Quay lại

Tổng tham mưu phó, tham mưu trưởng Bộ chỉ huy miền Lê Đức Anh với công tác xây dựng lực lượng trên chiến trường B2 những năm 1964 - 1968

Đại tướng Lê Đức Anh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam. Suốt quá trình hoạt động cách mạng, dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, những năm 1964 - 1968, trên cương vị Tổng Tham mưu phó, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền, với tư duy, tầm nhìn chiến lược của một nhà quân sự tài ba, đồng chí Lê Đức Anh đã đề xuất với Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền nhiều chủ trương, biện pháp sáng tạo về xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, chỉ đạo tác chiến; trong đó có việc chỉ đạo triển khai chủ trương tổ chức xây dựng lực lượng trên chiến trường B2 thời kỳ này.

Cuối năm 1963, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam đứng trước sự phá sản hoàn toàn. Mỹ và chính quyền Sài Gòn ráo riết tăng cường các hoạt động quân sự ở miền Nam, đồng thời, đe dọa và chuẩn bị dùng sức mạnh quân sự chống phá miền Bắc Việt Nam. Cách mạng miền Nam cần có thêm sự tăng cường về cán bộ quân sự cấp cao, tăng cường xây dựng phát triển lực lượng và đẩy nhanh hơn hoạt động quân sự để ứng phó với các cuộc hành quân càn quét điên cuồng của địch. Trong bối cảnh đó, Tổng Tham mưu phó Lê Đức Anh đã được Đảng tin tưởng, giao nhiệm vụ vào chiến trường miền B2. Ông đã có mặt tại Bộ Chỉ huy Miền, đứng chân tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, trong chiến khu Dương Minh Châu, thuộc miền Đông Nam Bộ. Trở lại địa bàn quen thuộc, đồng chí được Bộ Chỉ huy Miền giao chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức, phát triển lực lượng tại chỗ. Với tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc sảo, nhạy bén, đồng chí đã đề xuất với Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền kế hoạch, phương án tổ chức xây dựng lực lượng ở vùng đô thị trước, sau đó mở rộng địa bàn ra hướng Đông. Lực lượng B2 lúc đó, hầu hết các đơn vị bộ binh được xây dựng ở quy mô cấp tiểu đoàn; cấp trung đoàn chủ lực của Miền có hai trung đoàn Q761 và Q762; bộ đội đặc công mới chỉ xây dựng được một số đơn vị và tổ chức huấn luyện chiến đấu. Việc xây dựng lực lượng “biệt động thành” còn rất khó khăn, vì nhất thiết phải lấy người tại chỗ ở nội đô và ven đô. Lực lượng pháo binh có Đoàn 80 gồm 5 tiểu đoàn, đứng chân ở vùng căn cứ miền Đông Nam Bộ.

Thực hiện Nghị quyết Quân ủy Trung ương đầu năm 1964 về thúc đẩy đòn tiến công quân sự, đẩy mạnh hoạt động tác chiến trên các chiến trường miền Nam đánh bại các cố gắng chiến tranh của địch, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của chúng, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo và tổ chức xây dựng lực lượng hết sức sáng tạo, phát huy tối đa sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Đồng chí chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn địa phương phát triển lực lượng dân quân du kích ở cơ sở. Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Miền chủ động, tăng cường xây dựng lực lượng bộ đội địa phương và chủ lực, qua đó, từng bước xây dựng B2 thành chiến trường có lực lượng vũ trang ba thứ quân để triển khai đánh địch mạnh mẽ, rộng khắp. Tính đến cuối năm 1964, việc xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân trên toàn địa bàn B2 đạt được nhiều kết quả quan trọng, lực lượng vũ trang B2 nhất là bộ đội chủ lực đã đủ sức đương đầu với các cuộc hành quân của địch và tiến hành các chiến dịch tiến công. Nhiều vùng “trắng” trước đây quân bị địch hành quân càn quét, bắn phá, sát hại đồng bào ta, nay cơ sở và lực lượng vũ trang cách mạng đã được xây dựng và bắt đầu hoạt động hiệu quả. Đó là kết quả nổi bật, thành tích xuất sắc trong tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang của Bộ Chỉ huy Miền, mà người được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo là đồng chí Lê Đức Anh.

Lúc này, Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền trình lên Trung ương Cục miền Nam kế hoạch mở chiến dịch Bình Giã. Lực lượng tham gia chiến dịch trên hướng chủ yếu có hai trung đoàn bộ binh chủ lực (Q761, Q762), 4 tiểu đoàn trợ chiến và bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa. Hướng tiến công thứ yếu do lực lượng Quân khu 6 đảm nhiệm. Hướng phối hợp do lực lượng Quân khu 7 và bộ đội địa phương tỉnh Biên Hòa đảm nhiệm.

Được sự nhất trí của Trung ương Cục miền Nam, Bộ Chỉ huy chiến dịch Bình Giã triển khai tiến hành chiến dịch. Sau hơn một tháng chiến đấu (từ đêm 02/12/1964 - 03/01/1965), chiến dịch Bình Giã đã giành thắng lợi to lớn. Huyện Hoài Đức được giải phóng, vùng căn cứ được củng cố và mở rộng bảo đảm cho việc tiếp nhận vũ khí, trang bị của Trung ương từ miền Bắc chi viện bằng đường biển vào chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Chiến thắng Bình Giã đánh dấu sự thất bại cơ bản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đồng thời, khẳng định ta có khả năng xây dựng những đơn vị chủ lực lớn tại chỗ cấp sư đoàn để đánh lớn tiêu diệt được chủ lực địch.

Sau những thất bại liên tiếp, Mỹ và chính quyền Sài Gòn liên tiếp tổ chức các cuộc hành quân thực hiện hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” vào các vùng căn cứ của kháng chiến. Chúng huy động một lượng lớn binh khí kỹ thuật áp đảo, xe tăng, xe bọc thép, các loại máy bay cường kích, tiêm kích yểm trợ, được chỉ huy quân Mỹ và quân đội Sài Gòn huy động tổng lực, với tất cả các quân, binh chủng càn quét các căn cứ của ta trong đó chủ yếu là căn cứ Dương Minh Châu của Trung ương Cục miền Nam, Bộ chỉ huy Miền ở Bắc Tây Ninh.

Từ rất sớm, qua phân tích, nhận định, đánh giá âm mưu, thủ đoạn của địch, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền đã giao cho Tham mưu trưởng Lê Đức Anh nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng lực lượng và thế trận đánh địch tại chỗ để đánh trả hiệu quả các cuộc hành quân càn quét của địch. Đồng chí đã chỉ đạo các cơ quan tiến hành tổ chức các “ấp, xã chiến đấu”, bám trụ đánh địch tại chỗ, giữ chắc các ấp, xã chiến đấu. Cán bộ, nhân viên cơ quan Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng được tổ chức thành các xã, huyện căn cứ để trên cơ sở đó tổ chức ra các đơn vị du kích, tự vệ “địa phương”. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trong cơ quan Bộ Chỉ huy Miền được tổ chức thành các đơn vị bộ đội địa phương, làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu tại chỗ trên từng khu vực. Khi có địch càn quét, nơi địch không đến thì bung ra tìm địch mà đánh, bám địch mà diệt, thực hiện tiêu hao địch rộng rãi, vừa chiến đấu vừa bảo đảm phục vụ chiến đấu, bảo vệ an toàn cơ quan và kho tàng, vừa tổ chức duy trì sinh hoạt trong căn cứ để đánh địch lâu dài.

Với các cán bộ đầu ngành của các cơ quan Bộ Chỉ huy Miền và Trung ương Cục miền Nam trực tiếp tổ chức, xây dựng lực lượng. Trong các cơ quan Bộ Chỉ huy Miền, mỗi ngành được tổ chức thành một “huyện đội” do đồng chí chủ nhiệm ngành làm “huyện đội trưởng”, tổ chức triển khai vị trí đứng chân và xây dựng trận địa chiến đấu trên một địa bàn huyện với các “xã chiến đấu”, “ấp chiến đấu”, bảo đảm có chiều sâu và chiều rộng phòng ngự liên hoàn. Theo đó, ngành Thông tin của Bộ Chỉ huy Miền đảm nhiệm huyện Tà Đạt; ngành công binh phụ trách huyện Sóc Ky; Trung đoàn Bảo vệ 170 phụ trách huyện Châu Thành... Các huyện đội, cụm đội, xóm và khu vực đội liên kết với nhau tạo thành thế trận rộng khắp, với lực lượng đông đảo đủ các thành phần, tạo sức mạnh tổng hợp. Từ 20 đến 30 người tổ chức thành một “ấp chiến đấu” và có một tiểu đội du kích. Từ hai đến ba “ấp” thành một “xã chiến đấu”. Mỗi xã có ba đội du kích, huyện có đại đội cơ động. Các huyện đội tiến hành đào công sự cá nhân, giao thông hào, chứ không làm hầm to kiên cố. Cứ 5 đến 10m lại đào một hố cá nhân, sau đó làm nắp chống đạn. Các cơ quan, đơn vị phải đào hầm bí mật để dự trữ lương thực, thực phẩm đủ cho ba tháng chiến đấu.

 Đồng thời, đồng chí Lê Đức Anh còn chỉ đạo các đơn vị bộ đội chủ lực chủ động tổ chức bố trí phân tán, sử dụng lực lượng chiến đấu quy mô cấp đại đội, phối hợp cùng với bộ đội địa phương và du kích đánh địch. Theo đó, bộ đội chủ lực ở vòng ngoài, khi có thời cơ thì triển khai tập kích quân địch. Lực lượng tại chỗ sẽ bám trụ và đánh địch bằng theo phương thức mới. Trên các khu vực được phân công, các cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, bổ sung phương án tác chiến, phương án hiệp đồng, nhận vũ khí, đạn dược và hoàn thành mọi công tác chuẩn bị trong tháng 01/1967. Đây là cách tổ chức, xây dựng lực lượng rất sáng tạo, độc đáo, nhạy bén, phù hợp với địa bàn, có thể huy động được mọi thành phần lực lượng, tạo ra thế trận rộng khắp, liên hoàn và chiều sâu để đối phó với âm mưu và thủ đoạn của địch.

Đúng như dự liệu của Bộ Chỉ huy Miền, từ đầu tháng 02/1967, địch cho máy bay trinh sát quần đảo, máy bay ném bom rải thảm, rải chất độc hóa học chuẩn bị cho chiến dịch lớn. Đến ngày 22/02/1967, địch huy động 45.000 quân, với 600 máy bay chiến đấu, 250 khẩu pháo các loại, 1.200 xe tăng, xe thiết giáp tiến hành cuộc hành quân Gianxơn Xiti tiến công vào khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy Miền ở Bắc Tây Ninh, tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, tìm diệt bộ đội chủ lực Quân giải phóng. Bộ Chỉ huy Miền chủ trương mọi lực lượng trong cơ quan, đơn vị ở căn cứ bám trụ chiến đấu tại chỗ, phối hợp với một bộ phận chủ lực mở chiến dịch phản công, bẻ gãy gọng kìm “tìm diệt”, hỗ trợ phá vỡ gọng kìm “tìm diệt” của địch.

Việc tổ chức xây dựng lực lượng “xã, huyện chiến đấu” càng minh chứng tính sáng tạo, nhạy bén, rất phù hợp với cách đánh của ta. Lực lượng dân quân cũng rất chủ động đánh dịch, phối hợp, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực tác chiến ở vòng ngoài, tổ chức những đòn mạnh giáng vào đội hình địch co cụm, gây thiệt hại nặng cho chúng.

 Với cách tổ chức sử dụng lực lượng đánh địch tại chỗ, rộng khắp trên toàn địa bàn, địch đi đến đâu cũng bị ta chặn đánh, cả ở phía trước, hai bên sườn và phía sau. Bị đánh liên tục, ở mọi nơi, địch không thể phân biệt được đâu là lực lượng chủ lực, đâu là lực lượng địa phương của đối phương. Chúng buộc phải để một lực lượng tương đối lớn để bảo vệ căn cứ, đường giao thông. Vì thế, số quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trực tiếp tiến công bị hạn chế, trong khi tinh thần của chúng mệt mỏi, sa sút vì luôn bị động căng thẳng đối phó. Chớp thời cơ khi địch mệt mỏi, bộ đội địa phương phối hợp với du kích, tự vệ cơ quan chủ động tổ chức tiến công tiêu hao nhiều sinh lực địch.

Thắng lợi đó khẳng định chủ trương, phương châm tác chiến của Quân ủy Trung ương đã được Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền, Bộ Tư lệnh chiến dịch và cá nhân đồng chí Lê Đức Anh quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo trong tổ chức xây dựng lực lượng. Với phương thức bố trí thế trận tác chiến và lực lượng vũ trang ba thứ quân như vậy buộc địch phải luôn ở thế bị động, phải đánh theo nghệ thuật và cách đánh của chúng ta, không thể phát huy cách đánh sở trường và ưu thế binh khí, hỏa lực của chúng.

Tháng 01/1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương họp và ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 (khóa III), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận định: “Chúng ta đang đứng trước triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Đế quốc Mỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược”[83]. Bộ Chính trị chủ trương: cần phải tập trung toàn bộ sức mạnh của chiến tranh cách mạng miền Nam, đánh địch bằng cả tiến công quân sự và tiến công chính trị. Đây là nhiệm vụ trọng đại và cấp bách, nhằm giáng cho địch một đòn thật mạnh, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, tạo sự thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho ta, chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định. Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III), chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền tích cực triển khai công tác chuẩn bị, nghiên cứu để tìm ra cách đánh phù hợp. Trong bối cảnh đó, với tài năng, nhạy bén của người chỉ huy, đồng chí Lê Đức Anh đề xuất phương án chỉ đạo mỗi đơn vị biệt động phải hiểu và nắm rõ hai mục tiêu, khi có lệnh thì chọn một mục tiêu để đánh. Như vậy, nếu ta định đánh 6 mục tiêu thì phải trinh sát nắm vững và chuẩn bị đánh 12 mục tiêu. Đặc biệt, yêu cầu tổ chức lực lượng biệt động phải trang bị gọn nhẹ, bí mật, linh hoạt, phân tán trong dân, thường xuyên hoạt động trong lòng địch. Biệt động là lực lượng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ, thường đánh những đòn hiểm, táo bạo, bất ngờ vào cơ quan đầu não và các mục tiêu quan trọng của địch ở các đô thị. Lực lượng vận tải trong nội đô được giao cho phụ nữ đảm nhiệm. Nhiệm vụ đánh phá các sân bay và Tổng nha Cảnh sát được giao cho bộ đội đặc công và chủ lực bộ binh. Các lực lượng tham gia cuộc tổng tiến công phải nhanh chóng đưa một khối lượng lớn vũ khí và phương tiện chiến đấu vào ém sát các mục tiêu dự định tiến công dưới sự canh gác, kiểm soát gắt gao của quân địch, nhất là ở thành phố Sài Gòn, cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Dưới sự hướng dẫn, kiểm tra chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh về kỹ thuật ngụy trang cộng với sự mưu trí, sáng tạo của các đơn vị, nhiệm vụ chuyển một khối lượng lớn vũ khí chuẩn bị chiến đấu vào nội thành đã được hoàn thành xuất sắc.

Cùng với việc vận chuyển vũ khí, vật chất vào nội thành, Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền và trực tiếp đồng chí Lê Đức Anh đã tổ chức động viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần, lực lượng. Nhân dân vừa thực hiện trinh sát, nắm tình hình địch, che giấu cán bộ vừa trực tiếp dẫn đường tham gia chiến đấu, tiếp tế cho bộ đội, nuôi dưỡng thương binh và đưa về căn cứ. Vì thế, Bộ Chỉ huy Miền đã xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc, giữ được bí mật cho đến giờ nổ súng tiến công địch.

Đêm giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, quân và dân ta trên toàn miền Nam đồng loạt nổ súng tiến công vào các vị trí quân địch tại 4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, trong đó có 4 bộ tư lệnh quân đoàn - sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần của chúng. Các trung tâm đầu não quân sự, chính trị của địch ở Sài Gòn và các địa phương, cả tòa đại sứ Mỹ bỗng chốc trở thành mục tiêu tiến công của Quân giải phóng. Quân và dân ta đã giáng đòn bất ngờ và đánh trúng vào “hệ thần kinh trung ương” của địch, đánh vào “huyết mạch”, vào “tim óc” và “yết hầu” của chúng. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy này, đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy bộ đội trên hướng Tây Sài Gòn, từ Long An đánh vào Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát đô thành. Các đơn vị ở cánh này đã đánh thẳng vào các mục tiêu đề ra, sau đó bí mật rút quân ra. Tuy nhiên sau đó, quân địch phản kích quyết liệt, đơn vị phải nhờ nhân dân, cơ sở cách mạng bí mật cứu chữa và nuôi dưỡng thương binh đến khi nào lành mới trở về đơn vị.

Với tinh thần dũng cảm vô song, lối đánh táo bạo, thông minh và sự hy sinh to lớn, lực lượng biệt động đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, đánh gục ý chí chiến tranh của đế quốc Mỹ. Đó là kết quả của quá trình chuẩn bị, xây dựng thế trận, xây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở chính trị ở các đô thị theo phương châm của Đảng, trong đó có công lao đóng góp của đồng chí Lê Đức Anh.

Năm tháng qua đi, nhưng những đóng góp và bài học kinh nghiệm quý về công tác chỉ đạo tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang trên chiến trường B2 của Đại tướng Lê Đức Anh vẫn còn được nhắc nhở và có giá trị trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân hiện nay. Điều đó càng có ý nghĩa hơn đối với toàn quân ta đang quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 16-KL/TW ngày 17/7/2017 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/8/2017 của Bộ Chính trị về lực lượng và bảo đảm vũ khí trang bị cho Quân đội đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, XI; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có một số quân binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại theo hướng “Tinh, gọn, mạnh”; có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu, cơ động ngày càng cao; trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng hoàn thiện, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trung tướng NGÔ MINH TIẾN