Những câu chuyện Biển

NHỮNG CÂU CHUYỆN BIỂN

Tác giả: Phan An
Nơi xuất bản: Hà Nội
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hội nhà văn
Năm xuất bản: 2009
Lĩnh vực: Văn học
Số trang: 109
Lượt xem: 38

Giới thiệu

“Những câu chuyện biển” là tập truyện ngắn với những câu chuyện như: “Trăng Tam Thanh”, “Đi thẳng là tới biển”, “Tàu cao tốc đi về phía biển”, “Bữa ăn tối kéo dài một tuần”, “Hai người ngồi mơ về biển”, “Ở nơi không có biển”, “Có thể sẽ ở lại biển”… ít nhiều có dính dáng đến biển hay lấy biển làm khung cảnh.

Trong “Những câu chuyện biển”, có những cuộc gặp gỡ tình cờ ở biển như dưới “Trăng Tam Thanh”, khi “Đi thẳng là tới biển”. Biển đôi khi như một nhân vật, biển như một chứng nhân. Có những nơi biển không có sóng mà lòng người đầy sóng. Có những nơi biển đầy sóng mà lòng người dửng dưng. Biển là đích đến với “Tàu cao tốc đi về phía biển”. Biển là nơi người ta đến để ăn “Bữa ăn tối kéo dài một tuần” hay đơn giản là “Ngồi trước biển”. Biển luôn ở đâu đó. Chỉ cần “Hai người ngồi mơ về biển” thôi cũng có thể có những thay đổi nghiêm trọng trong quan hệ. “Ở nơi không có biển”, khi “Có thể sẽ ở lại biển”, với “Cái nhìn ấy như biển” hay “Chuyện tình kể bên bể bơi”, biển vẫn tồn tại ở đâu đó, như ám ảnh, như biểu tượng của cái gì đó phóng khoáng, lãng mạn, lớn lao.

Đến với biển, con người ta bỗng thấy mình nhỏ bé, bỗng thấy cần có ai đó bên cạnh. Đến với biển, con người ta bỗng thấy mình cô đơn hơn. Dường như ở biển con người ta khác đi, biển như thể là một hoàn cảnh đặc biệt để tính cách của con người bộc lộ. Nhiều nhân vật của “Những câu chuyện biển” là những con người không còn trẻ nhưng vẫn chưa già, những con người tưởng như bình thường nhưng có gì đó rất riêng. Những cung bậc của tình yêu từ gặp gỡ đến yêu thương rồi chia ly được thể hiện trong “Những câu chuyện biển”, qua đó bộc lộ những cảm nhận về thân phận của tình yêu, thân phận của con người. Có thể nói “Những câu chuyện biển” là tập hợp những tình huống có thể xảy ra ở biển, qua đó chia sẻ những trải nghiệm, những cách ứng xử riêng ở biển…

Ở Phan An, đằng sau những câu chuyện được kể lại, đằng sau những niềm vui đem đến cho người đọc, đằng sau sự thông minh, hài hước, đằng sau cảm giác về một cuộc sống không mệt mỏi và kéo trĩu, tựa như có một lời đề nghị thật sâu: “Làm ơn nhóm cho tôi một đống lửa, dẫu không phải là thảo nguyên mà chỉ là đồng cỏ, cũng xin nhóm cho tôi một đống lửa - để tôi đỡ hoang vắng” (Giường). Điều đó chẳng phải đã chạm đến nỗi hiu quạnh của mỗi cá thể sống, một niềm khao khát được trìu mến, được trò chuyện, được gặp gỡ, được nhìn thấy một tín hiệu ấm áp, dù chỉ là một đốm lửa sáng lên từ đồng cỏ...

Hình như Phan An, đằng sau tất cả những giao tiếp, những cái bề mặt hiển thị có thể là một nỗi cô đơn, một hoang vắng chưa được hóa giải. Nó lẩn khuất đâu đó, sau những con chữ, rằng cuộc đời, cơ bản là buồn... Đó dường như là một nghịch lý về chính người sáng tạo, và anh sẽ cảm hiểu nó hơn ai hết...

“Mỗi người trên đời này đều thích một cái gì đó. Tôi thích tự tạo ra một thế giới riêng, tôi thích viết về những nhân vật nam có những nét dở dở ương ương, nhặt lá đá ống bơ giống tôi. Tôi thích viết về những nhân vật nữ có những nét dịu dàng đáng yêu giống em. Tại sao không? Khi tôi viết, dường như Mùa Xuân đã hết và Mùa Hè bắt đầu…

Rồi tôi và em chia tay nhau, như trong bài hát gì mà “Cuộc đời vẫn thế con tim thường hay đổi thay”, như bài thơ gì mà “Cả anh và em không ai là người có lỗi”…

Chỉ còn lại những câu chuyện biển, những câu chuyện như dấu chân trên cát rồi sóng sẽ cuốn đi. Nhưng những dấu chân trên cát sẽ còn mãi trong hoài niệm về một thời nông nổi, dại khờ, ngông nghênh…Một thời sống, một thời lo toan, một thời lãng mạn”. (Phan An)

Lời nhắn nhủ của “Những câu chuyện biển” dường như là nếu có thể thỉnh thoảng hãy đi biển và thỉnh thoảng hãy lãng mạn. Cuộc đời đó có bao nhiêu mà hững hờ!

Cùng lĩnh vực