Quay lại

Hai lần tôi được sát cánh cùng anh Sáu Nam chỉ huy chiến đấu ở hai thời điểm then chốt của cuộc chiến tranh

Tôi vào Nam từ đầu năm 1961. Khi anh Trần Văn Trà vào mới chuyển từ Ban Quân sự lên thành Bộ chỉ huy quân sự Miền.

Đầu năm 1964, Anh Sáu (Lê Đức Anh) đang trên cương vị Phó tổng Tham mưu trưởng vô cơ quan Tham mưu Miền, làm Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền nên cũng thuận lợi. Lúc đó cơ quan Tham mưu mới chuyển lên thành Cục Tham mưu Miền. Cơ quan Tham mưu có nhiều bộ phận, anh Sáu là người có công xây dựng Cục Tham mưu. Đa phần anh em cán bộ của Cục Tham mưu là anh em tập kết về, tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ rất cao. Anh Sáu là người rất có uy tín.

Trận Gianxơn Xity: Lúc đó tôi làm Chính uỷ và anh Hoàng Cầm làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9. Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miện đều rời sang bên kia biên giới, ngoài tầm pháo của địch. Trên có ý định điều anh Hoàng Cầm lên thay anh Sáu làm Tham mưu trưởng để anh Sáu lên làm Phó tư lệnh Bộ chỉ huy Miền. Anh Cầm vừa lên cơ quan Bộ chỉ huy Miền, đang nằm chờ thì quân Mỹ đánh vô. Tôi nghe anh Sáu nói với anh Hoàng Cầm: "Giờ mình làm Tỉnh đội trưởng, chỉ huy đánh, mở kho súng phát cho anh em".

Sáu ngày đầu địch đi đến đâu bị đánh tới đó. Anh em bảo chỉ có ông Sáu Nam từ Tham mưu trưởng đóng vai Tỉnh đội trưởng mới tổ chức cho anh em đánh tốt như thế. Nếu không có 6-7 ngày các anh đánh trước, nổ súng kìm chân quân địch lại, thì nó còn hung hăng lắm. Cuộc phản công đó anh em đánh rất tốt, đến đội chiếu phim cũng được thưởng Huân chương. Đồng chí Hữu được tuyên dương Anh hùng Quân đội, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành được thưởng Huân chương Chiến công hạng 3, sau này làm Giám đốc Bệnh viện Thống nhất.

Do các anh đánh tốt, đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, nên Sư đoàn 9 đã không gặp nhiều khó khăn khi chúng tôi triển khai tiến công đánh địch. Những trận đấu chúng tôi đánh không dứt điểm và đã tổ chức kiểm điểm vì không nắm chắc địch. Lúc đó quân Mỹ dùng pháo 150 ly bắn dọc đường đá đỏ từ Bàu Cỏ Bắc lên ngang suối Tha La (ranh giới Dương Minh Châu và chiến khu D) nên ta không đánh được. Tôi cho họp kiểm điểm - kiểm điểm để đánh được. Lúc đó anh Sáu Khâm làm Tham mưu trưởng tạm thay vị trí chỉ huy của anh Hoàng Cầm. Đồng chí Sáu Tòng đang làm Chính uỷ Trung đoàn 1 về làm Sư đoàn phó. Đồng chí Sáu Thượng, Phó chính uỷ lên làm Chính uỷ Trung đoàn 1. Lúc đó tôi đích thân điện đề nghị với Bộ chỉ huy Miền là đừng để anh Hoàng Cầm đi làm "Phái viên chỉ đạo" nữa, mà điều trở lại làm Chỉ huy trưởng Sư đoàn 9. (Ý của trên rút anh Hoàng Cầm về làm Tham mưu trưởng, tôi lên làm Chính uỷ kiêm Chủ nhiệm Chính trị, để anh Sáu Nam đi Quân khu 9). Sau khi đề nghị của tôi được chấp thuận thì đơn vị mới đánh thắng trận Đồng Rùm. Khi địch đổ quân xuống Bàu Tròn bị Trung đoàn 1 của Sư đoàn 9 chúng tôi diệt, tàn quân địch phải rút về. Khi tôi về Cục Chính trị thì anh Sáu Tòng lên thay tôi làm Chính uỷ Sư đoàn 9. Anh Hoàng Cầm là người tốt, anh ngoài Bắc vô, tôi người Nam nhưng chúng tôi rất đoàn kết.

Theo tôi, nếu Bộ chỉ huy Miền rút hết về bên kia lộ 17 (biên giới Campuchia) mà không tổ chức các cơ quan thành "huyện đội, xã đội" thì không thể đánh và thắng địch như vậy. Bộ chỉ huy Miền di chuyển khỏi vòng hoả lực của cuộc càn. Anh Sáu Nam, Tư lệnh phó, Tham mưu trưởng trực tiếp tổ chức và chỉ huy đánh giặc, sở chỉ huy tiền phương của anh cơ động giữa địa bàn đang xảy ra tác chiến...

Về chiến đấu đợt 2 Mậu Thân 1968: Anh Sáu được chỉ định làm Tư lệnh, tôi là Chính uỷ, cánh quân chúng tôi từ phía tây (Long An) đánh lên Sài Gòn. Tôi tinh mắt đi cùng anh em trên bờ (bờ ruộng rất trơn), còn anh vì mắt kém nên cứ lội dưới ruộng rất cực nhưng không hề kêu ca. Xuống đến Sở chỉ huy lúc đó rừng lá còn dày rậm. Anh em chôn hai cái lu xuống đất, bảo tôi và anh Sáu xuống đó - Đó là Sở chỉ huy!

Anh chỉ huy quân sự, dùng bộ đàm để theo dõi các hướng. Tôi ngồi xuồng được nên đi xuống chợ Rẹm để theo dõi cánh quân đánh vô Phú Lâm. Đồng chí Trung đoàn trưởng tên là Hoà, trước đây chỉ huy trận Ấp Bắc.

Đợt 2 nếu ta đánh ở vùng ven thì địch sẽ thiệt hại lớn hơn, ta thắng to hơn. Nhưng lúc đó mọi người cứ nói theo chỉ thị của cấp trên là "Đợt sau cao hơn đợt trước!". Riêng cá nhân tôi thấy rằng đánh sâu vô không được, thương vong nhiều và không còn thời cơ nữa. Lúc đầu không dám nói ra mà chỉ bàn nhau, bổ sung quân để tiếp tục đánh. Khi nổ súng thì cũng đánh được. Sư đoàn 9 mấy mũi đánh vô tới ngã tư Bảy Hiền; một tiểu đoàn của Long An do đồng chí Hai Hoàng chỉ huy đánh vô Quận 5, khi rút ra thì đồng bào Hoa kiều đục thủng các bức tường để mở đường cho anh em Giải phóng rút lui bí mật, chỗ nào không đục được thì anh em vận động trên các mái nhà. Còn Trung đoàn 3 đánh vô Phú Lâm, trong khi đơn vị pháo binh bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng sau đó quân địch tập trung phản công, ta thương vong quá nhiều, chúng tôi mới kéo xuống Phân khu 6 và kết thúc đợt 2. Cuối năm 1968 đầu 1969 ta mới lui quân sang Campuchia để củng cố. Bên Tham mưu đi xin tân binh từ miền Bắc bổ sung, còn bên Chính trị chúng tôi tổ chức học tập chính trị để củng cố quyết tâm chiến đấu.

Khi anh Sáu được điều xuống làm Tư lệnh Quân khu 9, tôi có tham gia tổ chức đường dây để anh đi, chuyến đi rất khó khăn vì nhiều vùng trước đây ta tổ chức giải phóng, phá ấp chiến lược, nay địch đã lấn chiếm lại và thực hiện bình định. Tôi có nói với anh Huỳnh Minh là trợ lý của anh Sáu hãy chuẩn bị tốt nhất cho anh Sáu: "Phải mang tiền đi, vì Khu 9 khó khăn lắm đó!".

Khi anh Lê Đức Anh xuống Quân khu 9, anh không những đã chỉ huy nhổ cờ lấn chiếm của quân địch mà còn đánh băng đồn bốt.

Giải phóng Phước Long: Bộ chỉ huy Miền có hai người thường trực là anh Lê Đức Anh và tôi, vì hai anh Phạm Hùng và Trần Văn Trà ra Bắc họp Trung ương. B2 làm dự thảo kế hoạch hoạt động mùa khô 1974-1975, anh Trà và anh Hùng ra báo cáo kế hoạch, anh Hai Xô cũng ở ngoài đó.

Ngoài Bắc chưa cho đánh Đồng Xoài. Lúc đó anh Lê Đức Anh suy nghĩ ghê lắm. Tôi thì luôn ủng hộ anh, chỉ góp ý là người chỉ huy vừa đánh vừa thăm dò xem Mỹ phản ứng như thế nào. Anh cho quân báo, tình báo đi điều tra xem xét, thấy Mỹ không phản ứng gì không đưa quân tổng dự bị lên). Cuối cùng anh quyết định đánh Bù Đăng trước, giải quyết xong Bù Đăng thì tiến đánh Đồng Xoài. Và lần đầu tiên ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long mà quân Mỹ - nguỵ không dám phản công phản kích gì.

Chiến dịch Hồ Chí Minh - Xuân 1975: Anh Sáu Nam và tôi nghe phổ biến tình hình. Tôi là người Tân An vẫn ao ước được về hướng đó. Đến khi nghe anh Văn Tiến Dũng và anh Phạm Hùng nói: cánh Tây Nam do anh Lê Đức Anh và anh Hai Tưởng phụ trách, tôi mừng quá.

Trước đó, anh Nguyễn Minh Châu đã dẫn Đoàn 232 đi để đánh Mộc Hoá mở đường cho cánh này. Nhận nhiệm vụ xong, tôi đi tắt, về nói với anh Châu không đánh Mộc Hoá mà đi vòng xuống. Ngày 13-4-1975 tôi rời Bộ chỉ huy Miền, ngày hôm sau, 14 tháng 4 tôi đã về tới nơi. Anh Lê Đức Anh ở lại họp Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, đến ngày 17 họp xong thì anh đi xuống cầm quân chỉ huy cánh Tây - Tây Nam. Lúc này, cấp trên đã rút hai anh Năm Ngà (tức Nguyễn Minh và anh Trần Văn Phác về Miền). Như vậy thực chất bộ chỉ huy của Đoàn 232 không còn, mà đã hình thành một lực lượng mới là cánh quận Tây - Tây Nam, là một trong năm cánh quân của chiến dịch mang tên Bác; cánh quân do anh Anh và tôi phụ trách lúc này tương đương một quân đoàn tăng cường.

Lúc đó, tôi không biết anh Sáu Nam có được phổ biến gì thêm hay không. Lệnh lúc đầu là cánh Tây Nam cắt và giữ cho được vùng lộ 4, không cho địch co cụm xuống Quân đoàn 4 (Cần Thơ), nên bố trí hai sư đoàn bộ binh từ Mỹ Tho đến Tân An, đánh được Tân An rồi Sư đoàn 5 đánh Bến Lức. Còn Sư đoàn 9 đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát, Cảnh sát Đô thành và Biệt khu Thủ đô, một mũi khác do hai trung đoàn của Long An và Khu 8 đánh kho xăng Nhà Bè do Huỳnh Công Thân và Nam Thắng chỉ huy ...

Với anh Sáu Nam, có một chuyện tôi không bao giờ quên. Sở chỉ huy cánh Tây - Tây Nam của chúng tôi đặt ngay bên bờ sông Vàm Cỏ thuộc đất Long An. Tôi đặt vị trí của mình tại chiếc nhà hầm nửa chìm nửa nổi vốn là nơi hội họp của cán bộ địa phương. Còn anh Sáu Nam thì đặt vị trí của mình tại cái chòi sát mép sông Vàm Cỏ. Sáng sớm ngày 28-4-1975, khi anh Sáu vô ăn cơm, tôi nói anh hãy nằm xuống chiếc võng của tôi mà nghỉ cho thư giãn một chút rồi hãy ra đó. Anh đã nghe tôi. Anh vừa nằm xuống cánh võng được chừng dăm phút thì phía ngoài bờ sông một quả bom của máy bay địch ném xuống trắng, vị trí của anh. Cái chòi chỉ huy của anh bay mất tiêu; cậu lái xe của anh hy sinh, cậu Thái bảo vệ của anh bị thương.
 

Trung tướng Lê Văn Tưởng
Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước