Vị tướng của đạo quân nhà Phật
Tuy nhiên, chỉ duy nhất, quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia được nhân dân xứ sở Chùa Tháp gọi tên “Đạo quân nhà Phật”. Với một đất nước Phật giáo là quốc đạo, tên gọi đó thật sự thiêng liêng. Hoạt động của đội quân đó gắn liền với vị chỉ huy Lê Đức Anh - người có nhiều năm tháng đảm nhiệm trọng trách thay mặt Đảng, Nhà nước, quân đội trực tiếp chỉ huy lực lượng giúp bạn.
Trong khoảng thời gian hai tuần cuối tháng 12/1978 và đầu tháng 01/1979, bằng các đòn phản công - tiến công quyết liệt, quân và dân Việt Nam đã đập tan cuộc xâm lược của quân Pôn Pốt, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Tuy nhiên, “Do phát triển tiến công giành thắng lợi nhanh, lực lượng địch bị tan rã lớn, chưa bị tiêu diệt gọn (tàn quân còn nhiều, một số nơi chúng còn tổ chức chỉ huy và phương tiện thông tin liên lạc, còn khống chế dân, tích trữ lương thực, đạn dược để phát động chiến tranh du kích). Lực lượng cách mạng Campuchia chưa phát triển kịp theo yêu cầu, hậu quả của chế độ nô dịch tàn bạo của bọn Pôn Pốt - Iêng Xary còn rất nặng nề... nên còn nhiều việc phải giải quyết...”. Trước tình hình đó, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia đề nghị Việt Nam để quân tình nguyện ở lại giúp Campuchia bảo vệ thành quả cách mạng, khôi phục lại đất nước.
Đây là nhiệm vụ vô cùng nặng nề, bởi còn 4 vạn binh lính của Pôn Pốt chạy về vùng biên giới Campuchia - Thái Lan, ẩn khuất ở vùng rừng núi hiểm trở, trà trộn trong dân. Cơ quan đầu não, hệ thống chỉ huy vẫn còn, với lực lượng đông nên chúng khống chế được một vùng rộng lớn. Lợi dụng việc thông thạo địa hình, lại có hậu thuẫn của nước ngoài nên các đơn vị quân Pôn Pốt liên tục đánh chiếm các trục giao thông huyết mạch, các địa bàn chiến lược, hòng khôi phục lại nhà nước Campuchia dân chủ. Trong khi đó, sau 3 năm 8 tháng 20 ngày cầm quyền, chế độ độc tài Pôn Pốt đã tàn phá đất nước Campuchia hết sức nghiêm trọng: 5.857 trường học, 796 bệnh viện, phòng thí nghiệm bị phá bỏ, 1.968 ngôi chùa, 108 đền thờ bị đập phá, tàn sát 3.314.768 người; đưa đi mất tích gần 570.000 người, làm cho 141.848 người bị tàn phế, hơn 200.000 trẻ em bị mồ côi. Ruộng đồng bị bỏ hoang, gia đình ly tán, người dân gần như kiệt sức, lương thực, thuốc men cạn kiệt.
Với cương vị Phó Ban thứ nhất Ban Công tác K, Tư lệnh tiền phương Bộ Quốc phòng ở Campuchia, đồng chí Lê Đức Anh đã có những chỉ đạo kịp thời các hoạt động quân sự truy quét tàn quân Pôn Pốt, đồng thời làm nhiệm vụ giúp dân xây dựng lại cuộc sống mới. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến vai trò của ông trong chỉ đạo quân tình nguyện giúp nhân dân Campuchia ổn định cuộc sống.
Trước cảnh tượng hết sức đau lòng, khi người dân Campuchia kiệt sức, không có cơm ăn, thuốc uống, đồng chí Lê Đức Anh đã đề xuất “việc đầu tiên bây giờ là quân đội và chuyên gia chúng ta phải tập trung cứu đói, cứu đau cho dân”. Ý kiến đó được tập thể lãnh đạo nhất trí, cụm từ “cứu đói, cứu đau” được phổ biến đến tận các đơn vị. Trong khi lương thực, thuốc men chưa vận chuyển đến kịp, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện đã san sẻ định lượng của mình cho nhân dân nước bạn. Những hoạt động điển hình như: Sư đoàn 7 cử các tổ cứu đói giúp nhân dân ba huyện thuộc tỉnh Kandan; Sư đoàn 9 thành lập các tổ công tác mang gạo và thuốc chữa bệnh giúp nhân dân tỉnh Công Pông Chơnăng; cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 nhịn ăn bữa sáng để giúp nhân dân huyện Mung; Sư đoàn 339 mỗi tuần một lần chở gạo xuống giúp nhân dân huyện Lệch. Các đoàn 24, 25, 71 quyên góp gạo tiết kiệm hàng ngày gửi giúp nhân dân các huyện còn lại của tỉnh Kandan. Các tiểu đoàn địa bàn của lực lượng quân tình nguyện Quân khu 5 đã cứu đói cho 114.644 người. Trong 6 tháng đầu năm 1979, cán bộ và chiến sĩ Quân đoàn 4 đã tiết kiệm, giúp đỡ nhân dân Campuchia 247 tấn gạo; bàn giao cho quân đội cách mạng Campuchia một khối lượng lớn chiến lợi phẩm, gồm 5.000 tấn lúa, 100 tấn muối, hơn 100 tấn đường, 70.000 hộp sữa và hơn 30.000 mét vải.
Tạo điều kiện cho quân tình nguyện thực hiện nhiệm vụ, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ Việt Nam đã viện trợ 45.000 tấn lương thực cho nhân dân Campuchia. Số gạo này được các đơn vị quân tình nguyện nhanh chóng chuyển đến tay người dân xứ Chùa Tháp, kịp thời có “cái ăn”. Sau đó, lực lượng quân tình nguyện được giao nhiệm vụ nhanh chóng giúp bạn mở cảng biển Công Pông Xom và khôi phục đường sắt nối từ cảng đến đến Phnôm Pênh, góp phần vận chuyển hơn 150.000 tấn lương thực của các nước viện trợ đến với người dân. Ngoài nguồn lương thực viện trợ, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam còn tổ chức cho dân đi lấy lương thực địch cất giấu ở các kho trong rừng. Từ tháng 4 đến tháng 7/1979, các đơn vị tình nguyện thuộc Quân khu 7 đã thu 3.515 tấn thóc, 20 tấn muối. Bằng các biện pháp tích cực, khẩn trương, đến cuối năm 1980 đầu năm 1981, ta đã giúp bạn ngăn chặn được nạn đói.
Thực hiện mệnh lệnh “Cứu đau” của đồng chí Lê Đức Anh, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã lập các trạm quân y dã chiến, kịp thời cứu chữa cho nhân dân nước bạn. Nhiều trường hợp bị kiệt sức, bị bệnh tật trầm trọng đã được cứu khỏi cái chết. Như cháu Xa Văn Ni lên 8 tuổi được y tá Chu Trọng Tố thuộc Đại đội 10 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 141 Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) cứu sống trong tình trạng đói lả, hấp hối chờ chết. Hàng trăm cháu khác ở trong tình trạng tương tự được các cán bộ, chiến sĩ các mặt trận 479, 579, 779, 979 đem về nuôi dưỡng ở các trại mồ côi. Trong 6 tháng đầu năm 1979, riêng các đơn vị tình nguyện của Quân đoàn 4 đã khám chữa bệnh cho 120.000 lượt người2. Tiếp đó, đội ngũ quân y các đơn vị đã cùng chuyên gia y tế Việt Nam giúp chính quyền Campuchia từng bước khôi phục hệ thống chăm sóc sức khoẻ, tổ chức khám chữa bệnh cho người dân. Đồng thời giúp nhân dân vệ sinh thôn, xóm sạch sẽ, thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Những căn bệnh phổ biến như sốt rét, bệnh đường ruột, bệnh ngoài da, suy dinh dưỡng,... dần được đẩy lùi. Để bảo đảm điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nước bạn, cùng với thiết lập cơ sở khám chữa bệnh, công tác đào tạo nhân viên y tế được chú trọng, chỉ riêng Quân khu 9, trong hai năm 1979 - 1980, đã đào tạo cho các tỉnh kết nghĩa 243 y sĩ, y tá.
Được sẻ chia lon gạo, viên thuốc trong lúc cái chết đã kề bên, người dân Campuchia ghi lòng tạc dạ sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam. Càng hiểu sâu sắc những phẩm chất tốt đẹp của người lính cách mạng, của Bộ đội Cụ Hồ, càng tin tưởng ủng hộ bộ đội Việt Nam.
Nhằm giúp nhân dân Campuchia nhanh chóng ổn định cuộc sống, thực hiện mệnh lệnh của đồng chí Lê Đức Anh, các đơn vị quân tình nguyện đã khẩn trương huy động và sử dụng mọi phương tiện đưa những người dân từ các trại tập trung mà bọn Pôn Pốt gọi là công xã, là “mô hình xã hội chủ nghĩa”, trở về quê hương, bản quán; “ khôi phục lại phum, sóc, làng, xã, dựng lại nhà cửa chùa chiền. Ruộng đất vườn tược của ai thì được trả lại cho người nấy. Các tầng lớp xã hội, các nghề nghiệp cũng khôi phục lại”. Đối với những nơi điều kiện an ninh chưa cho phép đưa dân trở về, bộ đội tình nguyện đã động viên bà con tạm ở lại làm ăn. Chỉ trong năm 1979, các đơn vị tình nguyện của Quân khu 9 đã đưa 7.700 gia đình trở về quê cũ, huy động lực lượng và vật liệu xây dựng nhà ở giúp 1.600 dân Campuchia ổn định nơi ăn ở. Trên địa bàn 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia, các đơn vị tình nguyện Quân khu 5 tập trung ô tô chia làm hai đợt đưa 290.536 người trở về quê cũ. Tính chung, quân tình nguyện Việt Nam đã đưa hơn 1 triệu người dân3 đang chịu cảnh màn trời, chiếu đất trở về quê cũ sớm ổn định cuộc sống.
Cùng với “cứu đói, cứu đau”, giúp dân trở về quê cũ, dưới sự giúp đỡ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, nhân dân Campuchia dần khôi phục lại sản xuất. Đến cuối năm 1979, cả nước Campuchia đã lập được hơn 46 nghìn tổ sản xuất (mỗi tổ gồm từ 10 đến 15 gia đình, với 20 - 30 lao động, canh tác trên một diện tích chừng 20 hécta đất)4. Người lao động tự do sản xuất và tự hưởng hoa lợi của riêng mình. Được sự hỗ trợ của cơ quan hậu cần trong nước, các đơn vị quân tình nguyện đã vận chuyển hạt giống, trâu bò, nông cụ cho nhân dân có điều kiện sản xuất. Riêng năm 1979, Quân khu 9 đã hỗ trợ 1.000 tấn hạt giống, gần 2.000 con giống (gồm trâu, bò, lợn), 20 máy cày, bừa, hơn 13.000 công cụ cầm tay, hàng vạn dụng cụ gia đình5.
Trước tình hình tàn quân Pôn Pốt đe dọa, lôi kéo, khống chế nhân dân Campuchia, thực hiện chỉ thị của đồng chí Lê Đức Anh “Bảo vệ tính mạng và an toàn của nhân dân bạn phải được đặt lên hàng đầu, như bảo vệ nhân dân mình”. Bộ đội tình nguyện Việt Nam mở các đợt truy quét, củng cố an ninh khắp các địa bàn, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân. Tuy nhiên, vị Tư lệnh quân tình nguyện luôn nhắc nhở: “không lấy tiêu diệt làm đích mà làm cho chúng tan rã là chính”. Vì vậy, ông đã không sử dụng từ “chiến dịch” trong các đợt truy quét quân Pôn Pốt mà gọi đó là “đợt hoạt động”, với ý nghĩa bao hàm là phải đẩy mạnh công tác binh vận, để quân Pôn Pốt bỏ ngũ và rã ngũ là chủ yếu. Thấu hiểu ý định của người chỉ huy, các đơn vị quân tình nguyện ra sức vận động, thuyết phục người dân Campuchia vận động chồng con, anh em trở về với nhân dân, về với chính nghĩa. Cảm nhận từ sự giúp đỡ chí tình của bộ đội Việt Nam, hiểu được biện pháp nhân đạo nên nhân dân xứ Chùa Tháp đã hết lòng cùng bộ đội Việt Nam làm công tác binh vận có hiệu quả. Đến năm 1987, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 43% tàn quân Pôn Pốt, trong đó chủ yếu là gọi hàng. Bằng biện pháp binh vận nên trong hàng ngũ của quân Pôn Pốt thường xuyên xảy ra các vụ binh biến, đầu hàng tập thể, từ nhóm 3 đến 5 người đến cả đại đội, tiểu đoàn,...
Với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, người dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, khỏi nạn đói, khỏi đe dọa của bệnh tật, được đưa về quê hương bản quán. Về đến đâu được bộ đội giúp đỡ ổn định nơi ăn chốn ở, giúp công cụ, cây, con giống phát triển sản xuất; được chở che trước sự đe dọa của tàn quân Pôn Pốt; được thấy lòng bao dung, khoan hồng đối với binh lính chế độ cũ,... Trước sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình đó, người dân Campuchia đã dành cho quân tình nguyện Việt Nam tên gọi “Đạo quân nhà Phật”. Tên gọi đó cũng được Thủ tướng Hunxen khẳng định trong dịp dự Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 tại Đồng Nai, tháng 01/2012: “Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ có tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên, Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”.
Thành công trong giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi đói rét, ốm đau, không nhà cửa, xây dựng lại cuộc sống là cơ sở quan trọng để củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng nước bạn. Kết quả đó đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng nhưng hết sức thực tế của đồng chí Lê Đức Anh; xuất phát từ tình thương đồng loại, đầy lòng nhân ái, đồng chí coi nhân dân Campuchia cũng như đồng bào mình. Nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” đã thôi thúc đồng chí phát huy vai trò của đội quân tình nguyện, theo đó, những người lính tình nguyện vừa làm nhiệm vụ chiến đấu, vừa công tác và lao động sản xuất. Thực hiện mệnh lệnh của người chỉ huy, những người lính tình nguyện đã hòa mình, gắn bó giúp nhân dân Campuchia anh em thực hiện một cuộc hồi sinh dân tộc vĩ đại, từng bước khắc phục những hậu quả khủng khiếp, sự tàn phá mà chế độ Pôn Pốt đã gây ra; giữ vững đạo đức, phẩm chất của quân đội cách mạng, nêu tấm gương sáng về việc tôn trọng phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của nhân dân nước bạn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc tế.
Để có được như vậy, người chỉ huy Lê Đức Anh đã luôn “quán triệt và giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ phải đề phòng và chống mọi biểu hiện của tư tưởng nước lớn và tư tưởng ban ơn, phải thấy rõ mình sang giúp bạn là làm cho chính mình”. Đồng chí chỉ thị: “Bộ đội Việt Nam và chuyên gia tình nguyện Việt Nam chúng ta ở bên đất bạn Campuchia chỉ được phép dùng khí trời để thở và nước lã để sinh hoạt, ngoài ra không được tơ hào, tự ý lấy bất cứ cái gì của bạn. Ngược lại sẵn sàng cho bạn tất cả những gì bạn cần mà mình có”2 và coi “kỷ luật dân vận” là “kỷ luật sắt chiến trường”. Đến ngày hoàn thành nhiệm vụ trở về Tổ quốc, đồng chí chỉ thị: “Tất cả những gì tốt nhất, trừ trang bị vũ khí đều phải để lại cho bạn”. Thực hiện mệnh lệnh đó, lương thực, thuốc men, từng trang bị nhỏ nhất nơi doanh trại đóng quân đều được bộ đội ta bàn giao cho chính quyền bạn; kề ngày rút quân, các đơn vị quân tình nguyện vẫn khẩn trương giúp dân làm nhà, làm đường, đào kênh mương,...
Hành trang ngày về Tổ quốc của người lính tình nguyện vẫn là chiếc ba lô nhẹ tênh chứa bộ quân phục bạc màu vì nắng gió của xứ sở Chùa Tháp, nhưng thật đong đầy sự quyến luyến, tình cảm mà người dân Campuchia dành cho họ. Đó là tài sản quý giá nhất, là kết quả những người lính tình nguyện thực hiện mệnh lệnh của người chỉ huy Lê Đức Anh - vị tướng của “Đạo quân nhà Phật”.
Đại tá, TS. Lê Thanh Bài