Quay lại

Về Khu 9

Từ ngày 18 đến 20-8-1998, đồng chí Lê Đức Anh, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thăm và làm việc tại hai tỉnh Cần Thơ và Kiên Giang. Tính từ tháng 11-1997 đến nay, đây là lần thứ hai đồng chí Lê Đức Anh thăm đồng bào và chiến sĩ Khu 9.
 

Dường như mảnh đất này chiếm một phần không nhỏ trong tâm tư và tình cảm của ông, của chú, của anh Sáu Nam theo cách gọi thân mật của người dân Nam Bộ đổi với đồng chí Lê Đức Anh, nguyên Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Tư lệnh Quân khu 9.

Bác Sáu Nam về miền Tây Nam Bộ chuyến này khoẻ mạnh hơn tháng 11-1997. Lúc đó, bác Sáu mới phục hồi sau một trận ốm nặng, người còn yếu nhưng vẫn lặn lội ra Phú Quốc, đến U Minh thăm hỏi bà con vừa bị cơn bão số 5 gây hại. Được đi phục vụ bác, chúng tôi vừa đi vừa lo nhưng vẫn tin vào ý chí quật cường của "người lính Cụ Hồ" trong bác Sáu. Lần này về Cần Thơ và Kiên Giang, bác Sáu nêu một vấn đề bức xúc trong suy nghĩ lâu nay của mình: vì sao một bộ phận nông dân Nam Bộ thiếu đất và không có đất sản xuất? Thông tin bác Sáu Nam không thiếu. Nhiều cán bộ có trách nhiệm đã báo cáo cụ thể với bác Sáu Nam, nhưng bác Sáu vẫn muốn trực tiếp tiếp xúc với người dân nghèo mất đất hoặc thiếu đất sản xuất. Ở huyện Phụng Hiệp tỉnh Cần Thơ, các đồng chí lãnh đạo huyện đã mời một số dân nghèo ở xã Tân Bình và xung quanh thị trấn Phụng Hiệp đến trò chuyện với bác Sáu Nam. Đó là các ông: Võ Trung Thành, Nguyễn Văn Mười Hai, Trần Lắm, Dương Văn Long, Lê Trung Tâm, Nguyễn Văn Đây, Nguyễn Văn Đượm, Hà Văn Dá, Lê Bi, Trần Văn Tư. Về Kiên Giang, lãnh đạo Tỉnh uỷ muốn bác Sáu Nam lựa chọn An Biên, huyện vùng sâu của tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau. Ở đây, huyện cũng mời một số nông dân nghèo đến trò chuyện cùng đồng chí Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Đức Anh. Đó là các ông: Dương Văn An, Danh Đệ, Danh Dĩa, Nguyễn Hồng Việt, Danh Sỹ, Danh Hầu, chị Danh Thị Mọi, bà Đỗ Văn Điển, và Danh Sóc là đại biểu trẻ nhất, người Khơme, mới có một vợ và một con, đang phải nuôi sáu trẻ nhỏ nữa. Ở mỗi cuộc họp, bác Sáu Nam đều nói rất chân tình và tha thiết: "Tôi là Sáu Nam, trước chiến đấu ở vùng này. Hôm nay tôi về thăm Đảng bộ và bà con. Thứ hai là tìm hiểu cuộc sống của bà con hiện nay. Vì sao còn có tình trạng người làm nông nghiệp mà không có đất?". Trước thái độ cởi mở, chân tình của bác Sáu Nam, những nông dân nghèo thiếu đất của hai địa phương đã bộc bạch nỗi lòng của mình, kể rõ nguồn cơn nào dẫn đến cảnh sa sút của gia đình mìn . Từ việc sinh lắm con, cha mẹ đau yếu bệnh tật phải thuốc thang, ma chay, đến việc làm ăn thua lỗ, phải cầm cố ruộng đất, dẫn đến việc gia đình không có đất làm ruộng, thậm chí đất ở cũng không còn. Chị Danh Thị Mọi khóc lóc tức tưởi: "Có phải con không ráng làm ăn đâu. Mẹ con ốm, con phải cắm đất lấy tiền chữa bệnh cho mẹ. 10 công phải trả tới 130 giạ, hai năm liền như vậy mà không trả nổi, thế là mất hết". Còn ông Dương Văn Ân thì bộc bạch: "Tôi lao vào nghề đánh bắt thuỷ sản, vay tiền sắm thuyền sắm lưới, làm ăn không được, thế là hết đất". Anh Danh Dĩa cho biết: "Nhà nuôi vịt, thất bại mấy lần liền, gia đình lại lắm con, đau yếu luôn. Thế là đất phải cầm cố đi, không chuộc lại được".

Trong địa chỉ vay vốn của những nông dân nghèo, có người vay của quỹ tín dụng của ngân hàng, có người vay của tư nhân với lãi suất khá cao. Nhiều người tỏ ý buông xuôi trước hoàn cảnh của mình, chấp nhận việc làm thuê. Cũng có người cho rằng nếu được vay vốn, họ có thể gượng dậy được. Đồng chí Lê Đức Anh hỏi rất chân tình: "Trong xóm ấp của mình, bà con có thấy ai vay tiền để ăn nhậu không? Có ai vay tiền để mua sắm lãng phí không?". Trong số những người đối thoại, có tiếng trả lời: "Có đấy ạ! Có người được mệnh danh là 'Ông ăn thịt heo lúa mùa' vì cứ bán lúa non để lấy tiền ăn xài".

Bức xúc trước những mảnh đời còn lắm cơ cực, được biết bên kia thị trấn An Biên, có những hộ gia đình, Việt có, Khơme có, biết cách làm ăn, có nhà đúc, nhà gỗ cột kê, đồng chí Lê Đức Anh quyết đến thăm bằng được. Trong lúc trời mưa lất phất, chiếc xuồng nhỏ chở đồng chí cập trước căn nhà bà Võ Thị Hoa. Một tình huống bất ngờ xảy ra: muốn vào nhà phải đi qua một đoạn cầu nhỏ làm bằng thân cây dừa. Đồng chí giúp việc chần chừ không dám để bác Sáu Nam đi qua. Nhưng bác gạt đi, nói: "Tôi quen đi loại cầu này rồi". Bà Võ Thị Hoa thoạt đầu ngỡ ngàng trước ông khách cao tuổi đường đột đến thăm nhà mình. Vừa lội qua một khoảng đất bùn, bác Sáu Nam ý tứ không vào nhà, kéo ghế ngồi ngay ở đầu hè. Câu chuyện giữa đồng chí Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng với người mẹ của chín đứa con diễn ra như giữa những người cùng xóm ấp. Bà Hoa thưa: "Nhà tôi có ba thằng con lớn đi bộ đội, cũng ra quân rồi. Bây giờ ở chung đây còn sáu đứa. Cả nhà chăm chỉ làm ăn, không bỏ phí một miếng đất nào. Đấy ông xem, trước sân trồng rau ăn, để cây giống, sau vườn trồng cây ăn trái, lại trồng lúa, làm cá". Nhà bà Hoa chưa phải là khá nhất xóm. Cột đúc tường xây chưa kịp tô. Nhiều nhà khác trong xóm cơ ngơi khang trang hơn nhiều.

Trong câu chuyện trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Cần Thơ và Kiên Giang, đồng chí Lê Đức Anh nêu một nhận xét: Vùng đồng bằng sông Cửu Long, rất nhiều gương nông dân sản xuất giỏi. Làm sao phổ biến những kinh nghiệm làm ăn giỏi này cho nông dân khác. Kinh nghiệm giúp nông dân làm ăn ở Nông trường Sông Hậu là một kinh nghiệm quý. Các địa phương cần tập trung xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, để giúp cho người dân nghèo. Lãnh đạo các cấp ở địa phương phải ngăn chặn tình trạng nông dân cầm cố ruộng đất. Xu hướng tích tụ ruộng đất chỉ có thể diễn ra sau này, một khi ta đã thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền sản xuất kinh tế. Lúc đó nhiều ngành nghề công nghiệp, thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển, nông dân chuyển sang làm công nhân hoặc làm dịch vụ một cách thành thạo và vững vàng trong cuộc sống. Còn hiện tại, trong số hộ đã phải cầm cố ruộng đất, người nào đã có nghề nghiệp khác rồi thì thôi, còn những người chưa có nghề khác ngoài nghề nông thì chính quyền tỉnh nên cho bà con vay ưu đãi để chuộc ruộng đất về, tiếp tục sản xuất bảo đảm cuộc sống.

Về thăm Quân khu 9 đúng dịp Quân khu tổ chức Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm, đồng chí Lê Đức Anh nêu câu hỏi: "Ngoài Bắc có rừng núi, miền Đông Nam Bộ có rừng, đồng bằng sông Cửu Long không có rừng, bộ đội Khu 9 dựa vào đâu để chiến đấu?" Một cán bộ đứng lên: "Thưa, bộ đội Khu 9 dựa vào dân để chiến đấu ạ!". Đồng chí Lê Đức Anh khẳng định: "Đúng! Bộ đội Khu 9 dựa vào dân để chiến đấu, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Bây giờ hoà bình rồi, nhưng các đồng chí đừng bao giờ quên rằng chính từ khẩu hiệu "Độc lập dân tộc" và "Người cày có ruộng" mà Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng hai đế quốc to. Tôi mong lực lượng vũ trang Quân khu 9 tiếp tục phát huy được truyền thống của mình, vì nhân dân phục vụ".

So với chuyến đi tháng 11-1997, lần này bác Sáu Nam về Khu 9 mạnh khoẻ hơn. Và chúng tôi có cảm giác bác Sáu càng đi càng khoẻ. Gặp đồng bào đồng chí tay bắt mặt mừng, cùng nhau ôn lại truyền thống đánh giặc của Khu 9, bàn những vấn đề làm ăn của hôm nay, bác Sáu Nam như sống lại cái thời của vị Tư lệnh xông xáo ở chiến trường, giúp Trung ương đề ra những quyết sách thích hợp cho từng giai đoạn cách mạng.
 

Trương Cộng Hoà
Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước