Trong bom đạn, chúng tôi đưa đồng chí vượt sông
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi tham gia Quân giải phóng miền Nam từ năm 1961, được vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1964. Từ năm 1965, tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ trực tiếp cho đồng chí Lê Đức Anh, lúc đó đồng chí Lê Đức Anh là Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền. Đến năm 1974, khi đồng chí Lê Đức Anh về căn cứ Tà Thiết của Bộ Chỉ huy Miền nhận công tác, tôi được đồng chí Lê Đức Anh cho ở lại làm trợ lý bảo vệ Sư đoàn 4, Quân khu 9.
Trong thời gian làm nhiệm vụ bảo vệ cho đồng chí Lê Đức Anh qua các chiến dịch, các chiến trường ở miền Đông cũng như ở ở miền Tây Nam Bộ, đã ghi lại trong trí nhớ của tôi nhiều kỷ niệm. Tôi thấy đồng chí Lê Đức Anh là người chỉ huy mẫu mực, dũng cảm và kiên định, không khuất phục trước bất cứ khó khăn gian khổ nào. Đồng chí còn là người giàu lòng thương yêu đồng chí, đồng đội và rất chăm lo đến đoàn kết quân dân.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, quân nguỵ Sài Gòn quyết liệt tiến công lấn chiếm vùng giải phóng. Thời kỳ này đồng chí Lê Đức Anh, mật danh là Chín Hoà, là Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí Võ Văn Kiệt, mật danh là Tám Thuận, là Bí thư Khu uỷ Khu 9. Hai đồng chí đã lãnh đạo và chỉ huy bộ đội và nhân dân đấu tranh chống lại sự lấn chiếm của địch để giữ đất và bảo vệ dân. Đồng chí Lê Đức Anh trực tiếp xuống kiểm tra chỉ huy chiến đấu của Trung đoàn 1 ở huyện Long Mỹ, Cần Thơ. Đồng chí Dương Tử là Trung đoàn trưởng, đồng chí Phạm Văn Trà (nay Bộ trưởng Quốc phòng) làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 1. Lần ấy, chúng tôi cùng đồng chí Lê Đức Anh vừa qua sông Nước Trong để tới Sở chỉ huy của Trung đoàn 1, vị trí cách đồn địch bên kia sông chừng mấy trăm mét. Vừa lúc đó máy bay trực thăng của địch tới oanh tạc. Chúng thả thùng thuốc nổ hợp chất C4 xuống hòng huỷ diệt Sở chỉ huy Trung đoàn 1. Tôi đứng trên cửa hầm quan sát. Đồng chí Lê Đức Anh đã ra lệnh cho tôi nổ súng bắn máy bay. Tôi nhắm vào máy bay bắn một loạt súng AK. Một chiếc máy bay trực thăng "Cán gáo" trúng đạn đã rơi cách hầm trú ẩn của chúng tôi chừng 200m. Chiếc thứ hai cũng bị tôi bắn bị thương, phải hạ cánh khẩn cấp xuống đồn Thanh Long, cách chỗ chúng tôi chừng 1km. Sau khi hai chiếc máy bay trực thăng bị trúng đạn, các loại máy bay địch bu đến tập trung cứu phi công Mỹ, chúng tôi lợi dụng cơ hội đó, tranh thủ đưa đồng chí Lê Đức Anh vượt sông Nước Trong sang Ban Chính trị Trung đoàn 1, lúc đó bố trí ngay sát hàng rào ngoài cùng của đồn Đầu Lá của địch, để đồng chí Lê Đức Anh nắm tình hình thực tế và chỉ huy chiến đấu. Đây là một trong những kỷ niệm mà tôi không thể nào quên trong những năm tháng được vinh dự làm nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Lê Đức Anh, một người chỉ huy mẫu mực, tận tuỵ, sát thực tế chiến đấu và rất gan dạ, kiên quyết và sáng suốt trong mọi tình huống.
Trương Văn Thọ
Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước