Quay lại

Vĩnh biệt vị Đại tướng từng tham gia 4 cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc

(LĐTĐ) Tính đến thời điểm này, có lẽ ông là vị tướng cuối cùng tạm biệt trần thế để về cõi vĩnh hằng từng tham gia 4 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc vĩ đại. Ông chính là Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.  

vinh biet vi dai tuong tung tham gia 4 cuoc chien vi dai cua dan toc
Vĩnh biệt Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh
 

Sinh ngày 1 tháng 12 năm 1920 tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế quê hương vốn giàu truyền thống cách mạng. Lớn lên trong màn đêm nô lệ nên ông thấu hiểu thân phận của những người phải sống dưới chế độ thực dân, phong kiến hà khắc. Nung nấu tâm can làm sao phải góp phần nhỏ bé của mình để người dân quê hương không phải sống trong cảnh xiềng xích, bởi thế ông đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng. Tháng 5/1938 gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam và bắt đầu từ tháng 8/1945, chính thức tham gia quân đội. Từ tháng 10 năm 1948 đến năm 1950, ông là tham mưu trưởng các Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ năm 1951 đến 1954, giữ chức tham mưu phó, quyền tham mưu trưởng bộ tư lệnh Nam Bộ.

Sau Hiệp định Gie-ne-vơ, ông tập kết ra Bắc. Tháng 5 năm 1955, ông được cử giữ chức Cục phó Cục Tác chiến, rồi Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu; hàm Đại tá (1958). Từ tháng 8 năm 1963, ông giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nhân dân Việt Nam; Tháng 2 năm 1964, ông được điều vào Nam với bí danh Sáu Nam, giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam. Năm 1969, được điều về làm Tư lệnh Quân khu 9. Cuối năm 1974, ông được điều trở lại chức Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam và được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Năm 1975, ông được cử giữ chức Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam đánh vào Sài Gòn. Từ tháng 5 năm 1976, ông là Tư lệnh Quân khu 9.

Đến tháng 6 năm 1978, là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 chỉ huy trưởng cơ quan tiền phương Bộ Quốc phòng ở Mặt trận Tây Nam; được phong Thượng tướng năm 1980. Năm 1981, khi đang giữ chức Tư lệnh Quân khu 7, ông được phân công kiêm chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Phó trưởng ban, rồi Trưởng ban lãnh đạo chuyên gia Việt Nam tại Campuchia. Năm 1984, ông được phong hàm Đại tướng. Tháng 12 năm 1986, ông được cử giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ ngày 16/2/1987 đến 10/8/1991, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư thứ nhất Đảng ủy quân sự Trung ương.

vinh biet vi dai tuong tung tham gia 4 cuoc chien vi dai cua dan toc
Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh một trong số ít người đã trải qua các cuộc chiến tranh từ năm 1945 - 1989, có mặt ở những điểm nóng nhất và trở về trong chiến thắng (ảnh tư liệu)
 

Gần cả cuộc đời bình nghiệp, dù trải qua nhiều cương vị khác nhau nhưng ông luôn thể hiện bản lĩnh bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, vị tướng luôn biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của cấp dưới; quyết đoán và bao dung.

Từ ngày 23 tháng 9 năm 1992 đến ngày 24 tháng 9 năm 1997 ông là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong thời gian làm Chủ tịch nước ông đã để lại nhiều dấu ấn trong chính sách đối nội và đối ngoại, trong đó nổi bật là việc Việt Nam chính thức tham gia mái nhà chung ASEAN (28/7/1995), bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ (11/7/1995).

Sinh- lão- bệnh- tử là quy luật không ai tránh khỏi, song đến nay, ông là vị tướng cuối cùng tạm biệt dương thế với thành tích 4 lần tham gia chiến đấu trên những mặt trận khói lửa của các cuộc chiến tranh để giành độc lập, tự do và chủ quyền thiền liêng của Tổ quốc cũng như giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Ponpot. 9 năm ròng rã tham gia chiến tranh chống thực dân Pháp (1946-1954); 11 năm chiến trường miền Nam (1964-1975), chỉ huy chiến trường Tây Nam và đặc biệt chiến trường Campuchia 7 năm (1979-1986), ổn định tình hình biên giới phía Bắc (1986-1989).
 

L.Hà