Thượng tướng Nguyễn Hữu An - Hồi ký và tác phẩm

THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN HỮU AN - HỒI KÝ VÀ TÁC PHẨM

Tác giả: Duy Tường thể hiện
Nơi xuất bản: Hà Nội
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân
Năm xuất bản: 2011
Lĩnh vực: Tổng hợp
Số trang: 571

Giới thiệu

Thượng tướng Nguyễn Hữu An sinh ngày 9 tháng 10 năm 1926, trong một gia đình cách mạng ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Năm 16 tuổi, Nguyễn Hữu An bắt đầu tham gia cách mạng. Trải qua hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nguyễn Hữu An đã trưởng thành từ một Chiến sĩ đến Trung đoàn trưởng rồi lên Tham mưu phó Quân khu Tây Bắc, Phó Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Mặt trận 31, Đường 9 và Quân khu Trị Thiên, Tư lệnh Quân đoàn 2, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, quyền Tư lệnh Quân khu 2, Giám đốc Học viện Lục quân, Học viện Quốc phòng. Được giao đảm đương nhiều trọng trách, trên nhiều cương vị, đồng chí Nguyễn Hữu An đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, "Là một trong những vị "tướng trận mạc" lăn lộn khắp các chiến trường. Đồng chí thường được giao những nhiệm vụ khó khăn, trong những tình huống hết sức phức tạp, khẩn trương… Nguyễn Hữu An là một nhà chỉ huy quân sự quyết đoán và mưu lược" (lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Từ những trận đánh giặc thắng lợi ở Mặt trận Cao - Lạng năm 1947-1948, trận Đông Khê trong Chiến dịch Biên Giới năm 1950, Nguyễn Hữu An đã nổi tiếng là một cán bộ chỉ huy mưu trí, dũng cảm. Tiểu đoàn 251 Trung đoàn 174 do ông là Tiểu đoàn trưởng luôn được giao nhiệm vụ chủ công trên hướng đột phá. Ông bình tĩnh xử trí những tình huống khó khăn với tinh thần tiến công, tiêu diệt các vị trí quan trọng của địch, góp phần quyết định thắng lợi. Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 174 do ông làm Trung đoàn trưởng được giao nhiệm vụ mở "cánh cửa thép" - Đồi A1. Trận đánh diễn ra gay go, ác liệt; cán bộ, chiến sĩ ta chiến đấu hết sức dũng cảm, chủ động, kiên cường và cuối cùng đã giành chiến thắng.
Trận đánh đồi A1 đã để lại bài học kinh nghiệm quý giá về bảo đảm thông tin liên lạc hiệp đồng tác chiến; với riêng đồng chí Nguyễn Hữu An là một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời cầm quân của ông.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được giải phóng, "chặng đường dài mới đi một nửa", cả dân tộc lại dồn sức cho miền Nam đánh Mỹ. Thế hệ cán bộ quân đội như Nguyễn Hữu An lại lên đường ra trận. Năm 1964, ở tuổi 38, Nguyễn Hữu An làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325 - sư đoàn chủ lực đầu tiên vào chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên và Khu 5. Trên cương vị Tư lệnh phó, ông đã cùng Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 nghiên cứu chiến trường, mở chiến dịch Plâyme - trận đọ sức quyết liệt với quân đội Mỹ. Thắng lợi của chiến dịch Plâyme với trận Ia Đrăng lịch sử đã mang đến niềm tin, quyết tâm thắng Mỹ cho quân dân cả nước. Phóng viên mặt trận Ga-lô-uây (Mỹ) đã viết: "Trận chiến đấu ở thung lũng Ia Đrăng đã làm cho nước Mỹ suy thoái vào một cuộc sa lầy đẫm máu, đã dẫn 58.000 người Mỹ vào những chiếc quan tài bằng nhôm sáng bóng do quân đội sản xuất, đã làm hỏng một đời tổng thống, đã mang lại vết nhơ cho các đời tổng thống khác và đẩy cả dân tộc đến chỗ đối lập với chính bản thân mình…".
Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971) rồi chiến dịch Cánh Đồng Chum (cuối năm 1971 - đầu năm 1972) - những chiến dịch có ý nghĩa chiến lược quan trọng, Tướng Nguyễn Hữu An trên cương vị Tư lệnh Sư đoàn 308 - đơn vị chủ lực cơ động đã giáng cho quân đội Mỹ-ngụy những đòn sấm sét, làm thất bại một bước quan trọng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", đẩy Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến "không lối thoát". Với lực lượng lục - không quân được trang bị mọi thứ vũ khí tối tân hiện đại nhất, quân đội Mỹ đã phải đối mặt với lực lượng của ta với nhiều chiến thuật, cách đánh dũng cảm, mưu trí và quả cảm - đó là cách đánh "mang kiểu cách Việt Nam, nó phát triển một cách độc lập, sáng tạo cách đánh của Việt Nam" như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng đánh giá.
Với những thất bại liên tiếp của quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bước ngoặt của cuộc chiến tranh giải phóng được mở ra. Toàn quân, toàn dân ta dồn tâm sức, tạo thế, tạo lực cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng - cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Trong cuộc hội quân vĩ đại - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - lực lượng Quân đoàn 2 do Thiếu tướng Nguyễn Hữu An làm Tư lệnh hành quân thần tốc tiến vào giải phóng thành phố Sài Gòn, chiếm dinh Độc Lập, tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Sáng kiến tổ chức binh đoàn cơ động, thọc sâu, lấy lữ đoàn xe tăng làm nòng cốt, vượt qua hàng trăm ki-lô-mét tiến vào dinh lũy cuối cùng của ngụy quân, góp phần kết thúc nhanh nhất và giành thắng lợi với ít tổn thất nhất cho cuộc Tổng tiến công lịch sử của Tướng Nguyễn Hữu An đã được thực tiễn chiến trường kiểm nghiệm.
Chiến tranh kết thúc, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra với nhân dân Việt Nam trước những thử thách mới. Trên cương vị Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng và Quyền Tư lệnh Quân khu 2, đồng chí Nguyễn Hữu An lại có mặt trên tuyến biên giới phía Bắc, chỉ huy cuộc chiến đấu phòng thủ, bảo vệ biên cương. Sau đó, ông trở về làm Giám đốc Học viện Lục quân, rồi Giám đốc Học viện Quốc phòng.
Trải qua hơn 50 năm chiến đấu, hoạt động trên khắp các chiến trường, Thượng tướng Nguyễn Hữu An đã thể hiện lòng trung kiên tuyệt đối với Đảng và Bác Hồ, với Quân đội và Nhân dân, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, khẳng định bản lĩnh và tài năng quân sự hiếm có. Trong những tình huống khó khăn, phức tạp, khẩn trương, ông đã thể hiện khả năng tổ chức, chỉ huy dũng cảm và sáng tạo, đồng thời phát huy dân chủ trong cán bộ và chiến sĩ, tìm ra những cách đánh độc đáo và hiệu quả. "Vị tướng trận mạc" Nguyễn Hữu An đã "lập nhiều công tích, góp những cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc" (lời Đại tướng Văn Tiến Dũng). Ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhất, hai Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba, hai Huân chương chiến công hạng Nhất, hạng Nhì, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng… và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Từ những trải nghiệm trên chiến trường, từ công tác xây dựng và nghiên cứu, giảng dạy trong nhà trường, Thượng tướng Nguyễn Hữu An đã viết nhiều tác phẩm luận văn quân sự và bài đăng trên tạp chí. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời của Thượng tướng Nguyễn Hữu An và sự nghiệp quân sự của ông, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tổ chức biên soạn cuốn sách "Thượng tướng Nguyễn Hữu An - Hồi ký và tác phẩm"; trong đó ghi lại kinh nghiệm chỉ huy một số trận đánh; về đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội; về vận dụng những bài học kinh nghiệm trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vào thực tiễn chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hiện nay; về công tác huấn luyện chiến đấu; về quản lý nhà trường quân đội chính quy,v.v.
Nội dung cuốn sách gồm ba phần:
Phần thứ nhất: Hồi ký của Thượng tướng Nguyễn Hữu An.
Phần thứ hai: Những bài viết chọn lọc về quân sự.
Phần thứ ba: Nguyễn Hữu An - Vị tướng trận mạc.
Thượng tướng Nguyễn Hữu An đã đi xa nhưng những di sản tinh thần quý giá, tấm gương đạo đức sáng trong, bình dị và những tình cảm thương mến ông để lại cho đồng đội và gia đình mãi mãi còn in đậm trong tâm tưởng bao người. Năm 2011, kỷ niệm 85 năm ngày sinh và cũng là 16 năm ngày mất của ông, cuốn sách "Thượng tướng Nguyễn Hữu An - Hồi ký và tác phẩm" được xuất bản là nén hương thơm mà Nhà xuất bản Quân đội nhân dân dâng lên hương hồn ông để tưởng nhớ một vị tướng tài ba với nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam.Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!. NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN.

Cùng lĩnh vực