Quay lại

Vai trò chỉ huy bám trụ và đánh địch bình định lấn chiếm trên địa bàn Quân khu 9 của Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh những năm 1969 - 1973

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, từ năm 1969 đến năm 1973, quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đã kiên cường bám trụ, đánh bại các kế hoạch bình định lấn chiếm của địch.
 

Đây là giai đoạn gian khổ, ác liệt nhất, nhưng đánh dấu sự thắng lợi của một chủ trương đúng đắn, táo bạo, kịp thời của quân và dân vùng đất “chín rồng” nhằm giữ vững vùng giải phóng, tạo thế và lực mới để giành thắng lợi quyết định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Trong thắng lợi này, vai trò của Trung tướng Lê Đức Anh, nguyên Tư lệnh Quân khu 9, vị chỉ huy có tầm nhìn và tài thao lược quân sự có ý nghĩa quan trọng.

 

Sau thất bại Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Mục tiêu cơ bản là tiếp tục giữ miền Nam Việt Nam, ngăn chặn phong trào cách mạng ở Đông Dương, giảm sự dính líu và tránh sự thất bại của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Thực hiện âm mưu đó, địch tiến hành phản kích, thực hiện chiến lược quân sự “quét và giữ” để lấn đất, giành dân, đẩy lùi lực lượng vũ trang, cơ sở và phong trào cách mạng quần chúng.

Riêng ở đồng bằng sông Cửu Long, lúc này Quân đoàn 4 ngụy tập trung mọi nỗ lực, ra sức phản kích quyết liệt và tổ chức phòng thủ, giữ chặt các khu vực mới chiếm lại. Chúng tập trung toàn bộ lực lượng dưới sự yểm trợ tối đa của không quân và hải quân Mỹ tiến hành tranh chấp quyết liệt với ta ở khu vực vùng ven, đặc biệt là ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre; đồng thời khôi phục và giữ chặt tuyến Lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) từ Long An đến Cà Mau; tuyến đường thủy kênh Chợ Gạo và sông Măng Thít.

Nhằm đẩy lùi lực lượng ta ra khỏi thành phố, thị xã, địch tiến hành bình định cấp tốc để lấn đất, giành dân. Chúng tổ chức nhiều cuộc hành quân đánh vào vùng Bảy Núi (An Giang), vùng 4 Kiến Tường, vùng 20/7 (Mỹ Tho), Giồng Trôm (Bến Tre), nhưng đều bị quân và dân các địa phương đánh trả quyết liệt. Tiêu biểu cho ý chí kiên cường bám trụ trong bom đạn ác liệt của kẻ thù là cuộc chiến đấu suốt 128 ngày đêm của quân và dân tỉnh An Giang tại đồi Tức Dụp, vào cuối năm 1968 đầu năm 1969. Đồng thời, địch cũng tập trung lực lượng quy mô lớn mở cuộc hành quân “thăm dò U Minh”, nhưng đều bị ta chặn đánh gây nhiều thiệt hại, phá tan ý đồ xâm lấn ban đầu.

Thời gian này, theo sự chỉ đạo của Quân ủy Miền, quân và dân đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tổ chức tiến công mùa Hè năm 1969. Tuy có nhiều cố gắng để phối hợp với chiến trường nhằm tạo thế trên mặt trận chính trị, ngoại giao, nhưng do lực lượng ta liên tục tiến công, quân số tiêu hao, không có đủ thời gian để củng cố lực lượng, cùng với đó vũ khí, trang bị thiếu, nên kết quả đợt tiến công mùa Hè đạt rất thấp. Từ thực tế đó, đến tháng 6/1969, Quân ủy Miền tiếp tục chỉ thị phải ra sức đẩy mạnh tiến công quân sự liên tục, căng kềm địch ra để tiêu diệt và tiêu hao một cách rộng khắp. Thực hiện chỉ thị đó, quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đã cố gắng tiến công để kiềm chế, ngăn chặn kế hoạch “bình định cấp tốc” của địch nhằm tạo thế đứng mới cho nhân dân, cơ quan chỉ đạo các cấp và lực lượng vũ trang, củng cố lại thế tiến công ba mũi của quần chúng ở cơ sở.

Tuy nhiên, mọi cố gắng không đạt được ý định đề ra, do lực lượng chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương của ta đều tổn thất nghiêm trọng, trong nội bộ lãnh đạo, chỉ huy Khu ủy và Bộ Tư lệnh xuất hiện một số bất đồng. Trong khi đó, địch đã phát hiện ta gặp nhiều khó khăn về bổ sung quân số và chuẩn bị vật chất hậu cần, nên tập trung lực lượng phản kích quyết liệt, tạm thời đẩy lùi lực lượng ta ra khỏi thành phố, thị xã. Chúng đẩy mạnh các chương trình bình định, lấn chiếm nhanh chóng các vùng nông thôn rộng lớn, dần dần ta mất thế tiến công, lực lượng bị giảm sút. Trong vòng một năm, ở nhiều địa phương, cán bộ, lực lượng vũ trang cơ sở bị tróc khỏi địa bàn; quần chúng tự động né tránh bom đạn, chạy ra vùng địch kiểm soát... Lúc bấy giờ, ở Khu 9 địch đã bình định, lấn chiếm gần hết vùng giải phóng trước đây, chỉ còn căn cứ U Minh và khu giải phóng Nam Cà Mau. Quân và dân miền Tây Nam Bộ bắt đầu bước vào thời kỳ khó khăn nghiêm trọng nhất, tưởng chừng như không vượt qua được.

Trước tình hình Quân khu 9 đang gặp nhiều khó khăn, tháng 7/1969, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Đức Anh về làm Tư lệnh Quân khu 9. Sau đó, đồng chí Võ Văn Kiệt cũng được điều về làm Bí thư Khu ủy - Chính ủy Quân khu. Là một cán bộ quân sự dày dạn kinh nghiệm trận mạc, luôn bám sát chiến trường, dám nhìn thẳng vào sự thật, nên khi về đến địa bàn đảm nhiệm, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng các đồng chí trong Thường vụ Khu ủy nghiêm túc đánh giá lại tình hình địch - ta từ sau Tết Mậu Thân; phân tích những khó khăn và thuận lợi cơ bản của chiến trường để lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao, dẫu khó khăn nghiệt ngã mấy cũng phải cố gắng để làm chuyển biến tình hình, xứng đáng với lòng tin của lãnh đạo cấp trên cũng như của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đang mong đợi. Trước mắt, tập trung củng cố về tổ chức, khâu trọng yếu nhất là tạo nên sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo phương châm tác chiến, phương thức đấu tranh cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, khôi phục lực lượng chính trị ở những vùng sa sút,... từ đó khôi phục lại thế và lực của Quân khu 9.

Với quyết tâm đó, chỉ trong thời gian ngắn, Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh đã xác định rõ ràng chủ trương trong Thường vụ Khu ủy về vấn đề Đảng lãnh đạo. Theo đó nguyên tắc lãnh đạo là tập thể lãnh đạo, nhưng chỉ huy ở tất cả các cấp chỉ có một người cấp trưởng, cấp phó là giúp việc cho cấp trưởng, quyền hạn, trách nhiệm phân định rõ ràng. Một số đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân khu 9 được bổ sung vào Thường vụ và Khu ủy. Tất cả những công việc thuộc về quân sự liên quan đến tác chiến, vũ khí, trang bị, hậu cần, kỹ thuật,... giao cho Quân khu điều hành, Khu ủy không còn ôm đồm bao biện làm thay. Từ đây xác định rõ: Đảng lãnh đạo tập thể bằng nghị quyết, chỉ huy quân sự do Bộ Tư lệnh Quân khu chịu trách nhiệm, và chế độ lãnh đạo từ trên xuống dưới thực hiện theo quy định của Trung ương Cục.

Với vai trò là Tư lệnh Quân khu, đồng chí Lê Đức Anh rất chú trọng đến việc duy trì kỷ luật, kỷ cương, sinh hoạt của lực lượng vũ trang. Vì vậy, khi về nhận nhiệm vụ, thấy ở U Minh thiếu gạo, thiếu muối, bộ đội đói và rách, sinh hoạt ở lán, ở ngoài xóm với dân, ăn mặc thì tùy tiện, v.v. nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng với Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 bàn bạc và tìm cách tháo gỡ khó khăn, bảo đảm đủ trang bị, ăn mặc, giữ cho bộ đội có tư thế tác phong. Cán bộ cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, đặc biệt ai uống rượu phải nghiêm khắc kiểm điểm, có thông báo rộng rãi.

Công tác chỉ đạo nổi bật nhất của Đại tướng Lê Đức Anh giai đoạn này là cùng Thường vụ Khu ủy đề ra nhiều quyết sách táo bạo nhằm bám trụ và đánh địch bình định, lấn chiếm trên địa bàn Quân khu như: Phòng ngự bám trụ chiến đấu theo hình thức phòng ngự linh hoạt, kết hợp phản công đánh vào một số cứ điểm. Phòng ngự bám trụ tiêu hao địch, giữ vững trận địa, không để tróc địa bàn. Địch chốt ở đâu thì bám trụ vây lại, đánh liên tục bằng nhiều hình thức, làm cho địch phải co lại,... Nắm vững thời cơ kiên quyết phản công địch. Phải xây dựng và phát triển lực lượng, nhất là củng cố, xây dựng bộ đội chủ lực, mới tạo được điều kiện để phản công và phá được thế tiến công của địch.

Với những quyết sách do đồng chí Lê Đức Anh và Thường vụ Khu ủy Quân khu 9 đề ra, các đơn vị đã được phân công bám trụ ở từng địa bàn cụ thể: Trung đoàn 1 ở Long Mỹ, Trung đoàn 3 bám trụ trên địa bàn then chốt giữa hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần của Quân khu cũng có kế hoạch bám trụ và đánh địch. Lúc đó, Khu ủy cũng có ý kiến đề nghị Quân khu 9 nên di chuyển cơ quan về Nam Cà Mau để có điều kiện ổn định làm việc, nhưng với tầm nhìn chiến lược, đồng chí Lê Đức Anh khẳng định: Nếu lui về Cà Mau, địch lấn tới và theo đó sẽ mất đất, mất dân không còn chỗ nào đứng chân nữa, do đó hạ quyết tâm bám trụ ở U Minh Thượng, đồng thời triển khai Sở Chỉ huy Tiền phương của Quân khu ở Long Mỹ (Cần Thơ) chỉ cách hàng rào đồn địch mấy trăm mét. Mặc dù Sở Chỉ huy nằm sát đồn địch, nhưng đồng chí Lê Đức Anh luôn là người thường trực chỉ huy tại đây. Việc làm đó đã có tác động mạnh mẽ đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Quyết tâm và hình ảnh tiên phong ấy cũng đã làm “điểm tựa” cho các xã vùng địch lấn chiếm noi theo. Số cán bộ bị tróc địa bàn, chạy sang xã khác, dần dần quay trở lại địa phương thực hiện 3 bám (bám đất, bám dân, bám địch), khôi phục phong trào chiến tranh du kích. Thời kỳ này, cán bộ đảng, cán bộ mặt trận đều cầm súng đánh giặc. Nhiều địa phương ở miền Tây Nam Bộ, bí thư chi bộ làm đội trưởng du kích, xây dựng các lõm căn cứ chiến đấu suốt mấy năm ác liệt nhất. Cùng với đó, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo bộ đội tỉnh và huyện gắn chặt với dân quân du kích trong tác chiến và xây dựng. Nhất là ra sức tập trung xây dựng bộ đội chủ lực của Quân khu (lúc này Trung đoàn 10 và Trung đoàn 20 cũng được chi viện từ miền Bắc vào), các lực lượng phải đứng vững trên địa bàn cơ động, giữ được thế liên hoàn giữa các khu vực chiến trường. Đội hình hậu cần tại chỗ được triển khai, hành lang giao thông liên lạc từ Khu lên Miền và xuống các tỉnh, huyện, xã thông suốt tạo điều kiện cho công tác chỉ đạo, chỉ huy xử trí các tình huống kịp thời hơn.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, trong đó có vai trò của đồng chí Lê Đức Anh với tinh thần tích cực tiến công và phản công bằng những phương thức thích hợp, đã giúp cho quân và dân miền Tây Nam Bộ phá lỏng, phá rã thế kìm kẹp của địch ở nhiều nơi, mở được một số lõm giải phóng, phát triển được thế làm chủ của nhân dân xã, ấp. Điều quan trọng nhất là các đảng bộ địa phương đã bám được trong dân, trong đó có trên 1.000 ấp trước đây bị địch kìm kẹp hoàn toàn, nay đã xây dựng được cơ sở đảng và bắt đầu phát huy tác dụng lãnh đạo với quần chúng, đẩy lùi quân địch dần vào sát thị xã, thị trấn. Từ đó, Quân khu 9 từng bước vượt qua được những thử thách ác liệt của thời kỳ khó khăn nghiêm trọng nhất (1969 - 1971), tạo ra những điều kiện thuận lợi để cùng toàn Miền thực hiện cuộc tiến công chiến lược trong năm 1972, đánh bại bước đầu chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ và quân đội Sài Gòn.

Khi đế quốc Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (năm 1973), một số chiến trường tạm ngừng bắn, nhưng ở Quân khu 9 địch tiếp tục o ép, gây ra nhiều khó khăn cho cách mạng. Trong bối cảnh đó, đồng chí Lê Đức Anh đã nhận định, đánh giá đúng bản chất kẻ thù, sớm xác định hành động phá hoại Hiệp định và những thủ đoạn xảo quyệt của địch, chỉ ra những mặt yếu mới của địch, nhất là tinh thần sa sút, nên đã có kế hoạch tiến công quân sự kết hợp tiến công chính trị, binh vận ở cơ sở tương đối tốt. Phong trào bao vây đồn bốt địch phát triển, nên những cuộc hành quân của địch tuy liên tục nhưng kết quả rất hạn chế. Từ đó, kịp thời đề xuất với Thường vụ Khu ủy, chủ trương: Bố trí 4 trung đoàn chủ lực của Quân khu 9 ở địa bàn trọng điểm Chương Thiện - ngày nay là Hậu Giang (Trung đoàn 1 ở đông bắc Long Mỹ, Trung đoàn 10 ở tây nam Long Mỹ, Trung đoàn 20 ở tây Vị Thanh, Trung đoàn 2 cơ động vùng cửa ngõ U Minh, Trung đoàn 3 ở Tam Bình). Đồng thời, kịp thời uốn nắn những tư tưởng lệch lạc, suy nghĩ đơn giản, ảo tưởng hòa bình, thiếu cảnh giác, trông chờ Ủy ban quốc tế và Ban Liên hiệp quân sự. Đồng chí đi kiểm tra và chỉ thị cho các lực lượng vũ trang: Đứng vững trên địa bàn Quân khu quy định, nếu địch bung ra lấn chiếm thì kiên quyết trừng trị; giữ vững quyền làm chủ hiện có, vận động binh sĩ địch bỏ ngũ; sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt các đơn vị địch xâm phạm vùng giải phóng,...

Khi ấy, với tầm nhìn chiến lược và sâu sát chiến trường, đồng chí Lê Đức Anh đã nắm được kế hoạch bình định lấn chiếm của địch đang tích cực triển khai với khẩu hiệu “trên hòa bình, dưới chiến tranh; ngoài hòa hợp, trong bình định”, mà trọng điểm là bình định lấn chiếm Chương Thiện trước rồi đến U Minh, Cà Mau. Chúng chia kế hoạch bình định lấn chiếm Chương Thiện làm hai bước: bước một, từ tháng 02 đến tháng 5/1973, lấy lại các vùng đã mất trước khi có Hiệp định và lấn chiếm các vùng quan trọng nhất; bước hai, từ tháng 6 đến tháng 10, tiếp tục thực hiện kế hoạch bình định ở những nơi chưa làm được. Chính vai trò chủ động, quyết đoán và chịu trách nhiệm của người chỉ huy, nên khi nắm chắc kế hoạch của địch, đồng chí Lê Đức Anh một mặt báo cáo xin ý kiến của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Trung ương Cục miền Nam (về quân sự xin ý kiến của Bộ Tư lệnh Miền cho lực lượng vũ trang tiếp tục tiến công địch); mặt khác quyết tâm tích cực chuẩn bị mọi mặt tiến công và phản công trừng trị quân địch vi phạm Hiệp định Pari.

Mặc dù, lúc đó cấp trên chưa thấu hiểu hết tình hình ở miền Tây Nam Bộ, luôn nhắc nhở thực hiện “5 cấm chỉ” (cấm bao vây đồn bốt, cấm gỡ đồn bốt, cấm đánh địch bung ra, cấm pháo kích và cấm xây dựng ấp, xã chiến đấu) với phương châm “lấy đấu tranh chính trị làm cơ sở, đấu tranh vũ trang làm hậu thuẫn” và chỉ thị rút các trung đoàn về căn cứ U Minh để học tập, chỉnh huấn. Nhưng, với cương vị là người chỉ huy cao nhất của Quân khu 9, trên cơ sở bám sát chủ trương, kế hoạch mà Khu ủy đã thông qua, đồng chí Lê Đức Anh vẫn kiên định triển khai mọi lực lượng đánh bại kế hoạch bình định lấn chiếm Chương Thiện của địch, giữ được địa bàn then chốt, tiếp tục củng cố và mở rộng vùng giải phóng. Tại đây, ta đã đánh bại 75 lượt tiểu đoàn cùng với kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của chúng, kết thúc bằng cuộc hành quân cuối cùng của địch tháng 11/1973, bị bẻ gãy hoàn toàn, buộc địch phải chấm dứt bình định lấn chiếm địa bàn này, tạo điều kiện hỗ trợ cho các địa phương khác liên tục tiến công và giành thắng lợi. Điều này một lần nữa thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo của đồng chí Lê Đức Anh cùng tập thể Thường vụ Khu ủy Khu 9. Điều đó chẳng những “không đi chệch đường lối của Đảng”, mà còn giúp cho Trung ương thấy được thực tế tình hình, củng cố thêm cơ sở vững chắc để kịp thời ra Nghị quyết số 21 (tháng 8/1973) với chủ trương, sách lược đúng đắn trong điều kiện Mỹ, ngụy vi phạm Hiệp định Pari là: Tiếp tục con đường bạo lực cách mạng, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những năm 1969-1973, trên cương vị Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh đã cùng tập thể Khu ủy lãnh đạo, chỉ huy quân và dân miền Tây Nam Bộ vượt qua giai đoạn khó khăn ác liệt nhất trong việc đánh địch bình định lấn chiếm trên địa bàn. Qua đó, để lại trong lòng quân và dân miền Tây Nam Bộ hình ảnh một người chỉ huy quân sự với bản lĩnh chính trị vững vàng; tinh thần cách mạng tiến công; gắn bó với dân, với cán bộ, chiến sĩ; khả năng tổng hợp phân tích tình hình sắc sảo, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, kịp thời đề xuất những chủ trương sáng tạo, đúng đắn, đưa phong trào cách mạng của quân và dân nơi đây vượt qua khó khăn, phát triển có tính bước ngoặt.

Quá trình hoạt động đó góp phần làm nên hình ảnh và tên tuổi của vị tướng tài ba, thao lược của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, mãi mãi là niềm tự hào và là tấm gương sáng cho Đảng bộ, quân và dân miền Tây Nam Bộ, trong đó có lực lượng vũ trang Quân khu 9 học tập noi theo. Những cống hiến to lớn của Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại cho chúng ta, đặc biệt là đội ngũ cán bộ các cấp trong lực lượng vũ trang Quân khu 9 thấm thía những bài học kinh nghiệm lịch sử vô giá có tính quy luật, nhắc nhở người lính trên những chặng đường đi tới là: Người lãnh đạo, chỉ huy phải luôn xây dựng mối quan hệ đoàn kết thật sự trên cơ sở xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân để làm gương cho cán bộ, chiến sĩ; thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không mơ hồ ảo tưởng; nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng, kiên định tư tưởng tiến công trong mọi hoàn cảnh, tình huống,... Đặc biệt, là bài học giữ vững quan điểm, nguyên tắc của Đảng, nhưng tránh làm một cách giáo điều máy móc; phải linh hoạt, nhạy bén, sâu sát, tư duy theo kịp sự phát triển nhanh chóng và phức tạp của tình hình. Từ đó, phát huy tinh thần sáng tạo, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm và hành động trên cơ sở có dự báo khoa học trong vận dụng đường lối quân sự của Đảng phù hợp với thực tiễn, hoàn cảnh cụ thể đặt ra, luôn chủ động nắm bắt thời cơ để lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trên địa bàn chiến lược Tây Nam trong thời kỳ mới.

Trung tướng NGUYỄN XUÂN DẮT