Quay lại

"Khí chất Lê Đức Anh": Tình thương của ông Sáu

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

Tình cảm của “Ông Sáu Lê Đức Anh” đối với cán bộ chiến sĩ, đối với nhân dân, từ người già đến em nhỏ rất sâu đậm nhưng cũng rất đặc biệt, ít thể hiện ra bên ngoài.

Với cấp dưới, thường ngày ông ít nói, ít cười, ai mới gặp cũng hơi sợ. Nhưng càng lâu càng thấy gần gũi và quý trọng hơn.
 

Quan tâm người nghèo, gia đình liệt sĩ

Tình đồng chí, đồng đội của ông không dừng ở sự chia sẻ thông thường mà ở những điều rất cụ thể, mà cũng rất lớn lao. Theo ông tới những vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn nghèo khó, ít thấy ông tặng quà của cá nhân cho các em nhỏ hay gia đình khó khăn.

Thực ra ông cũng chẳng có tiền mà cho, và càng không bao giờ tặng quà bằng tiền của người khác. Cái mà ông quan tâm, trăn trở mỗi lần đi địa phương là làm thế nào để dân bớt khổ, bớt nghèo hơn.

Ông tìm hiểu rất cụ thể, nơi nào không có nước thì tìm cách hỗ trợ đào giếng khoan cấp nước, vùng nào còn đói ăn thì tìm cách phát triển nông nghiệp..., tìm chính sách phù hợp để vùng đó phát triển hơn, đời sống người dân khá lên. Và vì ông không nói ra, không thích và cũng chẳng cần “truyền thông” về mình nên không mấy người biết và hiểu hết về những điều ông đã làm.

Cái cách mà ông Sáu Nam quan tâm đến các gia đình liệt sĩ, neo đơn cũng rất khác thường. Thực sự, ông thấu hiểu được sự cô đơn, hiểu được công lao của những người mẹ mất con nơi chiến trận.

Và cách ông bày tỏ lòng mình, không chỉ là “nén hương - phần quà”, mà lớn lao hơn trong suy nghĩ và hành động. Đặc biệt khi ông đề nghị Bộ Chính trị thông qua Pháp lệnh trao tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng. Ông từng nói mình vô cùng hạnh phúc tự hào, khi với cương vị Chủ tịch nước được gắn tấm huân chương vinh danh và lần đầu tiên cùng hơn hai trăm Bà mẹ VN anh hùng tới quảng trường Ba Đình để duyệt hàng quân danh dự. Đứng trước đoàn quân oai hùng, phần nào các mẹ sẽ được thấy như đứa con mình đang trở về...

Nói về sự giản dị của ông, xét cho cùng cũng giống như hầu hết cán bộ cách mạng thời đó, chẳng ai mưu cầu cuộc sống vật chất giàu sang, hào nhoáng. Nhưng lối sống, phong cách giản dị đó nhiều khi lại “rất Lê Đức Anh”, chẳng giống ai.

Khi có chiếc ti vi màn hình lớn các bạn quốc tế gửi tặng, ông bảo, chiếc nhỏ vẫn xem được, lấy cái ti vi to mang gửi cho bộ đội Trường Sa. Cái áo đại cán ông thường mặc màu xanh rêu 3 túi, lâu ngày túi áo trên sờn rách phải tháo ra, hằn một vệt thẫm màu trên nền áo ngả bạc..., Ông vẫn khoác khi đi họp, vẫn mặc khi ra phố. Người giúp việc thưa: “Thưa chú, áo này thay được rồi!”, ông quay lại hỏi: “Sao phải thay?”. Thế là hết chuyện.

Sau năm 2000, khi ông đã nghỉ, vợ chồng tôi sang thăm, thấy bộ bàn ghế xộc xệch, bát đĩa cũng bình thường, bảo nhau sao lại để ông ở như thế? Chúng tôi ra mua một bộ bàn ghế cùng bộ bát đũa, dặn chú công vụ cất đồ cũ đi, nếu ông có hỏi thì bảo do tôi mang đến. Đến chiều người công vụ điện lại, nói ông bà chỉ lấy bộ bát đũa vì nhà sắp có khách, còn bộ bàn ghế thì... cô chú đến đem về... Vậy đó!

Bây giờ ngẫm lại càng thấm, rằng thế hệ đi trước, những người như ông Sáu, suốt một cuộc đời gìn giữ lý tưởng, đạo lý, phẩm chất và lối sống một cách tự nguyện, tự giác, tự nhiên... Vì với họ đó là cuộc sống tốt đẹp nhất, đáng thỏa mãn nhất và sung sướng nhất.
 

"Khí chất Lê Đức Anh"

Khi còn đương thời, những chiêm nghiệm về con người, về nhân cách và khí chất của ông chưa thật rõ, nhưng giờ đây, khi ông đi xa rồi, tất cả bỗng hiện lên thật sâu đậm.

Có nhiều điều dù ông không nói ra, nhưng bằng chính con người, công việc của ông đã tạo nên sự ngưỡng mộ về trí tuệ, sự kính trọng về đạo đức và nhân cách trong sáng, sự khâm phục về phong cách làm việc. Điểm dễ thấy nhất ở ông là lòng tin vào sự nghiệp, một lòng tin tuyệt đối, cháy bỏng, cả khi ở chiến trường cũng như trong những tháng năm đầy khó khăn, thử thách của công cuộc “Đổi mới”.

Ông có niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng cách mạng, vào cái đúng, đạo lý trên đời, và vì niềm tin đó ông làm tất cả, làm “tận bờ sát góc”, như cách nói của người miền Trung, nếu hỏng thì làm lại, làm đến tận cùng, không có mục đích nào khác ngoài lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Ông là một người chỉ huy, một lãnh đạo quyết liệt, gan góc, mạnh mẽ với phương châm đơn giản: “Khi nghĩ chưa chín thì đừng nói. Đã nói ra thì phải làm bằng được. Làm hư thì làm lại, không bao giờ bỏ cuộc!”.

Lòng tin, trí tuệ cùng sự nhạy cảm chính trị, tầm cao chiến lược đã tạo ra ông - một nhà chính trị, quân sự lớn, trên cương vị Chủ tịch nước, đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tư lệnh chiến trường... Dường như ông hay lơ đễnh đến đời thường của chính mình, nhưng lại rất nhạy cảm trước đại sự của đất nước.

Người ta hay nói vui, mà kính trọng: “Ông Sáu chiến lược”. Cái gì ông cũng biết, cũng nắm rất chắc, rất cụ thể. Ông biết tìm thông tin ở đâu, biết lắng nghe như thế nào và gặp những ai. Trên một nền thông tin đầy đủ, ông quyết định đúng thời điểm, đúng thời cơ, dứt khoát và rất chính xác. Đến những năm cuối đời, sức khỏe kém, không có điều kiện đi lại, nhưng nhiều người ngạc nhiên về thông tin và trí tuệ của ông. Ông cho nhiều ý kiến rất sắc sảo, độc đáo về đường lối chính trị, chiến lược quốc phòng, quân sự và quan hệ quốc tế.

Điều đó xuất phát từ một trí lực phi phàm. Ngay từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông đã dự báo về sự tan vỡ của Liên Xô - trước rất lâu khi nó diễn ra. Dự báo đó đã góp phần để Đảng ta không bị bất ngờ, đất nước ta vẫn đứng vững, vượt qua khủng hoảng.

Nhân nói về điều này, tôi nhớ tới câu nói của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Bungari Li-lốp, sau khi Đông Âu - Liên Xô sụp đổ: “Một nguyên nhân quan trọng để chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là: không một nhà lãnh đạo ở Đông Âu nào khi đi ngủ có một giấc mơ rằng sáng mai thức dậy có thể sẽ mất chính quyền”.

Phải, ông và những người lãnh đạo, những người đồng đội của mình sau bao cuộc trường chinh gian khó, vẻ vang đã không màng việc kê cao gối ngủ. Họ vẫn trong tâm thế ngày mai ra trận, nhìn thật xa và sẵn sàng cho những tình huống gian nguy nhất.

Tôi đã nhiều lần đọc hồi ký của ông, trong đó mọi sự kiện của cuộc đời, ông luôn có chính kiến của riêng mình - số đông chưa chắc đã luôn đúng. Nhưng khi tập thể đã quyết định thì ông phục tùng tuyệt đối. Đó là nguyên tắc sống và cũng là phương châm hành động của ông.
 

Hội tụ năng lực chính yếu

Trong ông Sáu Nam có sự hội tụ của những năng lực chính yếu nhất của nhà lãnh đạo: Năng lực tư duy - Năng lực xây dựng kế hoạch - Năng lực hành động. Một người lãnh đạo mà đủ ba năng lực như vậy rất hiếm. Tư duy thì phải chiến lược, kế hoạch thì phải rất tỉ mỉ, cụ thể, logic.

Và khi hành động thì hết sức quyết liệt, không từ bỏ mục đích dù khó khăn đến mấy. Muốn vậy, phải sẵn sàng từ bỏ lợi ích cá nhân, vượt lên mọi ràng buộc thông thường, để thực hiện bằng được mục đích. Khí chất đó vẫn còn cần, cần lắm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Khi ông mất, nhiều người hỏi tôi, vậy là vị tướng trận mạc lẫy lừng, người cuối cùng của thế hệ vàng các nhà cách mạng đã ra đi? Đó là sự thật, nhưng không thể trả lời đơn giản là “Đúng” hay “Không”. Di sản mà thế hệ của ông đã làm được, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ là hết sức vĩ đại, nhưng để có một đất nước VN thực sự như thế hệ cha ông, như Bác Hồ mong muốn thì còn vô vàn công việc phải làm.

Thời chiến tranh, đất nước này đã có những vị tướng trận như Lê Đức Anh để chiến đấu và chiến thắng. Trong hòa bình chúng ta càng cần những vị tư lệnh lỗi lạc trên tất cả các mặt trận - những người có khí chất minh triết, gan góc, bạo liệt và thuần khiết như vậy, để tiến nhanh, tiến mạnh về phía trước.

Cầu mong cho dân tộc này sẽ lại tiếp tục sản sinh ra những con người với khí chất như thế.

Báo Thanh niên ngày 3/5/2019