Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh chỉ đạo quân và dân Quân khu 9 chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam những năm 1976 - !978
Ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí cũng quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, quân sự của Đảng, luôn chủ động, sáng tạo, bám sát chiến trường, bám sát thực tiễn, quyết đoán, nhanh nhạy, dám chịu trách nhiệm và cũng rất giản dị, sâu sắc, nhân văn trong cuộc sống. Những năm 1976 - 1978, trên cương vị Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy Quân khu 9 đã đưa ra các quyết định đúng đắn, kịp thời lãnh đạo, chỉ huy quân và dân Quân khu 9 chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, đập tan âm mưu xâm lược của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xary.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thử thách to lớn do hậu quả nặng nề của chiến tranh. Giữa lúc lực lượng vũ trang Quân khu 9 cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trên địa bàn đang nỗ lực ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền, truy quét tàn quân địch và trấn áp các thế lực thù địch, thì bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xary đã cho quân đánh chiếm một số đảo trong vùng biển Tây Nam. Ngày 05/5/1975, chúng đổ quân đánh chiếm các đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Hòn Ông, Hòn Bà, cướp bóc tài sản, giết hại dã man đồng bào ta, bắt đi 600 người dân vô tội. Trên tuyến biên giới trên bộ từ Hà Tiên - Kiên Giang đến Mộc Hóa - Long An, chúng dùng lực lượng bộ binh, có pháo binh chi viện, xâm lấn biên giới; có nơi chúng lấn sâu vào lãnh thổ nước ta, xua quân đi cướp của, giết người, gây nhiều đau thương tang tóc, gây tổn hại truyền thống đoàn kết lâu đời, tình tương thân, tương ái giữa nhân dân ta và nhân dân Campuchia dọc tuyến biên giới.
Trong bối cảnh đồng bằng sông Cửu Long vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh, chấp hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 24 ngày 29/9/1975 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới và sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức các đơn vị và tổ chức quân sự. Ngày 11/11/1975, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Quân khu 9 trên cơ sở sáp nhập Quân khu 8 và Quân khu 9 (T2 và T3). Bộ Tư lệnh Miền bổ sung một số cán bộ lãnh đạo về tăng cường cho Quân khu 9. Theo đó, tháng 02/1976, đồng chí Lê Đức Anh (bí danh Sáu Nam), Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền về giữ chức Tư lệnh Quân khu 9; đồng thời, Bộ Chính trị chỉ định đồng chí làm Bí thư Đảng ủy lâm thời Quân khu.
Với chức trách, nhiệm vụ được giao, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân Khu 9 nhanh chóng ổn định tình hình, điều chỉnh vị trí đóng quân của các cơ quan, đơn vị; sắp xếp, ổn định tổ chức lực lượng vũ trang Quân khu và thành lập thêm một số đơn vị để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nhờ nắm chắc, đánh giá đúng tình hình, đồng chí luôn chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó kịp thời, hiệu quả với mọi tình huống phức tạp. Điển hình như vụ bạo loạn ngày 16/11/1976 ở tỉnh Cửu Long. Các phần tử phản động người Khmer lợi dụng vấn đề dân tộc kết hợp với bọn tàn quân Pôn Pốt tổ chức gây bạo loạn vũ trang ở 15 điểm thuộc các huyện Tiểu Cần, Cầu Kè, Trà Cú với những hành động hết sức nguy hiểm như đánh chiếm mục tiêu, lợi dụng các vật cản để cố thủ, chống trả lại chính quyền cách mạng. Đồng chí cùng Đảng ủy Quân khu 9 ngay từ đầu đã chủ trương phải giải quyết khôn khéo, mềm dẻo nhưng cương quyết, dứt khoát, không để đổ máu và không sử dụng lực lượng chủ lực xuống xử lý, dẹp bạo loạn. Chủ trương đúng, sự cương quyết, dứt khoát của đồng chí đã được Tỉnh ủy Cửu Long quán triệt, chấp hành và chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với lực lượng tại chỗ xử lý, nhanh chóng trấn áp, dập tắt các điểm bạo loạn, sớm ổn định tình hình trật tự trị an trên địa bàn.
Một việc rất quan trọng mà đồng chí đã chỉ đạo ngay sau khi đảm nhiệm Tư lệnh Quân khu 9, đó là: Kiểm kê tất cả tài sản rồi thông qua quy chế quản lý và sử dụng, kể cả số vũ khí có trong biên chế sau chiến tranh còn lại và số vũ khí, khí tài, phương tiện, cơ sở vật chất thu được của địch (số này rất nhiều, cả về số lượng và chủng loại). Qua thanh, kiểm tra đã giúp cho lãnh đạo, chính quyền và chỉ huy các cấp quản lý, sắp xếp lại cơ sở vật chất theo quy chế bảo quản và quy định an toàn; thống kê, phân loại được số lượng, chất lượng các chủng loại; củng cố được hệ thống kho tàng... nên đã ngăn chặn được nguy cơ cháy nổ, mất an toàn, ngăn chặn được tình trạng xuống cấp của vũ khí, khí tài, vật chất, trang bị, ngăn chặn được thất thoát, lãng phí; thu hồi được nhiều vật chất bị chiếm dụng trái phép; giữ gìn và sử dụng có hiệu quả một khối lượng vật chất, phương tiện khá lớn sau chiến tranh.
Cùng thời gian này, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng có chủ trương giảm biên chế đối với quân đội, giải quyết cho đi lao động xuất khẩu, chuyển ngành, phục viên số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ. Nhiều đơn vị trong toàn quân, nhất là ở khu vực phía Nam đã thực hiện chủ trương của trên. Riêng Quân khu 9, đồng chí đã thể hiện rõ tính quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm, rất thận trọng trước những diễn biến phức tạp, căng thẳng tình hình biên giới với Campuchia. Đồng chí bàn bạc trong Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 thống nhất và quyết định giữ lại nhiều hạ sĩ quan, chiến sĩ cùng cán bộ có năng lực, trình độ, khả năng chỉ huy đã trải qua chiến đấu, có tinh thần dũng cảm, gan dạ, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, trong đó có cả các đồng chí quê ở phía Bắc. Trên cơ sở đó đã đề nghị thành lập Sư đoàn 330, gồm 3 trung đoàn bộ binh: Trung đoàn Bộ binh 1- U Minh, Trung đoàn Bộ binh 1- Đồng Tháp (đổi phiên hiệu thành Trung đoàn Bộ binh 2) và Trung đoàn Bộ binh 3 - Cửu Long. Đây là những đơn vị có truyền thống đánh giặc, lập công trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có nền nếp chính quy tốt, địa bàn hoạt động khắp các tỉnh trên địa bàn Quân khu 9 nhưng trọng điểm là vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Ngoài ra, còn quyết định thành lập Trường Hạ sĩ quan Quân khu để chủ động, trực tiếp đào tạo cán bộ trung đội trưởng, trung đội phó, tiểu đội trưởng và một số chiến sĩ đã qua chiến đấu nhằm tạo nguồn cán bộ cơ sở có kinh nghiệm chiến đấu, chăm lo đầu vào làm nền tảng để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của lực lượng vũ trang Quân khu 9. Đối với nhiệm vụ xây dựng kinh tế, đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định điều chuyển nhiệm vụ của Sư đoàn 4 sang khai hoang xây dựng nông trường sản xuất ở vùng Tứ giác Long xuyên (thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang); Sư đoàn 8 khai hoang, xây dựng nông trường sản xuất ở vùng Đồng Tháp Mười (thuộc hai tỉnh Đồng Tháp và Long An), đào kênh từ sông Vàm Cỏ Tây qua sông Tiền để phát triển nông nghiệp.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh, lực lượng vũ trang Quân khu đã thực hiện đúng chủ trương của Đảng về tinh giảm tổ chức biên chế, giải thể, sáp nhập và rút gọn nhiều đầu mối đơn vị; đồng thời chuyển nhiều đơn vị sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế, nhờ vậy quân số thường trực đã giảm nhưng Quân khu vẫn giữ được ba sư đoàn. Vì vậy, khi bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xary cho quân xâm lấn biên giới Tây Nam, Quân khu 9 đã chủ động đối phó, không bị rơi vào tình trạng bỏ trống địa bàn. Riêng Sư đoàn 330 là một trong những đơn vị chủ lực có sức chiến đấu mạnh mẽ, đã trừng trị thích đáng tội ác của bè lũ phản động Pôn Pốt - Iêng Xary.
Đặc biệt, trước tình hình biên giới Tây Nam ngày càng căng thẳng, với tầm nhìn xa trông rộng, nhận định, đánh giá đúng tình hình, đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đề nghị Bộ Quốc phòng tổ chức, xây dựng thêm một số đơn vị nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, cuối năm 1976, Quân khu quyết định thành lập Trung đoàn Thiết giáp 26, Trung đoàn Công binh 25, Trung đoàn Thông tin 29 và tổ chức thêm 08 trung đoàn để thay thế Sư đoàn 4, Sư đoàn 8 trở lại làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Tháng 3/1978, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Sư đoàn Bộ binh 339 trực thuộc Quân khu 9 gồm ba trung đoàn bộ binh 8, 9, 10, Trung đoàn Pháo binh 11 và các tiểu đoàn trực thuộc, địa bàn hoạt động trên hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Lực lượng vũ trang địa phương ở bốn tỉnh biên giới Tây Nam của Quân khu cũng được thành lập, gồm các Trung đoàn Bộ binh 24, 162 và 163 tỉnh An Giang; Trung đoàn 152 và 18 tỉnh Kiên Giang; Trung đoàn 159 và 160 tỉnh Long An và Trung đoàn 320 tỉnh Đồng Tháp. Các tỉnh còn lại đều có một khung trung đoàn, trong đó có một tiểu đoàn đủ quân, sẵn sàng tập trung chi viện cho các tỉnh biên giới.
Để đối phó với các hành động gây hấn của bè lũ phản động Pôn Pốt - Iêng Xary, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, đứng đầu là Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh, đã chủ trương chỉ đạo các đơn vị tích cực ngăn chặn, đẩy lùi mọi hành động khiêu khích của địch, đánh bật chúng về bên kia biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đồng thời đẩy mạnh truy quét bọn phản động trong nội địa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kiên quyết giành thế chủ động trên toàn tuyến biên giới. Quân khu phân chia chiến trường biên giới thành 2 khu vực trọng điểm: Trọng điểm 1 là biên giới tỉnh An Giang (hướng phòng thủ chủ yếu); trọng điểm 2 là biên giới Kiên Giang (hướng thứ yếu); hướng phối hợp là tỉnh Long An và tỉnh Đồng Tháp. Trên cơ sở quyết tâm tác chiến phòng thủ bảo vệ biên giới, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo đưa lực lượng phía sau lên xây dựng một số chốt và cụm chốt phòng thủ vững chắc, có giao thông hào kết hợp với ụ súng, vật cản nhằm đánh bại các đợt tiến công của địch. Đồng thời, chỉ đạo các tỉnh biên giới tập trung cải tạo công sự trận địa, xây dựng ấp, xã chiến đấu và từ một đến hai xã tổ chức thành một cụm chiến đấu như ở Hà Tiên, Châu Đốc và Tịnh Biên. Lực lượng công binh Quân khu chủ trì xây dựng các công trình phòng thủ ở năm khu vực: Bắc Hà Tiên, Giang Thành - Phú Mỹ, Hà Tiên - núi Trầu, núi Tượng - Vĩnh Gia và Châu Đốc - núi Sam, bố trí hàng trăm bãi vật cản hỗn hợp; huy động nhiều lực lượng tham gia rào dây kẽm gai, rào tre, đào chiến hào, giao thông hào, hầm chứa đạn; phối hợp với ngành giao thông vận tải các tỉnh cải tạo, sửa chữa cầu, đường trên nhiều quốc lộ, tỉnh lộ, mở nhiều tuyến đường cơ động cho phương tiện binh khí kỹ thuật; khảo sát, cải tạo nhiều bến bãi, nhiều hang động trên hướng biên giới làm kho dã chiến. Đồng chí chỉ đạo lực lượng hậu cần - kỹ thuật Quân khu tích cực vận chuyển, xây dựng các kho tổng hợp tuyến trước, triển khai các bệnh viện dã chiến, các đội điều trị, các trạm - xưởng sửa chữa; bố trí lực lượng vận tải thủy - bộ trên cả ba khu vực: An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp - Long An. Đến đầu năm 1978, ngành hậu cần Quân khu đã vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực - thực phẩm, hàng hóa xuống các kho tuyến trước ở cả ba hướng, có thể bảo đảm cùng lúc cho trên 40.000 các bộ, chiến sĩ trong Quân khu và các đơn vị chủ lực của Bộ tăng cường cho Quân khu 9.
Nhờ tích cực chuẩn bị chu đáo, nên khi tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xary cho quân đánh sang toàn tuyến biên giới Tây Nam, riêng Quân khu 9 không bị hẫng hụt, không rơi vào tình trạng “bỏ trống địa bàn” như những nơi khác. Điều đó đã được minh chứng, khi đêm 30/4/1977, địch đồng loạt tiến công trên toàn tuyến biên giới nước ta, trong đó có biên giới địa bàn Quân khu 9. Chỉ trong thời gian ngắn, đồng chí Lê Đức Anh đã kịp thời chỉ đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang Quân khu 9 chặn đánh quyết liệt, gây cho chúng nhiều thiệt hại, khôi phục toàn bộ khu vực biên giới ở hướng An Giang. Khi địch chuyển hướng tiến công sang tuyến biên giới thuộc tỉnh Kiên Giang, lực lượng ta đã chủ động đánh địch ngay từ đầu; đồng thời mở chiến dịch tiến công sang đất Campuchia nhằm mục đích tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận sinh lực địch; bảo vệ công cuộc xây dựng hòa bình của nhân dân ta; đánh phá bàn đạp xuất phát tiến công của địch sang đất ta và tạo điều kiện cho lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia nổi dậy.
Nhiều trận đánh mang đậm dấu ấn chỉ đạo của Tư lệnh Lê Đức Anh, tiêu biểu như:
Trận vận động tiến công tại ấp Bắc Đay, xã Nhơn Hội, huyện Phú Châu của Trung đoàn 2, Sư đoàn 330 ngày 15/01/1978. Đây là trận tiến công địch phòng ngự trong công sự đạt hiệu suất chiến đấu cao. Các đơn vị đã triệt để lợi dụng yếu tố bí mật, bất ngờ, nghi binh có hiệu quả, nâng cao được trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng. Ta đã đẩy địch vào thế bị động, đối phó lúng túng và nhanh chóng bị tiêu diệt, giành lại toàn bộ vùng đất bị địch lấn chiếm; khôi phục lại tình hình biên giới, tạo ổn định để nhân dân trở về bám ruộng vườn làm ăn sinh sống.
Trận tiến công tiêu diệt địch lấn chiếm biên giới nước ta ở khu vực núi Phú Cường, huyện Tịnh Biên của Sư đoàn Bộ binh 330 (được tăng cường), ngày 19/01/1978. Đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô cấp sư đoàn tăng cường đạt hiệu suất chiến đấu cao. Thắng lợi của trận đánh có ý nghĩa quan trọng trên tuyến biên giới Tây Nam; ta đã loại khỏi vòng chiến đấu một bộ phận quan trọng sinh lực địch, bẻ gãy ý đồ tiến công vào sâu lãnh thổ ta. Thắng lợi của trận đánh đã thể hiện rõ trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng của các cấp chỉ huy lực lượng vũ trang Quân khu 9.
Trận chiến đấu phòng ngự tại bắc Hà Tiên của Tiểu đoàn 207 tỉnh Kiên Giang (ngày 24/4/1978). Dù địch đông hơn ta gấp nhiều lần, nhưng ta đã giành được thắng lợi có ý nghĩa quan trọng. Ta vận dụng nhiều cách đánh và thủ đoạn sáng tạo, giữ vững trận địa, tổ chức phản kích đẩy lùi quân địch, khôi phục lại toàn bộ khu vực bị địch chiếm đóng. Trận đánh đã để lại nhiều kinh nghiệm quý cho lực lượng vũ trang địa phương trong tác chiến phòng ngự bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Đến ngày 05/5/1978, theo yêu cầu nhiệm vụ mới, đồng chí Lê Đức Anh được Trung ương điều động làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7. Như vậy, chỉ trong thời gian hơn hai năm giữ trọng trách Tư lệnh Quân khu 9 trong thời điểm miền Tây Nam Bộ còn nhiều khó khăn và tình hình vô cùng phức tạp, trên cương vị Tư lệnh Quân khu, đã trải qua hai cuộc kháng chiến, nhất là từng có thời gian công tác ở địa bàn này nên đồng chí đã chỉ đạo hoàn thành nhiều nhiệm vụ lớn: Sắp xếp lại tổ chức lực lượng vũ trang Quân khu, vừa tham gia xây dựng kinh tế, vừa giữ được lực lượng tại ngũ, không những không gây sự biến động lớn về tổ chức biến chế mà còn tạo được sự ổn định chung trong Quân khu. Đồng thời, ta thực hiện được công tác đào tạo nguồn cán bộ cơ sở, làm nền tảng để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp sau này. Đặc biệt, khi tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xary tiến hành các hoạt động khiêu khích, tiến công xâm lược biên giới, với sự quyết đoán, nhanh nhạy, dự đoán trước tình hình, đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ huy quân và dân Quân khu 9 chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, tích cực xây dựng lực lượng, thế trận và cơ sở vật chất bảo đảm cho tác chiến phòng thủ; tổ chức chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, chủ động tiến công, phản công, khôi phục lại tuyến biên giới, tạo thế và lực cho chiến dịch tổng phản công lật đổ chế độ diệt chủng, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc ở biên giới Tây Nam.
Đại tướng Lê Đức Anh đã đi xa nhưng đức độ, tài năng, phong cách lãnh đạo, chỉ huy của đồng chí mãi mãi là niềm tự hào và là tấm gương sáng cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quân khu 9 học tập, noi theo. Ngày nay, sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Học tập và noi gương đồng chí Lê Đức Anh, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 9 tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; nắm vững tinh thần cách mạng tiến công; chủ động nắm, dự báo, đánh giá sát đúng tình hình, kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống không để bị động bất ngờ, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, biên giới, biển đảo. Tích cực chấn chỉnh tổ chức, lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, bảo đảm nâng cao sức mạnh chiến đấu, phù hợp với yêu cầu của nghệ thuật tác chiến hiện nay, ưu tiên cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tuyến biên giới, biển đảo. Tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, “thế trận lòng dân” vững chắc, chú trọng hướng vào địa bàn cơ sở, xây dựng điểm mô hình chốt dân quân bảo vệ biên giới Tây Nam. Không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu, vận dụng sát vào điều kiện cụ thể của Quân khu trên địa bàn sông nước. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp trong lực lượng vũ trang Quân khu 9; quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng, gắn với những hoạt động thiết thực nhằm góp phần củng cố, xây dựng tuyến biên giới Tây Nam trên địa bàn hòa bình, ổn định và phát triển.
Trung tướng Huỳnh Chiến Thắng