Quay lại

Đại tướng Lê Đức Anh - Một vị tướng tài

Đại tướng Lê Đức Anh là một “vị tướng trận mạc”, một nhà chỉ huy xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược, chiến thuật tài tình. Nhìn lại sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh, chúng ta có thể khẳng định: “ông là vị tướng tài”.
 

1. Người chỉ huy quân sự tài ba, quyết đoán, dạn dày kinh nghiệm trận mạc, góp phần vào nhiều chiến thắng quan trọng có tính quyết định trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945 - 1975)

Đầu năm 1945, đồng chí Lê Đức Anh được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng trung kiên trong các nghiệp đoàn, chuẩn bị đấu tranh vũ trang. Đồng chí đã trực tiếp giác ngộ hàng trăm phu cao su Lộc Ninh, tuyển chọn và kết nạp được bốn người, thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên do đồng chí làm Bí thư Chi bộ. Ngày 23/8/1945, được Tỉnh ủy và Ủy ban khởi nghĩa Thủ Dầu Một phân công, đồng chí lãnh đạo công nhân cao su và đồng bào dân tộc ở Hớn Quản và Bù Đốp khởi nghĩa thành công, giành chính quyền ở tỉnh lỵ vào đêm 24 rạng sáng ngày 25/8/1945. Những năm đầu hoạt động cách mạng sôi nổi với bao khó khăn, thử thách đã tôi rèn đồng chí Lê Đức Anh trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời chiến đấu hy sinh vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Lê Đức Anh tham gia quân đội và bắt đầu cuộc đời binh nghiệp đầy gian khổ và oanh liệt. Hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã tôi luyện ý chí và tài năng, giúp đồng chí không ngừng trưởng thành và có những đóng góp quan trọng trên các cương vị được Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó. Từ năm 1946 đến năm 1947, đồng chí tham gia quân đội, chỉ huy giành chính quyền ở Lộc Ninh, tham gia Tỉnh ủy lâm thời, phụ trách quân sự phía Bắc tỉnh Thủ Dầu Một; giữ các chức vụ Chính trị viên Chi đội 1 (sau là Trung đoàn 301), Trung đoàn ủy viên, Tỉnh ủy viên Thủ Dầu Một. Từ năm 1948 đến năm 1954, đồng chí đảm đương nhiều chức vụ quan trọng như: Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8, Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Quân khu ủy viên, Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Trên chiến trường, trong những năm tháng chiến đấu tại miền Đông Nam Bộ, tên tuổi đồng chí Lê Đức Anh gắn liền với chiến thắng Bến Cát (25 - 27/01/1950)2 - trận đánh mở ra lối đánh mới “chiến thuật đặc công” phổ biến rộng rãi trong toàn quân. Từ chỗ ta bị động đối phó với các cuộc hành quân càn quét của địch, nay chuyển sang chủ động tổ chức những trận tiến công quy mô chiến dịch.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đồng chí Lê Đức Anh tập kết ra Bắc. Từ năm 1955 đến năm 1963, đồng chí lần lượt giữ các chức vụ: Cục phó Cục Tác chiến; Cục phó, Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu; Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là thời gian đồng chí được tìm hiểu, học hỏi về các ngành, các công việc của công tác tham mưu chiến lược, nâng cao hiểu biết thực tế và phương pháp luận khoa học khi tiến hành công tác tham mưu quân sự và được bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị. Cũng trong thời gian này, đồng chí cùng với đoàn cán bộ quân đội sang Liên Xô để tìm hiểu về phương pháp tác chiến của quân đội các nước Liên Xô, Đức, Pháp và Mỹ.

Cuối năm 1963, Đại tá Lê Đức Anh trở lại chiến trường miền Nam. Tại Bộ Chỉ huy Miền, trên cương vị Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều đề xuất quan trọng và trực tiếp soạn thảo, triển khai kế hoạch xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, đồng chí đã cùng cơ quan tham mưu Bộ Chỉ huy Miền chỉ huy chiến dịch tiến công Bình Giã giành thắng lợi.

Sang những năm 1966 - 1967, trước những cuộc phản công của Mỹ vào Chiến khu Dương Minh Châu, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền giao đồng chí Lê Đức Anh tổ chức lực lượng đánh địch tại chỗ. Để vừa bảo toàn lực lượng, bám trụ trên địa bàn tác chiến không có dân, vừa đánh tiêu hao, tiêu diệt địch, Tham mưu trưởng Lê Đức Anh đã đề xuất: di chuyển những người và tổ chức thật cần thiết thuộc Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền đến nơi an toàn; lực lượng còn lại tổ chức thành các “huyện căn cứ”, các “xã căn cứ” để đánh địch tại chỗ, phát huy cao độ ưu thế của du kích chiến, kết hợp với các đơn vị chủ lực cơ động đánh vào bên sườn và phía sau đội hình quân địch. Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của đồng chí, sau gần hai tháng chiến đấu (22/02/1967 - 15/4/1967), ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 14.000 tên địch chủ yếu là lính Mỹ, phá hủy hơn 992 xe quân sự, 112 khẩu pháo, bắn rơi và phá hủy 160 máy bay. Trong chiến dịch này, đồng chí Lê Đức Anh đã tạo ra nghệ thuật chiến dịch “thế trận chiến tranh nhân dân trên một địa bàn không có dân” để đánh địch.

Trải qua kinh nghiệm công tác và thực tiễn chiến trường, đồng chí Lê Đức Anh tiếp tục có nhiều cống hiến cho cách mạng Việt Nam.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, đồng chí đã có những đề xuất quan trọng về chuyển hướng tiến công. Sự chuyển hướng tiến công kịp thời không những giảm thiểu thương vong cho cán bộ, chiến sĩ, đạt được mục tiêu đề ra, mà còn góp phần tiêu diệt nhiều vị trí và sinh lực địch. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh.

Đầu năm 1969, đồng chí Lê Đức Anh được cấp trên giao nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 9. Trên cương vị mới, đồng chí Lê Đức Anh đã tích cực chỉ đạo cấp dưới, động viên các đồng chí, đồng đội gây dựng lại cơ sở. Với nỗ lực không ngừng, chỉ một thời gian ngắn, Quân khu 9 đã củng cố, xây dựng được nhiều đơn vị chủ lực cấp trung đoàn, trong đó nổi bật có các đơn vị: Trung đoàn 1 (U Minh), Trung đoàn 3 (Cửu Long). Trung đoàn 20 (Hương Giang), Trung đoàn 10, Trung đoàn 2 (Lộc Ninh). Với lực lượng đó, từ ngày 07/4 đến tháng 08/1972, Quân khu 9 đồng loạt tiến công tiêu diệt 4 chi khu, 2 yếu khu, 6 căn cứ trung đoàn và tiểu đoàn. Quân khu 9 đã chuyển dần sang chủ động tiến công, đánh bại bước đầu chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Với tầm nhìn chiến lược, tư duy nhạy bén, sắc sảo, đồng chí Lê Đức Anh đã sớm nhận ra ý đồ của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong thi hành Hiệp định Pari năm 1973. Từ giữa tháng 3 đến tháng 8/1973, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh Lê Đức Anh, trên vùng đất Chương Thiện, Cần Thơ, lực lượng vũ trang và nhân dân Quân khu 9 đã chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy tất cả các cuộc hành quân lấn chiếm quy mô cấp quân đoàn, đánh bại 75 tiểu đoàn cùng với kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của địch. Nhận xét về quyết định này, Bộ Chỉ huy Miền chỉ rõ: “Quân khu 9 đã đánh giá đúng âm mưu ngoan cố, phá hoại Hiệp định, phá hoại hòa bình của địch, dự kiến được những thủ đoạn xảo quyệt của chúng, chỉ đạo các lực lượng vũ trang có biện pháp đối phó thích hợp”.

Với những thành tích trong chỉ huy chống địch lấn chiếm, phá hoại Hiệp định Pari năm 1973 trên địa bàn Quân khu 9 và những thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1964 - 1974, ngày 16/4/1974, đồng chí Lê Đức Anh được Chủ tịch nước ký Quyết định phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Năm 1974, Trung tướng Lê Đức Anh được giao đảm nhiệm Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam. Cuối năm 1974, đầu năm 1975, Đồng chí cùng Bộ Chỉ huy Miền đã chỉ huy các đơn vị liên tiếp tiến công địch trong các chi khu Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Xoài, Phước Long... Trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long (13/12/1974 - 06/01/1975), trên cương vị chỉ huy, đồng chí đã đưa ra cách đánh táo bạo -”đánh phủ đầu”, nhanh chóng thu được thắng lợi, làm quân đội Sài Gòn hoang mang, rệu rã. Hồi ký của ông ghi lại trận Phước Long như sau: “... Như vậy là, khi ta đánh đòn phủ đầu mà trúng huyệt hiểm thì địch rã. Nếu ta lừng chừng không chớp thời cơ này đánh tới, mà để chậm, nó đưa lên một liên đoàn biệt động tăng cường cho núi Bà Rá và thị xã Phước Long thì ta sẽ khó hơn rất nhiều. Đây không chỉ là chủ trương có trước của Bộ Chỉ huy Miền, mà tình hình cụ thể nó đặt ra phải xử lý”. Trận thắng Phước Long đã trở thành cơ sở vững chắc để Trung ương hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Lê Đức Anh đảm trách chỉ huy và lãnh đạo trực tiếp cánh quân tiến công trên hướng tây - tây nam Sài Gòn (Đoàn 232), một trong năm cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Hướng tây - tây nam Sài Gòn là một hướng tiến công rất quan trọng để nhanh chóng chia cắt quân địch trên tuyến quốc lộ số 4, không để chúng co cụm về cố thủ ở Cần Thơ. Đoàn 232 do đồng chí chỉ huy đã thực hiện thành công các nhiệm vụ chính là: chia cắt các lực lượng Sài Gòn và miền Đông với lực lượng vùng đồng bằng sông Cửu Long; tấn công Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát, sau đó hợp điểm cùng các cánh quân khác tại Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975.
 

2. Vị tướng góp phần giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng, tái thiết đất nước

Sau khi miền Nam giải phóng, thực hiện nhiệm vụ được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao, tháng 5/1976, Trung tướng Lê Đức Anh được phân công làm Tư lệnh Quân khu 9. Trên cương vị được giao, đồng chí đã nhanh chóng tạo được sự ổn định, bảo đảm cho đời sống và các hoạt động trong toàn Quân khu.

Khi tập đoàn phản động Pôn Pốt gây chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới Tây Nam, đồng chí Lê Đức Anh được điều động về làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở Mặt trận Tây Nam. Thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, đồng chí Lê Đức Anh đã tích cực chỉ đạo Quân khu 7 giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng ngay trên địa bàn Quân khu.

Ghi nhận những cống hiến xuất sắc của đồng chí, ngày 21/01/1980, Trung tướng Lê Đức Anh được Chủ tịch nước ký quyết định thăng quân hàm từ cấp Trung tướng lên cấp Thượng tướng.

Năm 1981, đồng chí được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều sáng kiến, quyết định quan trọng góp phần vực dậy phong trào cách mạng ở Campuchia. Đồng chí đã quán triệt nghiêm túc đường lối đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam “giúp bạn tức là tự giúp mình”, chuẩn bị mọi mặt chu đáo trong các cuộc tiếp xúc với nước bạn, thường xuyên rèn luyện cho cán bộ, bộ đội tình nguyện tính tổ chức kỷ luật cao trong chấp hành các mệnh lệnh, nguyên tắc.

Những ngày đầu tiên trên đất bạn, đồng chí đã chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam ra sức cứu đói, chữa bệnh cho nhân dân Campuchia, trên cơ sở đó giúp đất nước và nhân dân Campuchia xây dựng lực lượng vũ trang, khôi phục sản xuất, tổ chức lại cuộc sống. Cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam chiếm trọn sự tin tưởng của nhân dân Campuchia, cùng hợp lực, kề vai sát cánh chiến đấu đánh bại tập đoàn Pôn Pốt.

Trên cương vị Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam, Trưởng Ban Lãnh đạo Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia, đồng chí Lê Đức Anh đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, thắt chặt tình đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa hai Đảng, hai đất nước, nhân dân Việt Nam và Campuchia. Đó là: quyết định xử lý khéo léo tình huống sai lầm của Bộ Tư lệnh Mặt trận 479, giúp xóa bỏ những hoài nghi, gắn kết lại mối quan hệ giữa hai Đảng; quyết định xây dựng tuyến phòng thủ K5 dài 800km gồm hệ thống tổ chức phòng thủ, tập trung bộ đội chủ lực trên các trọng điểm và công sự, chiến hào, vật cản bằng hàng rào dây thép gai, mìn, đê, hào, lũy, hầm chông, cạm bẫy,... giúp bạn tập dượt công tác vận động, tổ chức quần chúng. Trên hết, tuyến tuần tra biên giới này có tác dụng chia cắt chiến lược ngoại biên và nội địa, góp phần tích cực và có hiệu quả trong việc hạn chế, ngăn chặn sự xâm nhập của địch từ Thái Lan vào trong nội địa Campuchia. Kết quả hoạt động đối ngoại của đồng chí đã góp phần tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị quốc tế Việt Nam - Campuchia.

Hơn 10 năm giúp bạn, ta và bạn đã làm nên cuộc cách mạng giải phóng một dân tộc khỏi họa diệt chủng của tập đoàn Pôn Pốt, hồi sinh một đất nước từ tiêu điều, tan nát, đói rách để mọi người dân có quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Thủ tướng Chính phủ Campuchia Hun Sen nói: “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chúng tôi sẽ chết. Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, Chính phủ Phnôm Pênh sẽ không tồn tại”. Vì vậy, nhân dân Campuchia đã gọi: “Bộ đội tình nguyện Việt Nam là bộ đội nhà Phật”.

Ngày 21/12/1984, đồng chí Lê Đức Anh được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký quyết định thăng quân hàm từ cấp Thượng tướng lên cấp Đại tướng.
 

3. Tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam trở thành công cụ vững mạnh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Năm 1987, trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh cùng tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương và lãnh đạo Bộ Quốc phòng tập trung nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức biên chế, bố trí chiến lược của quân đội cho phù hợp với kế hoạch phòng thủ cơ bản trong thời kỳ mới. Những quyết sách của Đại tướng Lê Đức Anh đã góp phần quan trọng củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) trên lĩnh vực quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh đã đưa ra đề xuất quan trọng về: Xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch điều chỉnh bố trí chiến lược và giảm quân số; Soạn thảo các văn bản, tài liệu, giáo trình và triển khai trên toàn quốc “thế trận chiến tranh nhân dân” và nhiệm vụ “quốc phòng toàn dân”. Đề xuất thay đổi tư duy căn bản này của Đại tướng Lê Đức Anh đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Bộ Chính trị họp thông qua kế hoạch điều chỉnh chiến lược và giảm mạnh quân số quân đội, từ quân thường trực 1,5 triệu quân xuống còn 45 vạn quân và bước đầu để 5 vạn quân dự bị (từ 9 quân đoàn giảm xuống còn 4 quân đoàn). Trên thực tế, mặc dù quân số giảm nhưng sức mạnh chiến đấu không giảm mà càng được tăng cường, gánh nặng ngân sách quốc phòng được giải quyết một cách cơ bản.

Đặc biệt, các văn bản, tài liệu, giáo trình và triển khai trên toàn quốc “thế trận chiến tranh nhân dân” và nhiệm vụ “quốc phòng toàn dân” là cơ sở lý luận và thực tiễn để Bộ Chính trị (khóa VI) ra Nghị quyết số 02/NQ-TW xác định nhiệm vụ quốc phòng đến năm 1990 và những năm tiếp theo. Nghị quyết được triển khai thực hiện đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát động được toàn dân xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng các khu vực phòng thủ từ tỉnh, thành phố đến cơ sở, tạo nên sức mạnh tại chỗ của nền quốc phòng.

Cùng với việc soạn thảo tài liệu hướng dẫn và triển khai xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố là việc biên soạn các tài liệu để tiến hành tập huấn kiến thức quốc phòng và quân sự cho đội ngũ Bí thư Đảng các tỉnh, huyện và tương đương, kể cả các bộ, ban, ngành ở cấp Trung ương. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Lê Đức Anh, các cơ quan Bộ Tổng Tham mưu đã soạn thảo 21 tài liệu cơ bản, tổ chức các lớp tập huấn, tiến hành diễn tập với nhiều tình huống, nhiều giả định sát thực tế trên cả hai nội dung: chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và đối phó với các tình huống chiến tranh, điển hình là các cuộc diễn tập ở Hải Phòng, Khánh Hòa và Đồng Nai.

Đại tướng Lê Đức Anh còn rất quan tâm đến việc xây dựng công nghiệp quốc phòng tự chủ, có khoa học - kỹ thuật tiên tiến, có lực lượng cán bộ và nhân viên khoa học ngày càng phát triển. Phương hướng là sẽ giảm quân thường trực với số lượng lớn, nhưng lực lượng nghiên cứu khoa học nên tăng chứ không giảm. Hồi ký của Đại tướng viết: “Công việc khẩn trương, đòi hỏi phải tính toán rất kỹ. Nhiều đêm chúng tôi phải thức trắng để làm việc. Anh Đoàn Khuê chỉ đạo từng việc cụ thể về bố trí lực lượng, từng đơn vị, từng cơ quan một, trong đó đặc biệt chú ý cân nhắc khi bố trí các đơn vị chủ lực cơ động của Bộ, của các quân khu, lực lượng phòng không quốc gia, lực lượng không quân, hải quân. Chú ý khâu bảo quản và hiện đại hóa vũ khí, tiến tới tự động hóa phòng không tầm trung và tầm cao. Lực lượng hải quân phát triển và bố trí ngày càng thêm chặt chẽ ở hướng Cam Ranh, biển đảo và đóng được tàu 5.000 tấn, tiến lên 10.000 tấn. Trên cơ sở đó, đã bố trí lại lực lượng và tổ chức phòng thủ trên các hướng, các địa bàn chiến lược quan trọng, vùng biển đảo và biên giới đất liền, các trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế...”.

Đại tướng Lê Đức Anh đã chú trọng việc điều chỉnh bố trí chiến lược quốc phòng. Theo đó, Quân đoàn 3 được điều lên đứng chân ở Tây Nguyên, kịp thời đẩy lùi hoạt động của bọn phản động, tạo môi trường ổn định cho Tây Nguyên phát triển kinh tế, đội hình bố trí lực lượng của các quân, binh chủng được điều chỉnh thích hợp.

Đại tướng Lê Đức Anh còn đặc biệt quan tâm đến công tác tăng cường phòng thủ biển, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa. Trong việc tăng cường phòng thủ bờ biển, hải đảo và thềm lục địa, có hai vấn đề nổi lên rất quan trọng và cấp thiết cần phải giải quyết. Đó là, tiếp tục hoàn thiện bố trí lực lượng trên các đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa và việc xử lý các vấn đề thuộc cảng quân sự Cam Ranh. Cuối tháng 02/1987, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân chủng Hải quân củng cố và tăng cường lực lượng phòng thủ quần đảo Trường Sa. Để đưa ra được những quyết sách đúng đắn, Đại tướng Lê Đức Anh nhiều lần trực tiếp thị sát, chỉ đạo và đóng góp quan trọng trong xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cuối tháng 3/1987, trong đợt làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân, Đại tướng chỉ rõ: Phải thấy hết vị trí chiến lược của Biển Đông. Trước tiên, phải lo phòng thủ quần đảo Trường Sa, nơi có thể xảy ra xung đột. Ta phải hành động kiên quyết để bảo vệ các đảo nổi và đảo chìm. Các đồng chí suy nghĩ mọi cách để xây dựng hải quân hùng mạnh. Ngày 10/6/1987, tôi vào Cam Ranh, tiếp tục làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân và Vùng 4, tôi nói rõ thêm: Ta phải nỗ lực cao nhất để bảo vệ quần đảo Trường Sa, tăng cường khả năng phòng thủ tại chỗ, giữ vững các đảo, coi trọng việc chi viện từ bờ ra. Vừa qua quốc phòng và cả nước chưa làm hết sức. Nay ta phải làm, làm cho ngày nay và cho thế hệ mai sau. Ngày 06/11/1987, đồng chí ký Mệnh lệnh số 1679/ML-QP về việc bảo vệ quần đảo Trường Sa, đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi cạn chưa có người, trước mắt đưa ngay các lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ để khai thác và sẵn sàng bảo vệ đảo.

Chiều ngày 13/02/1988, làm việc với Tư lệnh Hải quân, Đại tướng đã phê bình nghiêm khắc việc để mất đảo Đá Chữ Thập và giao cho Tư lệnh Quân chủng kiêm nhiệm Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Ngày 17/2, Bộ Tư lệnh Hải quân vào Sở Chỉ huy Vùng 4 ở Cam Ranh để trực tiếp chỉ huy các đơn vị. Hai ngày sau, Đại tướng gửi báo cáo lên Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Ngoại giao đề nghị giải quyết một số vấn đề cấp bách như tàu vận chuyển hàng ra Trường Sa, cấp kinh phí, vật tư cho hải quân. Ngày 16/3/1988, Bộ Chính trị đã họp và có kết luận về nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Từ ngày 04 đến ngày 09/5/1988, Đại tướng Lê Đức Anh đã trực tiếp ra thị sát tình hình bộ đội chốt giữ ở quần đảo Trường Sa. Trong bài phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Lê Đức Anh tuyên bố: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự thật trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế... trước anh linh tổ tiên và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắc nhủ với các thế hệ mai sau: “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta!”. Sau đó, các quân chủng, binh chủng: hải quân, không quân, phòng không, đặc công, thông tin đã tiến hành diễn tập thực binh chi viện đảo và tiếp tục hoàn chỉnh các phương án phòng thủ”. Ngày 29/5/1989, Đại tướng Lê Đức Anh ký Mệnh lệnh số 167/ML-QP về đóng giữ, bảo vệ khu vực biển thềm lục địa, các bãi đá ngầm (khu DK1) của Việt Nam. Trên cơ sở đó, từ tháng 6/1989 đến tháng 11/1990, Quân chủng Hải quân đã khắc phục mọi khó khăn, thực hiện sự tiếp tục có mặt của Việt Nam trên thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với Luật Biển quốc tế năm 1982.

Cùng với việc quyết liệt bảo vệ chủ quyền với các quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, với nhãn quan chính trị quân sự sắc bén, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh đã chỉ ra vai trò quan trọng của quân cảnh Cam Ranh đối với việc phòng thủ đất nước, đồng thời tham mưu xử lý khéo léo với Liên Xô trong việc hiện diện quân đội của bạn tại đây. Trong cuộc họp với Bộ Chính trị, Đại tướng kiên quyết đề nghị: “Một là, không đưa vũ khí hạt nhân vào Cam Ranh. Hai là, không khai thác đá và cát trong vịnh Cam Ranh”. Đề nghị của Đại tướng được chấp thuận, vấn đề giữa Việt Nam và Liên Xô về việc sử dụng cảng Cam Ranh sau đó được giải quyết tốt đẹp.

Đi đôi với việc giảm quân số, giảm ngân sách quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ,... Đại tướng Lê Đức Anh luôn quan tâm đến chính sách hậu phương quân đội, giải quyết những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh.

Đại tướng Lê Đức Anh đã đề nghị Đảng và Nhà nước có chính sách cụ thể cải thiện đời sống cho bộ đội tại ngũ, giải quyết việc làm và đời sống cho số cán bộ, chiến sĩ xuất ngũ. Theo Đại tướng: đối với cán bộ, chiến sĩ và công nhân viên quốc phòng tại ngũ thì trước mắt là nâng mặt bằng tiền lương của sĩ quan và những người hưởng lương trong quân đội lên 1,5 lần; thứ hai là, giải quyết nhà ở cho họ. Sau một thời gian thực hiện, việc ăn ở, định cư của các hộ gia đình cán bộ, công nhân viên quốc phòng đã được giải quyết một cách căn bản. Cùng với đó, Đại tướng Lê Đức Anh đã đề nghị với Bộ Chính trị và một số bộ, ban, ngành có liên quan đến xuất khẩu lao động phải ưu tiên cho bộ đội. Thực hiện chính sách này, nhiều đồng chí khi trở về đã có một khoản vốn để tiếp tục đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nâng cao mức sống và làm giàu chính đáng, góp phần giải quyết khó khăn chung cho đất nước.

Ngày 10/9/1994, trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã ký Lệnh số 36L/CTN, công bố Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng. Sau gần hai tháng triển khai thực hiện Pháp lệnh trên phạm vi cả nước, ngày 01/12/1994, Đảng và Nhà nước ta long trọng tổ chức lễ phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt 1 tại hội trường Ba Đình lịch sử.

Như vậy, trên cả ba mặt quân sự, chính trị và đối ngoại, Đại tướng Lê Đức Anh đều có những cống hiến xuất sắc. Những cống hiến đó của Đại tướng Lê Đức Anh thể hiện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, cán bộ, chiến sĩ và cấp trên; mọi suy nghĩ, hành động của Đại tướng Lê Đức Anh đều xuất phát từ lợi ích chung của Đảng, nhân dân và dân tộc, vì sự phồn vinh của đất nước.

Đại tướng Lê Đức Anh chưa bao giờ nhận mình là vị tướng tài, nhưng những chiến công, đóng góp to lớn của ông đối với đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã chứng minh điều đó. Thực tiễn hơn 80 năm hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Lê Đức Anh gắn liền với những chiến thắng, những bước thăng trầm của lịch sử nước nhà. Dù công tác ở đâu, đảm nhận bất kỳ nhiệm vụ nào, trên mọi cương vị công tác, Đại tướng Lê Đức Anh luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ghi nhận những công lao, đóng góp to lớn đó, Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều danh hiệu cao quý khác cho Đại tướng Lê Đức Anh.
 

PGS.TS. NGUYỄN ĐỨC NHUỆ