Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Trà Bồng

HỎI ĐÁP VỀ CUỘC KHỞI NGHĨA TRÀ BỒNG

Tác giả: Nhiêu tác giả
Nơi xuất bản: Hà Nội
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân
Năm xuất bản: 2011
Lĩnh vực: Địa lý, lịch sử và các khoa học phụ trợ
Số trang: 203
Lượt xem: 8

Giới thiệu

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam được ký kết. Sau Hiệp định đế quốc Mỹ đã thay thực dân Pháp thống trị miền Nam Việt Nam bằng chủ nghĩa thực dân mới, cùng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm công khai xóa bỏ hiệp định và từ bỏ những cam kết quốc tế.
Cũng như toàn miền Nam, ở Quảng Ngãi, khi địch tiếp quản, các cuộc bắt bớ, tra tấn bắn giết diễn ra thường xuyên và ngày càng quyết liệt. Nhà tù, trại giam mọc lên khắp nơi. Nhà lao Quảng Ngãi chỉ đủ chỗ cho 500 người, nhưng thường xuyên có đến 5.000 người bị giam giữ. Từ tháng 10 năm 1954, Mỹ - Diệm bắt đầu tiếp quản Trà Bồng rồi lần lượt chiếm đóng các huyện miền Tây Quảng Ngãi. Tại đây, chúng áp dụng ngay chính sách "dùng người dân tộc để trị người dân tộc", dùng người dân tộc để chống lại cách mạng. Chúng đã dùng cả bộ máy thống trị, hệ thống "tố Cộng", xây dựng đồn bốt... để đàn áp đồng bào các dân tộc ở đây một cách rất dã man, tàn bạo với những thủ đoạn man rợ như thời trung cổ. Đồng bào dân tộc Cor đã nói: "Tội ác Mỹ - Diệm chất cao hơn núi Cà Đam. Lòng dân căm thù giặc sâu hơn nước sông Tang".
Đứng trước những âm mưu, thủ đoạn và hành động tàn bạo của chế độ Mỹ - Diệm, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã sớm có chủ trương xây dựng căn cứ Trà Bồng và các huyện miền Tây, phát động rộng rãi phong trào diệt ác ôn, bảo vệ cách mạng. Đến mùa thu năm 1959, tỉnh đã thành lập được 5 đơn vị vũ trang tập trung và các tổ chức quần chúng.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 của Đảng, Tỉnh ủy Quảng Ngãi lãnh đạo nhân dân Trà Bồng, tẩy chay bầu cử quốc hội của chính quyền Ngô Đình Diệm. Sáng ngày 28 tháng 8 năm 1959, binh lính địch vào các thôn xóm lùng sục, cưỡng ép dân đi bỏ phiếu. Nhân dân huyện Trà Bồng đã đồng loạt nổi dậy, cùng với các đội vũ trang bao vây, tiến công các đồn cảnh sát, bảo an và trụ sở ngụy quyền. Núi rừng Trà Bồng rung chuyển trong khí thế của phong trào khởi nghĩa. Nắm bắt thời cơ, Tỉnh ủy đã quyết định mở rộng khởi nghĩa đến các xã vùng thấp trong huyện Trà Bồng, phát động khởi nghĩa ở các huyện miền núi còn lại. Cuộc khởi nghĩa lan rộng khắp miền Tây Quảng Ngãi. Chính quyền cách mạng lần lượt ra đời. Đến cuối năm 1959, vùng giải phóng mở rộng trên 40 xã, nhân dân giữ vững quyền làm chủ tuyệt đại bộ phận vùng rừng núi tỉnh Quảng Ngãi.
Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là cuộc khởi nghĩa từng phần quy mô lớn trên địa bàn rừng núi rộng và giành được thắng lợi đầu tiên ở Liên khu V nói riêng, ở miền Nam nói chung, từ khi có Nghị quyết 15. Cuộc khởi nghĩa thể hiện rõ nét tinh thần đấu tranh liên tục và triệt để của quần chúng cách mạng. Đây là thành công điển hình trong việc kết hợp lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang cách mạng, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy, tạo ra sức mạnh áp đảo phá tan kìm kẹp của địch, giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi đã góp phần to lớn vào cao trào đồng khởi (1959-1960) của nhân dân miền Nam Việt Nam.
Cuộc khởi nghĩa và quá trình chiến đấu để bảo vệ thành quả cách mạng sau đó cũng đã góp một phần vào kho tàng kinh nghiệm quý báu trong cuộc chiến tranh nhân dân ở nước ta. Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi của các dân tộc Cor, Hrê, Cà Dong và Kinh nói lên khả năng to lớn và lực lượng cách mạng hùng hậu của đồng bào miền núi. Ý chí cách mạng và tinh thần quật khởi của nhân dân các dân tộc miền núi Quảng Ngãi còn vang vọng mãi đến các thế hệ mai sau.
Với ý nghĩa đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách "Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Trà Bồng". Cuốn sách được biên soạn từ những nguồn tài liệu và công trình đã xuất bản, được sắp xếp một cách khá khoa học, dễ tìm hiểu và nghiên cứu. Hy vọng sẽ đáp ứng được phần nào yêu cầu của đông đảo bạn đọc. Tuy vậy, cuốn sách không thể tránh khỏi những thiếu sót nhất định, rất mong được bạn đọc góp ý kiến phê bình.

Cùng lĩnh vực