Quay lại

Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân khu 7 Lê Đức Anh với công tác xây dựng lực lượng và tổ chức chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam (1978-1979)

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với lực lượng vũ trang nhân dân cả nước, lực lượng vũ trang Quân khu 7 củng cố lại lực lượng, khắc phục hậu quả chiến tranh, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân trong hòa bình, thống nhất và độc lập dân tộc.
 

Tuy nhiên, tập đoàn phản động Pôn Pốt Iêng Xary ngang nhiên phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 05/5/1978, Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 1426/NQ-TW về việc kiện toàn Bộ Tư lệnh Quân khu 7, theo đó, Trung tướng Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu. Ngày 25/5/1978, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 425-NS/TW về việc chỉ định bổ sung Ban Chấp hành Đảng bộ Quân khu 7, đồng chí Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng bộ Quân khu.

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV về tình hình nhiệm vụ mới, đồng chí Lê Đức Anh cùng Đảng ủy Quân khu 7 đã phân tích, đánh giá thấu đáo tình hình, ban hành nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 1978, trong đó yêu cầu cán bộ, chiến sĩ “nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, tư tưởng tác chiến hiệp đồng, tư tưởng đánh tiêu diệt gọn, tiêu diệt lớn, quyết tâm giành thắng lợi trọn vẹn cả quân sự, chính trị... Tích cực bắt liên lạc và hỗ trợ cho các lực lượng cách mạng Campuchia xây dựng và phát triển”.

Từ chủ trương trên, để củng cố lực lượng, thế trận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng chí cùng Bộ Tư lệnh Quân khu đề nghị Bộ Tổng Tham mưu khôi phục lại quân số và một số đơn vị thuộc Quân đoàn 4, đồng thời đề nghị đưa Quân đoàn 3 vào tác chiến. Đối với lực lượng vũ trang Quân khu 7, đồng chí cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị, địa phương tập trung củng cố, xây dựng lực lượng và thế phòng thủ; đồng thời, tiến công tiêu diệt địch, vừa mở rộng đánh chiếm địa hình có lợi, vừa tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm huấn luyện tại chỗ không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang Quân khu.

Sau khi kiện toàn tổ chức và lực lượng, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, từ tháng 6/1978, đồng chí Lê Đức Anh cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang Quân khu 7 tổ chức Chiến dịch phản công dọc theo đường 7 sang bên kia biên giới, kết hợp tiến công quân sự, tiến công chính trị với binh vận nhằm tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch, hỗ trợ cho các lực lượng nổi dậy của Campuchia, đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương nhanh chóng hoàn thành xây dựng tuyến phòng thủ biên giới. Sau khi tổ chức đánh địch, mở đường tạo bàn đạp áp sát mục tiêu, lực lượng vũ trang Quân khu 7 (gồm Sư đoàn 5, Sư đoàn 302, cùng một số trung đoàn, đơn vị binh chủng) phối hợp với các đơn vị bạn đồng loạt tiến công, đẩy địch lùi xa cách biên giới từ 15km đến 20km, lần lượt đánh chiếm các mục tiêu: Kà Chay, Mê Mốt, Lăng Cà Bơ; tiếp đó phát triển tiến công đánh chiếm Snuol, mở rộng vùng giải phóng, đánh thông đường 13A nối liền đường 7 từ Snuol đến Mê mốt qua tây Tà Âm.

Sau Chiến dịch đường 7, để chuẩn bị hoạt động trong mùa khô 1978 - 1979, đồng chí Lê Đức Anh đề nghị Bộ Tổng Tham mưu cho thành lập Sư đoàn 303 (gồm các trung đoàn 33, 55, 316) để tăng cường lực lượng giữ vững địa bàn Mê mốt; đồng thời, đồng chí cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định điều chỉnh đội hình, tổ chức lực lượng trực thuộc ba sư đoàn (5, 302, 303) cùng một trung đoàn bộ binh, bốn trung đoàn binh chủng (đặc công, pháo binh, phòng không, thiết giáp), hai đại đội và hai tiểu đoàn bộ binh cùng các đơn vị bảo đảm (thông tin, công binh, vận tải trinh sát).

Ngày 19/7/1978, Quân ủy Trung ương ban hành Quyết định số 69/QĐ-QUTW tổ chức Tiền phương Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ: chỉ huy thống nhất mọi hoạt động tác chiến của các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng ở phía Nam thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Đồng chí Lê Đức Anh được chỉ định kiêm nhiệm Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở Mặt trận Tây Nam.

Do tính chất chiến trường có liên quan chặt chẽ với chiến trường Campuchia nên Quân khu 7 được xem là địa bàn trọng điểm vừa tập trung sức chiến đấu, vừa tham gia tích cực làm nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Campuchia. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 05/6/1978, đồng chí Lê Đức Anh ký Thông báo số 136/TB gửi các đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu yêu cầu các đơn vị xác định “đây là thời cơ thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch tấn công mở rộng bàn đạp và giúp cách mạng K”. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và đồng chí Lê Đức Anh, từ tháng 8/1978, lực lượng vũ trang Quân khu 7 tích cực giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Đầu tháng 9/1978, lực lượng trinh sát đặc nhiệm của Quân khu móc nối được với lực lượng ly khai do ông Chia Sim chỉ huy và một lực lượng ly khai khác do ông Heng Samrin chỉ huy. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm móc nối, đồng chí Lê Đức Anh thường xuyên yêu cầu Phòng Quân báo Quân khu báo cáo tình hình. Trong đó, đặc biệt ưu tiên cung cấp đầy đủ yêu cầu của các đội trinh sát đặc nhiệm, tổ chức tiếp đón và làm việc với cán bộ quân đội Khmer Đỏ ly khai với tinh thần hợp tác và trọng thị. Đồng chí yêu cầu cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tiếp xúc với bạn phải nắm vững đường lối đối ngoại của Đảng, kiên trì giải thích để bạn hiểu rõ bản chất, âm mưu của tập đoàn Pôn Pốt Iêng Xary và tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân và quân đội hai nước Việt Nam - Campuchia. “Đến tháng 12/1978, bạn đã xây dựng được 21 tiểu đoàn, 5 đại đội và 69 đội vũ trang tuyên truyền”. Đây là lực lượng vũ trang nòng cốt đầu tiên của cách mạng Campuchia.

Trong quá trình giúp bạn xây dựng lực lượng, quân và dân ta vẫn liên tục đánh địch và tăng cường công tác theo dõi nghiên cứu tình hình, đồng thời chuẩn bị mọi mặt để khi thời cơ đến thì giúp bạn giải phóng đất nước. Từ ngày 01/8 đến tháng 11/1978, lực lượng vũ trang Quân khu 7 tiếp tục tổ chức chiến đấu phòng ngự và tiến công địch trên hướng Snuol và bắc Tây Ninh. Trên hướng Snuol, Sư đoàn bộ binh 5 cùng các đơn vị binh chủng của Quân khu và lực lượng vũ trang tỉnh Sông Bé xây dựng các chốt phòng ngự lâm thời, liên tục đánh địch phản kích, lần lượt chiếm các trận địa của địch ở khu vực Sờresát, Thờpôngkông, Sở 3, Vótsờnuôl, ngã tư bắc cao điểm 142, Sở 4, Sở 2, Cao điểm 106 phum Thờpôngkông, ngã ba lộ Đá, phum Kờbaltrách, bảo vệ an toàn tuyến đường vận chuyển của ta trên đường 13A từ Dốc Lu về phía sau. Trên hướng bắc Tây Ninh, Sư đoàn 302 cùng một số đơn vị binh chủng của Quân khu và bộ đội địa phương tỉnh Tây Ninh tổ chức chiến đấu phòng ngự trên khu vực Xa Mát, liên tục đánh địch bu bám tiến công, giữ vững trận địa. Phối hợp tác chiến với các lực lượng chủ lực Quân khu, lực lượng địa phương các tỉnh Tây Ninh, Sông Bé tăng cường hoạt động trên các hướng quốc lộ 1, 22, 13, xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, huy động hàng vạn người đào đắp công sự, xây dựng làng xã chiến đấu và tổ chức chiến đấu bảo vệ địa bàn. Từ ngày 20/11 đến ngày 20/12/1978, các lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã tiến hành truy quét và đánh địch phản kích, giữ vững địa bàn Sờvaychia, ngăn chặn các mũi tiến công của địch ở hướng Tây Ninh, đồng thời chuẩn bị lực lượng, xây dựng kế hoạch tác chiến của Quân khu sẵn sàng phối hợp với lực lượng vũ trang yêu nước và nhân dân Campuchia thực hiện cuộc tổng tiến công giải phóng Phnôm Pênh và toàn bộ đất nước Campuchia khỏi ách thống trị của chế độ diệt chủng Pôn Pốt  Iêng Xary.

Ngày 02/12/1978, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia ra đời tại Snuol do ông Heng Samrin làm Chủ tịch. Mặt trận đề ra nhiệm vụ trước mắt là: “Đoàn kết toàn dân, nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động gia đình trị Pôn Pốt Iêng Xary, bè lũ độc tài quân phiệt trong nước làm tay sai cho bọn phản động nước ngoài. Xóa bỏ chế độ tàn ác đẫm máu của chúng, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân”. Giữa tháng 12/1978, Bộ Chỉ huy tối cao Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia hạ quyết tâm phát động cuộc tổng tiến công và nổi dậy, lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt Iêng Xary.

Đáp ứng lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia, trên cơ sở nhận định, đánh giá tình hình, tương quan lực lượng giữa địch và ta, ngày 17/12/1978, Bộ Quốc phòng thông qua quyết tâm và tổ chức hiệp đồng chiến đấu phối hợp cùng bạn thực hiện cuộc tổng tiến công giải phóng Campuchia trong mùa khô 1978-1979. Kế hoạch gồm 3 chiến dịch kế tiếp nhau. Chiến dịch 1: Giải phóng các tỉnh miền Đông Campuchia (lực lượng Quân khu 7 tiến hành là chủ yếu, đánh chiếm thị xã Karachê); Chiến dịch 2: Tiêu diệt sinh lực các đơn vị chủ lực địch đã đưa ra phía trước (chiến đấu trên hướng chủ yếu là Quân khu 9 và Quân đoàn 4); Chiến dịch 3: Giải phóng Phnôm Pênh. 5 mục tiêu chiến lược là: tiêu diệt và làm tan rã 19 sư đoàn chủ lực của địch, giải phóng Phnôm Pênh, chiếm sân bay Pôchentông, chiếm cảng Kampôngsom, khoá chặt biên giới Campuchia - Thái Lan. Để thực hiện được quyết tâm này, Bộ Quốc phòng đã điều động Quân đoàn 2, 3 và 4; ba Quân khu 7, 8 và 9 gồm 18 sư đoàn bộ binh, 600 xe tăng, xe bọc thép, 587 khẩu pháo các cỡ, 7.000 xe ô tô, 137 máy bay, 167 tàu thuyền chiến đấu và vận tải, tổng cộng là 250 ngàn quân. Mỗi quân đoàn, quân khu đều có từ 1 đến 5 tiểu đoàn của bạn phối hợp tác chiến.

Lực lượng vũ trang Quân khu 7 được giao nhiệm vụ mở đầu cuộc tiến công nổi dậy trên hướng thứ yếu của Bộ để thực hành nghi binh, thu hút, đánh lạc hướng phán đoán của địch để giành dân, mở rộng địa bàn. Sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Lê Đức Anh cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu quán triệt sâu sắc nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu: “Tập trung mọi nỗ lực cao nhất, góp phần tích cực nhất để hoàn thành nhiệm vụ tác chiến của Bộ giao trên mặt trận Tây Nam. Đảm bảo giành thắng lợi cao nhất và trọn vẹn cả quân sự, chính trị, cùng các lực lượng cấp trên và của Bạn giành thắng lợi quyết định trong chiến tranh ở Tây Nam Tổ quốc”. Tham gia chiến dịch, lực lượng vũ trang Quân khu có 3 sư đoàn bộ binh (5, 302, 303) và 1 trung đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn binh chủng, các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, tổng quân số quân 120.098 cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra, còn có 9 trung đoàn, 6 tiểu đoàn công binh của các tỉnh, thành thuộc địa bàn Quân khu. Từ ngày 21/12/1978 đến ngày 07/01/1979, Quân khu 7 sử dụng Sư đoàn bộ binh 5, Sư đoàn bộ binh 303 cùng hai trung đoàn đặc công (113, 117) của Bộ tăng cường đánh chiếm thị xã Kratie và vùng phụ cận thị xã. Sư đoàn bộ binh 5 được lệnh vượt sông Mê Kông tại Bến Kết để qua Kampôngthom, tiến đánh mục tiêu Siêm Riệp. Sau đó kế hoạch thay đổi, Sư đoàn 5 định vượt sông ở Sambo, nhưng gặp khó khăn, ngày 08/01/1979, Sư đoàn 5 lật cánh cơ động đường dài theo quốc lộ 7, vượt bến Kampong Cham, phát triển đánh chiếm Ninít và Thờ Mo Puốc. Sau đó, Sư đoàn bộ binh 5 được tăng cường thêm Trung đoàn 66 (Quân đoàn 3), lần lượt đánh chiếm các mục tiêu ở phía tây Bátđam Bang. Hồi 0 giờ 15 phút ngày 30/01, Sư đoàn chiếm được Paylin - mục tiêu cuối cùng ở biên giới Campuchia - Thái Lan. Sư đoàn bộ binh 303 đánh chiếm một loạt mục tiêu phía đông sông Mê Kông, từ Kratie tới Sơlông (12/01/1979). Sau đó, tiếp tục truy quét địch ở Chòmka An Đông và địa bàn tỉnh Kampong Cham. Sư đoàn bộ binh 302 cùng với Quân đoàn 3 đột phá trận địa phòng ngự của địch ở đoạn Xa Mát - Lò Gò. Ngày 11/01, đơn vị hành quân lên Siêm Riệp, đánh chiếm thị xã Samrông (16/01/1979). Cuối tháng 01/1979, toàn bộ các thị xã, thị trấn của Campuchia được hoàn toàn giải phóng.

Tháng 5/1978, đồng chí Lê Đức Anh đảm nhiệm cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra ác liệt, đây là địa bàn trọng điểm có tính chất quyết định đến kết quả của cuộc chiến tranh, do đó, lực lượng vũ trang Quân khu 7 có nhiệm vụ vừa tập trung sức chiến đấu, vừa tham gia tích cực làm nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Campuchia. Với vai trò Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, đồng chí Lê Đức Anh - vị Tướng dạn dày trận mạc với khả năng dự báo, phân tích, đánh giá tình hình và năng lực tổ chức quân sự, chỉ huy tác chiến, chiến đấu đã cùng Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang Quân khu từng bước xây dựng, củng cố lực lượng và chiến đấu giành lại thế chủ động trên chiến trường, phản công đẩy lui địch ra xa biên giới; đồng thời giúp cách mạng Campuchia xây dựng lực lượng, chuẩn bị mọi điều kiện đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước.

Những hoạt động trong lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của đồng chí Lê Đức Anh, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 đã để lại những kinh nghiệm quý báu về tinh thần cảnh giác cách mạng, đoàn kết quốc tế, xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, xây dựng lực lượng vũ trang cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng ĐẶNG VĂN HÙNG