Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một nhà văn, nhà thơ lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Sinh thời, Người không bao giờ tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ hay nghệ sĩ, dù rất yêu văn thơ. Nhận thấy tầm quan trọng cũng như những tiềm năng to lớn của lĩnh vực nghệ thuật này, Người đã quyết định sử dụng văn chương như một vũ khí sắc bén để đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc; cũng như một phương tiện rất hữu hiệu để động viên, kêu gọi tinh thần chiến đấu, lòng yêu nước của chiến sĩ, đồng bào. Quan niệm này đã được Bác nói rõ hơn trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy".
Trong sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh, văn xuôi chiếm số lượng lớn nhất. Văn của Người thường ngắn gọn, súc tích, phản ánh hùng hồn cuộc sống và hiện thực cách mạng. Người cũng rất chú ý đến bút pháp và hình thức thể hiện tác phẩm, phê phán lối viết cầu kỳ, xa lạ, nặng nề. Văn của Người lúc nào cũng sử dụng ngôn từ giản dị, được chọn lọc cẩn thận, bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt...