Trung tướng Lê Đức Anh trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long
Tháng 10/1974, Nam Bộ dần chuyển sang mùa khô, các đơn vị chủ lực Miền kết thúc huấn luyện chỉ huy và chuyển sang tập trung luyện tập cho bộ đội đánh công kiên, bắt đầu thực hiện kế hoạch của các hướng. Trên hướng Tây Ninh, khi quân ta bao vây núi Bà Đen, tiến công các đồn bốt và phá ấp chiến lược và vùng ven thị xã Tây Ninh, quân địch ở đây bỏ chạy. Lập tức, Sư đoàn 25 quân địch từ Củ Chi kéo lên Tây Ninh. Như vậy, bước đầu của kế hoạch đã được thực hiện suôn sẻ; ta đã nghi binh, thu hút, căng kéo lực lượng của địch trên chiến trường.
Do tầm quan trọng của hướng mở hành lang, Trung tướng Lê Đức Anh cùng cơ quan tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể, trình hội nghị Bộ Tư lệnh Miền và Trung ương Cục thông qua. Lúc này, tuyến đường Đông Trường Sơn, cả đường ô tô và đường ống xăng dầu đã mở tới Bù Đốp (Lộc Ninh). Phát huy ưu thế của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn cho giai đoạn chiến lược quyết định, chủ lực Miền có nhiệm vụ tiến công các vị trí địch, mở rộng, hoàn chỉnh các vùng căn cứ, chuẩn bị cho các hướng (bắc, tây bắc, đông và tây Sài Gòn), thực hiện bao vây cô lập và ép Sài Gòn ngày càng chặt. Để hoàn thành kế hoạch tác chiến mùa khô, ngay từ đầu, chủ lực ta phải giải phóng Đường 14 từ Đồng Xoài lên đến giáp Quảng Đức để mở rộng căn cứ Miền về phía sau giáp Tây Nguyên và nối liền căn cứ Miền về phía đông Sài Gòn, tạo điều kiện mở đường và dự trữ vật chất, phương tiện kỹ thuật, hậu cần cho hướng này.
Tình hình chiến trường miền Nam từ nửa cuối năm 1974 chuyển biến nhanh chóng, ngày càng có lợi cho ta. Thế trận tiến công mới hình thành từ Bắc vào Nam, từ Trị - Thiên đến Tây Nguyên, Khu 5, miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Bộ đội chủ lực trên chiến trường được tổ chức tới cấp quân đoàn, gồm 16 sư đoàn bộ binh và các lữ đoàn, trung đoàn, binh chủng bố trí trên các địa bàn chiến lược. Hệ thống đường chiến lược, chiến dịch mở rộng và ngày hoàn chỉnh. Dự trữ vật chất trên các chiến trường tương đối lớn. Từ khi chuyển sang phản công, các lực lượng vũ trang ở miền Nam đã chặn đứng hoạt động bình định, lấn chiếm của địch, giành lại thế chủ động, củng cố bàn đạp tiến công trên các hướng chiến lược, tạo thế áp sát các thành phố, các căn cứ địch, các đường giao thông.
Về phía địch, đứng trước khó khăn do quân Mỹ rút ra và viện trợ của Mỹ giảm sút, đặc biệt là phải đương đầu với các chiến dịch, đợt hoạt động lớn của ta từ cuối năm 1973, quân đội Sài Gòn phải chuyển sang xây dựng, tổ chức và chiến đấu theo kiểu “con nhà nghèo”. Nạn đào ngũ, rã ngũ trong quân đội Sài Gòn ngày càng gia tăng. Các đơn vị chủ lực bị buộc phải phân tán, khả năng cơ động và chi viện hỏa lực giảm nhiều so với năm 1972. Từ hành quân lấn chiếm quy mô lớn, những tháng cuối năm 1974, quân đội Sài Gòn buộc phải lui về phòng ngự, chỉ tổ chức được những cuộc hành quân lùng sục nhỏ.
Ngày 30/9/1974, tại Hà Nội, Bộ Chính trị họp bàn kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Bộ Chính trị nhận định: Mỹ đã rút thì việc quay lại không phải dễ. Dù Mỹ có can thiệp trở lại trong chừng mực nào thì chúng cũng không xoay chuyển được tình thế. Các thế lực xâm lược bành trướng đều có âm mưu rất nguy hiểm đối với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, nhưng lúc này chưa sẵn sàng. Đây là thời cơ thuận lợi để quân và dân ta mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến bước cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thống nhất nước nhà”.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trên khắp chiến trường miền Nam, quân và dân ta đẩy mạnh hoạt động, tiếp tục tạo thế, tạo lực cho cuộc tiến công chiến lược. Tình thế chiến lược tạo thời cơ để bộ đội chủ lực mở những chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, tiến công các vị trí, địa bàn trọng yếu, giành thắng lợi quyết định. Trên chiến trường Đông Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Miền quyết tâm giải quyết mục tiêu Đường 14 càng sớm càng tốt. Trên cơ sở đề xuất của cơ quan tham mưu, Bộ Tư lệnh Miền đã trao đổi, thảo luận và thống nhất nhận định: Hiện nay ở Đông Nam Bộ, địch tập trung phòng thủ vững chắc ở Sài Gòn, cố thủ những nơi đã chiếm đóng sâu trong vùng giải phóng như An Lộc, Chơn Thành, Phước Long làm bàn đạp đánh phá hậu phương ta. Do vậy, muốn giải phóng Đường 14, ta phải diệt cho được mục tiêu Đồng Xoài vì đây là vị trí then chốt của tỉnh Phước Long... Khi ta làm chủ Đồng Xoài, địch ở tỉnh lỵ Phước Long sẽ lập tức rơi vào trạng thái bị cô lập. Đến đây, ta chỉ cần bao vây lại đó, quân địch ở đây sẽ không còn tác dụng gì nữa. Đạt được những điều này không những sẽ làm cho căn cứ hậu phương của ta hoàn chỉnh mà còn tạo ra được một tác động tâm lý và chính trị rất có lợi cho ta.
Từ nhận định đó, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền quyết định sử dụng Quân đoàn 4 mở chiến dịch ở khu vực Đường số 14 - Phước Long. Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng đầu cầu tuyến hành lang chiến lược, tạo điều kiện đưa lực lượng vào vùng trung tuyến.
Giữa tháng 11/1974, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục và đồng chí Trần Văn Trà, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Miền ra miền Bắc. Đồng chí Võ Văn Kiệt được giao phụ trách Trung ương Cục, đồng chí Lê Đức Anh được giao phụ trách Tư lệnh Bộ Tư lệnh Miền. Giữ trọng trách trong thời điểm mở chiến dịch, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Bộ Tư lệnh Chiến dịch gấp rút triển khai chuẩn bị mọi mặt. Về lực lượng tham gia chiến dịch gồm Quân đoàn 4 (2 sư đoàn bộ binh 7, 9), Sư đoàn Bộ binh 3 (chủ lực Miền), Trung đoàn Đặc công 429, 1 trung đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn pháo phòng không, 20 xe tăng, xe thiết giáp, 1 trung đoàn công binh, 2 tiểu đoàn địa phương Bình Long, Phước Long và lực lượng địa phương các huyện, xã trên địa bàn.
Trong thời gian chuẩn bị, đồng chí Lê Đức Anh nhất trí với chủ trương của Bộ Tư lệnh chiến dịch là duy trì hoạt động của Sư đoàn 9 và một bộ phận của Sư đoàn 7 ở Đường 7 và Đường 16 - Tân Uyên để giữ bí mật và tiếp tục tạo thế chiến dịch. Bộ Tư lệnh chiến dịch lúc đầu dự kiến chọn Đồng Xoài là hướng chủ yếu, Bù Đăng là hướng thứ yếu; tiến công bằng phương thức hiệp đồng binh chủng, có xe tăng và pháo 130mm chi viện. Nhưng sau đó, chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu là chưa đánh Đồng Xoài và chưa được sử dụng xe tăng, pháo 130mm để giữ bí mật lực lượng, tiết kiệm đạn pháo lớn cho các đợt tiến công sau và để thăm dò từng bước phản ứng của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định lại quyết tâm: Sử dụng Sư đoàn 3 (thiếu), Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7), 1 tiểu đoàn đặc công tiến công trên hướng chủ yếu Bù Đăng; 2 tiểu đoàn bộ binh (Sư đoàn 7) và 2 tiểu đoàn đặc công tiến công trên hướng thứ yếu Bù Na; hướng phối hợp là chi khu Bù Đốp do đặc công tỉnh Bình Phước đảm nhiệm.
Là người chịu trách nhiệm cao nhất về lãnh đạo, chỉ huy quân sự, trước những tình huống khó khăn đặt ra trong Chiến dịch, đồng chí Lê Đức Anh trăn trở, suy đi tính lại để tìm phương án tối ưu. Sau đợt tiến công đầu tiên giành thắng lợi nhanh chóng (14/12 - 17/12), quân ta chiếm giữ Bù Đăng, cắt Đường 14 ở cây số 19, đồng thời diệt 17 đồn bốt của địch từ Bù Na đến Liễu Đức. Lực lượng địch tại các đồn bốt dồn về chi khu Đồng Xoài. Thắng lợi bước đầu mở ra thời cơ thuận lợi để đánh chiếm Đồng Xoài, đồng chí Lê Đức Anh điện báo cáo và xin ý kiến Bộ Tổng Tư lệnh: “Trên Đường số 14, ta giải phóng hoàn toàn đoạn từ cầu 11 gần Đồng Xoài, đến khỏi Bù Đăng giáp ranh giới chi khu Kiến Đức... Ở Bù Đăng, Vĩnh Thiện, Bù Na, ta thu được bốn khẩu pháo và 7.000 đạn pháo, trên 3.000 súng các loại, bắt 300 tù binh. Sẽ tiếp tục truy lùng...”.
Được sự đồng ý của Bộ Tổng Tư lệnh, đồng chí Lê Đức Anh triệu tập đồng chí Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4 đến Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền, thông báo cho đồng chí Hoàng Cầm về chủ trương của Bộ Tổng Tư lệnh, đồng ý cho Quân đoàn đánh Đồng Xoài; trao đổi rất kỹ về kế hoạch bước hai của chiến dịch, tiến công giải quyết dứt điểm cụm cứ điểm Đồng Xoài. Các bước tiếp sau hoặc song song với tiến công Phước Long cũng được tính tới, trong đó đặt ra yêu cầu về tăng pháo cỡ lớn yểm trợ và sử dụng Sư đoàn 9 tham gia chiến đấu.
Theo nhiệm vụ được giao và thực hiện ý định của trên, hai ngày 23 và 24/12/1974, Quân đoàn 4 lệnh cho Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7) được tăng cường một tiểu đoàn đặc công (Trung đoàn 429), ba khẩu pháo 105 ly, một khẩu 120 mm, một khẩu pháo 85 mm và một tiểu đoàn pháo cao xạ hiệp đồng tiến công đánh chiếm, làm chủ các chi khu Bù Đốp (còn gọi là Bù Đốp lưu vong), đồn Phước Tín, Phước Trù, Phước Quả.
Khi quân địch bị thu hút về hướng Bù Đốp đúng như ý định của ta, đồng chí Lê Đức Anh lệnh cho Quân đoàn 4 lập tức triển khai lực lượng tiêu diệt căn cứ chi khu Đồng Xoài. Nhiệm vụ đánh Đồng Xoài do Sư đoàn 7 đảm nhiệm, hướng tiến công chủ yếu giao cho Trung đoàn 141. Vào 5 giờ 37 phút ngày 26/12, quân ta nổ súng tiến công Đồng Xoài; đến 15 giờ, ta làm chủ hoàn toàn chi khu Đồng Xoài. Sau 4 ngày chiến đấu, ta diệt 2 chi khu, nhiều đồn bốt, đánh tan 2 tiểu đoàn địch, thu nhiều vũ khí (có 3 nghìn đạn pháo), giải phóng hoàn toàn Đường 14, Đường 311 đến sát chân núi Bà Rá.
Trước tình hình chiến dịch phát triển thuận lợi, địch phản ứng yếu ớt, Bộ Tư lệnh Miền họp phân công các đồng chí Lê Đức Anh, Năm Ngà và Lê Văn Tưởng, mỗi đồng chí phụ trách theo dõi, chỉ đạo một hướng tiến công trong Đợt 3 chiến dịch. Trên thực tế, mọi hành động của chiến dịch phải phục tùng ý đồ chiến lược. Bước đi của Chiến dịch Đường 14 - Phước Long là sau Bù Đăng thấy rõ điều kiện dứt điểm Đồng Xoài, sau Đồng Xoài thấy rõ khả năng giải phóng thị xã Phước Long đã chín muồi. Qua điện trao đổi giữa Bộ Tư lệnh Miền với Bộ Tổng Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Trần Văn Trà đang dự Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng ngoài Hà Nội vẫn dành thời gian theo sát diễn biến chiến dịch, trao đổi với các đồng chí trong Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu về những chủ trương, biện pháp để xử lý các dữ kiện phát triển của tình hình.
Ngày 27/12, sau khi nhận điện của đồng chí Trần Văn Trà thông báo ý kiến của đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí trong Thường trực Quân ủy Trung ương đồng ý để B2 được dùng tăng và pháo 130mm vào trận đánh thị xã Phước Long, đồng chí Lê Đức Anh điện chỉ đạo đồng chí Hoàng Cầm: “Bộ thông báo có khả năng địch điều động 1 - 2 lữ dù về Quân đoàn 3. Anh Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng chỉ thị ta phải tranh thủ thời cơ địch đang hoang mang và lực lượng tổng dự bị chưa về tới, phát triển nhanh chóng vây ép A1 (thị xã Phước Long), đồng thời có kế hoạch tiêu diệt quân viện lên B1 (Đồng Xoài) và A1”.
Rạng sáng 31/12/1974, Quân đoàn 4 được tăng cường Trung đoàn 16, hai tiểu đoàn pháo cao xạ, nổ súng tiến công thị xã Phước Long. Bộ đội ta xung phong đánh chiếm hệ thống công sự bảo vệ vòng ngoài, diệt chi khu Phước Bình, chiếm núi Bà Rá. Địch tập trung lực lượng, ngoan cố chặn các đường tiến công vào thị xã. Máy bay địch ném bom, bắn phá vào đội hình quân ta. Quân đoàn 4 quyết định dùng pháo bắn mạnh vào các mục tiêu trong thị xã; đồng thời dùng hỏa lực phòng không đánh trả máy bay địch. Bỏ qua các ổ đề kháng vòng ngoài, các mũi thọc sâu nhanh chóng đột phá, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng. Đến 19 giờ ngày 06/01/1975, quân ta giải phóng toàn bộ thị xã Phước Long.
Trải qua 24 ngày đêm chiến đấu, Chiến dịch Đường 14 - Phước Long đã kết thúc thắng lợi. Kết quả, quân ta tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở Phước Long (diệt 1.160, bắt 2.146 quân địch, 1 nghìn ra trình diện), bắn rơi và phá huỷ 15 máy bay, 4 pháo 155mm, 3 xe thiết giáp; thu 3.125 súng các loại, 2 máy bay C-113, 100 xe quân sự, hơn 10 nghìn đạn pháo; giải phóng toàn tỉnh Phước Long với hơn 50 nghìn dân; tạo ra địa bàn chiến lược quan trọng uy hiếp trực tiếp phía đông Đường 13 và hệ thống phòng thủ của địch trên hướng Bắc Sài Gòn.
Chiến dịch Đường 14 - Phước Long giành thắng lợi mang ý nghĩa “một đòn trinh sát chiến lược”. Là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Vùng căn cứ của ta ở Đông Nam Bộ được mở rộng, tạo thế liên hoàn, vững chắc. Chiến thắng Phước Long cho thấy sự suy yếu của quân đội Sài Gòn và khả năng phản ứng rất hạn chế của Mỹ, tạo thêm cơ sở để Hội nghị Bộ Chính trị (18/12/1974 - 08/01/1975) khẳng định quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam.
Trong suốt Chiến dịch, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh luôn theo sát và có sự chỉ đạo kịp thời. Trên cơ sở Bộ Tư lệnh Miền dưới sự điều hành của đồng chí Lê Đức Anh đã xây dựng kế hoạch chính xác, thể hiện ở việc chọn khu vực và hướng tiến công, đánh vào điểm tương đối yếu, sơ hở trong hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn. Thắng lợi trên đã đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực ta. Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã nắm vững ý định của cấp trên, chớp thời cơ, kiên quyết phát triển tiến công, giành thắng lợi lớn so với dự kiến; đồng thời, sử dụng cách đánh chiến dịch và các hình thức chiến thuật phù hợp khi đánh địch phòng ngự.
Thượng tá, ThS. Lê Quang Lạng