Quay lại

Tư lệnh Quân khu 9 Lê Đức Anh - Người lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp công tác hậu cần miền Tây Nam Bộ những năm 1969 - 1974

Bước sang năm 1969, trên chiến trường miền Nam, Mỹ và quân đội Sài Gòn tiến hành bình định quyết liệt vùng nông thôn, trọng điểm là đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời chúng tăng cường đánh phá tuyến giao thông vận tải chiến lược và các căn cứ của ta ở vùng biên giới giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
 

Hoạt động đánh phá quyết liệt của địch đã gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất; tình trạng thiếu vũ khí, trang bị, lương thực, thuốc men diễn ra ở nhiều nơi, liên tục, trong nhiều ngày. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Đức Anh đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng tạo trong công tác hậu cần miền Tây Nam Bộ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1969 - 1974). Sự chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo, kịp thời của đồng chí được thể hiện trên một số nội dung chính sau:
 

1. Chỉ đạo xây dựng căn cứ, vùng giải phóng bảo đảm hậu cần tại chỗ cho lực lượng vũ trang

Căn cứ U Minh Thượng với diện tích hàng trăm nghìn hécta, là vùng đất có nhiều nông, hải sản phong phú, đa dạng. Xác định “U Minh Thượng cũng là nơi cung cấp sức người và của cho cuộc kháng chiến ở miền Tây, là địa bàn cơ động lực lượng vũ trang Quân khu 9 tồn tại và xây dựng lớn mạnh, là nơi xuất phát tiến công địch ở Cần Thơ và vùng biên giới Hà Tiên tiếp giáp với nước bạn Campuchia”, vì vậy, sau khi đảm nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân khu 9 (năm 1969), đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Bộ Tư lệnh, Tiền phương Khu ủy Khu 9 lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang miền Tây Nam Bộ liên tục bám trụ ở U Minh Thượng để lãnh đạo nhân dân kháng chiến.

Ngoài U Minh Thượng, để đẩy mạnh tạo nguồn hậu cần tại chỗ phục vụ nhiệm vụ quân sự và bước phát triển mới của cách mạng, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo tiếp tục củng cố, bố trí lại các căn cứ, cơ sở hậu cần theo khu vực đã có ở vùng giải phóng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh Quân khu, lực lượng hậu cần được bố trí ở bốn vùng: vùng Vị Thanh và vùng Chương Thiện phục vụ địa bàn ba tỉnh Cần Thơ, Rạch Giá và Sóc Trăng; vùng Vĩnh Trà và vùng ven biên giới Châu Hà (Châu Đốc - Hà Tiên) phục vụ từ Bảy Núi đến Hà Tiên và U Minh - Năm Căn. Mỗi vùng có cán bộ Phòng Hậu cần phụ trách, có các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ. Dựa vào cấp ủy và cơ sở cách mạng địa phương trong vùng, Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức trong căn cứ hệ thống kho tàng, cơ sở quân y, lực lượng vận tải, tạo nguồn dự trữ “lót ổ” và bảo đảm vật chất cho lực lượng vũ trang cơ động tác chiến trên địa bàn. Các căn cứ ở vùng giải phóng có lực lượng bảo đảm hoàn chỉnh, có dự trữ vật chất tương đối lớn và đồng bộ đã tạo nên thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc trên từng chiến trường, nâng cao rõ rệt khả năng bảo đảm cho các nhiệm vụ cần kíp trước mắt và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tiến công chiến lược khi có thời cơ.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tư lệnh Quân khu, trong căn cứ ở vùng giải phóng, Hậu cần Quân khu còn xây dựng cơ sở sản xuất tự túc thành “Căn cứ quốc phòng”, gồm hai tiểu nông trường sản xuất nông nghiệp với 400 hécta lúa ở Ô Môi, Vĩnh Thuận (Rạch Giá) và Căn cứ 701 (U Minh Hạ) và các cơ sở thương nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt cá, 5 nhà máy chà lúa, cơ sở làm nước mắm, trạm sửa chữa cơ khí, trại chuồng... Căn cứ quốc phòng có nhiệm vụ tạo sản phẩm và tài chính phục vụ cho yêu cầu chiến đấu, cải thiện đời sống vật chất cho bộ đội, một phần phục vụ nhân dân. Năm 1973, căn cứ quốc phòng thu hoạch được 16.000 giạ lúa (1 giạ = 20kg), 3 tấn tôm khô, 200.000 lít nước mắm, 30 tấn cá muối bảo đảm bình quân đầu người tự túc lương thực được 1,5 tháng/năm. Kết quả sản xuất tự túc, tự cấp lương thực, thực phẩm, tài chính hàng năm ở các cơ quan, đơn vị Quân khu là rất lớn, không những đã giải quyết một phần thiếu hụt ngân sách, mà còn góp phần ổn định và cải thiện đời sống sinh hoạt của bộ đội.

Chấp hành chủ trương của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền về việc yêu cầu các địa phương bằng mọi cách phải kiên quyết “bám đất, bám dân” phục vụ nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, Tư lệnh Quân khu 9 Lê Đức Anh trực tiếp chỉ đạo cho bộ đội ở vùng căn cứ, vùng giải phóng phải “xây dựng quan điểm quần chúng, có lòng tin vào dân, dựa vào dân, dùng phương thức của dân để bảo đảm hậu cần”. Ông cho rằng “không sát dân, không làm theo phương thức của dân, dân xa lánh bộ đội thì lòng tin của dân vào bộ đội giảm sút nghiêm trọng; không tiếp xúc với dân thì bộ đội mất chỗ dựa, không lấy lương thực”2.

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tư lệnh, trong các vùng căn cứ, vùng giải phóng, bộ đội ta đã có những giải pháp cụ thể như thực hiện chính sách người cày có ruộng, tổ chức làm ăn tập thể (vần đổi công), hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng, đẩy mạnh sản xuất thâm canh tăng vụ, khai hoang phục hóa, làm thủy lợi... Phong trào sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định dân cư, cải thiện đời sống nhân dân nhiều nơi lên rất mạnh. Kết thúc đợt hoạt động tác chiến năm 1972, đánh giá về công tác bảo đảm hậu cần tại chỗ, Tư lệnh Lê Đức Anh nêu rõ: “đội hình hậu cần các cấp triển khai từng bước tuy chưa hoàn chỉnh, nhưng phù hợp với tình hình và bảo đảm được yêu cầu của toàn chiến trường. Về cơ bản, ta đã triển khai được đội hình hậu cần chiến lược, hậu cần chiến dịch từ sau ra trước, từ trên xuống dưới”.

Từ năm 1973, diện tích trồng lúa của huyện Long Mỹ (Cần Thơ) cho thu hoạch tăng hàng nghìn tấn so với trước. Ngoài việc đẩy mạnh sản xuất tăng vụ, huyện Châu Thành A (Rạch Giá) tạm cấp 5.800 hécta đất cho 1.136 hộ dân, tổ chức huy động nhân dân làm thủy lợi, khơi 4 con kênh dài gần 4km, đào mới hơn 3km mương, 3 cống ngăn mặn, giải quyết hàng chục hécta ruộng cho lực lượng vũ trang trên địa bàn tự túc lương thực. Nhờ vậy, trong hai năm 1973 và 1974, các tỉnh Khu 9 đã thu hoạch được 4.500.000 giạ lúa. Tỉnh Mỹ Tho, nơi thường xuyên diễn ra các trận chiến đấu ác liệt, năm 1973 cũng thu tài chính được 320 triệu đồng (tăng 75 triệu so với năm 1972), sang năm 1974 thu đạt trên 431 triệu đồng (tiền Việt Nam Cộng hòa)

Tại các căn cứ, vùng giải phóng miền Tây Nam Bộ, Tư lệnh Lê Đức Anh chỉ đạo phải “xây dựng công tác bảo đảm hậu cần có quan điểm chiến đấu: phải tiến công địch, giành giật với địch để bảo đảm tính mạng, tài sản, lương thực, chiến đấu để lấy vũ khí địch đánh địch; chiến đấu để bảo đảm giao liên vận tải (đội vận tải cũng là đội quân chiến đấu, có thể đánh tàu, đánh giao thông cũng được), các cơ quan cũng phải chiến đấu bảo vệ sản xuất”. Năm 1973, khi địch thực hiện âm mưu “Bóp dạ dày Việt cộng”, đưa quân lấn chiếm đất đai, đốt, phá lúa của dân, thu mua phá giá, vơ vét lúa gạo của ta, cấm ngặt nhân dân chuyển gạo ra vùng giải phóng, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và chính quyền các tỉnh Tây Nam Bộ chỉ đạo quyết liệt cuộc chiến đấu bảo vệ lúa gạo của nhân dân. Đến mùa gặt, bộ đội và du kích đứng chân ở đâu đều phải tích cực bảo vệ vòng ngoài, giúp dân thu hoạch lúa, gặt đến đâu đem về cất giấu đến đấy. Ở Vĩnh Viễn (Cần Thơ), nhân dân ấp 2 và ấp 6 đã đấu tranh với chỉ huy và thuyết phục binh lính địch để được vào gặt lúa ở các ruộng sát đồn. Cơ quan kinh tài, hậu cần các cấp phối hợp với các đoàn thể cách mạng cơ sở vừa tích cực thu mua lúa đảm phụ ở vùng giải phóng, vừa vận động các hình thức đóng góp khác, tổ chức kho lúa trong dân, nhờ dân cất giữ bảo quản và bảo vệ, giải quyết cơ bản nguồn lương thực, tài chính tại chỗ phục vụ lực lượng vũ trang.

Sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến Cần Thơ và nâng chính sách thu mua lúa gạo lên hàng “Quốc sách”, địch đề ra kế hoạch cướp lúa gọi là “Kế hoạch Trần Khánh Dư”. Thực hiện kế hoạch trên, địch sử dụng Sư đoàn 9 hỗ trợ cướp lúa ở Bạc Liêu và Sóc Trăng. Trên cơ sở nắm được ý đồ và kế hoạch của địch, Bộ Tư lệnh Quân khu chủ trương chống lấn chiếm kết hợp với chống cướp lúa, kiên định nguyên tắc bám trụ vững chắc kết hợp cơ động tiến công và chỉ đạo các địa phương đấu tranh chống biên thu, gom lúa, thu mua lúa gạo trả bằng tấm phiếu. Cuối năm 1973, cuộc hành quân lớn của địch thất bại hoàn toàn làm cho kế hoạch lấn chiếm và cướp lúa bị phá vỡ buộc Tổng thống Thiệu chỉ thị cho Vùng 4 phải thực hiện “biện pháp thu, vét lúa gạo phải mềm dẻo hơn và thừa nhận quyền lưu thông lúa gạo trong từng vùng”.
 

2. Chỉ đạo tổ chức xây dựng hành lang vận chuyển vũ khí, đạn dược

Từ đặc điểm miền Tây Nam Bộ là chiến trường xa nhất của miền Nam, cùng với đó, thế bố trí lực lượng địch, ta xen kẽ, địa hình trống trải, sông rạch chằng chịt, lại bị địch chia cắt, kiểm soát gắt gao nên việc tiếp nhận chi viện vũ khí, đạn dược từ hậu phương miền Bắc và từ miền Đông Nam Bộ rất khó khăn. Hiểu rõ vai trò của hành lang vận tải luôn là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng để bảo đảm vũ khí, đạn, Tư lệnh Lê Đức Anh đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tập trung xây dựng, phát triển tổ chức vận tải chuyên nghiệp và vận tải nhân dân, mở rộng các tuyến hành lang bằng các hình thức vận chuyển bí mật, công khai, bán công khai, đáp ứng nhu cầu vận tải tiếp tế cung cấp phục vụ chiến trường.

Để tiếp nhận vũ khí, đạn dược của trên chi viện trước sự ngăn chặn của địch, năm 1969, Bộ Tư lệnh Quân khu giao cho Đoàn 195 thực hiện nhiệm vụ nhận hàng ở biên giới Campuchia. Vào mùa khô, Đoàn 195 bí mật vác bộ qua kênh Vĩnh Tế, còn về mùa nước nổi, dùng xuồng chở ban đêm. Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo Phòng Hậu cần tổ chức lực lượng quần chúng cách mạng sử dụng loại ghe (thuyền) hai đáy của quân và dân miền Tây Nam Bộ để vận chuyển vũ khí hợp pháp vào ban ngày, mỗi chiếc chở từ 0,5 đến 2 tấn vũ khí. Với những loại vũ khí lớn như súng, đạn cối 120mm và ĐKZ75mm thì được chở bằng “xá” (thuyền loại lớn) trọng tải 30 tấn. Tháng 8/1969, ghe (thuyền) hai đáy đầu tiên bắt đầu hoạt động ở khu vực Vĩnh Trà. Chuyến vận chuyển thứ nhất theo sông Sở Thượng đi sâu vào cù lao Bình Thành rồi đi xuống địa bàn tỉnh Kiến Phong 50km, rồi từ đó đi vào sông Tiền qua sông Hậu. Để che mắt địch, các thuyền chất đầy trái cây, nông sản ở trên còn ở dưới là vũ khí đạn, đạn dược. Nhờ hình thức vận chuyển này, Quân khu đã tiếp nhận và vận chuyển an toàn một khối lượng lớn vũ khí đạn của trên chi viện. Vũ khí, đạn vận chuyển về được bố trí ở hệ thống kho quân khí được tổ chức thành 9 đơn vị tương đương cấp đại đội mang phiên hiệu từ H1 đến H9, trải dọc các tuyến đường từ biên giới Campuchia về đến Quân khu 9. Các kho có nhiệm vụ tiếp nhận bảo quản, giữ gìn và phân phối vũ khí, đạn trên từng tuyến, từng khu vực theo kế hoạch và quy định của Bộ Tư lệnh Quân khu.

Cùng với việc mở đường vận chuyển vũ khí, đạn từ Campuchia về miền Tây Nam Bộ, sau một thời gian nghiên cứu, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã tổ chức thử nghiệm một đơn vị vận tải biển cải trang thành ngư dân bí mật ra miền Bắc vận chuyển vũ khí vào chiến trường. Sau chuyến đi thử nghiệm, Quân ủy Trung ương đồng ý cho Quân khu 9 sử dụng phương thức này và cấp tiền cho Quân khu đóng thuyền và mua sắm trang thiết bị. Đồng thời, Quân ủy còn giao cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chọn 5 địa điểm trên các đảo ngoài khơi để cho tàu miền Bắc đưa hàng đến rồi từ đó Quân khu dùng thuyền để chuyển vào bờ. Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương, ngày 27/7/1971, Tư lệnh Quân khu 9 quyết định thành lập Đoàn S950 với nhiệm vụ tổ chức những đội thuyền vận tải nhận hàng từ các điểm trung chuyển vào bờ cất giấu. Để thực hiện nhiệm vụ, Đoàn S950 tổ chức thành 2 bộ phận: bộ phận không hợp pháp hoạt động ở vùng căn cứ bảo đảm xây dựng bến bãi; bộ phận hợp pháp hoạt động ở thị xã Rạch Giá và thị trấn Rạch Soi. Đây là hai thị xã đang bị chiếm đóng. Mọi công tác chuẩn bị hoàn thành nhưng do địch kiểm soát gắt gao nên tàu hải quân ta không vào giao hàng được. Trước tình hình đó, sau khi đề nghị và được Quân ủy Trung ương chấp thuận, Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định tổ chức hai thuyền vượt biển ra Bắc nhận hàng. Trong chuyến đi này, thuyền gặp sóng lớn, bị hỏng nặng dạt vào đảo Hải Nam (Trung Quốc). Cuối năm 1971, hai thuyền của Quân khu chở 13,5 tấn vũ khí về tới Rạch Giá an toàn. Tuy số lượng hàng mang về không nhiều nhưng có ý nghĩa to lớn đối với chiến trường miền Tây Nam Bộ, tạo niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ Đoàn S950 tiếp tục thực hiện các chuyến đi tiếp theo.

Sang năm 1972, để đáp ứng yêu cầu vũ khí, đạn cho hoạt động tác chiến, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 phát triển Đoàn 195 thành Trung đoàn 195 (biên chế 3 tiểu đoàn T70, 410 và 200) và hai tiểu đoàn độc lập mang phiên hiệu 195K và 195S. Tiểu đoàn 195K đảm nhiệm tuyến vận tải từ sông Sở Thượng qua Lò Gò và giao hàng cho Trung đoàn 195 ở Túc Mía. Tiểu đoàn 195S đảm nhiệm tuyến vận tải ở sông Sở Thượng về cửa khẩu Hồng Ngự giao hàng cho đơn vị S.804. Ngoài vận tải vũ khí, đạn, Trung đoàn 195 còn có nhiệm vụ đào kênh khai luồng vận chuyển, đánh các chốt và đồn bốt địch đóng trên tuyến hành lang vận chuyển do đơn vị phụ trách. Ngoài ra, theo sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu, Phòng Hậu cần tổ chức thêm một phân đội vận tải bán hợp pháp thuộc biên chế đơn vị S804, sử dụng 4 ghe kiểu Thái Lan vận tải vũ khí, đạn tuyến ven biển từ Lục Sơn (Hà Tiên) về An Biên (Rạch Giá).

Đầu năm 1973, được Trung ương chi viện tài chính và Bộ Tư lệnh Hải quân tăng cường lực lượng, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo Đoàn 371 (đổi phiên hiệu từ Đoàn 950) mua thêm 8 tàu có trọng tải mỗi chiếc 20 tấn, đóng mới 2 tàu có sức chở 120 tấn, thành lập thêm Công ty Như Long đặt trụ sở ở Sài Gòn, có nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tổ chức phương tiện tiếp tục vượt biển ra miền Bắc đưa vũ khí, đạn dược về Quân khu. Đoàn 371 vừa đánh bắt cá, chở hàng thuê, vừa tổ chức mỗi chuyến 2 đến 3 tàu ra vịnh Bắc Bộ nhận vũ khí, đạn đưa về Quân khu. Đến tháng 11/1973, Đoàn 371 đã đưa được 31 chuyến với tổng số 520 tấn vũ khí, đạn dược về các bến Cà Mau và Trà Vinh an toàn. Đặc biệt, cuối năm 1973, Đoàn sử dụng hai tàu mang biển số Sài Gòn - 158 và Sài Gòn - 159 từ Bến Hố (Cà Mau) đưa Tư lệnh Quân khu 9 Lê Đức Anh ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Trên đường đi gặp sự cố, tàu Sài Gòn - 159 bị chìm ở vùng biển Trà Vinh; tàu Sài Gòn - 158 đến ngang Vũng Tàu cũng bị hỏng phải cập cảng sửa chữa rồi mới tiếp tục đưa Tư lệnh Lê Đức Anh ra miền Bắc an toàn. Hoạt động của Đoàn 371 đang thuận lợi thì bị địch phát hiện và triệt phá nên sau đó Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 phải quyết định giải thể Đoàn. Trong hai năm 1973 và 1974, lực lượng vận tải chuyên nghiệp của quân và dân Khu 9 bằng phương thức vận tải đa dạng, sáng tạo và quả cảm, đã vượt qua nhiều khó khăn và thử thách ác liệt, tiếp nhận và vận chuyển trên 2.900 tấn vũ khí, đạn từ Trung ương về chi viện, cung cấp cho lực lượng vũ trang Quân khu, trong đó các lực lượng công khai thực hiện vận chuyển gần 2.500 tấn.
 

3. Chỉ đạo tự lực sản xuất vũ khí, đạn dược tại chiến trường

Trên chiến trường đồng bằng sông Cửu Long, những năm (1969 - 1972), nhu cầu vũ khí, đạn rất lớn, trong khi đó, mức độ chi viện của trên có hạn. Trước tình hình thiếu vũ khí, đạn dược một cách nghiêm trọng, nhất là loại đạn hỏa lực như đạn B40, đạn H12, ĐKB cải tiến và thuốc nổ, để giải quyết khó khăn,
Tư lệnh Lê Đức Anh đã đứng ra “phân phối từng viên đạn hỏa lực”
. Sang năm 1972, lo tình hình vẫn chưa được cải thiện, Tư lệnh Quân khu buộc phải ra “quy định việc sử dụng đạn hỏa lực trong đánh đồn phải tính toán cân nhắc không để phí đạn”2. Điển hình như trong tháng 7/1972, Trung đoàn 2 có nhiệm vụ đánh 10 đồn, dự trù phải có 400 quả đạn B40 nhưng trong kho chỉ có 60 quả, Bộ Tư lệnh chỉ ưu tiên cho Trung đoàn nhận 20 quả. Đồng thời, Bộ Tư lệnh chủ trương “đặc công hóa bộ binh” để giảm bớt mức sử dụng đạn hỏa lực, phát động phong trào dùng vũ khí chiến lợi phẩm và chỉ đạo các xưởng tích cực đẩy mạnh sản xuất, cải tiến một số vũ khí có hỏa lực mạnh phục vụ cho nhu cầu tác chiến như phi lôi, các loại bệ phóng đạn cơ lớn, đạn B40... Ngoài ra, Tư lệnh Lê Đức Anh còn yêu cầu “lực lượng vũ trang từ tỉnh trở xuống phải tự lực giải quyết vũ khí (tự sản xuất, lấy của địch), các cơ quan cũng phải chiến đấu để bảo vệ sản xuất. Chủ lực Quân khu phải tự giải quyết 1/3 (lấy của địch). Tổ chức thu gom bom đạn lép, đồng thời xây dựng hệ thống công trường sản xuất từ ấp lên khu, sản xuất các loại vũ khí tự tạo và sửa chữa các vũ khí hư hỏng, cải tiến các đầu đạn pháo thành các loại mìn, cải tiến các loại vũ khí thô sơ. Đó là phương hướng rất cơ bản, một phần giải quyết trước mắt, mặt khác giải quyết những khó khăn”4.

Chấp hành nghị quyết Trung ương Cục cùng Chỉ thị số 02/CT-74 của Khu ủy và chỉ đạo của Tư lệnh Quân khu 9, ngoài việc “lấy súng địch đánh địch” (mỗi năm thu được 5.000 đến 6.000 súng, riêng năm 1972 thu 10.000 súng), với tinh thần tự lực tự cường, hệ thống xưởng quân giới Quân khu nhờ lợi thế tổ chức tập trung, năng lực được nâng lên, bảo vệ khá an toàn, giữ vững và phát triển được nhịp độ sản xuất, sản phẩm làm ra ngày càng nhiều với chất lượng ngày càng tốt hơn, trở thành nguồn vũ khí, đạn bảo đảm tại chỗ quan trọng cho các lực lượng vũ trang chiến đấu và có dự trữ. Điển hình ở Cà Mau, Ban Quân giới khẩn trương xây dựng thêm 3 phân xưởng vũ khí tại ba xã Phú Mỹ, Tân Hưng và Dương Thế Trân. Trong đó có một phân xưởng chuyên làm bệ phóng và sửa chữa súng hỏng nhẹ, một phân xưởng chuyên làm vỏ đạn và một phân xưởng hóa chất. Trong Quân khu có 100/402 xã sản xuất được mìn, lựu đạn, mìn định hướng. Tại Hội nghị tổng kết chiến dịch tổng hợp đánh địch bình định năm 1972, Tư lệnh Lê Đức Anh đã nhận xét đánh giá: “Hệ thống xưởng quân giới, công trường sản xuất, sửa chữa vũ khí hình thành từ khu đến xã. Hệ thống kho tàng cũng được triển khai từ sau ra trước, từ trên xuống dưới”.

Đặc biệt, trong điều kiện rất thiếu thiết bị, máy móc chuyên dùng và trình độ tay nghề còn hạn chế, khi được giao nhiệm vụ sản xuất đạn B40, Phân xưởng A2 của Xưởng 201 đã quyết tâm sản xuất đạn B40. Nhóm kỹ thuật vừa thiết kế kỹ thuật, vừa trực tiếp sản xuất thử. Sau 4 tháng làm việc với nỗ lực lớn, tháng 8/1973, Phân xưởng A2 sản xuất thử được 7 quả đạn B40. Qua thử nghiệm, đạn đạt các thông số kỹ thuật như đạn B40 Trung Quốc sản xuất và đến cuối năm 1973 đạn B40 được đưa vào sản xuất ổn định ở Phân xưởng A2, với trung bình 250 quả mỗi tháng. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu, các tỉnh ủy miền Tây Nam Bộ phát động phong trào “toàn dân sưu tầm súng đạn”, để cung cấp nguyên hóa liệu kịp thời cho các xưởng sản xuất vũ khí. Chỉ trong vòng một tháng, Đại đội sưu tầm tỉnh Cà Mau đã thu được 3.720 đầu đạn pháo 105mm, 640kg thuốc nitrô, 400 kg thuốc TNT, 453kg nhôm, 200kg chì, 54kg đồng thau; Ban Tiếp liệu tỉnh Cà Mau thu mua, vận chuyển an toàn về xưởng tỉnh 10 tấn kim loại, 10 phuy dầu, 5 phuy xăng, 200 cuộn dây diện, 670 lố pin đèn...

Những năm (1969 - 1974), trong điều kiện công tác hậu cần miền Tây Nam Bộ gặp nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 trực tiếp là Tư lệnh Lê Đức Anh, lực lượng hậu cần đã giải quyết tốt từ việc tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa từ miền Bắc đưa vào, đến việc thu mua và khai thác nguồn hậu cần tại chỗ, kể cả việc tổ chức tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc quân y, vũ khí trang bị... góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Những kinh nghiệm chỉ đạo về công tác hậu cần trên chiến trường Tây Nam Bộ trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tiếp tục được phát huy hiệu quả trong những năm tiếp theo, góp phần tích cực xây dựng thế trận hậu cần, bảo vệ vững chắc vùng cực Nam của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá, ThS. ĐỖ VĂN HINH