Đồng chí Lê Đức Anh - Người hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh (1/12/1920-1/12/2020), sáng 30/11 tại TP. Huế, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức hội thảo khoa học: "Đồng chí Lê Đức Anh với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế".
Tham dự Hội thảo có các đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang nhân dân, các nhà khoa học.
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam), sinh ngày 1/12/1920, tại xã Trương Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, thấu hiểu tình cảnh của người dân lao động cùng khổ dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, đồng chí Lê Đức Anh đã sớm giác ngộ tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1937 và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng cộng sản Việt Nam) khi mới 18 tuổi (1938).
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng không mệt mỏi, hoàn cảnh nào, đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh luôn giữ vững ý chí, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, “Hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, đồng chí Lê Đức Anh đã hoạt động trong các hội Ái hữu tại Hội An, Đà Lạt, Lộc Ninh, Thủ Dầu Một và các doanh nghiệp cao su ở Lộc Ninh, Quản Lợi, Xã Cần, Xã Cát. Đầu năm 1945, đồng chí được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng trung kiên trong các nghiệp đoàn, chuẩn bị đấu tranh võ trang. Đặc biệt, tháng 8/1945, đồng chí đã chỉ đạo công nhân cao su và đồng bào dân tộc ở Hớn Quản và Bù Đốp, tỉnh Bình Phước khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Sau đó, đồng chí tham gia quân đội, bắt đầu cuộc đời binh nghiệp. Những năm đầu hoạt động cách mạng sôi nổi với bao khó khăn, thử thách, đã tôi rèn đồng chí Lê Đức Anh trở thành người cộng sản, chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc ta.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), đồng chí Lê Đức Anh lần lượt đảm nhận các nhiệm vụ từ cấp đại đội, chi đội, trung đoàn, đến Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8, Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn; Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Đồng chí đã bám sát thực tiễn, vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng vào điều kiện của địa phương, theo phương châm “Dựa vào dân mà chiến đấu”, đã giành nhiều thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), đồng chí Lê Đức Anh được giao các chức vụ: Cục phó Cục Tác chiến; Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu; Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu Giải phóng miền Nam Việt Nam; Tư lệnh Quân khu 9; Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh quân đội Tây Nam đánh vào Sài Gòn.
Trên các cương vị, với tư chất của một nhà chỉ huy quân sự mưu lược, quyết tâm và dũng cảm, đồng chí cùng tập thể Tổng Quân ủy, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền hoạch định và tổ chức thực hiện thành công nhiều kế hoạch chiến lược, như: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968); cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Qua thực tiễn chiến trường, đồng chí tỏ rõ là một tài năng quân sự, nhà tham mưu chiến lược tài ba của của Đảng và quân đội.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Lê Đức Anh được Đảng và Nhà nước, quân đội tin tưởng giao phó nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt như Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ tịch nước; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1997 đến tháng 4/2001. Trong cuộc đời mình, dù trên cương vị nào, đồng chí Lê Đức Anh cũng không quản ngại khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế cho biết, Thừa Thiên-Huế là quê hương, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của Đại tướng, cũng là nơi đã nuôi dưỡng, hun đúc tinh thần, ý chí cách mạng của đồng chí Lê Đức Anh. Khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và lúc nghỉ công tác, đồng chí vẫn luôn dành thời gian và tình cảm đặc biệt đối với quê nhà.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí nhiều lần trở lại Thừa Thiên-Huế và gợi mở giúp quê hương khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế-xã hội; gợi ý cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế xin phép Chính phủ xây dựng cảng Chân Mây để vừa phục vụ kinh tế vừa phục vụ quốc phòng.
Trong những năm 2004-2007, đồng chí đã nhiều lần cùng với cán bộ, ban, ngành Trung ương về làm việc với lãnh đạo tỉnh và đặc biệt quan tâm đề xuất để tỉnh triển khai thực hiện các đề án lớn như: Đề án công trình thủy lợi hồ Tả Trạch; Đề án nâng cấp TP. Huế từ đô thị loại 2 lên đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh; Đề án nâng cấp sân bay Phú Bài.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, với niềm tự hào và kính trọng, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên-Huế luôn khắc ghi sâu sắc những lời căn dặn của Chủ tịch nước, Đại tướng; nêu cao ý chí, lòng kiên trung cách mạng, đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, lãnh đạo và đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện.
Noi gương đồng chí Lê Đức Anh, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên-Huế quyết tâm tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa Thừa Thiên-Huế ngày càng đổi mới, hội nhập và phát triển, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, với 99 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, cho đến giờ phút cuối cuộc đời, đồng chí Lê Đức Anh luôn giữ vững phẩm chất của người cộng sản kiên trung, là tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, nêu cao đức hy sinh, lòng dũng cảm, sống trung thực, giản dị, gần gũi với cán bộ chiến sĩ; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và quân đội lên trên hết, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa.
Với công lao, cống hiến to lớn, đồng chí Lê Đức Anh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân huy chương cao quý khác.
Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định hội thảo khoa học hôm nay là một trong những hoạt động lớn, trọng tâm, có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh. Các ý kiến trình bày tại hội thảo góp phần bổ sung những thông tin, tư liệu để khẳng định sâu sắc cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi, phong phú của đồng chí Lê Đức Anh; tôn vinh và tri ân công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.
Thế Phong