Góc nhớ

GÓC NHỚ

Tác giả: Nguyễn Hoàng Trung Hiếu
Nơi xuất bản: TP Hồ Chí Minh
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Văn Học
Năm xuất bản: 2011
Lĩnh vực: Văn học
Số trang: 118
Lượt xem: 24

Giới thiệu

Hồn thơ lai láng khắp nơi trong tuyển tập này. Từ buổi bình minh đến lúc Nắng chiều, từ chuyện quá khứ đến chuyện Ngày mai, từ một khoảnh khắc đến cõi thinh không, từ niềm vui Với em tiếp cái nỗi buồn Em đã có chồng ... Và như đa số các nhà thơ trẻ sống trong thời bình, ở đây tình yêu vẫn là chủ đề lớn nhất. Nhớ nhung, gặp gỡ, hờn giận, đau buồn, kể cả phản bội, lọc lừa, bao nhiều cung bậc bổng trầm dễ gặp trong bản nhạc tình muôn thuở, vẫn tìm thấy được nơi đây qua những lời thơ giản dị, chân thành. Suốt những chặng đường đa dạng của tình yêu ấy, ta không đối diện với những đau khổ, u buồn sâu đậm, hẳn vì tác giả đã nhìn thấy được hai mặt cuộc đời là lẽ sinh tồn tất yếu:
Cũng như trời có lúc phải tối đen.
Sau những ngày sáng tưng bừng dưới nắng.
(Thầm lặng).
Ngoài tình yêu đôi lứa, tác giả còn dành cho người đọc những tình yêu khác cao quý và sâu lắng hơn. Trước hết, đó là tình yêu của một người con đối với người cha đã hết lòng chăm sóc mình:
Ơn Cha không mua được bằng vàng ngọc.
Không đổi bằng những vật phẩm bán buôn.
Nhưng dạt dào như dòng thác đổ tuôn.
Độ lượng tưới suối nguồn con bé nhỏ.
(Ơn cha).
Và nhờ nguồn ơn của mẹ, con đã mạnh dạn vào đời. Do vậy, điều mong ước lớn của con là sự trường tồn của mẹ:
Con ước gì Mẹ như một khúc ca.
Luôn trường cửu bên đàn con mãi mãi.
(Viết cho Mẹ).
Và tình yêu cha mẹ dẫn dắt con người đến một tình yêu mênh mông nhưng rất gần gũi, đó là tình yêu quê hương, dẫu rằng quê hương còn khổ nghèo. Nhưng trong sự khổ nghèo đó, chúng ta tìm thấy sự đùm bọc, yêu thương, thấy sự hồn nhiên, chân thật.
Quê mình không biết lọc lừa.
Người với người.
Thật như gốc dừa gốc cau.
Uống cùng nguồn nước với nhau.
Cau không đành đoạn làm đau thân dừa.
(Vê quê).
Yêu cha mẹ, quê hương, những tình yêu ấy vốn là bất diệt ở trong hồn người đậm chất lương tri, và là cơ sở giúp ta tồn tại vững vàng giữa một cuộc sống còn quá nhiều sự Chênh vênh. Hẳn cũng từ lòng yêu mẹ, yêu quê, mà tác giả tìm gặp được sự xúc động trước một Người đàn bà đen, đen vì nhọc nhằn, cay đắng của đời, và có được nỗi cảm thương sâu sắc đến cuộc sống khó nghèo của những bà mẹ khác như Mẹ Bôn, để từ những con người ấy, nhà thơ giàu lòng rung cảm, đã nhận thấy được lẽ Vô thường ở trong cuộc sống và sớm tìm về Thiền định.
TP . Hồ Chí Minh, ngày 02/4/2011.

Cùng lĩnh vực