Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam Lê Đức Anh với quân đoàn 4 trên chiến trường Campuchia (1981-1986)
Trên cơ sở các chủ trương hợp tác được hai Đảng, hai Nhà nước thỏa thuận, để thống nhất lãnh đạo chỉ huy, nâng cao hiệu suất chiến đấu và công tác của các lực lượng vũ trang Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, ngày 18/5/1981, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 36/QUTW về tổ chức Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia và thành lập Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia mang phiên hiệu Bộ Tư lệnh 719, trực thuộc Bộ Quốc phòng, đồng thời là cơ quan đại diện của Bộ Quốc phòng trên hướng tây nam, trực tiếp chỉ huy Quân tình nguyện và đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Campuchia. Ngày 29/6/1981, Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm đồng chí Lê Đức Anh, Tư lệnh Quân khu 7, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.
Theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, ngày 18/7/1981, Tổng Tham mưu trưởng ra các quyết định chuyển cơ quan tiền phương của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9 thành các Bộ Tư lệnh 579, 779, 979 có quyền hạn tương đương Bộ Tư lệnh quân đoàn, chịu sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Tư lệnh 719 về tác chiến và hoạt động ở Campuchia; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, chỉ huy của các Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9 về các mặt khác.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh 719, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn đã ngã xuống trong những cuộc hành quân truy quét địch, giúp nhân dân Campuchia xây dựng thực lực cách mạng, cứu đói, phục hồi cuộc sống sau họa diệt chủng. Quân đoàn 4 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia trao tặng Huân chương Ăngko, Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Campuchia; nhiều tập thể, cá nhân được trao tặng huân, huy chương các loại... Để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trên là nhờ có sự chỉ đạo thường xuyên và sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh 719, sự hướng dẫn, giúp đỡ của cơ quan cấp trên, sự ủng hộ của chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân bạn, sự phối hợp của các đơn vị và chuyên gia ta trên địa bàn mà trực tiếp là đồng chí Lê Đức Anh - Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.
Trong mùa khô 1980 - 1981 và mùa mưa 1981, nhờ sự giúp sức của các thế lực bên ngoài, địch đã gượng dậy và tăng cường hoạt động trên một số mặt. Chúng khôi phục, củng cố hệ thống tổ chức, chỉ huy, hậu cần, đưa một bộ phận chủ lực trở lại nội địa hoạt động nhỏ, lẻ, kết hợp với lực lượng ngầm và các căn cứ “lõm”, phát động chiến tranh du kích rộng rãi trên toàn lãnh thổ Campuchia, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh tâm lý để chuyển sang giai đoạn chiến lược “tranh chấp”. Cho rằng ta có nhiều khó khăn và tương quan lực lượng ta - địch đang ở thế giằng co, mục tiêu của địch là tập trung đánh chiếm một số vùng biên giới, mở rộng căn cứ, hành lang, giành dân, quyết tạo thế “hai vùng - hai chính quyền - hai lực lượng”. Mặt khác, chúng ra sức tập hợp các lực lượng phản động để lập Chính phủ liên hiệp làm con bài đấu tranh ngoại giao trên trường quốc tế, hợp pháp hóa “vấn đề Campuchia”, đòi Quân tình nguyện Việt Nam phải rút về nước.
Chấp hành mệnh lệnh tác chiến của Tư lệnh Lê Đức Anh, Quân đoàn đã cụ thể hóa nhiệm vụ tác chiến đợt 1 gồm hai cao điểm: Cao điểm 1 (từ ngày 10/12/1980 đến ngày 16/3/1981) và cao điểm 2 (từ ngày 16/3 đến ngày 15/4/1981). Bước vào chiến dịch, Quân đoàn được Bộ Tư lệnh 719 tăng cường Trung đoàn 2 (thuộc Sư đoàn 330, Mặt trận 979) và một tiểu đoàn bộ binh thuộc Thành đội Phnôm Pênh.
Trong đợt tác chiến cao điểm 1, Quân đoàn sử dụng Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 tìm đánh địch ở khu vực nam - bắc Ô Ran, tây Am Leng, bắc Quận 16 (Kông Pông Chư Năng), nhằm vào các đối tượng cụ thể: Lực lượng luồn sâu của Lơ Vây, lực lượng vùng 31 cũ ở đông Ô Ran, lực lượng do tên Pung chỉ huy ở nam Puốc Sát, bắc Ô Ran và căn cứ Cồn Xiêm, Chen Mút bắc Quận 16. Cùng lúc, Sư đoàn 339, có sự phối thuộc của tiểu đoàn thuộc Thành đội Phnôm Pênh và hai tiểu đoàn của Quân đoàn nhận nhiệm vụ củng cố địa bàn ở nam, bắc đường 56, trọng điểm là căn cứ Sà Rươn ở bắc đường 56, lực lượng của Trung đoàn 11 địch ở nam đường 56 và đánh phá hành lang số 3-4 ngoài biên giới, bảo vệ an toàn đường 56, để hoàn thành kế hoạch chuyển hàng cho các chốt tiền tiêu cũng như mở đường cho Trung đoàn 686 tiến quân xuống cao điểm 492.
Đợt hai chiến dịch bắt đầu từ ngày 16/4/1981 là thời điểm cuối mùa khô ở Campuchia nên cần có sự điều chỉnh và cơ động đội hình phù hợp. Thực hiện mệnh lệnh của Tư lệnh Lê Đức Anh, Quân đoàn đã đưa Sư đoàn 9 (thiếu Trung đoàn 2 và Trung đoàn pháo 42) từ đường 5 sang đường số 6 đánh địch và phối hợp hoạt động với Mặt trận 479, giúp bạn củng cố vùng giải phóng trên hai huyện giáp ranh giữa Kông Pông Thơm và Xiêm Riệp. Trung đoàn 141 (Sư đoàn 7) từ địa bàn Ăm Leng được điều về đảm nhiệm đoạn đường sắt. Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9) từ nam Ban Nâk chuyển tới Ô Ran, Rô Mía. Các đơn vị đóng ở khu vực biên giới đều được quán triệt nhiệm vụ chống phá thủ đoạn mới của địch như dùng hỏa lực mạnh, sử dụng quy mô đại đội, tiểu đoàn tiến công chiếm chốt tiền tiêu, tăng cường gài mìn, phục kích...
Từ ngày 25 đến ngày 31/12/1981, Đại hội Đảng bộ Quân đoàn lần thứ II được tổ chức tại Phnôm Pênh (Campuchia) với 211 đại biểu đại diện cho toàn thể đảng viên của Quân đoàn về dự Đại hội. Thượng tướng Lê Đức Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia đã đến dự và chỉ đạo Đại hội. Đại hội đã thảo luận tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị, báo cáo xây dựng Đảng và bổ sung sửa đổi Điều lệ Đảng trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện trong nhiệm kỳ trước và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 1981-1986. Đại hội đã bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ Quân đội gồm 8 đồng chí. Việc tiến hành Đại hội Đảng bộ Quân đoàn và đại hội đảng bộ các cấp trong Quân đoàn thực sự là đợt sinh hoạt chính trị lớn. Qua đó, Đảng bộ Quân đoàn tiếp tục rút kinh nghiệm trong xây dựng đội ngũ đảng viên, củng cố các tổ chức Đảng, nâng cao một bước chất lượng lãnh đạo chỉ huy của cán bộ, đẩy mạnh phong trào thi đua trong toàn Quân đoàn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Quán triệt chỉ thị của Bộ Tư lệnh 719 đứng đầu là Tư lệnh Lê Đức Anh, căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ chung của các lực lượng vũ trang và yêu cầu của bạn, bước vào mùa khô 1981 - 1982, Quân đoàn chủ trương điều chỉnh lực lượng, tổ chức lại địa bàn hoạt động cho các đơn vị, hình thành hai mặt trận với mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể khác nhau, có liên quan mật thiết với nhau, tạo điều kiện cho nhau giành thắng lợi.
Mùa khô 1982 - 1983, phát hiện công tác chuẩn bị và nghi binh của ta, một mặt địch tích cực chuẩn bị đề phòng việc bạn và ta tiến công ra khu vực biên giới, mặt khác chúng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ở nội địa, tập trung đánh phá giao thông, phá kế hoạch vận chuyển mùa khô của ta và bạn trên đường 56, bám sát các sân bãi, kho tàng của ta để phản kích hoặc tập kích. Đồng thời, chúng ra sức xây dựng lực lượng ngầm ở những vùng ven rừng núi, nơi lực lượng ta và Quân đội cách mạng Campuchia đứng chân chưa vững chắc.
Sau khi cơ bản hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn, theo tinh thần Hiệp ước hòa bình hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia, ta sẽ lần lượt rút từng bộ phận quân tình nguyện về nước tùy theo diễn biến chiến trường và sự trưởng thành của chính quyền, Quân đội cách mạng Campuchia. Trên cơ sở đó, đầu năm 1983, Quân đoàn 4 nhận mệnh lệnh chuẩn bị rút phần lớn lực lượng về nước tiếp tục xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chỉ để lại Sư đoàn 9 và một số đơn vị binh chủng cần thiết. Chấp hành chỉ thị của Bộ Tư lệnh Mặt trận 719 về bảo đảm bí mật, tránh sự biến động trong đời sống chính trị của nhân dân bạn sau khi ta rút quân; tạo điều kiện cho các đơn vị bạn tiếp nhận địa bàn, Quân đoàn chủ trương đẩy mạnh hoạt động mùa khô ở biên giới và trong nội địa, vừa nghi binh, vừa củng cố vùng giải phóng. Một công tác quan trọng khác đồng thời được triển khai thực hiện là khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho kế hoạch bàn giao, hành quân về nước được mau chóng, bí mật, an toàn.
Sau mùa khô năm 1983, được các thế lực bên ngoài chi viện, lực lượng vũ trang của Pôn Pốt vẫn còn tới 64.000 quân trong đó có 32.000 quân chiến đấu, 14 sư đoàn. Chúng được trang bị mạnh lên, về hỏa lực có thêm pháo 85mm, pháo cao xạ 37mm. Âm mưu cơ bản về lâu dài của chúng vẫn là giành lại sự thống trị ở Campuchia. Trước mắt, chúng ra sức củng cố thế trận trên đường biên giới Campuchia - Thái Lan bằng cách chiếm lại các căn cứ đã mất, củng cố các căn cứ còn lại, xây dựng thêm các căn cứ mới, điều chỉnh một số cửa khẩu và hành lang để đưa lực lượng và vận chuyển vật chất vào nội địa. Ở nội địa, chúng tăng cường đánh phá giao thông và những vị trí sơ hở của lực lượng cách mạng Campuchia, thường xuyên đột nhập vào các xã, ấp hẻo lánh để gây cơ sở, cướp lương thực, đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp hăm dọa, khủng bố quần chúng tích cực. Tình hình Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Campuchia là khẩn trương xây dựng thực lực, đáp ứng yêu cầu vừa chiến đấu loại trừ các lực lượng phản động, vừa xây dựng thế ổn định và vững mạnh về mọi mặt.
Tháng 5/1983, phần lớn Quân đoàn 4 đã rút về nước. Nhưng trước yêu cầu của nhân dân và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia, một bộ phận của Quân đoàn được giao nhiệm vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất bạn với phương thức: “Tăng cường - phối thuộc, hoạt động độc lập”. Từng sư đoàn bộ binh, trung đoàn binh chủng hoạt động trong từng thời gian theo yêu cầu của bạn và nhiệm vụ trên giao. Riêng Sư đoàn Bộ binh 9 nhận nhiệm vụ ở lại, phối thuộc với Mặt trận 479. Địa bàn hoạt động của đơn vị là vùng biên giới tỉnh Bát Đoom Boong; nhiệm vụ chủ yếu là tác chiến bảo vệ tuyến biên giới. Ở đây, lực lượng địch có hai sư đoàn: 980 và 616 (đứng ở đông và tây Poi Pét) và một số trung đoàn khác. So với năm 1983, năm 1984 lực lượng địch không phát triển, quy mô và số lần hoạt động giảm. Hoạt động chủ yếu của chúng vẫn là sử dụng lực lượng nhỏ (từ 10 đến 20 tên) tập kích, quấy phá bằng hỏa lực, kết hợp phục kích, gài mìn...
Từ tháng 6/1983 đến trước mùa khô năm 1983 - 1984, bằng các hình thức tiến công, tập kích, phục kích..., Sư đoàn 9 đã cùng bạn tác chiến 483 lần, quy mô đại đội đến sư đoàn thiếu, có 102 lần đạt hiệu quả gây cho địch nhiều thiệt hại về sinh lực, thu 168 súng. Đồng thời, với hoạt động tác chiến, Sư đoàn 9 đã giúp lực lượng cách mạng Campuchia thu của địch 24.000 tấn lúa, huy động 900.000 ngày công của nhân dân tham gia xây dựng tuyến phòng thủ và các hoạt động xã hội khác. Các hoạt động trên đã góp phần củng cố thế trận biên giới, hạn chế địch thực hiện âm mưu của chúng; đặc biệt đã góp phần tạo thế, tạo lực ở vùng biên giới, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô năm 1984 - 1985, tạo một bước chuyển mới có lợi cho cách mạng Campuchia.
Tháng 01/1985, theo yêu cầu của bạn, Sư đoàn Bộ binh 7 và Trung đoàn công binh 550 cơ động trở lại chiến trường Campuchia tham gia Chiến dịch mùa khô 1984-1985, trên hướng chủ yếu. Như vậy, trên hướng chủ yếu của Chiến dịch (địa bàn biên giới tây-bắc Campuchia, bên đường số 5) lực lượng chiến đấu của Quân đoàn 4 có hai sư đoàn bộ binh (7 và 9) và Trung đoàn Công binh 550.
Phương châm chiến dịch là sử dụng Quân tình nguyện Việt Nam, hiệp đồng với chủ lực Campuchia trong từng trận, đánh chắc thắng từng mục tiêu, giảm thương vong của bạn và ta xuống mức thấp nhất, bảo đảm sự chỉ huy chặt chẽ của mặt trận và quân khu, đánh chiếm đến đâu làm tuyến phòng thủ đến đó, vừa đánh vừa tuyên truyền phân hóa kẻ địch, gây mâu thuẫn trong nội bộ của chúng.
Ngày 25/02/1985, Sư đoàn 9 tiếp tục tổ chức tiến công phân khu 204 Bắc Đăng Kum (Noong Chen). Trong cả hai trận đánh, Sư đoàn 9 đều được Tư lệnh Mặt trận 719 và 479 đánh giá là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ cho bạn, tiêu diệt địch, nhanh chóng làm chủ khu vực mục tiêu, khẩn trương củng cố thế đứng chân để đánh địch phản kích, mở màn thắng lợi cuộc tấn công tiêu diệt các căn cứ địch trên tuyến biên giới.
Tháng 6/1985, Sư đoàn 7 và Trung đoàn công binh 550 hành quân về nước sau khi hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn. Đến tháng 10/1985, Trung đoàn công binh 550 tiếp tục cơ động sang Bát Đom Boong giúp bạn thực hiện công trình phòng thủ biên giới trong kế hoạch mùa khô 1985 - 1986.
Ở nội địa, bộ đội Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng cách mạng Campuchia cũng cơ bản hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch, đặc biệt là đã vận động, huy động sức người, sức của (hai đợt 85.000 người) lên xây dựng tuyến phòng thủ biên giới. Đây là một thắng lợi chính trị nổi bật trong công tác vận động quần chúng. Ta đã phối hợp với lực lượng của bạn rào tuyến biên giới được gần 200 km, tập trung trên các trọng điểm, tạo điều kiện cho bộ đội và dân quân ngăn chặn, hạn chế sự xâm nhập của địch từ ngoài vào và trực tiếp phục vụ việc triển khai lực lượng và vật chất kỹ thuật đánh thắng địch ở biên giới.
Sau hơn ba tháng chiến đấu liên tục, bằng sức mạnh binh chủng hợp thành, bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng cách mạng Campuchia đã phá vỡ toàn bộ thế trận mà địch đã dày công xây dựng trong nhiều năm trên tuyến biên giới, giành thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược, làm thất bại kế hoạch và âm mưu của địch, dồn chúng vào thế tiếp tục suy yếu, khoét sâu mâu thuẫn giữa các thế lực địch.
Theo yêu cầu của bạn và nhiệm vụ quân sự năm 1986 do Bộ Tư lệnh 719 trực tiếp giao cho Quân đoàn, trong hai năm 1986 - 1987 (không kể Sư đoàn 9 và Trung đoàn công binh 550 đang làm nhiệm vụ ở Mặt trận 479) Quân đoàn có nhiệm vụ cùng với lực lượng tình nguyện của Quân khu 7, Quân khu 5 và lực lượng cách mạng Campuchia đánh bại và làm tan rã sư đoàn 920 Pôn Pốt trên địa bàn đông sông Mê Kông (các tỉnh Krachiê, Kông Pông Chàm, các huyện Keo So Ma, Ô Ran thuộc tỉnh Môn Đôn Ki Ri); làm công tác cơ sở, xây dựng thực lực cách mạng Campuchia trên địa bàn được giao, vừa tác chiến, vừa huấn luyện một số đại đội và tiểu đoàn mạnh cho lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia; đồng thời đẩy mạnh tăng gia sản xuất tự cải thiện đời sống.
Thực hiện nhiệm vụ trên, các đơn vị của Quân đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, chính quyền cách mạng và nhân dân địa phương triển khai thế trận bao vây chia cắt địch, lấy đánh địch ngoài địa hình làm chính, kết hợp giữa truy lùng địch ở các căn cứ “lõm” với phát động nhân dân, cùng dân phá vỡ địch hoạt động ngầm. Phối hợp với các đơn vị bạn và lực lượng cách mạng Campuchia, lấy đại đội bộ binh làm cơ sở, các đơn vị của Quân đoàn đều tổ chức thành hai bộ phận: Một bộ phận đánh địch bên ngoài, một bộ phận hỗ trợ lực lượng cách mạng Campuchia xây dựng thực lực trên địa bàn xã. Mỗi tiểu đoàn đảm nhiệm một cụm gồm từ hai đến ba xã. Mỗi trung đoàn bộ binh đảm nhiệm hỗ trợ bạn trên địa bàn một huyện. Trung đoàn Bộ binh 141 (một tiểu đoàn) đảm nhiệm huyện Sơ Loong gồm tám xã. Trung đoàn bộ binh 165 (hai tiểu đoàn và một số đơn vị trực thuộc trung đoàn) đảm nhiệm huyện Xnun, Trung đoàn 210 đảm nhiệm huyện Xoài Chịa. Riêng Tiểu đoàn 6 được bố trí ở khu vực tiếp giáp các huyện Xnun, Sơ Loong và đứng vững trên địa bàn đó, hỗ trợ nhân dân và lực lượng cách mạng Campuchia làm chủ khu vực. Bước một, tiểu đoàn sẽ cùng với Trung đoàn 210 hỗ trợ bạn đánh địch ở khu vực Xoài Chía; bước hai cơ động về cùng bạn đánh hậu cứ tiểu đoàn 22 Pôn Pốt. Riêng Trung đoàn 209 cơ động lên chiến trường ở giai đoạn tiếp sau (từ tháng 7 đến tháng 10/1986).
Trong bảy tháng mùa mưa năm 1986, được sự hỗ trợ của các đơn vị quân tình nguyện thuộc Quân đoàn, lực lượng cách mạng Campuchia ở khu vực này đã tiêu diệt một số sinh lực địch, thu nhiều vũ khí, bắt 135 tên hoạt động ngầm trong các tổ chức cách mạng và trong nhân dân. Hoạt động của ta và bạn làm cho địch hoang mang, lúng túng, bị động đối phó. Phần lớn lực lượng của Sư đoàn 920 Pôn Pốt buộc phải bỏ nhiều căn cứ ở phía đông lẩn tránh sang phía tây sông Mê Kông, 40 tên địch ở căn cứ lõm mang 11 khẩu súng ra hàng, 332 tên hoạt động ngầm mang 40 khẩu súng ra đầu thú chính quyền cách mạng.
Đi đôi với đánh địch, các đơn vị thực hiện vũ trang tuyên truyền phát động nhân dân, giúp đỡ các tổ chức cách mạng ở 17 xã, 113 ấp, củng cố, xây dựng thực lực. Đến cuối mùa mưa, phần lớn chính quyền, tổ chức dân quân, tự vệ và các tổ chức cách mạng ở các ấp, xã trước kia không hoạt động, đã đi vào hoạt động, có nơi đã chủ động đánh địch, bảo vệ được ấp (Cần Bây Xê Da, Cần Chê, Đầm Rây, Xoài Chịa). Một số đại đội hai chức năng của huyện đã phát huy được vai trò làm nòng cốt cho lực lượng vũ trang ở địa phương (như huyện Đầm Be) một số nơi trước kia chính quyền và tổ chức quần chúng bị địch khống chế, lũng đoạn thì nay đã được thanh lọc, xây dựng lại và bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả, đủ mạnh đánh bại được mọi hoạt động phá hoại của địch, bảo vệ thành quả cách mạng, làm chủ đất nước.
Vừa tác chiến, vừa xây dựng, vừa thực hiện nhiệm vụ quốc tế trong những điều kiện khó khăn, gian khổ, Quân đoàn 4 đã chấp hành nghiêm, thực hiện sáng tạo mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên mà trực tiếp là những nhiệm vụ do Tư lệnh Lê Đức Anh giao, đồng thời, làm tốt chức năng của đơn vị chủ lực cơ động và chức năng đội quân công tác. Trong một thời gian tương đối ngắn, Quân đoàn đã giúp lực lượng cách mạng Campuchia xây dựng, củng cố và phát triển chính quyền từ không đến có, từ yếu đến mạnh, từ cơ sở xã ấp đến huyện, tỉnh. Chính quyền của bạn từng bước phát huy hiệu lực quản lý nhà nước trong bảo vệ và xây dựng địa phương. Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia có bước phát triển vượt bậc. Từ một binh đoàn lúc đầu (Binh đoàn 1) đã xây dựng thêm Sư đoàn chủ lực đầu tiên trong cả nước (Sư đoàn 196), mỗi tỉnh có từ một đến hai tiểu đoàn địa phương, mỗi huyện đều có một đại đội, mỗi xã có một trung đội dân quân du kích. Khả năng chiến đấu của ba thứ quân của bạn ngày một nâng cao, dần dần đủ sức đảm nhiệm được công tác quân sự địa phương ở địa bàn. Lực lượng nòng cốt trong nhân dân được tăng cường vững chắc về số lượng và bảo đảm về chất lượng. Nạn đói được khắc phục, cơ sở vật chất - văn hóa phục vụ đời sống nhân dân đi vào hoạt động và ngày càng có nền nếp. Cuộc sống nhân dân Campuchia từ tình trạng điêu tàn, đói khổ, ốm đau dần dần được cải thiện. Bằng những việc làm cụ thể của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4, hình ảnh người chiến sĩ Việt Nam ngày một trở nên gần gũi, thân thiết trong nhận thức và tình cảm của người dân Campuchia... Việc làm đó góp phần tô thắm hơn nữa những trang sử vẻ vang của Quân đoàn 4 trong thời kỳ thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn.
Ngày 05/11/1986, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký Quyết định số 1318/NQ-NS/TW, theo đó đồng chí Lê Đức Anh thôi giữ chức Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam và Trưởng ban Lãnh đạo đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia, trở về Bộ Quốc phòng nhận công tác. Thời gian sau này, dù không trực tiếp chỉ đạo trên chiến trường, nhưng đồng chí Lê Đức Anh vẫn luôn dành những tình cảm chân tình, gắn bó với bộ đội Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia nói chung và cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 nói riêng.
Có thể khẳng định, bằng những tình cảm chân thành và sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo, đồng chí Lê Đức Anh - Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm, phẩm chất, phong cách của một trong những nhà lãnh đạo chỉ huy chiến lược quân sự, chính trị xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hình ảnh đồng chí Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam và sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn luôn bình dị và gần gũi, gắn bó mãi với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 anh hùng. Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 quyết tâm phấn đấu, xây dựng Quân đoàn vững mạnh toàn diện, tiến lên hiện đại và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó, xứng đáng là Quân đoàn chủ lực, cơ động chiến lược của Bộ đứng chân trên địa bàn trọng điểm ở phía nam của Tổ quốc.
Thiếu tướng PHẠM XUÂN THUYẾT