Quay lại

Vai trò của Cục phó Cục tác chiến Lê Đức Anh trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội (1955-1957)

Đại tướng Lê Đức Anh là người chiến sĩ cách mạng kiên cường, một vị tướng tài ba, người đã được tôi luyện, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế, giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Đại tướng Lê Đức Anh là người có công lao rất lớn với quân đội cũng như đất nước Việt Nam. Đối với Cục Tác chiến, trên cương vị là Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu (từ năm 1955 đến năm 1957), Đại tướng đã ghi dấu ấn sâu sắc và có nhiều đóng góp to lớn trong những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nổi bật ở một số công việc chính sau:


Một là, chỉ đạo, tổ chức xây dựng các kế hoạch tác chiến phòng thủ.

Từ tháng 7/1954, đất nước chuyển sang nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, thi hành Hiệp định Giơnevơ, đấu tranh thống nhất đất nước. Ngày 15/7/1954, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “bất cứ tư tưởng và hành động nào cho là đình chiến rồi thì mọi việc đều tốt đẹp, bỏ rơi việc chuẩn bị chiến đấu, để cho tinh thần chiến đấu uể oải, lơ là việc xây dựng lực lượng võ trang, đều là sai lầm nguy hiểm”.

Vì vậy, ngay sau ngày miền Bắc được giải phóng, Cục Tác chiến đã sơ bộ nghiên cứu kế hoạch phòng thủ, chủ yếu là bảo vệ miền Bắc với một số nội dung trước mắt: bố trí đài quan sát, tổ chức các đơn vị cảnh vệ; bố trí lực lượng phòng thủ biên giới, giới tuyến, ven biển; nghiên cứu và xây dựng bước đầu hệ thống công trình phòng thủ; nghiên cứu hệ thống sở chỉ huy phòng không và quy hoạch xây dựng sở chỉ huy quốc gia trong thời chiến.

Tháng 6/1955, Đại tá Lê Đức Anh nhận quyết định về làm Cục phó Cục Tác chiến (thời gian này Cục Tác chiến có 3 đồng chí Cục phó). Sau đó, đồng chí được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng giao nhiệm vụ: nghiên cứu kế hoạch xây dựng công trình phòng thủ bờ biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Trên cương vị mới, mặc dù trong thời gian rất ngắn, đồng chí đã tích cực nghiên cứu sơ bộ kế hoạch phòng thủ bờ biển, đi khảo sát thực địa từ Quảng Ninh vào Quảng Bình; dựa trên kế hoạch tác chiến cơ bản, phác thảo ý định xây dựng các công trình phòng thủ và các công trình nhân cốt tại các vị trí, khu vực trọng điểm của phòng thủ. Tuy nhiên, kinh nghiệm về vấn đề này của đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược của quân đội ta lúc đó còn hạn chế. Trước tình hình trên, Cục Tác chiến đề nghị Bộ Tổng Tham mưu cử một đoàn cán bộ sang nghiên cứu ở Trung Quốc và đề nghị bạn giúp một số nội dung về cách thức, triển khai, xây dựng công trình quốc phòng. Được trên nhất trí, Bộ Tổng Tham mưu giao Đại tá Lê Đức Anh, Cục phó Cục Tác chiến phụ trách đoàn, cùng với một số cán bộ của Cục Tác chiến, Cục Công binh sang Trung Quốc nghiên cứu những vấn đề chiến thuật, cách đánh đường hầm, nghiên cứu công tác kế hoạch xây dựng công trình quốc phòng quốc gia, về thiết kế, kỹ thuật các loại công trình...

Đoàn chủ yếu làm việc tại Bắc Kinh, được một số cán bộ Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc giới thiệu những vấn đề cơ bản về lý thuyết với các nội dung: xem xét xác định công trình, xác định những vấn đề về chiến thuật, vị trí đường hầm và cửa hầm, cách làm các kế hoạch, tổ chức thi công... Sau đó, đoàn đi Thượng Hải tìm hiểu về tình hình triển khai làm công trình của một quân khu, tham quan một số công trình tại thực địa đã xây dựng và đang xây dựng, một số sở chỉ huy quân khu, công trình xây dựng phòng thủ biển. Khi về nước, đoàn họp nghiên cứu cách vận dụng vào địa hình Việt Nam và thống nhất báo cáo Bộ Tổng Tham mưu; sau đó tổ chức phổ biến kinh nghiệm và hướng dẫn các quân khu xây dựng các công trình chiến đấu sau khi các bản thiết kế được Bộ Quốc phòng -
Bộ Tổng Tư lệnh phê duyệt. Đồng chí Lê Đức Anh được Thủ trưởng Cục Tác chiến phân công thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc xây dựng các công trình phòng thủ để bảo đảm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc; trước hết xây dựng ở tuyến một và bờ biển, tập trung hướng chiến lược, giới tuyến và xây dựng công trình phòng thủ trọng điểm để bảo vệ miền Bắc.

Trước tình hình kẻ địch trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, ở miền Nam, Ngô Đình Diệm điên cuồng thực hiện chính sách chống cộng, hò hét “Bắc tiến! Lấp sông Bến Hải”, liên tục vi phạm khu phi quân sự, tung biệt kích - gián điệp ra miền Bắc thăm dò, cướp bóc, gây không khí căng thẳng ở giới tuyến, chuẩn bị không khí chiến tranh và khiêu khích, ngày 01/11/1955, Cục Tác chiến báo cáo Bộ Tổng Tham mưu, trình Tổng Quân ủy về giải quyết vấn đề khu giới tuyến; trong đó xác định cần tăng cường thêm lực lượng, thống nhất chỉ huy, thi hành nghiêm quy chế khu phi quân sự. Đồng thời, Cục Tác chiến chỉ đạo, đôn đốc việc xây dựng công trình phòng thủ ở các quân khu, xây dựng công trình ở căn cứ chiến lược, công trình cho các đồng chí lãnh đạo Bộ Chính trị, Chính phủ với khối lượng công việc ngày càng nhiều.

Với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc của lãnh đạo, chỉ huy và đội ngũ cán bộ Cục Tác chiến, đến cuối năm 1955 công tác phòng thủ tác chiến miền Bắc được hình thành: Về biên phòng, giao Liên khu 4 đảm nhiệm thay cho Sư đoàn 335, đề xuất chuyển Bộ đội bảo vệ và Biên phòng thành Công an vũ trang do
Bộ Công an quản lý; ở Khu phi quân sự, giao cho Trung đoàn 270, Liên khu 4 (Trung đoàn 270, Sư đoàn 341, Quân khu 4) phối hợp với các lực lượng tổ chức tuần tra canh gác, kiểm soát chặt chẽ đường giới tuyến hằng giờ, hằng ngày, sẵn sàng chiến đấu cao. Về phòng thủ bờ biển, hoàn thành bố trí pháo bờ biển, xác định vị trí, mẫu thiết kế, xây dựng các đài quan sát; về phòng không, tổ chức hệ thống sở chỉ huy, các đài quan sát máy bay, hệ thống thông tin báo động ở các khu, các tỉnh, bố trí trận địa phòng không ở Hà Nội, Hải Phòng và hệ thống thông tin chỉ huy. Về phòng thủ Hà Nội, thực hiện kế hoạch phòng, chống các hoạt động vũ trang phá rối trật tự trị an, bảo vệ các tuyến giao thông đường sắt trọng điểm từ Hà Nội tới mục Nam Quan (Lạng Sơn), Hải Phòng, Nam Định... Ngày 28/01/1956, Cục Tác chiến báo cáo dự thảo kế hoạch tác chiến lên Bộ Tổng Tham mưu. Từ đó, xác định nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam là chiến đấu đến cùng tiêu diệt quân địch xâm lược, bảo vệ miền Bắc, giải phóng toàn quốc. Kế hoạch còn đề cập việc tổ chức hoạt động ở địch hậu miền Nam, Lào, Campuchia khi địch tiến công miền Bắc. Về bảo đảm chiến dịch và chiến lược, đề ra 6 mặt công tác bảo đảm là: bảo đảm công trình quốc phòng, quân sự; bảo đảm thông tin liên lạc; bảo đảm phòng không, chống quân địch tập kích đường không, đánh địch đổ bộ đường không, nhảy dù; bảo đảm đường giao thông, cơ động, vận chuyển; bảo đảm an ninh, an toàn sân bay, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời; tổ chức phòng thủ bờ biển, bảo vệ vùng biển...

Sau hai năm địch phá hoại Hiệp định Giơnevơ, ráo riết thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, tiến hành các hoạt động phá hoại miền Bắc; trước tình hình mới, quân đội được điều chỉnh, tổ chức xây dựng mới với một số trang bị mới. Kế hoạch tác chiến phòng thủ theo đó có những yếu tố và yêu cầu mới. Lần đầu tiên, Cục Tác chiến xây dựng được một kế hoạch tác chiến cơ bản tương đối toàn diện, tỉ mỉ, cụ thể đáp ứng yêu cầu phòng thủ đất nước. Dưới sự chỉ đạo sát sao của các thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng với các thủ trưởng, cán bộ của Cục Tác chiến đóng góp nhiều tâm sức, trí tuệ, trải qua gần 2 năm nghiên cứu quán triệt đường lối, quan điểm quân sự của Đảng, tìm hiểu đánh giá tương quan so sánh lực lượng địch - ta, xem xét toàn diện các vấn đề về khả năng của đất nước, của quân đội, hướng phát triển của tình hình, tham khảo ý kiến - kinh nghiệm các nước bạn rồi trực tiếp đi nghiên cứu thực địa, điều tra binh yếu địa chí - dân số để làm kế hoạch chiến lược, từ sơ thảo thành kế hoạch cơ bản. Có thể nói, đây là bước phát triển mới về khoa học dự báo, về tư duy chiến lược theo phương châm: vừa làm vừa học, học bạn bè quốc tế kết hợp với kinh nghiệm truyền thống giữ nước của cha ông ta để chắt lọc những tinh túy trí tuệ nhằm triển khai phòng thủ đất nước.


Hai là, tham mưu chỉ đạo, tổ chức các đơn vị quân đội tham gia sản xuất khôi phục kinh tế, chống thiên tai, ổn định đời sống nhân dân.

Tháng 8/1955, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) xác định: “Bất kể trong tình thế nào, miền Bắc cũng phải được củng cố”, phải đưa miền Bắc dần dần từng bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, trước mắt Chính phủ chủ trương nhanh chóng hoàn thành cải cách ruộng đất, thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế trong 3 năm (1955 - 1957), tập trung vào việc phục hồi và phát triển nông nghiệp, nghề đánh cá, phục hồi giao thông, bưu điện, ổn định đời sống nhân dân.

Để thực hiện chủ trương trên, Cục phó, Đại tá Lê Đức Anh, cùng với Thủ trưởng Cục Tác chiến đã tích cực, chủ động, hiệp đồng với các cơ quan có liên quan của Bộ Tổng Tham mưu và các tổng cục tính toán phân phối lực lượng, chỉ đạo các đơn vị quân đội cùng nhân dân tháo gỡ bom mìn, dây kẽm gai, khôi phục ruộng đất hoang hóa và đất đai ở những vành đai trắng (64.000 ha) để dân cày cấy. Tại các khu vực đóng quân, bộ đội giúp dân hơn 20 vạn ngày công, đào 50 vạn mét khối đất, đạt năng suất cao trên công trường xây dựng thủy nông Bắc Hưng Hải... Đặc biệt, đầu năm 1955, miền Bắc bị hạn hán nghiêm trọng, lực lượng vũ trang đã góp 6 triệu ngày công, đào vét hàng trăm kilômét mương máng, hàng nghìn giếng nước cứu lúa. Mùa hè năm 1955, miền Bắc bị bão lụt lớn, nước lũ tràn ngập các cánh đồng lúa các huyện Đông Anh, Gia Lâm, một số huyện của Bắc Ninh và một phần các huyện của tỉnh Vĩnh Phúc (đặc biệt là huyện Vĩnh Tường). Trước tình hình đó, Trung ương và Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng, lấy Bộ Tổng Tham mưu làm chủ trì (Cục Tác chiến là cơ quan trung tâm); cơ quan phối hợp, hiệp đồng là 3 tổng cục, kết hợp với cán bộ của Bộ Thủy lợi, thành lập công trường “hàn khẩu” đê Mai Lâm để nhanh chóng hạn chế thiệt hại do bão lụt gây ra; kịp thời khôi phục sản xuất ở các địa phương, phục hồi hệ thống giao thông trong nước và quốc tế (sân bay Gia Lâm).

Đây là một nhiệm vụ mới mà trước đây (trong chiến tranh chống thực dân Pháp) Cục Tác chiến chưa từng làm. Theo yêu cầu của Ban phòng, chống bão lụt Trung ương, để làm tròn nhiệm vụ là đội quân chiến đấu và đội quân công tác, Cục Tác chiến đã thường xuyên phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Thủy lợi, nắm chắc tình hình các đê, kè, cống, mực nước ở các triền sông từ miền Bắc đến Quảng Bình. Tham mưu đề xuất với Chính phủ thành lập Ban chỉ huy phòng, chống bão lụt chỉ huy chung ở các tỉnh, chỉ huy cao nhất của các đơn vị quân đội trên địa bàn tham gia vào ban chỉ huy chung để thống nhất kế hoạch và phối hợp việc phòng, chống bão lụt tại địa phương. Cục Tác chiến đã dự thảo mệnh lệnh điều động các Đại đoàn 308, 312, 316, 351 (Đại đoàn Công - Pháo) làm lực lượng chủ công trên công trường “hàn khẩu”. Cán bộ, chiến sĩ đã không quản trời nắng nóng như thiêu đốt, có lúc lại mưa rào như trút nước suốt ngày đêm dầm mình dưới nước, nắm chắc tay nhau làm “đê người” chặn nước lũ để đồng đội đóng cọc, làm kè, đổ đá đất, hàn đoạn đê vỡ. Lãnh đạo, Thủ trưởng Cục Tác chiến thay nhau đi kiểm tra những đoạn đê xung yếu, tại phòng Trực ban Sở chỉ huy thường xuyên có sơ đồ ghi tình hình mực nước ở các sông lớn, những dự báo về bão lụt. Trong giao ban hằng ngày, trực ban tác chiến đều phải nắm được diễn biến thời tiết, diễn biến bão lụt trong vùng, kịp thời thông báo mọi tình hình và các biện pháp phòng, chống với từng khu vực và báo cáo với Ban Phòng, chống bão lụt Trung ương.

Ngày 25/9/1955, một cơn bão lớn đổ bộ vào đất liền Hải Phòng, nước biển dâng cao trên khắp các xã ven đê các huyện An Hải, Thủy Nguyên, Kiến Thụy (Kiến An) gây tổn thất nặng nề về người và tài sản. Theo chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, Cục Tác chiến đã cùng Liên khu Tả Ngạn xử trí các tình huống. Từ kinh nghiệm cứu đê ở Mai Lâm, Cục Tác chiến đã kịp thời huy động những đơn vị quân đội gần nhất cấp tốc hành quân đến hiện trường cứu hộ đê, cứu dân, cứu tài sản. Bộ đội ta đã cứu được 1.193 người, hàng nghìn trâu, bò, lợn và nhiều tài sản khác. Sau khi bão tan, bộ đội ở lại giúp dân dựng được 271 ngôi nhà tạm, sắp xếp lại chỗ ở cho 5.913 gia đình nhà bị đổ, tốc mái. Hàng trăm tấm gương sáng của cán bộ, chiến sĩ với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã hết mình vì nhân dân, liên tục vật lộn với sóng gió, cứu người dân.

Để đưa công tác phòng, chống thiên tai vào nền nếp, Cục Tác chiến đã đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu, Ban Phòng, chống bão lụt Trung ương, tổ chức các hội nghị theo định kỳ, thời gian hằng tháng, 3 tháng, 6 tháng, cuối năm. Căn cứ khu vực đóng quân của các đơn vị, ngoài kế hoạch huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị được giao thêm nhiệm vụ tham gia phòng, chống bão lụt trên địa bàn. Từng đơn vị đều phải có kế hoạch phòng, chống bão lụt, được kiểm tra đôn đốc và thực hành diễn tập.

Thời gian từ năm 1955 đến năm 1957, Cục Tác chiến bước sang giai đoạn mới với nhiều nhiệm vụ, khó khăn cả về lý luận cũng như chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Với tầm nhìn chiến lược, trưởng thành từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, với tác phong sâu sát, bám sát thực tiễn, Cục phó Lê Đức Anh đã đóng góp công sức to lớn cùng với tập thể Đảng ủy, Thủ trưởng Cục Tác chiến bắt tay vào phục vụ Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng - Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo các đơn vị quản lý vùng giải phóng ở miền Nam, truy quét, tiễu phỉ bảo vệ biên giới, tổ chức đón tiếp cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, đề xuất tổ chức các lực lượng, các đơn vị quân đội tham gia sản xuất, chống thiên tai, triển khai các kế hoạch tác chiến chiến lược, xây dựng công trình phòng thủ bảo vệ miền Bắc, góp phần quan trọng trong chỉ đạo huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tích cực chi viện tích cực cho miền Nam đấu tranh chống Mỹ - Diệm.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh (01/12/1920 - 01/12/2020) cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu vinh dự, tự hào đã từng được sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của đồng chí ngay từ những ngày đầu gian khó nhất của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí là người lãnh đạo giản dị, nghĩa tình, sâu sắc, suốt đời vì dân, vì nước, vì sự nghiệp cách mạng; là tấm gương tiêu biểu về tinh thần trách nhiệm, tác phong công tác trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là trước những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ đặc biệt. Đồng chí đã thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy: Cán bộ tác chiến phải 4 năng: năng nghe, năng hỏi, năng nghĩ, năng làm.

Học tập phương pháp, tác phong công tác của đồng chí Lê Đức Anh, cán bộ, đảng viên Cục Tác chiến luôn tâm niệm: trong quá trình nghiên cứu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cần vận dụng kinh nghiệm, thấu suốt đường lối cách mạng, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, quán triệt tốt chủ trương của trên vào thực tiễn công tác; luôn nắm địch, bám đơn vị, bám sát thực tiễn, phát hiện và giải quyết sáng tạo những vấn đề mới nảy sinh góp phần củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 

Thiếu tướng NGUYỄN ĐỨC CĂN