÁI