Quay lại

Tôi coi ông như một người anh của mình

Tôi coi ông Lê Đức Anh như một người anh. Ông có nhiều công lao xuất sắc. Sau năm 1954 ông tập kết ra Bắc, làm Cục phó Cục Tác chiến. Khoảng 1958-1959 làm Cục phó rồi Cục trưởng Cục Quân lực, thay ông Trần Sâm (sang Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần).

Tôi làm Trưởng phòng dưới quyền ông. Ông là người có tầm nhìn chiến lược, nắm các vấn đề rất nhanh nhạy, từ đó trong công tác, các ý kiến của ông đưa ra rất sắc sảo. Ông có tác phong rất quyết đoán, các vấn đề ông thường nghĩ kỹ rồi mới đi đến quyết định. Đã là làm bằng được. Tác phong làm việc của ông rất cụ thể, tỉ mỉ, thái độ với anh em thân mật, cởi mở, gần gũi, ai làm việc với ông cũng thấy dễ gần.

Giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta, cả Liên Xô và Trung Quốc không tán thành, nhưng sau họ hiểu ra và quyết tâm đánh Mỹ và thấy rõ khó khăn của ta thì họ giúp đỡ tích cực và hiệu quả.

Lê Đức Anh

Năm 1960 tôi được cử đi học ở Lạng Sơn, năm 1961 đi học ở Liên Xô, 1964 tôi mới về. Tháng 8-1964 tôi có quyết định vào Nam, nhưng chờ tin tức đến cuối tháng 11 mới đi được, cuối năm 1964 mới vào đến Bộ Chỉ huy Miền (R).

Ông Lê Đức Anh lúc đó làm Tham mưu trưởng Miền, tôi làm Trưởng phòng Quân lực Miền; sau này ông Lê Đức Anh làm Phó tư lệnh Miền, tôi làm Phó Tham mưu trưởng Miền. Rồi ông đi làm Tư lệnh Quân khu 9. Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, cấp trên lại rút ông lên Bộ chỉ huy Miền làm Phó Tư lệnh chiến dịch. Năm 1976 giải thể Bộ Chỉ huy Miền, tôi ra Bắc làm Cục trưởng Cục Quân lực, đến 1982 tôi làm Phó Tổng Tham mưu trưởng. Năm 1986 ông Lê Trọng Tấn mất, ông Lê Đức Anh ra làm Tổng Tham mưu trưởng, sau đó làm Bộ trưởng Quốc phòng. Do đó có thể nói, cả trong Nam ngoài Bắc, tôi đã nhiều dịp làm việc trực tiếp với ông.

Ở Miền Nam, tôi thấy ông Lê Đức Anh là người có tầm nhìn chiến lược, các vấn đề ông suy nghĩ cân nhắc rất sâu, sắc sảo. Kèm thêm tác phong rất quyết đoán, mạnh bạo dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Ví dụ: Ông nắm quan điểm chiến tranh nhân dân rất chắc, nhận thức vấn đề đó rất rõ. Cho nên trong chỉ đạo tác chiến ông thể hiện là một người chỉ huy luôn quan tâm đến xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân.

Ở miền Nam, việc động viên nhân dân và đưa lực lượng quân đội xuống sát dân để vừa tác chiến vừa xây dựng lực lượng cách mạng, xây dựng phong trào rất được chú trọng.

Như ở Long An, ta có hai tiểu đoàn chủ lực của tỉnh, Mỹ dồn quân về các tỉnh, huyện vùng ven Sài Gòn, chà đi xát lại,hai tiểu đoàn đó bị thương vong phần lớn, Trung ương Cục thấy phải làm sao khôi phục lại (vì nhiều chi bộ xã của tỉnh Long An đã bị lột xác mấy chục lần), để làm việc đó phải có hành động của lực lượng vũ trang làm nòng cốt khôi phục lại phong trào cho địa phương. Tôi còn nhớ, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh, chúng tôi đã trực tiếp tổ chức lực lượng, cùng với các đơn vị chiến đấu từ miền Bắc đưa vào chi viện, khi một tiểu đoàn, khi hai tiểu đoàn cho Long An, phối kết hợp với số cán bộ chiến sĩ còn lại của hai tiểu đoàn của tỉnh, tổ chức, củng cố lại để Long An luôn có được hai tiểu đoàn chủ lực hoạt động, do đó đã thật sự trở thành nòng cốt cho phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Tổng cộng lại, trong suốt cuộc chiến tranh đã đưa tất cả lần lượt 21 tiểu đoàn bộ binh tăng viện cho Long An.

Cuộc chiến đấu phản công đánh bại cuộc hành quân Gianxơn Xity của quân địch, bảo vệ an toàn căn cứ Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền:

Ông Anh đề nghị với Trung ương Cục: Tất cả các cơ quan của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền thành lập "tỉnh đội, huyện đội và xã đội" (nghĩ được việc đánh địch tại chỗ trên một địa bàn không có dân, phải là người có nhiều kinh nghiệm tổ chức).

Những cơ quan lớn thành một xã, cơ quan nhỏ thành một thôn, cơ động chi viện cho nhau. Quân ta tiến hành "cò cây", tức là chặt một phần thân cây bẻ gập xuống để gây trở ngại, quân địch không đi được, chỉ để lại một đường bí mật để quân ta cơ động. Thực hiện diệt chó, còn gà thì buộc dây không cho gáy để giữ bí mật. Tiến hành gài lựu đạn, đào hố chông mìn dọc đường đi vào các căn cứ đóng quân. Đào giao thông hào,chiến hào trong và xung quanh cơ quan để du kích của cơ quan cơ động chiến đấu bảo vệ cơ quan.

Cơ quan mấy ngàn người tổ chức thành mạng lưới chiến tranh nhân dân. Nghe được tin tình báo quân Mỹ sắp càn tới, là ta chuẩn bị ngay. Lúc đó tôi phụ trách Quân lực, ông Anh bảo tôi ra lệnh xuất kho B40, B41, AK để trang bị rộng rãi cho du kích cơ quan, đánh xong sẽ thu lại trả về kho.

Chính vì vậy cuộc càn Gianxơn Xity, địch đi đâu cũng bị ta đánh và bị đánh rất mạnh. Chủ lực của Miền lúc đó có Sư đoàn 9 nhưng đã được giao nhiệm vụ tác chiến diệt địch ở nơi khác, chỉ có Trung đoàn 2 cơ động về đánh vòng ngoài để bảo vệ căn cứ.

Chỉ huy, chỉ đạo thì có tập thể Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, nhưng trong đó vai trò của đồng chí Lê Đức Anh là rất rõ.

Địch dùng máy bay B52 ném bom rải thảm, phi pháo, máy bay Cá rô (UH1) trinh sát, Cá lẹp bay xung quanh phóng rốc két xuống, phá nhiều khu trong căn cứ tan hoang. Ta đào chiến hào và hầm ẩn náu kiên cố, chính vì vậy mà ta trụ lại được. Nhiều đơn vị diệt được địch. Quân địch huy động quân và vũ khí, phương tiện càn lớn như vậy nhưng không tìm và diệt được cơ quan đầu não của ta. Một hôm nó càn vào cách chỗ chúng tôi đang họp với đồng chí Lê Đức Anh chỉ khoảng 200 mét, nghe rõ cả tiếng xe bọc thép M113 đang tiến vào nghiền đổ cây rừng rào rào. Lúc đó có lệnh, một đồng chí từ trong nhà xách súng B41 ra bắn cháy hai xe. Số xe địch còn lại tháo lui.

Trung đoàn 2 của Sư đoàn 9 có trận ở trảng Mỹ Hạnh, đơn vị đánh vận động tập kích rất giỏi.

Tối đó quân địch đổ bộ trảng Mỹ Hạnh có hơn 100 xe tăng và thiết giáp quay vòng tròn, bộ binh ở trong. Ta tổ chức trung đoàn trưởng cùng các chỉ huy trưởng tiểu đoàn và đại đội đi trước vừa trinh sát địch vừa vạch kế hoạch tác chiến luôn, rồi quay về đón bộ đội do các cấp phó chỉ huy hành quân liền theo sau, tối đó tập kích liền. Riêng trận đó Trung đoàn 2 diệt hơn 90 xe tăng và xe thiết giáp.

Chiến trường Đông Nam Bộ có các trục giao thông lớn, quân địch động, chúng thường đóng quân chiếm giữ các trục giao thông và tuần tra canh gác, nên quân ta ở các khu vực khi tiếp cận vận động trên các trục giao thông thường gặp khó khăn. Bộ chỉ huy Miền và ông Lê Đức Anh đã có những sáng tạo trong tổ chức các đoàn hậu cần khu vực. Có móc nối với cơ sở trong thành phố để bảo đảm thu mua lương thực, thực phẩm, thuốc men. Rồi tổ chức các đơn vị tăng gia sản xuất, tại miền Đông Nam Bộ có các đoàn 81-82-83-84 85-86, mỗi đoàn đứng chân trên một vùng để bảo đảm hậu cần cho các trung đoàn và sự đoàn khi các đơn vị này cơ động đến vùng của mình triển khai và thực hành nhiệm vụ chiến đấu. Các đoàn hậu cần có nhiều khi thu mua được cả đạn dược, xăng dầu. Quân nguỵ đưa cả xe M113 ra các lô cao su bán cho ta. Phải có những người dân cơ sở rất giỏi và trung thành, rồi móc nối với lính nguỵ. Bởi vậy đời sống của bộ đội B2 đỡ hơn nhiều so với B3 và Khu 5. Hệ thống các kho vũ khí, đạn dược, trạm sửa chữa, trạm quân y được tổ chức khoa học.

Nam Bộ lúc đó có một đơn vị chủ lực cơ động cấp sư đoàn là Sư 9, đi đâu cũng có kho hậu cần, trạm quân y phục vụ.

Quan điểm "hậu cần tại chỗ" (vừa tự sản xuất vừa tìm nguồn mua) đã phát huy tác dụng rất to lớn, nên các đơn vị chủ lực khi ở phía đông, khi phía tây, nhưng ở đâu cũng được bảo đảm mọi mặt để sinh hoạt và chiến đấu.

Khu 9: Hồi đó giữa Khu uỷ và Bộ Tư lệnh có vấn đề không nhất trí. Nhiều chủ trương của trên chấp hành chưa tốt, hiểu về quan điểm chiến tranh nhân dân lệch, coi nhẹ chủ lực, mà lại kéo dài, nên hoạt động quân sự không lên được. Khi trên điều đồng chí Lê Đức Anh xuống làm Tư lệnh, đồng chí Võ Văn Kiệt làm Chính uỷ Quân khu và Bí thư Khu uỷ, hai đồng chí đã đấu tranh kiên quyết và kiên quyết làm.

Năm 1973, sau Hiệp định Paris, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo chấp hành nghiêm hiệp định. Mỹ rục rịch rút nhưng nó thúc thằng nguỵ lấn chiếm và cắm cờ phá Hiệp định. Khu 9 là điển hình của tinh thần cách mạng tiến công, trong khi các khu khác có lựng xứng. Sau một thời gian thì Khu 6, rồi Khu 7 học tập Khu 9 cũng đánh tới, mới khôi phục được tình thế, làm phá sản âm mưu "Việt Nam hoá chiến tranh" và kế hoạch "Tràn ngập lãnh thổ" của Mỹ nguỵ. Lúc bấy giờ có sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Miền đưa chủ lực của quân khu vào U Minh củng cố, nhưng ông Lê Đức Anh đã báo cáo đề nghị với Quân uỷ và Bộ Chỉ huy Miền cho các đơn vị tiếp tục bám chắc địa bàn và tích cực đánh địch, không đưa chủ lực vào U Minh củng cố. Vừa đánh vừa cho các lực lượng đơn vị thay nhau củng cố tại chỗ. Nói về tầm nhìn và bản lĩnh của người cán bộ lãnh đạo và chỉ huy chỗ này rất đáng khâm phục.

Đánh địch vi phạm Hiệp định thì Khu 9 là thành công nhất. Sau đó Trung ương đã chỉ đạo các đơn vị đánh mạnh, làm cho chúng không thực hiện được "Việt Nam hoá".

Thời kỳ ông làm Tổng Tham mưu trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và sau đó làm Chủ tịch nước.

Nhà máy xi măng Chinh Fong, Hải Phòng. Đồng chí An, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng lên đề nghị nhiều lần, Chính phủ có công văn nhiều lần yêu cầu Bộ Quốc phòng cho di dời trận địa pháo ở Lục Đầu Giang. Đây là trận địa pháo có thể bắn ra ngã ba sông, mà phía trước đó có núi che đỡ rất tốt. Trước đây, đồng chí Vương Thừa Vũ, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng đã cùng cán bộ tham mưu cất công lặn lội đi nghiên cứu nhiều tháng trời mới chọn được một trận địa tốt như vậy. Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu lúc đó cũng đã đi kiểm tra nhiều lần, cũng cân nhắc mãi, song do Chính phủ nhiều lần có công văn nhắc nhở, nên Bộ Tổng Tham mưu đã ra lệnh cho di dời trận địa pháo. Khi nhà máy xi măng Chinh Fong được xây dựng xong, thì đường cơ động cho pháo của ta bị khó khăn. Khi được tin, ông Lê Đức Anh lúc đó làm Chủ tịch nước rất bực mình, ông nói: "Tôi còn đây, nếu khó các anh phải đề đạt. Nếu không cân nhắc thật kỹ, cứ để bị lấn sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp quốc phòng - an ninh của đất nước". Cũng tinh thần này ông đã chỉ đạo cụ thể việc giữ gìn, tôn tạo và phát huy hiệu quả của khu vực quân cảng Cam Ranh.

Nhà máy điện Sao Đỏ ở đầu sân bay nước mặn ở Đà Nẵng, định làm cột khói cao, như vậy không bảo đảm an toànkhi máy bay lượn vòng, Bộ Quốc phòng đã đề nghị xê dịch nhà máy đến một địa điểm gần đó để bảo đảm an toàn ..

Nhiều việc khác nữa thể hiện ông Lê Đức Anh dứt khoát, rất có trách nhiệm.

Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước!

Trung tướng Đỗ Đức