Tình cảm của Đại tướng Lê Đức Anh với Báo Quân đội nhân dân
Sinh thời, Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng luôn quan tâm đến báo chí, trong đó ông đặc biệt dành tình cảm và sự quan tâm đến vị thế và quá trình phát triển của Báo Quân đội nhân dân (QĐND).
Vị Đại tướng vào sinh ra tử, có đóng góp quan trọng cùng toàn quân, toàn dân ta đánh bại những kẻ thù hung bạo nhất thời đại cũng là người có nhãn quan chính trị vô cùng sắc bén, nhất là việc đặt đúng vị trí, vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng. Nhân kỷ niệm 101 năm Ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh (1-12-1920 / 1-12-2021), chúng tôi lần giở lại văn bản, bài báo, tư liệu, hình ảnh... để ghi lại tình cảm ấm áp, xúc động, những chỉ đạo chiến lược về công tác báo chí từ một nhà lãnh đạo luôn sâu sát, dám nghĩ, dám làm.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Thiếu tướng Phan Khắc Hải, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX, tháng 8-1992. Ảnh tư liệu |
“Toàn quân ta có quyền tự hào về tờ báo Quân đội nhân dân của mình”
Sáng 20-10-1990, Báo QĐND tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Ngày ra số báo đầu tiên. Đại tướng Lê Đức Anh khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đến dự và thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên Quân kỳ Quyết thắng của Báo QĐND.
Những nhà báo-chiến sĩ từng có mặt tại lễ kỷ niệm 31 năm về trước, nay đã nghỉ hưu, nhưng tất cả nhớ mãi một câu trong bài phát biểu của Đại tướng Lê Đức Anh: “Toàn quân ta có quyền tự hào về tờ báo QĐND của mình”. Niềm tự hào đó được lý giải là bởi Báo QĐND gắn bó, đồng hành trong mọi thử thách gian lao, trong mỗi chiến công, mỗi bước trưởng thành của cách mạng và của Quân đội ta. Đại tướng Lê Đức Anh không quên căn dặn những người làm báo Báo QĐND: “Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Báo QĐND tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đã làm tốt và cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đấu tranh và xây dựng tư tưởng một cách khoa học và đầy sức thuyết phục; cần tuyên truyền, cổ vũ một cách sinh động quân và dân ta thực hiện hai nhiệm vụ, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”. Lời căn dặn của Đại tướng Lê Đức Anh không phải là sự chỉ đạo chung chung, mà xuất phát từ quan điểm, chủ trương của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và cơ sở pháp lý đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Suốt 71 năm qua, lớp lớp thế hệ nhà báo-chiến sĩ ở Báo QĐND ghi sâu ơn đức của Đảng, của Bác Hồ, của các thế hệ lãnh đạo Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng, mà Đại tướng Lê Đức Anh là một điển hình, đã đặt Báo QĐND đúng vị trí của một tờ báo Đảng trong lực lượng vũ trang. Chúng tôi vô cùng cảm động về sự hiểu biết, thấu hiểu, sẻ chia của Đại tướng Lê Đức Anh với báo chí, nhất là khi phần lớn cuộc đời Đại tướng Lê Đức Anh gắn với công tác quân sự. Chúng tôi càng tự hào hơn khi dân tộc mình, Đảng mình, Quân đội mình đã đào luyện được những con người tài năng, đức độ như Đại tướng Lê Đức Anh.
Khi Đại tướng Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhiệm vụ của Báo QĐND đã được cụ thể hóa bằng hai văn bản quan trọng, đều do Đại tướng Lê Đức Anh ký cùng ngày 10-10-1990, đó là: Chỉ thị số 147/ĐUQSTW của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương về việc tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả Báo QĐND trong tình hình mới. Và Quyết định số 238/QĐCP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về cơ chế chỉ đạo và quản lý Báo QĐND.
Quyết định số 238/QĐCP có 4 điều, nêu rõ: Báo QĐND là tiếng nói của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản Báo QĐND. Bộ Quốc phòng ủy nhiệm Tổng cục Chính trị đứng tên xin cấp giấy phép hoạt động báo chí và trực tiếp quản lý Báo QĐND. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thay mặt Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo thường xuyên về mọi mặt Báo QĐND.
Quyết định còn yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu, các tổng cục và cục chức năng thuộc Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ bảo đảm cho Báo QĐND hoạt động. Thủ trưởng các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các học viện, nhà trường, các cơ quan, đơn vị và cơ quan quân sự địa phương các cấp có trách nhiệm xây dựng, tuyên truyền báo và mua báo theo quy định của Tổng cục Chính trị, giúp đỡ và tạo điều kiện cho tòa soạn và phóng viên Báo QĐND hoàn thành nhiệm vụ.
Có thể nói, Quyết định số 238/QĐCP do Đại tướng Lê Đức Anh ký tạo động lực, hành lang pháp lý để Báo QĐND không ngừng vươn lên, khẳng định là một trong những tờ báo chính trị hàng đầu đất nước; tiên phong đấu tranh trên mặt trận tư tưởng-văn hóa; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và bạn đọc gần xa tin tưởng, yêu mến.
Đại tướng Lê Đức Anh với cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tháng 12-1995. Ảnh tư liệu |
Đại tướng Lê Đức Anh gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên Quân kỳ Quyết thắng Báo Quân đội nhân dân. Ảnh: HOÀNG NHƯ THÍNH |
Học tập tinh thần “bốn dám” của Đại tướng Lê Đức Anh
Hồi ức của không ít cán bộ, phóng viên Báo QĐND có nhắc lại thời điểm cuối thập niên 1980, được xem là giai đoạn tờ báo chiến sĩ khẳng định vị thế, uy tín vững chắc trong làng báo chí cách mạng. Lúc đó, đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới, quan điểm của tờ báo là: Luôn ủng hộ chủ trương, quan điểm của Đảng; cổ vũ đổi mới toàn diện đất nước nhưng không “đổi màu” chính trị.
Cũng trong giai đoạn này, mối quan tâm khác của Báo QĐND là chống tiêu cực. Sự chính trực của một tờ báo kinh qua lửa đạn trong các cuộc kháng chiến một lần nữa được phát huy; không ngần ngại trước những sức ép, dám đăng và chịu trách nhiệm khi nhiều bài viết “đụng chạm” đến những cá nhân, đơn vị quyền lực. Điều này không chỉ nâng tầm vị thế của Báo QĐND trong lòng bạn đọc, đồng nghiệp, mà quan trọng là lẽ phải đã được bảo vệ.
Quyết định số 238/QĐCP do Đại tướng Lê Đức Anh ký ngày 10-10-1990. Ảnh chụp lại |
Tiếng nói của Báo QĐND được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội ủng hộ, trong đó có Đại tướng Lê Đức Anh. Sự đồng cảm đó không khó lý giải bởi chính Đại tướng Lê Đức Anh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng luôn thể hiện là một cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Có thể lấy ví dụ, ngay sau Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, Đại tướng Lê Đức Anh khi đó là Đại tá, Tư lệnh Khu 9 đã không ảo tưởng địch sẽ thi hành hiệp định nghiêm túc; mà ra lệnh cho lực lượng vũ trang trên địa bàn chủ động đánh địch hành quân lấn chiếm, phá tan âm mưu bình định, lấn chiếm “tràn ngập lãnh thổ”. Trung ương Cục phê bình, thậm chí có ý kiến đòi đưa ông ra tòa vì không chấp hành hiệp định. Đại tướng Lê Đức Anh kiên quyết: “Tôi phải đánh đã. Nếu thua thì tôi ra tòa luôn một thể. Chủ trương này tất cả Khu ủy đã nhất trí”. Từ kinh nghiệm chiến đấu của Khu 9 là yếu tố quan trọng để Hội nghị Trung ương vào cuối tháng 6-1973 đề ra Nghị quyết 21 với con đường duy nhất đúng là dùng bạo lực cách mạng đè bẹp bạo lực phản cách mạng.
Lời chúc mừng ngày 26-6-1990 của Đại tướng Lê Đức Anh gửi Báo Quân đội nhân dân Thứ bảy (nay là Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần) nhân dịp ra số đầu tiên 7-7-1990. Ảnh chụp lại |
Chính tinh thần “bốn dám” đó đã được Đại tướng Lê Đức Anh truyền đến những người làm báo Báo QĐND, được thể hiện trong bài viết “Nhân dân cần gì?” số ra ngày 1-1-1996 của Nguyễn Viết Sơn và Hồ Quang Lợi-là hai phóng viên của Báo QĐND từng được tháp tùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong nhiều chuyến công tác. Bài báo được đăng cách đây hơn 25 năm, nhưng cuộc đối thoại cởi mở và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Lê Đức Anh về chống lối làm báo nặng về hiếu hỉ, lễ tân, cũng như trách nhiệm của báo chí trong nêu gương tốt, chống thói hư, tật xấu và tệ nạn trong xã hội, phục vụ quyền lợi thiết thân của người dân thì vẫn còn nóng hổi tính thời sự.
Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Những người làm báo nói chung, trong đó có Báo QĐND luôn ghi nhớ những lời chỉ đạo, cũng là động viên của Đại tướng Lê Đức Anh: “Không sợ gì cả, làm việc có ích cho dân, cho nước, không có sai phạm, tại sao lại sợ? Làm báo phải dũng cảm”.
HÀM ĐAN