Đại tướng Lê Đức Anh - Người chỉ huy bản lĩnh, dám quyết, dám chịu trách nhiệm
(Thanh tra) - Với nhiều năm gắn bó với Đại tướng Lê Đức Anh, từ thời chiến đến thời bình, Đại tướng Phạm Văn Trà thấy, nguyên Chủ tịch nước là vị tướng giỏi, có bản lĩnh, dám quyết, dám chịu trách nhiệm, là một người mẫu mực, khiêm tốn, không bao giờ tư lợi cho riêng mình.
Đại tướng Lê Đức Anh ở quần đảo Trường Sa năm 1988. Ảnh tư liệu
Dự đoán được sớm, nắm chắc tình hình
Nhớ về những ngày tham gia cách mạng, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhớ lại, năm 1969, ông bắt đầu làm việc với Đại tướng Lê Đức Anh tại Quân khu 9.
“Lúc chiến trường ác liệt nhất, khó khăn nhất, anh Lê Đức Anh được cấp trên giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Quân khu 9. Tại đây, anh Lê Đức Anh luôn bám sát chiến trường và đưa ra những quyết định quan trọng”, Đại tướng Phạm Văn Trà kể.
Trong quá trình công tác, Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, cũng là người được gặp gỡ và có những kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Thiếu tướng Hoàng Kiền kể, năm 1994, ông đi dự Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân, được báo cáo trước Đại hội. Giờ giải lao, Đại tướng Lê Đức Anh (khi đó là Chủ tịch nước) nói chuyện với đoàn Hải quân, đã hỏi thăm tình hình xây dựng và bảo vệ Trường Sa.
“Tôi rất vinh dự được báo cáo kết quả mà Trung đoàn Công binh 83 đã thực hiện, đơn vị đang đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nghe xong, Đại tướng Lê Đức Anh hoan nghênh và căn dặn chúng tôi tập trung xây dựng về mọi mặt, cả lực lượng, vũ khí trang bị và công trình chiến đấu để bảo vệ vững chắc quần đảo Trường Sa, trước mắt giữ ổn định tình hình như hiện nay, tránh bị khiêu khích dẫn tới mắc mưu để đối phương tạo cớ lấn chiếm tiếp”, Thiếu tướng Hoàng Kiền nhớ lại.
Cũng theo ông Hoàng Kiền, năm 1988, trong chuyến thị sát tại quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh (lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng) đã dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam.
“Tại đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh đã đọc lời thề: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”, Thiếu tướng Hoàng Kiền chia sẻ lại.
Theo Đại tướng Phạm Văn Trà, ông Lê Đức Anh là người dám quyết, dám chịu trách nhiệm. Và một trong những quyết định của nguyên Chủ tịch nước khiến Đại tướng Phạm Văn Trà đặc biệt ấn tượng, đó là sau khi Mỹ ký Hiệp định Paris (năm 1973), nhiều chiến trường ngừng bắn nên bị địch o ép, gây ra tình cảnh khó khăn, nhưng ở Quân khu 9, ông Lê Đức Anh vẫn lệnh cho quân đánh địch.
“Chúng tôi thấy đánh là đúng, đánh như vậy để thăm dò Mỹ xem có trở lại hay không”, ông Trà nói.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh còn là người chỉ huy dự đoán được sớm, nắm chắc được tình hình và trong lúc khó khăn nhất ông luôn vững vàng.
Đại tướng Phạm Văn Trà nhớ, khi hòa bình lập lại, nhiều địa phương cho chiến sĩ về với gia đình. Riêng ở Quân khu 9, ông Lê Đức Anh vẫn giữ lại 3 trung đoàn. Ông chọn trung đoàn mạnh của Quân khu 8 và 9 thành lập sư đoàn 330. Do vậy, đến khi Pol Pot bất ngờ đánh Việt Nam thì chỉ có Quân khu 9 đánh, còn Quân khu 7 gặp nhiều khó khăn.
Có bất đồng, cấp dưới được “cãi” đến cùng
Ấn tượng nữa mà Tướng Phạm Văn Trà vẫn nhớ mãi, là khi thảo luận về một trận đánh hay một chiến dịch, ông Lê Đức Anh đều cho mọi người phát biểu, có gì bất đồng, cấp dưới có thể “cãi” đến cùng.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay, ban đầu, ông Lê Đức Anh kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình, nhưng thấy cấp dưới nói đúng thì ông cũng nghe. “Có 2 trận đánh, tôi cãi ông. Lúc đầu cãi lại tôi cũng hơi ngại, tưởng ông không nghe, nhưng cuối cùng ông cũng nghe”, Đại tướng Phạm Văn Trà nói.
Cuộc tranh luận gay gắt đầu tiên giữa ông Phạm Văn Trà và ông Lê Đức Anh là trong cuộc chiến chống Mỹ vào năm 1972.
“Trước khi bước vào một chiến dịch, đơn vị của ta bị B52 càn cả một ngày, dẫn tới một tiểu đoàn hi sinh hơn 660 người, gần như hết lực lượng. Đến ngày hôm sau, anh Lê Đức Anh vẫn quyết thực hiện chiến dịch. Nhưng chúng tôi bảo là không đánh được, vì lực lượng không củng cố được. Cuối cùng ông quyết lùi lại mấy ngày”, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà kể.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh với đồng bào dân tộc ở Buôn Đôn (Đắk Lắk), ngày 28/9/1996. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Lần “cãi” thứ hai là vào năm 1978, khi Sư đoàn 330 bàn cách diệt Pol Pot ở núi Phú Cường (An Giang). Lúc đầu, cách đánh tiến công, bao vây Pol Pot của ông Lê Đức Anh đưa ra khiến ông thấy không phù hợp vì anh em không đánh được.
Theo ông Phạm Văn Trà, ban đầu Đại tướng Lê Đức Anh không chịu, “cãi” mãi cuối cùng ông Lê Đức Anh lại nghe. “Nhờ đánh trận đấy, Sư đoàn 330 tạo “thương hiệu”, đi đến đâu Pol Pot đều bỏ chạy”, Đại tướng Phạm Văn Trà nói.
Với nhiều năm gắn bó với Đại tướng Lê Đức Anh, từ thời chiến đến thời bình, ông Phạm Văn Trà thấy, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một vị tướng giỏi, có bản lĩnh, có tầm nhìn sâu rộng, luôn đoán được trước tình hình, là một người mẫu mực, khiêm tốn, không bao giờ tư lợi cho riêng mình.
Khi trở về cuộc sống đời thường, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh luôn nhắc nhở thế hệ sau phải giữ được phẩm chất cho tốt, đặc biệt là gia đình. Đại tướng Lê Đức Anh cũng luôn nhắc nhở phải luôn quan tâm đến quân đội, vì quân đội đã đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến, trong hoà bình cũng cần cố gắng để bộ đội giữ được truyền thống, phẩm chất tốt…
Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, sức yếu, Đại tướng đã từ trần vào hồi 20 giờ 10 phút ngày 22/4/2019, tại nhà công vụ, số 5A, phố Hoàng Diệu, Hà Nội.
Đại tướng Lê Đức Anh, sinh năm 1920, quê quán tại xã Bàn Môn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tóm tắt quá trình công tác của Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh:
Từ năm 1937 đến 1945: Tham gia phong trào dân chủ ở Phú Vang, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5/1938, Chỉ huy quân đội vũ trang ở Thủ Dầu Một; Trung đội trưởng, Chính trị viên đại đội, Chính trị viên tiểu đoàn, Trung đoàn uỷ viên, Tỉnh uỷ viên Thủ Dầu Một, Uỷ viên Ban Chấp hành cao su Nam Bộ.
Từ tháng 10/1948 đến 1950: Được cử giữ các chức vụ: Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8; Khu Sài Gòn-Chợ Lớn, Quân khu uỷ viên.
Từ tháng 1/1951 đến 1975: Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Cục phó Cục Tác chiến, Cục phó thứ nhất Cục Quân lực, Cục trưởng Cục Quân lực, Phó Tổng tham mưu trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Miền, Tư lệnh Quân khu 9, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Miền, Trung tướng (1974).
Từ năm 1975 đến 1976: Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh cánh quân Tây Nam, Tư lệnh Quân khu 9, Bí thư Quân khu uỷ, Đại biểu Quốc hội Khoá VI.
Từ tháng 12/1976: Tại Đại hội IV được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân khu 7 (1978), Uỷ viên Quân uỷ Trung ương, Thượng tướng (1980).
Từ tháng 6/1981: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Tại Đại hội V (3/1982) của Đảng, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị.
Ông Lê Đức Anh được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984.
Từ tháng 2/1987 đến tháng 9/1992: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tại Đại hội VI (12/1986) và Đại hội VII (6/1991), được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị. Đại biểu Quốc hội Khoá VIII.
Từ năm 1992: Được Quốc hội Khoá IX bầu làm Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Đại hội VIII ( 6/1996), được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Chủ tịch nước.
Từ tháng 12/1997: Được Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII) cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Hương Giang