Tư lệnh Quân khu 7 Lê Đức Anh chỉ đạo công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam 1978-1979
Tháng 6/1978, Trung tướng Lê Đức Anh được Trung ương Đảng bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, nhận thấy lực lượng vũ trang Quân khu được củng cố và tăng cường, hậu phương và hậu cần - kỹ thuật ổn định, các địa phương chi viện cho phía trước tốt..., trên cương vị mới của mình cùng với nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu, Tư lệnh Lê Đức Anh đã chỉ đạo công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tác chiến bảo vệ biên giới Tây Nam (giai đoạn 6/1978 - 01/1979). Những chỉ đạo kịp thời, sáng tạo của đồng chí được thể hiện trên những nội dung cơ bản sau:
Chỉ đạo việc xây dựng, bố trí lực lượng hậu cần - kỹ thuật quân sự cho tác chiến bảo vệ biên giới Tây Nam
Trong điều kiện lực lượng chuyên môn hậu cần - kỹ thuật thiếu; lương thực, thực phẩm khó khăn, lượng dự trữ chưa nhiều, để bảo đảm cho lực lượng vũ trang Quân khu tác chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, sau khi nhận nhiệm vụ tại Quân khu 7, trên cương vị là Chính ủy Quân khu, đồng chí Lê Đức Anh cùng với Đảng ủy Quân khu ra Nghị quyết nêu rõ: “Kiện toàn tổ chức hậu cần từ Quân khu đến các đơn vị, cơ sở, phối hợp với các ngành của tỉnh và thành phố, xây dựng mạng lưới hậu cần và bảo đảm kỹ thuật ở địa phương, bảo đảm nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và chi viện mặt trận biên giới”. Công tác kỹ thuật được Tư lệnh Lê Đức Anh giao nhiệm vụ cụ thể là: “Nhanh chóng củng cố cơ quan quản lý các cấp, ra sức củng cố hệ thống kho xưởng nhất là xưởng tổng hợp, xưởng sửa chữa vũ khí, tổ chức đầy đủ các trạm sửa chữa ở các đơn vị trực tiếp chiến đấu và các trạm sửa chữa của các tỉnh, thành, đồng thời quy hoạch các kho vũ khí kể cả ở tiền phương và ở phía sau”.
Do quân số tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu của Quân khu phát triển rất nhanh, nhất là bộ đội địa phương ở các tỉnh, huyện giáp biên giới với Campuchia nên việc tổ chức xây dựng lực lượng hậu cần - kỹ thuật cũng gấp rút được tăng cường, mở rộng. Bộ Tư lệnh và Tư lệnh Lê Đức Anh chỉ đạo thành lập các tiểu đoàn vận tải ô tô, bệnh viện, đội điều trị; thành lập trạm sản xuất vũ khí ở các xưởng của Quân khu và các tỉnh, thành, đồng thời, chỉ đạo Cục Hậu cần Quân khu tiếp nhận giúp đỡ của Cục Quân nhu Tổng cục Hậu cần tổ chức 3 trạm chế biến thực phẩm tại Tây Ninh, trục đường số 1 - Xa Mát để tiếp nhận thịt lợn, cá, rau từ phía sau và chế biến đậu phụ cung cấp cho các bếp ăn của bộ đội tuyến biên giới. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh chỉ đạo các cơ quan Quân khu khẩn trương điều động cán bộ, vật chất, phương tiện kỹ thuật thuộc các đoàn hậu cần Miền giải thể về các phân đội hậu cần - kỹ thuật của tỉnh, huyện; các trung đoàn, tiểu đoàn bộ đội địa phương mới thành lập, giải quyết được một phần thiếu lực lượng ở cơ sở.
Để tiến hành công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật đạt hiệu quả cao nhất cho lực lượng vũ trang tác chiến ở biên giới Tây Nam, Tư lệnh Lê Đức Anh chỉ đạo Đại tá Võ Văn Lân, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 7 triển khai những căn cứ (bộ phận) để kịp thời bảo đảm vật chất, vũ khí trang bị cho các đơn vị chiến đấu: Trên hướng đường số 13, có căn cứ Lộc Ninh, gồm cụm kho tổng hợp, Bệnh viện dã chiến 7C, Đội điều trị cơ động Tiền phương. Trên hướng đường số 22, đi theo Sở chỉ huy Quân khu có Căn cứ 1, gồm kho cơ động ở suối Nước Trong, Bệnh viện dã chiến 7A tại Cần Khởi (phía tây bắc tỉnh Tây Ninh). Bộ phận cơ bản của Cục Hậu cần có Bệnh viện 7A ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện 7B ở Biên Hòa và Bệnh viện 7C ở Thủ Đức. Kho vũ khí trang bị có kho phía trước ở Hoa Lư, Lộc Ninh (Sông Bé), Tha La và Bến Cầu (Tây Ninh). Đến giai đoạn 2 tổ chức thêm Kho Xóm Bưng (sau dời lên Hoa Lư), sử dụng kho Cẩm Giàng của Tây Ninh, kho ở Long An và Minh Hoà của Quân khu làm kho trung chuyển; các kho Đồng Dù và Suối Nhạn là kho cơ bản. Tổ chức các đội sửa chữa từ các xưởng Z77, Z78 và C9 tăng cường cho Sư đoàn 5 và Sư đoàn 7; tổ chức Đội sửa chữa cơ động ôtô Z73, Đội sửa chữa súng pháo OX1; Đội cứu kéo đứng chân ở Lộc Ninh, Sông Bé. Trong tháng 10/1978, Bộ Tư lệnh chỉ đạo phải triển khai xây dựng xong Kho quân khí Tiền phương ở Tây Ninh có sức chứa 800 đến 1.000 tấn; ở Sông Bé, phát triển kho từ 300 tấn lên 1.000 tấn; ngay trong mùa khô 1978 - 1979 phải thành lập Trạm sửa chữa dự bị Z82 và Đội 5 vận tải thủy.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh Lê Đức Anh, lực lượng hậu cần - kỹ thuật đã nhanh chóng xây dựng thêm một số phân đội và hình thành thế bố trí khá vững chắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu của tác chiến từ những ngày đầu cho đến khi đánh địch ra khỏi biên giới Tây Nam.
Chỉ đạo thực hiện công tác chuẩn bị vật chất hậu cần, vũ khí, trang bị kỹ thuật cho tác chiến bảo vệ biên giới Tây Nam
Để công tác chuẩn bị hậu cần - kỹ thuật cho tác chiến bảo vệ biên giới Tây Nam đạt hiệu quả tốt, Nghị quyết của Đảng ủy Quân khu đã yêu cầu: “Khai thác, tận dụng mọi khả năng vật tư, trang bị của Nhà nước phân phối và bản thân đơn vị, đẩy mạnh sản xuất, nhất là lương thực, thực phẩm... chuẩn bị một bước cho kế hoạch phòng thủ đất nước một cách cơ bản, vững chắc”.
Thực hiện Nghị quyết, Bộ Tư lệnh, Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh chỉ đạo Cục Hậu cần bám sát nhiệm vụ tác chiến, huy động mọi khả năng vật chất của quân đội, của Nhà nước và địa phương tại chỗ. Chỉ đạo các đơn vị tiếp nhận của Tổng cục Hậu cần bổ sung lượng vật chất sẵn sàng chiến đấu, gồm 10.000 suất lương thực, thực phẩm và 10.000 suất quân trang chiến đấu. Bộ Tư lệnh chỉ đạo quân nhu tìm mọi biện pháp bảo đảm ưu tiên cho bộ đội được ăn 100% gạo; cấp đủ 20g dầu mỡ, 1,5g mì chính, 50g thực phẩm khô/người/ngày. Ngoài ra, thường xuyên có 15 ngày lương khô, gạo sấy; hàng tuần cung cấp từ 1 đến 2 lần chất tươi gồm 100g thịt, cá tươi và 200g rau xanh, bầu, bí; bảo đảm đủ mỗi người 2 bộ quân phục dài, 2 bộ quần áo lót, 1 áo trấn thủ cùng tăng, võng, tấm đắp, bình tông, túi gạo, túi cơm. Đồng thời, chỉ đạo Trạm chế biến cá của Quân khu hợp đồng với Trạm thực phẩm Khu vực 5 của Tổng cục Hậu cần để cung cấp nước đá và điều hòa lượng cá giữa các trạm.
Để huy động địa phương tại chỗ, trong quá trình chuẩn bị chiến đấu, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo tận dụng mọi phương tiện vận chuyển sẵn có và huy động tại chỗ để phục vụ... Tính đến hết tháng 9/1978, toàn Quân khu đã huy động 116.211 lượt người với 1.193.075 ngày công. Vật tư phương tiện đã huy động trên 1 triệu lít xăng dầu, hàng vạn lít nhớt (dầu bôi trơn), hàng trăm tấn xi măng, sắt thép; hàng vạn chuyến ô tô vận tải, máy ủi và máy xúc. Quân khu và Thành phố Hồ Chí Minh động viên trên 1.000 người làm căn cứ, góp 1 triệu ngày công; vận chuyển được 20.000 tấn đạn, 30.000 tấn nhu yếu phẩm, 100.000 tấn gạo.
Quá trình chuẩn bị lực lượng kỹ thuật, Đảng ủy, Chính ủy Quân khu Lê Đức Anh yêu cầu “Phải nỗ lực bảo đảm trang bị kỹ thuật cho sẵn sàng chiến đấu, đủ biên chế, có chất lượng, đồng bộ, có dự trữ. Trước mắt lo bảo đảm hoàn chỉnh cho lực lượng chiến đấu về vũ khí, khí tài, trang bị xe, máy...”. Chấp hành sự chỉ đạo, trong một thời gian ngắn ngành Kỹ thuật Quân khu đã bảo đảm đủ vũ khí trang bị các loại: Xưởng OX1 sản xuất cung cấp 51.000 quả mìn; lực lượng ô tô tham gia chiến đấu đến tháng 01/1979 là 1.200 xe; bảo đảm 107 xe tăng thiết giáp (có 53 xe tăng), tăng cường Đại đội thiết giáp cho tỉnh đội Long An; bảo đảm kỹ thuật 250 khẩu pháo (có 126 khẩu pháo phòng không).
Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Quân khu lãnh đạo “Bảo đảm vũ khí trang bị kịp thời cho chiến đấu; nắm chắc thực lực, phương tiện...; đẩy mạnh hơn nữa công tác sửa chữa các xưởng, tổ chức các trạm sửa chữa...”, Cục Hậu cần trong Sở Chỉ huy Tiền phương được sự chỉ đạo của Tư lệnh Lê Đức Anh đã giao nhiệm vụ cho các xưởng của Quân khu hợp đồng với các đội sửa chữa cơ động của Bộ, các trạm sửa chữa của các sư đoàn 5, 302, 303 và các đội sửa chữa của các trung đoàn kỹ thuật binh chủng để thống nhất chỉ huy bảo đảm kỹ thuật, bố trí đội hình, vị trí đóng quân của từng xưởng, trạm, kho ở cự ly thích hợp; đồng thời kịp thời triển khai công tác bảo đảm kỹ thuật ở giai đoạn đầu và giai đoạn tiếp theo của chiến dịch. Quy định hư hỏng nhẹ các trạm ở từng đơn vị tự khắc phục, hư hỏng vừa do các trạm của sư đoàn, trung đoàn và các xưởng tiền phương đảm nhiệm. Tất cả các xe - máy, vũ khí, khí tài hư hỏng nặng không khắc phục được, kéo về các xưởng ở hậu phương sửa chữa; các kho vũ khí đạn luôn bảo đảm cơ số, sẵn sàng cấp đúng, đủ, đồng bộ cho các đơn vị.
Chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật quân sự trong quá trình tác chiến bảo vệ biên giới Tây Nam
Trong quá trình tác chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, Tư lệnh Lê Đức Anh cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định “tập trung nỗ lực cao nhất, góp phần tích cực nhất giành thắng lợi quyết định”. Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh đã lãnh đạo, chỉ đạo Cục Hậu cần cử nhiều cán bộ thuộc các chuyên ngành tham mưu hậu cần, quân nhu, quân y, vận tải, quân khí, xe máy... xuống các mũi, các hướng tác chiến để trực tiếp chỉ đạo, giúp đỡ các đơn vị triển khai công tác bảo đảm. Do phạm vi bảo đảm mở ra rất nhanh cả chính diện và chiều sâu nên lực lượng hậu cần - kỹ thuật quân sự các cấp luôn bám sát đội hình chiến đấu của bộ đội để phục vụ.
Quá trình chiến đấu bảo vệ biên giới, các đơn vị phía sau chi viện cho phía trước được hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm bằng nguồn tăng gia sản xuất được và thu mua ở hậu phương nên mức ăn của bộ đội chiến đấu ở phía trước bảo đảm mỗi người/ngày được từ 730 đến 740g gạo, từ 50 đến 60g thịt, cá, mỡ; nhiệt lượng bình quân đạt từ 2.600 đến 2.700 kcal; bộ đội chiến đấu hầu hết được ăn hai nóng, một nguội, ngày nào cũng có thịt, cá và có 1 bữa canh, rau tươi; uống nước đun sôi và dự trữ bi đông nước mang theo; lượng dự trữ lương thực, thực phẩm thường xuyên ở đơn vị có từ 15 đến 20 ngày, ở phía sau từ 2 đến 5 ngày. Thực hiện chỉ đạo của Tư lệnh Lê Đức Anh, toàn bộ lương thực, thực phẩm đưa từ Việt Nam sang được lực lượng quân nhu các cấp luôn bám sát đội hình chiến đấu, kịp thời tiếp tế bổ sung. Trong chiến đấu bộ đội phải di chuyển liên tục, tổ chức bảo đảm quân nhu gặp rất nhiều khó khăn nhưng hàng tháng bình quân mỗi chiến sĩ vẫn được 1 hộp sữa, 0,5kg đường, 5 gói mì tôm; cán bộ 2 hộp sữa, 1kg đường và 10 gói mì tôm; quân trang được cấp đầy đủ, bình quân 2,8 bộ quần áo/người.
Trong suốt quá trình chiến đấu bảo vệ biên giới, quân y Quân khu bảo đảm cho bộ đội thường xuyên được uống thuốc phòng chống sốt rét, tiêm phòng các loại dịch, kết hợp với phun DDT, nằm màn chống muỗi; theo dõi, xử lý kịp thời tình hình bệnh dịch nên không để xảy ra vụ dịch nào đáng kể, tỷ lệ quân số khỏe đạt bình quân 97%. Để kịp thời cứu chữa thương, bệnh binh (tổng số thương vong 39.106 người), Tư lệnh Lê Đức Anh chỉ đạo Cục Hậu cần huy động sử dụng 14 bệnh viện phía sau, 4 bệnh viện dã chiến, 14 đội điều trị và một số đội phẫu thuật. Đồng thời chỉ đạo sử dụng tất cả các phương thức vận chuyển thương, bệnh binh bằng đường bộ, đường sông, đường không, đường biển; số thương binh nặng được chuyển bằng máy bay về các bệnh viện hậu phương của Quân khu và Tổng cục Hậu cần.
Tuy thời gian tác chiến diễn biến nhanh, nhưng do thực hiện chỉ đạo kịp thời của Tư lệnh Lê Đức Anh về nhiệm vụ bảo đảm đạn dược nên trong quá trình chiến dịch, chiến đấu, các xe chở đạn đi theo từng hướng, từng đơn vị luôn bổ sung kịp thời đủ các cơ số đạn cho từng chủng loại vũ khí bị tiêu hao (số đạn tiêu thụ đến ngày 08/02/1979 là 1.242,1 tấn). Các đơn vị tham gia chiến đấu thu được 141.391 tấn vũ khí, 62.168 tấn đạn 2.189 tấn chất nổ; có đơn vị thu cao như Sư đoàn 303 thu được 81 tấn, Sư đoàn 302 thu được 80 tấn. Tính riêng từ ngày 10/6 đến ngày 30/7/1978 đã thu được 369 súng (có 1 cối 120mm), 23,6 tấn đạn, chất nổ; phá hủy 100 súng, 2 kho đạn với 10 tấn. Lượng vũ khí, đạn dược chiến lợi phẩm này được tổ chức thu gom, bảo quản, phân loại và sử dụng một phần để đánh địch. Lực lượng kỹ thuật Quân khu bố trí cho các đơn vị ở tuyến trước cứ 1 xe có 1,5 lái, 3 xe có 1 thợ, đội hình tiếp theo cứ 1 xe có 1,2 lái, từ 30 đến 35 xe có tổ thợ 3 người. Đội sửa chữa Z78 và Đội cứu kéo C9 bám sát đội hình Sư đoàn 5. Hỗ trợ cho các đơn vị tiến quân còn có Xưởng Z77 và 2 đội sửa chữa cơ động của xưởng Z73 và Z75. Trong thời gian tác chiến, các xưởng và các trạm đã bảo dưỡng được 539 xe và sửa chữa nhỏ hàng trăm lượt xe. Trong chiến đấu, Sư đoàn 302 được tăng cường 50 xe cùng với số xe trong biên chế hành quân vượt sông Mê Kông đánh chiếm thị xã Xàmrông, tỉnh Ốtđômiênchay với quãng đường đến 800 km. Xe tăng, xe thiết giáp được bảo đảm đủ số lượng và tình trạng kỹ thuật tốt chi viện cho các đơn vị; có 42 xe tăng và xe thiết giáp bị hỏng, lực lượng kỹ thuật đã khắc phục, sửa chữa được 32 xe để kịp thời tham gia đội hình chiến đấu.
Từ giữa năm 1978 đến đầu năm 1979, quân và dân ta kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam. Đây là lần đầu tiên lực lượng vũ trang Quân khu 7 thực hiện công tác bảo đảm cho chiến đấu với nhiều vật chất hậu cần, binh khí kỹ thuật và lượng tiêu thụ rất lớn. Nhiệm vụ bảo đảm hậu cần - kỹ thuật là hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp, nhưng trong suốt quá trình thực hiện, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Trung tướng Lê Đức Anh đã cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chỉ đạo công tác hậu cần - kỹ thuật luôn bám sát nhiệm vụ quân sự, ra sức khắc phục khó khăn, vượt qua gian khổ, hy sinh, tự lực tự cường, mưu trí sáng tạo, tổ chức bảo đảm đầy đủ, kịp thời thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam Tổ quốc.
Đại tá, ThS. Ngô Nhật Dương