Tư lệnh Quân khu 9 Lê Đức Anh với công tác xây dựng lực lượng trên chiến trường Tây Nam Bộ (1969-1973)
Trong năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam đã giáng một đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc địch phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom đánh phá miền Bắc từ Vĩ tuyến 20 trở ra, bước vào bàn đàm phán với ta ở Pari. Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị phá sản, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chủ trương rút dần quân Mỹ về nước, tiếp tục chi viện, xây dựng quân đội Sài Gòn đủ sức đương đầu với Quân Giải phóng miền Nam, thực hiện biện pháp quét và giữ đi đôi với tăng cường bình định nông thôn.
Ở Quân khu 9 nói riêng và nhiều địa bàn khác trên chiến trường miền Nam nói chung, từ nửa cuối năm 1968, khi sức tiến công của ta giảm sút, yếu tố bất ngờ không còn, địch nhanh chóng củng cố, phản kích quyết liệt, đẩy lực lượng ta ra khỏi các thành phố, thị xã. Với vũ khí hiện đại, lực lượng đông, địch giành lại vùng nông thôn đã mất và đánh lấn ra, đẩy bật quân ta ra khỏi địa bàn có dân. Cùng với đó, địch còn sử dụng các loại máy bay, có cả máy bay chiến lược B.52 đánh phá, phát quang nhiều cánh rừng, tàn phá nặng nề nhiều làng mạc. Địch sử dụng xe tăng, xe bọc thép, xe đặc chủng quân sự, các loại tàu chiến, xuồng, bo bo bắn phá và tung quân càn quét, dồn dân, bình định suốt ngày đêm. Địch trang bị vũ khí cho dân vệ và cả lực lượng phòng vệ dân sự. Bằng những thủ đoạn đánh phá tổng hợp, với các phương tiện chiến tranh hiện đại, địch tiến hành càn quét liên tục, chà đi xát lại nhiều lần trên từng khu vực nhằm tách cơ sở của ta ra khỏi địa bàn ấp, xã để đóng đồn bốt và thực hiện bình định. Chúng tăng cường xây dựng hệ thống đồn bốt dày đặc khắp các ấp, xã. Mỗi xã có ít từ 3 đến 6 đồn, nhiều nhất là từ 14 đến 15 đồn, thậm chí xã Lục Sĩ Thành (cù lao Mây) nam Trà Ôn có tới 29 đồn. Đến cuối năm 1969, địch đã “bình định lấn chiếm gần hết vùng giải phóng trước đây, chỉ còn căn cứ U Minh và khu giải phóng nam Cà Mau”.
Trong khi đó, sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, lực lượng vũ trang Quân khu bị tổn thất nặng nề, phải rút khỏi vùng ven đô thị, đồng bằng. Bộ đội chủ lực quân số thiếu hụt nghiêm trọng, không được bổ sung. Quân khu 9 buộc phải giải tán Trung đoàn 2 để lấy quân số bổ sung cho Trung đoàn 1, nhưng quân số cũng chỉ có khoảng 600 cán bộ, chiến sĩ. Ở cấp tỉnh, trước đây có 2 đến 3 tiểu đoàn, nay chỉ còn 1 tiểu đoàn, quân số khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ. Ở cấp huyện, trước có 2 đến 3 đại đội, nay chỉ còn 1 đại đội với vài chục cán bộ, chiến sĩ, thậm chí có huyện chỉ còn 1 trung đội. Tỉnh Cà Mau còn 13 xã giải phóng nhưng chỉ tuyển được 7 tân binh bổ sung cho bộ đội chủ lực Khu, 6 tân binh bổ sung cho bộ đội huyện. Toàn Khu (chưa tính tỉnh Vĩnh – Trà) có 12.000 cán bộ, chiến sĩ bỏ ngũ về nhà4. Lực lượng chính trị sa sút nghiêm trọng. Ở nhiều địa phương cán bộ lực lượng vũ trang cơ sở tróc khỏi địa bàn hoạt động. Ở Vĩnh Long và các huyện nam sông Măng Thít ta không còn chủ lực, địa bàn bỏ trống hoàn toàn... Địch bình định được vùng ruột Vĩnh - Trà, gây cho ta nhiều khó khăn, quần chúng không còn chỗ dựa, phong trào cách mạng sa sút. Trong hai năm 1968-1969, hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ bị bắt, hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Lực lượng chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương đều mất sức chiến đấu nghiêm trọng. Có 50 xã trong tổng số 250 xã, đảng viên bỏ chạy khỏi xã; 40 xã có 1 đến 2 đảng viên, không có chi bộ; lực lượng du kích ở các xã, ấp đầu năm 1968 có 45.000 người, đến cuối năm 1969 chỉ còn 6.200 người.
Trước tình hình muôn vàn khó khăn, thử thách đó, Tư lệnh Lê Đức Anh đã cùng Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu đánh giá thấu đáo tình hình, xác định những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị... Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ huy, đồng chí đã cùng Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất việc phân cấp, phân quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ huy ở các cấp, theo đó công tác lãnh đạo của Khu ủy, là tập thể lãnh đạo; chỉ huy ở các cấp chỉ có một cấp trưởng, cấp phó là giúp việc cho cấp trưởng. Về phương thức lãnh đạo, Khu ủy lãnh đạo bằng nghị quyết; Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ huy về quân sự, mọi công tác quân sự do Quân khu điều hành. Trên cơ sở đó, đồng chí cùng tập thể Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xây dựng, củng cố mối đoàn kết, thống nhất giữa lãnh đạo với chỉ huy, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, tạo niềm tin, phấn khởi cho quân và dân Khu 9 hăng hái chiến đấu chống kẻ thù.
Trước tình hình địch bình định, bao vây, phong tỏa mọi hướng, ta gặp khó khăn mọi mặt, cả về trang bị và đời sống, bộ đội thiếu thốn, chấp hành quy định chưa nghiêm, trong chiến đấu còn tổn thất nhiều.., đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục khó khăn về hậu cần, kỹ thuật, cương quyết chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong bộ đội, nhờ đó nâng cao sức mạnh chiến đấu của các đơn vị.
Sau khi bình định lấn chiếm được đại bộ phận vùng đông dân, địch âm mưu lấn chiếm U Minh trong năm 1969. Để phá kế hoạch bình định của địch, đồng chí cùng Bộ Tư lệnh Quân khu đề xuất: Duy trì, xây dựng khối bộ đội chủ lực, đánh lớn, đánh những trận tiêu diệt nhằm vào quân cơ động yểm trợ lấn chiếm, kết hợp với chiến tranh du kích rộng rãi, bao gồm du kích cơ quan, du kích các xã trong căn cứ đánh bại các mũi càn quét tại chỗ, tạo điều kiện cho địa phương có điều kiện củng cố, khôi phục và phát triển phong trào nổi dậy và tiến công của quần chúng. Từ tháng 9/1969 đến tháng 02/1970, địch mở hai cuộc hành quân lấn chiếm U Minh, song với chủ trương, giải pháp lãnh đạo sát đúng, đồng chí đã cùng Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy quân và dân Khu 9 đánh bại hai cuộc hành quân của địch, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của chúng, bảo vệ vững chắc căn cứ U Minh.
Sau khi đánh bại địch lấn chiếm U Minh lần hai, Bộ Tư lệnh Quân khu xuất hiện hai khuynh hướng chủ trương khác nhau trong chỉ đạo đánh địch. Với bản lĩnh, tính cách thận trọng, kiên quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí đã phân tích thấu đáo tình hình mọi mặt. Tại Hội nghị Khu ủy tháng 9/1970 ở U Minh Hạ, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ rõ: lực lượng vũ trang phải bám dân, sống trong dân, làm chỗ dựa cho dân, cùng với dân hình thành lực lượng tổng hợp tiến công địch. Bộ đội tập trung kết hợp với dân quân, du kích thường xuyên tổ chức tiến công địch. Xây dựng và phát triển lực lượng, nhất là bộ đội chủ lực để phản công và phá thế tiến công của địch.
Quán triệt sâu sắc nghị quyết của Khu ủy, đồng chí chỉ đạo, tổ chức, điều chỉnh lại lực lượng trên chiến trường. Theo đó, Trung đoàn 1 ở Long Mỹ; Trung đoàn 3 ở Vĩnh - Trà, trụ bám trên địa bàn then chốt giữa hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh; các cơ quan Quân khu đều xây dựng kế hoạch bám trụ và đánh địch. Việc bám trụ đánh địch của các cơ quan Quân khu trong điều kiện hết sức khó khăn, ác liệt, Khu ủy có ý kiến nên chuyển các cơ quan Quân khu về nam Cà Mau. Với tư duy sắc sảo, đồng chí cùng Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ rõ: nếu chuyển về nam Cà Mau thì sẽ khó khăn trong chỉ đạo, chỉ huy, ảnh hưởng tới phong trào, đồng thời nếu rút đi thì địch sẽ lấn chiếm, ta mất đất, mất chỗ đứng chân. Do vậy, đồng chí cùng Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định bám trụ ở U Minh Thượng, đồng thời triển khai tiền phương Quân khu ở Long Mỹ (Cần Thơ) sát căn cứ địch và đồng chí thường xuyên có mặt ở đây để chỉ đạo, chỉ huy đánh địch, xử lý tình huống kịp thời.
Dưới sự chỉ đạo, chỉ huy sâu sát, kịp thời của Tư lệnh Lê Đức Anh, bộ đội địa phương và dân quân, du kích Quân khu 9 được củng cố; cán bộ trở lại các địa phương, thực hiện bám đất, bám dân, bám địch, hoạt động tích cực. Các căn cứ chiến đấu, phong trào chiến tranh du kích từng bước được khôi phục. Năm 1970, khi được cấp trên tăng cường hai trung đoàn (Trung đoàn 10, Trung đoàn 20), đồng chí cùng Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo, tổ chức bổ sung quân số cho ba trung đoàn chủ lực, bố trí lại lực lượng chiến đấu trên chiến trường. Theo đó, Trung đoàn 1 tiến lên Phụng Hiệp (Cần Thơ); Trung đoàn 2 ở Long Mỹ; Trung đoàn 3 ở Măng Thít, vùng ruột của Vĩnh - Trà; Trung đoàn 10 ở Cà Mau; Trung đoàn 20 về khu vực Giồng Riềng (Rạch Giá). Với thế bố trí như vậy, ta đã tạo nên thế trận phòng thủ vững chắc cho Quân khu. Phong trào đấu tranh cách mạng ở Quân khu 9 cũng từng bước được phục hồi, phát triển.
Từ năm 1970 đến năm 1972, đồng chí Lê Đức Anh cùng Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy quân và dân Khu 9 khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, giành được nhiều thắng lợi lớn, trong đó tiêu biểu là cuộc phản công mùa mưa năm 1971, đánh bại kế hoạch “tô dày, lấp kín U Minh” của địch; tiến công tổng hợp năm 1972 với 6 đợt cao điểm. Trong các đợt hoạt động đó, quân và dân Khu 9 đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, phá hủy nhiều tàu chiến, ca nô, máy bay, phương tiện chiến tranh, bóc gỡ nhiều đồn bốt, phá ấp chiến lược, giải phóng hàng vạn dân..., lực lượng vũ trang được củng cố, có bước phát triển mới. Chỉ tính riêng trong đợt phản công đánh địch lấn chiếm bình định U Minh lần thứ ba, từ ngày 06/9/1971 đến ngày 12/9/1971, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 2.057 tên địch. Trong tiến công tổng hợp năm 1972, với 6 đợt cao điểm, từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1972, Quân khu giành được thắng lợi to lớn: tiêu diệt, tiêu hao, làm tan rã gần 1 vạn tên địch; tiêu diệt 6 tiểu đoàn, 1 liên đội, 1 chi đoàn, 97 đại đội, 329 trung đội, giải tán và làm tan rã 20.000 phòng vệ dân sự; đánh chìm, cháy 213 tàu, phá hủy 234 xe quân sự, 192 khẩu pháo, bắn rơi 151 máy bay, phá hủy 51 kho, phá sập 51 cầu, thu 8.896 súng các loại và 474 máy vô tuyến điện; tiêu diệt 4 chi khu, 2 yếu khu, 6 căn cứ trung đoàn, tiểu đoàn; bức rút, bức hàng 916 đồn bốt; giải phóng 400 ấp, với khoảng 800.000 dân. Lực lượng vũ trang lớn mạnh, du kích tăng 50%, bộ đội địa phương tỉnh, huyện tăng 20-50% quân số2.
Những thắng lợi đó có ý nghĩa to lớn, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho ta. Từ chỗ bị địch lấn chiếm gần hết đất, hết dân, ta trong thế bị động chống đỡ, Quân khu 9 đã chuyển sang thế chủ động đánh địch, tiến công đẩy lui địch về sát các thành phố, thị xã, thị trấn, góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Các cơ sở cách mạng được khôi phục ở hơn 1.000 ấp. Lực lượng vũ trang phát triển, trụ bám được ở các vùng đông dân, chiến tranh du kích phát triển. Bộ đội chủ lực đứng vững trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ cùng bộ đội địa phương, dân quân, du kích, tạo sức mạnh tổng hợp ba thứ quân trong tác chiến. Hình thành được thế chiến lược vững chắc, liên hoàn, đánh bại âm mưu phân tuyến, phân vùng của địch. Qua đó, củng cố niềm tin, cổ vũ, động viên quân và dân Khu 9 vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy, tiếp tục chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đẩy mạnh phong trào kháng chiến.
Trước những thất bại liên tiếp trên các chiến trường, cùng với thất bại thảm hại trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, đặc biệt là trong chiến dịch Lainơbêchcơ II (Linebacker) (từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972), đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, nối lại đàm phán và ký Hiệp định Pari (ngày 27/01/1973), rút hết quân về nước. Song với bản chất hiếu chiến, ngoan cố, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn trắng trợn vi phạm Hiệp định, hô hào “tràn ngập lãnh thổ”. Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống chính quyền Sài Gòn công khai tuyên bố: Ngừng chiến, nhưng không ngừng bắn, không thi hành Hiệp định Pari. Chúng tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tiến công, càn quét, lấn chiếm, bình định.
Trên địa bàn Khu 9, địch ra sức càn quét, bình định, chiến tranh tiếp diễn ác liệt. Với tư duy nhạy bén, rút kinh nghiệm trong thi hành Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đồng chí Lê Đức Anh cùng Khu ủy đã đánh giá, nhận định tình hình chính xác, từ đó đề nghị lên trên: Tiếp tục giữ thế tiến công, kiên quyết đánh trả địch lấn chiếm, bình định, đẩy mạnh đấu tranh chính trị, binh vận, giữ vững thành quả cách mạng. Khi Bộ Tư lệnh Miền chỉ thị cho Quân khu 9 rút hai trung đoàn chủ lực về phía sau, đồng chí báo cáo xin vẫn duy trì thế bố trí chiến lược hiện tại, không rút các trung đoàn chủ lực về phía sau, vì rút chủ lực về phía sau địch sẽ lấn chiếm.
Trên cơ sở chủ trương Khu ủy đã xác định, đồng chí cùng Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ thị cho các lực lượng vũ trang Quân khu: Tiếp tục chiến đấu, kiên quyết trừng trị địch vi phạm Hiệp định, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, hỗ trợ cho nhân dân đòi hòa bình, dân chủ. Quán triệt và chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu, lực lượng vũ trang Quân khu tiếp tục bám trụ, cương quyết đánh địch lấn chiếm, phát động và hỗ trợ quần chúng đấu tranh chính trị buộc địch thi hành Hiệp định, đồng thời đẩy mạnh công tác binh vận (Riêng trong tháng 5/1973, có 1.300 binh sĩ địch ở khu vực trọng điểm rã ngũ)2.
Đồng chí cùng Bộ Tư lệnh Quân khu trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cụ thể, bằng nhiều phương pháp đấu tranh linh hoạt, phù hợp, tiến công địch cả về quân sự, chính trị và binh vận, đánh bại kế hoạch lấn chiếm, bình định của địch, giữ được địa bàn then chốt, củng cố và mở rộng vùng giải phóng. Nhân dân các vùng giải phóng trở về ngày càng đông, dần ổn định đời sống. Các căn cứ địa phương được xây dựng, củng cố vững mạnh về mọi mặt. Điều đó minh chứng chủ trương của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 là đúng đắn, thể hiện tầm nhìn, tư duy nhạy bén, sáng tạo, trách nhiệm cao của tập thể Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9. Đồng chí Lê Đức Anh với cương vị Phó Bí thư Khu ủy, Tư lệnh Quân khu có vai trò quan trọng, đóng góp to lớn vào chủ trương, biện pháp lãnh đạo, đồng thời trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trên địa bàn Khu 9.
Có thể thấy, trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Khu ủy, Tư lệnh Quân khu 9, mặc dù tình hình Khu 9 gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng, với tài năng chính trị - quân sự, tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc sảo, phân tích, đánh giá chính xác tình hình, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí đã đóng góp nhiều công sức, trí tuệ, cùng Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát đúng, phù hợp với từng giai đoạn của cuộc chiến tranh; từng bước vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy, khôi phục và phát triển phong trào kháng chiến trên địa bàn, đánh bại các thủ đoạn chiến thuật, chiến lược quân sự của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, góp phần to lớn vào thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào mùa Xuân năm 1975.
Thượng tá, ThS. NGUYỄN VĂN BÌNH