Vị tướng giỏi và có tầm nhìn xa, rộng
Nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh là người thẳng thắn, cương trực, dám quyết, dám chịu trách nhiệm, một nhà lãnh đạo mẫu mực, khiêm tốn, liêm khiết, không bao giờ tư lợi cho riêng mình. Không chỉ là một vị tướng tài giỏi, có bản lĩnh, có tầm nhìn sâu rộng, đồng chí Lê Đức Anh còn luôn dành sự quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sỹ, các thương binh, bệnh binh, liệt sỹ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc và luôn đau đáu với thân nhân của họ…
Lắng nghe những lời “cãi lại”
Nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh đã có mặt ở các chiến trường khó khăn, ác liệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Vào thời điểm năm 1969, khi đó, chiến trường ác liệt nhất, khó khăn nhất, đồng chí Lê Đức Anh được cấp trên giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Quân khu 9. Khu ủy chuyển về Năm Căn (mũi Cà Mau) và muốn đồng chí Lê Đức Anh về đó để an toàn nhưng đồng chí không về mà vẫn bám sát chiến trường để nắm tình hình. Nhờ bám sát chiến trường, nắm tình hình bộ đội, tình hình địch nên đồng chí đã có những quyết định quan trọng làm thay đổi cả một vùng rộng lớn.
Nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh là người dám làm, dám chịu trách nhiệm, thể hiện rõ phẩm chất của người chỉ huy có tài. Đó là sau khi ký kết Hiệp định Paris (1973), nhiều khu vực chiến trường tại miền Nam tiến hành ngừng bắn nên bị địch o ép, gây ra không ít khó khăn. Tuy nhiên, ở Quân khu 9, Tư lệnh Lê Đức Anh vẫn ra lệnh cho quân đánh địch, càng đánh vùng căn cứ càng mở rộng hơn.
Một tình huống khác nữa cũng cho thấy tinh thần dám quyết, dám chịu trách nhiệm của đồng chí Lê Đức Anh là sau khi chúng ta giành được hòa bình, thống nhất đất nước năm 1975, Trung ương yêu cầu giải trừ hết quân bị, cho anh em ra quân, trở về và nhiều đơn vị đã chấp hành. Nhưng dường như đã dự báo được tình hình có thể diễn biến phức tạp, Tư lệnh Quân khu 9 Lê Đức Anh vẫn giữ lại 3 Trung đoàn. Lúc đầu, thấy đồng chí Lê Đức Anh làm vậy, nhiều người cũng có ý kiến nhưng đến khi quân Pol Pot tiến hành các cuộc tấn công lớn vào lãnh thổ Việt Nam thì mới thấy rõ, chỉ có Quân khu 9 có lực lượng chiến đấu còn Quân khu 7 lúc đó rất khó khăn. Điều này cho thấy, tính dự báo tình hình, tầm nhìn cũng như quyết định sáng suốt của một vị chỉ huy tài ba.
Dù rất quyết liệt, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng đồng chí Lê Đức Anh luôn lắng nghe những lời “cãi lại” của cấp dưới. Trong thảo luận về một trận đánh hay một chiến dịch thì đồng chí Lê Đức Anh đều để anh em phát biểu, có quan điểm nào khác thì có thể trình bày, cãi đến cùng. Có 2 lần tôi “cãi” lại đồng chí Lê Đức Anh. Lần “cãi” gay gắt nhất là quyết định diệt Pol Pot trong trận đánh ở núi Phú Cường (An Giang). Lúc đầu đồng chí Lê Đức Anh đưa ra cách đánh, bao vây, tiến công nhưng với kinh nghiệm ở địa bàn này, tôi nói cách đánh như vậy thì khó, anh em không đánh được mà phải đi theo bờ kênh tránh đạn để lên. Lúc đó tôi nói: “đánh là do anh, quyết thì chúng tôi làm”. Lúc đó, đồng chí Lê Đức Anh là Tư lệnh Quân khu 9, tôi là Sư đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 330, Quân khu 9 nhưng cuối cùng, ông lại nghe phương án mà tôi đề xuất. Trận vang dội nhất vào tháng 3.1978 đã diệt được một sư đoàn của địch. Nhờ đánh trận đó, Sư đoàn 330 đi đến đâu, Pol Pot bỏ chạy tới đó.
Một lần tranh luận gay gắt khác là trong cuộc chiến chống Mỹ vào năm 1972, trước khi bước vào chiến dịch Ngã 5 Khu 9, đơn vị của ta bị B52 càn quét cả một ngày gần như hết lực lượng. Đồng chí Lê Đức Anh vẫn quyết định ngày hôm sau phải quyết đánh Ngã 5. Nhưng chúng tôi có ý kiến, không đánh được vì lực lượng không củng cố ngay được. Trung đoàn trưởng của tôi lên báo cáo, xin lùi thời gian đánh mấy ngày, đồng chí Lê Đức Anh không đồng ý, yêu cầu về nên tôi xin phép được gặp đồng chí. Sau khi nghe tôi phân tích, đồng chí Lê Đức Anh đã quyết định cho lùi lại vài ngày. Chính nhờ việc lắng nghe, quyết định lùi ngày của đồng chí, chúng ta có thời gian để củng cố lực lượng nên đã đánh thắng địch ở Ngã 5.
Không chỉ trong chiến tranh mà ngay cả sau này, khi đất nước đã hòa bình thì ổn định tình hình luôn là vấn đề được đồng chí Lê Đức Anh quan tâm. Khi nhận trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trước tình hình rất nóng của biển đảo Tổ quốc, năm 1988, Đại tướng Lê Đức Anh đã thực hiện chuyến thị sát, động viên cán bộ, chiến sỹ trên các đảo của quần đảo Trường Sa. Dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân tổ chức tại đảo Trường Sa Lớn, Đại tướng Lê Đức Anh đã có bài phát biểu quan trọng về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc. Xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”. Điều đó thể hiện quyết tâm rất lớn để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước của đồng chí Lê Đức Anh.
Người đề xuất danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”
Không chỉ là vị tướng tài năng trong chiến đấu, đồng chí Lê Đức Anh còn là người có tư tưởng đổi mới. Khi kinh tế nước nhà khó khăn, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí đã quyết định giảm quân số để giảm chi ngân sách. Ở thời điểm đó, nói đến tinh giảm quân số là điều khó khăn, nhiều người không dám làm, nhưng đồng chí đã làm được. Đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng, việc giảm quân số ở thời điểm đó là rất đúng, góp phần giảm khó khăn cho đất nước.
Để bảo đảm quyền lợi cho những cán bộ chiến sỹ đã cống hiến cho đất nước, đồng chí Lê Đức Anh đã “xin” cơ chế để cấp đất đai cho anh em. Ngoài ra, một số sỹ quan trẻ được đi lao động nước ngoài, tạo điều kiện để cho anh em bảo đảm ổn định cuộc sống. Chính vì thế, việc tinh giảm quân số nhận được sự đồng thuận của anh em.
Không chỉ quan tâm đến cuộc sống của anh em sỹ quan - những người đã hy sinh một phần xương máu của mình cho cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, đồng chí Lê Đức Anh còn đau đáu với thân nhân của họ. Đồng chí Lê Đức Anh chính là người đã đề xuất với Bộ Chính trị về việc phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Với những hy sinh mất mát của các Mẹ thì việc Tổ quốc ghi ơn các Mẹ bằng danh hiệu này cũng đã là muộn vì lúc ấy, nhiều Mẹ đã không còn nữa. Nhưng đồng chí Lê Đức Anh cho rằng, muộn cũng vẫn phải làm. Đề xuất này được tập thể Bộ Chính trị đồng ý. Năm 1994, UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Các Pháp lệnh này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta với những hy sinh thầm lặng của các Mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.
Đồng chí Lê Đức Anh không chỉ là một vị tướng tài giỏi, có bản lĩnh, có tầm nhìn sâu rộng, mà còn là một nhà lãnh đạo mẫu mực, khiêm tốn, liêm khiết, không bao giờ tư lợi cho riêng mình.
Đại tướng Phạm Văn Trà, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Hà An