Lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX là lịch sử đấu tranh kiên cường bất khuất, dũng cảm hy sinh của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tái hiện lịch sử có thể phụ thuộc vào góc nhìn, nhưng dù ở góc nhìn nào thì cũng không thể phủ nhận và bóp méo sự thật lịch sử.
Đó là sự thật về khát vọng và ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định. Không có khát vọng và ý chí đó thì không thể có những đoàn quân Nam tiến ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Nam bộ và càng không thể có những lớp lớp thanh niên miền Bắc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Đó là sự thật về vai trò tiên phong và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương Cục miền Nam thể hiện qua các nghị quyết, chỉ thị và quyết định với sợi chỉ đỏ xuyên suốt là tinh thần độc lập tự chủ và quan điểm thực tiễn. Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa II, tháng 1 năm 1953, xác định phương châm “Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc” cho cả cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ; Nghị quyết Trung ương 15 khóa II, tháng 5 năm 1959, khẳng định con đường đấu tranh vũ trang cho cách mạng miền Nam; Nghị quyết Trung ương 12 khóa III, tháng 12 năm 1965, xác định quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ; Nghị quyết đặc biệt của Trung ương Cục miền Nam ngày 29 tháng 3 năm 1975 đã xác định quyết tâm: “Tất cả hãy vươn lên với khí thế táo bạo, thần tốc, quyết chiến và quyết thắng”, v.v... Bộ Chính trị đã trực tiếp quyết định tất cả các vấn đề liên quan tới chiến tranh và hòa bình, chỉ đạo các chiến dịch lớn trong đó có cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968, cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đó là sự thật về lãnh tụ Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng, kiến trúc sư và tổ chức chỉ đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Người đã “chống gậy lên non” trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên giới năm 1950, chỉ đạo xây dựng lực lượng pháo binh bảo đảm cho chiến thắng Điện Biên Phủ, chỉ đạo cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968 và kết hợp đánh và đàm v.v... Sát cánh bên Người, Tổng Bí thư Trường Chinh chịu trách nhiệm cao nhất trong lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đứng mũi chịu sào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sự thật về quy luật chiến tranh vệ quốc, là cái giá cao cả của một dân tộc thật sự muốn có độc lập tự do. Cái giá hy sinh xương máu cho độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, là lương tri bất diệt của dân tộc Việt Nam mà không một kẻ ngụy tạo lịch sử nào có thể biện minh ngược lại được tất yếu lịch sử đó. Một nước Việt Nam độc lập và thống nhất mới có vị thế vững mạnh để tiến bước và hội nhập cùng nhân loại trong thế kỷ XXI.
Bản thân các sự kiện và tiến trình lịch sử khách quan tự nó đã thể hiện rõ sự thật. Với năng lực có hạn, tác giả mong muốn cuốn tư liệu lịch sử nhỏ này sẽ góp thêm một nén nhang dâng lên bàn thờ Tổ quốc để tưởng nhớ tới đồng bào, chiến sỹ, cán bộ và các bậc tiền bối lão thành cách mạng đã hy sinh xương máu, cống hiến trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Hà Nội, mùa Thu, ngày 2/9/2015