Quay lại

Vị tướng giản dị, nặng tình với quê hương

Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một vị tướng, một nhà lãnh đạo tài năng. Nhưng trong cuộc sống đời thường, ông vẫn luôn là người sống giản dị, gần gũi, chân tình và nặng tình với quê hương.
 

Dấu ấn tuổi thơ

Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh sinh ngày 1-12-1920 ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang; quê gốc ở xứ Truồi, làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đại tướng Lê Đức Anh là con thứ 7 trong gia đình có 9 người con. Tuổi thơ của ông gắn bó với xứ Truồi, nơi có núi Truồi, sông Truồi. 

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Một bức ảnh của Đại tướng Lê Đức Anh được lưu giữ tại Nhà Văn hóa - Thư viện mang tên ông tại quê nhà xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trong cuốn Hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" ra mắt cuối năm 2015, Đại tướng Lê Đức Anh viết: "Trường xa nhà, nên buổi sáng đi học tôi thường nhịn đói. Ngày ấy, những đứa học trò nhà quê như chúng tôi không có giày dép, đi đâu cũng chân trần. Trên chặng đường tới trường ở Dưỡng Mong phải qua một trảng cát, những ngày trời nắng, cát bỏng như rang, chúng tôi phải lấy những bẹ nang của cây tre, rồi dùng dây bẹ chuối cột dưới bàn chân để đi qua trảng cát cho đỡ bỏng chân".

Cũng chính bởi những gian khó ấy đã rèn luyện và hình thành trong ông đức tính kiên nhẫn, sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn.

Ký ức tuổi thơ của ông còn in đậm những hình ảnh đói nghèo, bệnh tật của người dân lương thiện chốn làng quê, hình ảnh lam lũ của những phu xe kéo tay, của người nông dân; nạn sưu cao thuế nặng đẩy người dân đến bước khốn cùng.

Chứng kiến cảnh áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến, ông khao khát làm một điều gì đó cùng với người dân lam lũ để thay đổi cuộc sống lầm than, cơ cực. Và cơ duyên khiến ông sớm được tiếp xúc với những người yêu nước cách mạng, được tiếp cận với báo chí tiến bộ và tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, về Nguyễn Ái Quốc và phong trào đấu tranh đòi độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc...

Rồi người thiếu niên Lê Đức Anh được giác ngộ và chính thức tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương từ năm 17 tuổi, gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Xứ Truồi, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, không chỉ là nơi gắn bó tuổi thơ mà còn là nơi hun đúc tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng của chàng thiếu niên Lê Đức Anh. Những kỷ niệm ấy vẫn luôn in đậm trong trái tim, trí nhớ và cùng ông bước qua những chặng đường gian nan trong suốt cuộc đời cách mạng của mình.

Ông Nguyễn Chương, 70 tuổi, người cháu gọi Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh là bác họ, chia sẻ: "Nhiều lần về quê, lần nào bác cũng bảo tôi dẫn bác ra sông Truồi. Bác kể cho tôi nghe những câu chuyện thời bé, cùng bạn bè đùa nghịch bên dòng sông này; về cuộc sống cơ cực nhưng ấm áp tình cảm gia đình và bà con quê tôi; rồi những ngày bác tham gia cách mạng, đi theo Đảng... Bác thường dặn chúng tôi phải coi trọng sự học, chăm lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn để sau này sống có ích cho xã hội; sống chan hòa, gắn bó với bà con xóm giềng, giúp đỡ những người gặp khó khăn".
 

Nặng lòng với quê hương

Theo lời kể của người dân xã Lộc An, mỗi lần về quê, ông thường đi thăm bà con quanh xóm, ân cần hỏi thăm tình hình cuộc sống, lao động sản xuất của bà con; nhắc nhở bà con họ hàng, con cháu ở làng Bàn Môn, xã Lộc An, phải luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phát huy tinh thần thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Nhà Văn hóa - Thư viện mang tên Đại tướng Lê Đức Anh tại quê nhà xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Lê Chung

Ông thích ăn những món ăn dân dã, đậm chất quê hương và uống nước chè xanh; thích nghe những câu hò của xứ Huế. Ông thường bảo "Không về xứ Truồi thì thôi, chứ về thì phải uống nước chè Truồi".

Ông Trần Đình Hàng, 85 tuổi, trú tại thôn Nam, làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, chia sẻ: "Đại tướng là người sống rất giản dị, luôn gần gũi, quan tâm đến cuộc sống của bà con. Một lần về thăm quê, nhìn thấy con đường xuống bến sông Truồi bị xuống cấp, Đại tướng đã bỏ kinh phí để bê tông hóa con đường giúp bà con đi lại được thuận tiện hơn. Rồi khi có kế hoạch xây dựng nhà văn hóa thư viện mang tên Đại tướng, ban đầu ông không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, sau nhiều lần thuyết phục ông mới nghe theo nhưng dặn không được làm to, không làm ảnh hưởng đến ruộng đất của bà con".

Mặc dù sống xa quê, bận rộn với công tác, nhưng tình yêu dành cho quê hương chưa bao giờ vơi trong trái tim của Đại tướng Lê Đức Anh. Tình yêu quê hương ấy cũng chính là động lực, để ông hăng hái tham gia cách mạng.

Ngày hòa bình lập lại, Đại tướng có nhiều trăn trở và gợi mở giúp quê hương khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội. Ông Nguyễn Bùi, Bí thư Đảng ủy xã Lộc An, huyện Phú Lộc, cho biết, Đại tướng là người nặng tình với quê hương. Mỗi lần về quê, ông luôn dành thời gian để trò chuyện, chia sẻ với cán bộ, chính quyền tại địa phương.

Còn nhớ, trong chuyến về thăm quê năm 2014, Đại tướng Lê Đức Anh đã ghé vào Ủy ban nhân dân xã Lộc An để thăm các cán bộ đang làm việc. Tại đây, Đại tướng nhắn nhủ: “Quê hương Lộc An còn nghèo, nhân dân còn khó khăn. Cán bộ chính quyền phải quan tâm đến đời sống của nhân dân, biết yêu thương dân, phải biết gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân; biết khơi dậy sức mạnh của sự đoàn kết để chung tay, góp sức thay đổi bộ mặt quê nhà, nâng cao đời sống nhân dân".

Ghi nhớ lời dặn ấy, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lộc An đã xác định nhiệm vụ cốt lõi là phải xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng, trách nhiệm và đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vì nhân dân phục vụ; không ngừng nỗ lực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tháng 9-2018, Lộc An đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới khi hoàn thành 19/19 tiêu chí.

Mỗi người dân nơi đây, luôn tự hào về Đại tướng Lê Đức Anh và những đóng góp của ông cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Tấm gương sáng về tinh thần và nghị lực cách mạng, phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, cũng như những tình cảm mà Đại tướng đã dành cho quê hương là động lực để mỗi người dân Lộc An, Phú Lộc vượt qua khó khăn, cùng nhau giữ gìn truyền thống tốt đẹp, xây dựng quê hương ngày càng lớn mạnh, giàu đẹp.