Đồng chí Lê Đức Anh với công tác đối ngoại trong thời kỳ đổi mới
Thời kỳ đồng chí Lê Đức Anh đảm nhiệm các chức vụ trên là thời kỳ khó khăn nhất của Đảng và Nhà nước ta về công tác đối ngoại, ảnh hưởng nhất định đến công tác xây dựng đất nước.
Từ vấn đề ta giúp đỡ cách mạng Campuchia cũng là để bảo vệ nhân dân và lãnh thổ của ta, đưa quân sang giúp nhân dân Campuchia đánh đổ bọn diệt chủng Pôn Pốt, xây dựng chính quyền cách mạng nhân dân, ta bị một số nước trong khu vực, phương Tây và Mỹ cấm vận kinh tế, cô lập về ngoại giao và tình hình biên giới hai nước Việt - Trung trở nên rất căng thẳng, ảnh hưởng đến xây dựng đất nước được thống nhất.
Từ tình hình trên, tại Đại hội VI, Đảng ta đã có chuyển biến đổi mới tư duy từng bước, nhất là về kinh tế và đối ngoại. Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết Trung ương 13 (tháng 5-1988) kịp thời điều chỉnh chiến lược đối ngoại với tư tưởng "Hạn chế đối đầu, tăng cường đối tác", "Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở Lào và Campuchia, rút quân tình nguyện về nước để bạn đủ sức tự lo về quốc phòng - an ninh", "Củng cố tăng cường quan hệ với bạn bè". Tất cả với mục đích: “Chuyển cuộc đấu tranh từ đối đầu sang đối thoại, hợp tác cùng tồn tại hoà bình”, làm thất bại cuộc bao vây cấm vận và cô lập Việt Nam về kinh tế, chính trị và ngoại giao, làm cho Việt Nam chủ động hoà hợp vào cộng đồng thế giới. Kiên trì mục tiêu "Việt Nam muốn là bạn với tất cả các quốc gia và các dân tộc trên thế giới".
Để thực hiện các chủ trương tại Nghị quyết Trung ương 13 của Bộ Chính trị, ta đã có những bước đi hợp lý, mạnh mẽ từ năm 1987-1988:
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, ta tuyên bố các đợt rút quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia về nước. Cụ thể: ta rút quân tình nguyện khỏi Lào năm 1988. Sau các đợt rút quân khỏi Campuchia bắt đầu từ năm 1982, đến năm 1989 thì rút xong toàn bộ quân tình nguyện và đoàn chuyên gia Việt Nam. Đồng thời ta thực hiện giảm lớn quân số thường trực...
Nắm bắt và phân tích kỹ tình hình quốc tế, đồng chí Lê Đức Anh, với tư duy lý luận và thực tiễn sắc sảo đã có công đóng góp ý kiến vào việc điều chỉnh chiến lược quân sự và điều chỉnh chiến lược đối ngoại, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 13 (Đại hội VI) của Bộ Chính trị đạt kết quả; nhất là việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc và Thái Lan.
Đồng chí Lê Đức Anh đã nói với tôi, Cục trưởng Đối ngoại: Trung Quốc là một nước lớn, láng giềng gần gũi với ta; nếu hai nước luôn ở tình trạng đối đầu căng thẳng thì không xây dựng được đất nước mà còn bị phương Tây lợi dụng. Trung Quốc lại có nhiều điểm tương đồng với ta, nhất là điểm đồng cơ bản là còn tính chất xã hội chủ nghĩa. Trước tình hình quốc tế phức tạp hiện tại, ta cần chủ động sớm mở ra quan hệ bình thường với Trung Quốc, Vì lợi ích dân tộc ta, ông cha ta xưa kia cũng có truyền thống chủ động quan hệ với Trung Quốc những lúc hai bên gay cấn, nhưng vẫn không mất độc lập, chủ quyền mà còn có điều kiện đấu tranh với mặt tiêu cực, không phù hợp của họ. Đồng chí có nhiệm vụ và có điều kiện quan hệ với Đại sứ quán Trung Quốc, tác động vào việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng phải giữ bí mật vì ở trong ta đang còn những quan điểm khác nhau.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Đức Anh, Cục trưởng Đối ngoại đã tổ chức bốn cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc là Trương Đức Duy vào cuối tháng 5 đầu tháng 6-1990.
- Cuộc gặp thứ nhất: Với danh nghĩa cá nhân Cục trưởng Đối ngoại, để thăm dò việc mở ra quan hệ bình thường giữa hai nước.
- Cuộc gặp thứ hai: Tôi gặp Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy, theo sự chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh. Tôi nói Việt Nam và Trung Quốc cần tác động đến hai bên đối địch ở Campuchia làm cho họ liên hiệp với nhau, sẽ chấm dứt được xung đột, đem lại hoà bình, có lợi cho ổn định hoà bình ở Campuchia, Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy không phản ứng gì, chỉ nói ghi nhận và sẽ báo cáo lên trên, nhưng nét mặt tỏ ra hoan hỉ.
- Cuộc gặp thứ ba: Giữa đồng chí Lê Đức Anh với Đại sứ Trung Quốc.
- Cuộc gặp thứ tư: Giữa Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy lúc 20 giờ ngày 6-6 1990. Cả hai cuộc gặp này đều diễn ra tại nhà khách Bộ Quốc phòng, số 28 Cửa Đông.
Sau các cuộc gặp đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đánh tiếng "Sẵn sàng bình thường hoá quan hệ với Việt Nam” khi ông đi thăm Xingapo (tháng 7-1990), Thủ tướng Đỗ Mười tỏ lời hoan nghênh. Ngày 19-8-1990, Đại sứ Trung Quốc gửi thư của lãnh đạo Trung Quốc mời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng sang thăm chính thức Trung Quốc, để gặp lãnh đạo Trung Quốc tại Thành Đô ngày 3 và 4-9-1990, trao đổi ý kiến về bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, vấn đề Campuchia 98 và một số vấn đề khác.
Đến tháng 3-1991, Thủ tướng Lý Bằng tuyên bố “Quan hệ Việt - Trung đã tan băng!”. Tháng 8-1991, đồng chí Lê Đức Anh với cương vị là "Đặc phái viên của Bộ Chính trị" sang thăm Trung Quốc để bàn những nội dung cụ thể về việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.
Tối 23-10-1991, Hiệp định Paris về Campuchia đã được ký kết, thoả mãn được quyền lợi các bên có liên quan; Việt Nam và Trung Quốc đã đóng góp đáng kể vào thành công của Hiệp định.
Đến tháng 11-1991, Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã sang thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc. Hai bên ra Thông cáo chung và ký kết Hiệp định chính thức quan hệ bình thường hai nước trên cơ sở năm nguyên tắc hoà bình và ký cả quan hệ bình thường giữa hai Đảng.
Năm 1993, đồng chí Lê Đức Anh với cương vị Chủ tịch nước đã sang thăm chính thức Trung Quốc, mở ra giai đoạn bình thường hoá quan hệ giữa hai nước sau 15 năm căng thẳng, tạo điều kiện cho Việt Nam gia nhập ASEAN và bình thường hoá quan hệ với Mỹ vào năm 1995, đi vào hội nhập với cộng đồng khu vực và thế giới, phục vụ cho chủ trương xây dựng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Mở ra quan hệ với Thái Lan
Thái Lan là một nước trong ASEAN rất căng thẳng với ta, khi quân tình nguyện Việt Nam vào giúp nhân dân Campuchia đánh bại bọn diệt chủng Pôn Pốt, Thái Lan đã giúp vũ khí, vật chất cho Pôn Pốt, làm bàn đạp đánh quân đội Campuchia và phá hậu phương Campuchia; thường xuyên công kích ta trước dư luận quốc tế.
Năm 1989, ta rút quân khỏi Campuchia, khiến Thái Lan hết lo ngại. Năm 1990, với tuyên bố của Thủ tướng Thái Lan Chatchai Chuhavan muốn biến “Đông Dương từ chiến trường thành thị trường”, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan đã có động thái chuyển biến tích cực hơn.
Đồng chí Lê Đức Anh chỉ đạo cuộc tiếp xúc giữa Thứ trưởng Trần Văn Quang với Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh quân đội Thái Lan lúc đó tại Viêng Chăn (Lào), chủ động bàn về nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai quân đội và hai nước; nhấn mạnh điểm đồng về lịch sử, nhân dân Thái Lan giúp đỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh và giúp Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, nhấn mạnh về điểm đồng của nhân dân hai nước là đều theo Đạo Phật, mà tín đồ Đạo Phật chỉ làm điều thiện, không hận thù, không gây đổ máu. Bộ trưởng Quốc phòng Đông Chai Dut rất cảm kích khi được mời sang thăm Việt Nam; sau đó góp phần nối lại quan hệ hữu nghị, bình thường giữa hai nước vào năm 1990, trước khi bình thường hoá với Trung Quốc. Việc đó đã có tác động đến quan hệ của ta với ASEAN, phương Tây và quan hệ với Trung Quốc.
Đồng chí Lê Đức Anh với công tác chuyên gia quân sự Liên Xô
Sau Hiệp định hợp tác hữu nghị Việt - Xô ký năm 1978, theo Hiệp định, ta cho Liên Xô sử dụng cảng quân sự Cam Ranh cho đến năm 2004, còn Liên Xô đã cung cấp cho ta một số lượng vũ khí, khí tài, phương tiện bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu khi cần thiết.
Khi làm Bộ trưởng Quốc phòng, thời kỳ đổi mới, đồng chí Lê Đức Anh rất quan tâm đến công tác chuyên gia quân sự. Trong tác phong và quan điểm công tác đối ngoại, không những với chuyên gia mà cả với tuỳ viên quân sự, đồng chí có tư duy hết sức tiết kiệm tài lực, nhân lực, không ưa những nghi thức lễ tân, hình thức rườm rà, mà phải đi vào hiệu quả thiết thực, quán triệt tinh thần tiết kiệm. Ngoài ra , đối với cán bộ có quan hệ với chuyên gia Liên Xô, đồng chí luôn quan triệt tinh thần tận dụng, khai thác triệt để hiểu biết và kinh nghiệm của chuyên gia Liên Xô, không được lãng phí thời gian và tài sản viện trợ, để cho bạn nhiều thời gian nhàn rỗi. Việc này cũng phù hợp với tác phong lao động của bạn, nhưng cũng cần phải vận dụng điều bạn giúp ta về huấn luyện, kể cả cách đánh trong điều kiện thực tế và truyền thống của ta, không máy móc, rập khuôn. Cần làm cho bạn hiểu về đất nước, con người, suy nghĩ, truyền thống của ta, thực tế của Việt Nam để bạn giúp ta cho phù hợp, hiệu quả hơn.
Trước tình hình biên giới phía Bắc dần dần ổn định, Việt Nam chuẩn bị hoà nhập khu vực và thế giới, ta mở các cuộc thảo luận với Liên Xô để rút dần các chuyên gia quân sự, Liên Xô cũng nhất trí. Đến năm 1988, đã rút được 50% chức danh và cho đến tháng 5-1992, sau khi Liên Xô tan rã, toàn bộ chuyên gia, cố vấn đã rút về nước. Chỉ còn vấn đề Cam Ranh , bạn có quyền ở đến năm 2004. Đồng chí Lê Đức Anh đã trực tiếp chỉ đạo việc trao đổi, hội đàm Việt - Nga. Bước một là đấu tranh có lý có tình để họ không đưa tên lửa mang đầu đạn H vào cảng Cam Ranh. Bước tiếp theo là thu hồi toàn bộ quân cảng Cam Ranh trước thời hạn của Hiệp định. Khi ngài Putin lên cầm quyền, có điều chỉnh chiến lược, bạn đã cho rút quân khỏi Cam Ranh trước thời hạn, vào năm 2002.
Trong các bước làm việc với Bộ Quốc phòng Liên Xô và Nga sau này, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo sát sao, hợp tình hợp lý, nên vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp, truyền thống với nhân dân và Chính phủ Nga, giữ được tính độc lập, chủ quyền của Việt Nam.
Trung tướng Vũ Xuân Vinh
Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước