Quay lại

Vĩnh biệt nhà lãnh đạo suốt đời vì nước, vì dân

(HNM) - Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của đất nước vừa vĩnh biệt chúng ta.

Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa, Sáu Nam), sinh ngày 1-12-1920 tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong suốt hơn 80 năm hoạt động cách mạng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh luôn thể hiện là một cán bộ hết mình vì sự nghiệp của Đảng, của dân, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Nhớ về Đại tướng, không thể không nhắc đến ông với hai vai trò: Một vị tướng cầm quân tài ba và một nguyên thủ có tầm ảnh hưởng trong giai đoạn cách mạng nước ta đứng trước nhiều thử thách đổi mới.

Tham gia hoạt động cách mạng khi mới 17 tuổi (năm 1937), được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) năm 1938, đồng chí Lê Đức Anh trưởng thành từ cơ sở, bám sát thực tiễn và dần nắm giữ những trọng trách quan trọng trong quân đội. Đồng chí đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh trong kháng chiến chống Pháp, chỉ huy lực lượng vũ trang miền Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hình ảnh tướng Lê Đức Anh với tên gọi thân thuộc là Sáu Nam đã in dấu trên khắp chiến trường Nam Bộ, gắn bó mật thiết với nhân dân, làm nên những chiến công hiển hách, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau đó, theo sự phân công của Đảng, Nhà nước, đồng chí Lê Đức Anh lần lượt đảm nhận các trọng trách: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ở cương vị nào, Đại tướng Lê Đức Anh cũng thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tháng 9-1992, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX, Đại tướng Lê Đức Anh được bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là giai đoạn bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp: Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ; kinh tế - xã hội đất nước chưa thoát khỏi khủng hoảng; Hoa Kỳ vẫn theo đuổi chính sách bao vây cấm vận…

Khi đó, với chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam muốn là bạn của tất cả các quốc gia, các dân tộc trên thế giới, cùng phấn đấu vì hòa bình độc lập, hữu nghị và phát triển, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, đồng chí Lê Đức Anh cùng với tập thể Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hợp lý để ổn định tình hình đất nước, đưa nước ta dần hội nhập với cộng đồng thế giới.

Trên các cương vị, đặc biệt là nguyên thủ quốc gia, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp quan trọng, có tính chất quyết định đối với việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc (tháng 11-1991); thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, gia nhập khối ASEAN (tháng 7-1995)... Đây là những tiền đề quan trọng để Việt Nam mở cửa hội nhập với thế giới bên ngoài và thu được nhiều thành tựu, tạo nền móng phát triển vững chắc của ngày hôm nay.

Dù trên cương vị nào, đồng chí Lê Đức Anh luôn nêu hình ảnh một người cán bộ cấp cao giản dị, gần gũi gắn bó tình cảm với các tầng lớp nhân dân. Đồng chí thường xuyên có những chuyến công tác về cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để nắm bắt tình hình, kịp thời đưa ra những quyết sách chỉ đạo giải quyết tình hình, quan tâm đến phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân.

Với những công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng chí Lê Đức Anh được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Vẫn biết, “sinh - lão - bệnh - tử” là quy luật của đời người, nhưng sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là tổn thất to lớn không chỉ với gia đình mà còn với Đảng, đất nước, dân tộc.

Vô cùng thương tiếc nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, chúng ta nguyện noi gương, tiếp bước đồng chí đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.