Quay lại

Văn phòng Chủ tịch nước chủ động tham mưu, phối hợp và tổ chức phục vụ các hoạt động đối ngoại theo tấm gương của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh

Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú cùng những cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Đức Anh là một tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng “tận trung với nước, tận hiếu với dân”.
 

Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng, góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng về kinh tế - xã hội, từng bước đưa nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng, an ninh được củng cố, giữ vững và nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Nếu như Đại hội lần thứ VI (12/1986), Đảng ta chủ trương thực hiện công cuộc đổi mới, thì Đại hội lần thứ VII (6/1991) là nhiệm kỳ triển khai công cuộc đổi mới một cách toàn diện, trọng tâm là đổi mới nền kinh tế, hình thành nền kinh tế nhiều thành phần; đưa kinh tế quốc doanh ra hoạt động theo cơ chế thị trường; tìm cách mở cửa với bên ngoài. Chính vì vậy, tháng 10/1992, ngay khi vừa được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã đặc biệt quan tâm đến công tác đối ngoại. Những thành quả trong công tác đối ngoại của đồng chí ở thời điểm này có ý nghĩa bước ngoặt, đặc biệt là trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Đây là một trong những dấu ấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Ở thời điểm đó, xúc tiến việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ là một nhiệm vụ khó khăn, bởi hai nước vừa trải qua một cuộc chiến tranh dài với nhiều tổn thất to lớn. Trước tình hình đó, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã lựa chọn cách tiếp cận thông qua trao đổi, hợp tác khoa học và coi đây là nhiệm vụ chính trị để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Chủ tịch chọn Thiếu tướng, GS.TSKH. bác sĩ Nguyễn Huy Phan, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - chuyên gia đầu ngành y học phẫu thuật chỉnh hình - làm “người mở đầu”. Khi đi dự Hội nghị khoa học quốc tế ở Pari, Giáo sư Phan đã trình bày công trình “phẫu thuật chỉnh hình” của mình, được các nhà khoa học đánh giá cao. Tại Hội nghị, các nhà khoa học Mỹ đã có lời mời Giáo sư Phan sang thăm Mỹ. Kết quả của các lần trao đổi sau đó, đoàn bác sĩ Mỹ đã sang Việt Nam phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật của nước ta.

Sau bước mở đầu thành công bằng con đường khoa học, Nhà nước ta tiến hành bước tiếp theo là tạo điều kiện thuận lợi cho phía Mỹ trở lại Việt Nam tìm người Mỹ mất tích và hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh. Đây là vấn đề Chính phủ Mỹ đặc biệt quan tâm trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nên ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Mỹ đã cử người sang Việt Nam để đối thoại nhằm giải quyết vấn đề này. Đây cũng là một trong những bước căn bản để ngày 03/02/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VII của Đảng, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, thiết lập quan hệ với Mỹ. Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN. Đồng thời, Việt Nam có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới. Nhiều nước trên thế giới cũng mở rộng quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi với Việt Nam. Trên cương vị Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã tiếp xúc, hội đàm với một số nguyên thủ quốc gia khi đến thăm Việt Nam; đồng thời cũng thực hiện nhiều chuyến thăm hữu nghị đến các nước: sang Cộng hòa Pháp dự Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng phát xít và cùng với hơn 50 vị nguyên thủ quốc gia, thủ tướng và trưởng đoàn của 80 nước tham dự Lễ Kỷ niệm tại Quảng trường Khải hoàn môn và chứng kiến quốc kỳ Việt Nam được trang trọng kéo lên cùng với quốc kỳ của các nước; tham dự Lễ Kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc tại New York (Mỹ). Trong thời điểm này, Việt Nam đã có quan hệ với 167 nước trong tổng số 185 nước là thành viên của Liên hợp quốc. Chủ tịch nước Lê Đức Anh vinh dự trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam tham dự một hội nghị đa phương mang tính toàn cầu.  

Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã thực hiện và triển khai một cách thận trọng, nghiêm túc, nhưng cũng hết sức tích cực chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa. Những hoạt động đối ngoại nói trên đã thu được những kết quả rất quan trọng. Qua những hoạt động của người đứng đầu Nhà nước đã làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn đất nước và con người Việt Nam, hiểu rõ và ghi nhận chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, trên nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và cùng có lợi. Kết quả hoạt động tích cực của công tác đối ngoại cùng với những thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới ở giai đoạn này đã thực sự nâng tầm vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Chủ trương của Đảng ta cũng là phương châm hành động: Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và các dân tộc trên thế giới đã trở thành hiện thực.

Nhờ nắm vững đường lối đối ngoại, đường lối đoàn kết quốc tế của Đảng, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thêm bạn bớt thù”, cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách l­ược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”2, đồng chí Lê Đức Anh đã xử lý rất thành công những vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế, góp phần bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và các nước trong khu vực, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Phát huy thành tựu xây dựng, phát triển đất nước, đồng thời học tập tấm gương hết lòng, hết sức phụng sự đất nước, dân tộc của Chủ tịch nước Lê Đức Anh, trong những năm qua, Văn phòng Chủ tịch nước luôn xác định công tác đối ngoại là nhiệm vụ quan trọng, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Tổng Bí thư và các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất, trình xin ý kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước về chương trình đối ngoại, đón tiếp một số đoàn nguyên thủ quốc gia của các nước có kế hoạch thăm Việt Nam, phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước triển khai các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương, bảo đảm thiết thực, tăng cường hợp tác hữu nghị, góp phần thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng chương trình công tác đối ngoại đã được triển khai tích cực và hiệu quả. Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã dẫn đầu các đoàn đại biểu cấp cao của Nhà nước ta thăm cấp nhà nước tới 22 quốc gia trên thế giới; đón tiếp, hội đàm với 42 đoàn nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các tổ chức quốc tế lớn thăm Việt Nam. Ngoài ra, Chủ tịch nước đã tham dự nhiều hội nghị, sự kiện quốc tế quan trọng như: Hội nghị cấp cao thường niên APEC, Hội nghị cấp cao Á - Phi, Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Hoa Kỳ; dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tại Liên bang Nga...

Nhiệm kỳ 2016 - 2020, Chủ tịch nước đã đi thăm 19 quốc gia trên thế giới và đón tiếp, hội đàm với 26 đoàn nguyên thủ quốc gia thăm Việt Nam, tiếp 212 đoàn khách quốc tế đến chào xã giao. Phó Chủ tịch nước đã đi thăm 10 nước và dự một số sự kiện quan trọng của các nước như: Lễ Đăng quang của Quốc vương Brunây, Lễ Hỏa táng Nhà vua Thái Lan, Lễ Nhậm chức của Tổng thống và Phó Tổng thống Inđônêxia, đón 5 đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm Việt Nam, tiếp 91 đoàn khách quốc tế đến chào xã giao. Trong các chuyến thăm nước ngoài của Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước cũng như trong các chuyến thăm Việt Nam của nguyên thủ và lãnh đạo các nước, và trong các cuộc tiếp xúc với các đoàn khách nước ngoài, Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước đã trao đổi, hội đàm, bàn về các vấn đề song phương và đa phương cùng quan tâm, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các nước, các đối tác quốc tế đi vào chiều sâu, trong đó, nhiều chuyến thăm đã mở ra một giai đoạn phát triển mới giữa Việt Nam với các nước như: chuyến thăm Trung Quốc, Hoa Kỳ năm 2013, chuyến thăm Nhật Bản năm 2014. Trong các chuyến thăm, lãnh đạo các nước đã đón tiếp đoàn Việt Nam ở mức nghi lễ cao, thể hiện sự coi trọng quan hệ hợp tác phát triển với Việt Nam, đánh giá cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam cũng đã dành sự đón tiếp chu đáo và hết sức trọng thị với các đoàn khách nước ngoài, thể hiện tình cảm thân thiện và mến khách của đất nước và con người Việt Nam.

Ngoài ra, Văn phòng Chủ tịch nước cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan làm tốt công tác chuẩn bị để Chủ tịch nước tham dự 3 hội nghị quốc tế và chủ trì một hội nghị quốc tế lớn tổ chức ở Việt Nam (APEC 2017). Phó Chủ tịch nước tham dự 8 hội nghị quốc tế quan trọng được tổ chức ở nước ngoài.

 Bên cạnh các hoạt động chính thức tại các diễn đàn quốc tế, Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước cũng đã tiếp xúc với nhiều nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo các nước trên thế giới, trao đổi về nhiều vấn đề hợp tác song phương, các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và các nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước. Đặc biệt, với vai trò chủ nhà “Năm APEC 2017 của Việt Nam”, Chủ tịch nước đã chủ trì thành công Hội nghị Cấp cao APEC 2017 với sự tham dự của nhiều nguyên thủ và lãnh đạo các nước trên thế giới, để lại dấu ấn sâu sắc đối với bạn bè quốc tế. Việt Nam cũng đã để lại ấn tượng tốt đẹp và nâng cao uy tín đối với cộng đồng quốc tế với việc được lựa chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 vào tháng 02/2019. Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Chủ tịch nước đã có các cuộc hội kiến, hội đàm quan trọng với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Châng In, thúc đẩy quan hệ song phương với các nước và góp phần trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình ở khu vực và thế giới.

Các hoạt động đối ngoại đã góp phần đưa đất nước phát triển đúng xu thế của thời đại, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Với các nước lớn, Việt Nam đã xây dựng được các khuôn khổ quan hệ ổn định, cùng có lợi, phù hợp với lợi ích của đất nước về lâu dài. Các nước lớn cũng đặt Việt Nam ở vị trí ngày càng cao trong chiến lược của họ ở khu vực và trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; có quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với 30 nước. Đồng thời, Việt Nam đã nỗ lực phát triển quan hệ ngày càng thiết thực với các nước láng giềng và bạn bè truyền thống.

Về kinh tế, Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế thông qua ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, qua đó tạo ra những động lực to lớn cho phát triển. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam nằm trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Mặc dù dịch Covid-19 đã và đang gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng dương vào loại cao trong khu vực. Hội nhập quốc tế về chính trị - an ninh - quốc phòng, xã hội - văn hoá và các lĩnh vực khác ngày càng sâu sắc.

Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm các chủ trương, nghị quyết của Đảng, đồng thời học tập tấm gương Chủ tịch nước Lê Đức Anh, những năm qua, cán bộ, công chức Văn phòng Chủ tịch nước luôn đoàn kết, thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, tổng hợp, phục vụ các hoạt động đối nội, đối ngoại của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước.

Riêng năm 2019, Văn phòng đã phối hợp chuẩn bị tài liệu, công tác lễ tân, hậu cần phục vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Phu nhân đón một số đoàn cấp cao nước ngoài thăm chính thức Việt Nam như: Đón Tổng thống Áchentina và Phu nhân; Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Châng In; Quốc vương Brunây Hassanal Bolkiah; Hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội. Phục vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và thăm cấp nhà nước Vương quốc Campuchia; tiếp gần 20 đoàn khách quốc tế đến chào xã giao, trong đó có nhiều vị lãnh đạo quốc hội, chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp 31 đại sứ nước ngoài trình quốc thư; bổ nhiệm 24 đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại các nước; phong hàm đại sứ cho 11 cán bộ của Bộ Ngoại giao.

Phục vụ Phó Chủ tịch nước đón Công chúa kế vị của Thụy Điển và Phu quân, Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu thăm chính thức Việt Nam; tiếp gần 30 đoàn khách quốc tế đến thăm, chào xã giao; tiếp 12 đại sứ các nước đến chào từ biệt; trao quyết định bổ nhiệm 16 đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại các nước trên thế giới; dự Hội nghị lòng tin châu Á tổ chức tại Tátgikixtan; dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu tại Thụy Sỹ và thăm chính thức Cuba; dự Lễ Nhậm chức Tổng thống và Phó Tổng thống Inđônêxia; dự Hội nghị Cấp cao Phong trào không liên kết tại Agiécbaidan; dự và phát biểu tại Lễ Kỷ niệm Tết cổ truyền của Lào; chúc mừng Tân Nhật hoàng Naruhito nhậm chức tại Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam...

Các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong năm qua đã góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới; củng cố, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu và trở thành cuộc khủng hoảng toàn diện, tác động mạnh mẽ, sâu rộng làm đảo lộn mọi hoạt động trong đời sống quốc tế. Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, việc triển khai các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã bị ảnh hưởng không nhỏ, nhiều hoạt động trong chương trình đối ngoại của Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước đã phải tạm hoãn hoặc chuyển sang thời điểm khác phù hợp. Tuy nhiên, với sự tham mưu, đề xuất sáng tạo, linh hoạt của các cơ quan chức năng, công tác tổ chức kịp thời, hiệu quả của Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ tịch nước đã có một số hoạt động đối ngoại quan trọng như phát biểu ghi hình trực tuyến tại Lễ Khai mạc Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) tổ chức tại Hà Nội; phát biểu ghi hình trực tuyến tại Phiên Thảo luận chung cấp cao khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc... Các hoạt động đó đã thể hiện sự đóng góp quan trọng của Việt Nam trong năm 2020 khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Chủ tịch nước đã tiến hành điện đàm với lãnh đạo một số nước lớn và láng giềng quan trọng như: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bunnhăng Vôlachít; Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Campuchia Hunsen; Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin để trao đổi về vấn đề hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt là hợp tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Bên cạnh các hoạt động đối ngoại Nhà nước chính thức, Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước luôn quan tâm đến các hoạt động đối ngoại nhân dân, gặp gỡ, tiếp xúc với bà con kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài trong các chuyến công tác nước ngoài hoặc qua các hoạt động đón Tết cổ truyền hằng năm tổ chức ở Việt Nam như Chương trình Xuân quê hương, góp phần to lớn vào việc động viên, kêu gọi bà con hướng về quê hương, Tổ quốc, xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp. Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước cũng luôn quan tâm đến các cá nhân, tổ chức nước ngoài có công trong việc củng cố tình đoàn kết và thúc đẩy quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam bằng việc trao tặng các huân, huy chương cao quý của Việt Nam.

Các hoạt động đối ngoại quan trọng của Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước đã để lại những ấn tượng hết sức tốt đẹp với bạn bè quốc tế, thể hiện Việt Nam là đất nước thân thiện, mến khách, luôn sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, góp phần bảo vệ hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của các cán bộ, công chức Văn phòng Chủ tịch nước.

Có thể nói, những thành quả to lớn trong công tác đối ngoại của Chủ tịch nước Lê Đức Anh là bài học quý giá để các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Chủ tịch nước nghiên cứu, trau dồi, học tập và vận dụng trong thực tiễn, góp phần tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình đối ngoại của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước.
 

ĐÀO VIỆT TRUNG
Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước