Quay lại

Tôi có bốn kỷ niệm sâu sắc với thủ trưởng Sáu Nam

Những năm 1964-1967, khi công tác ở Bộ Tổng Tham mưu tôi làm Trưởng Ban miền Nam, Phòng 70 - Cục II. Cuối năm 1967 tôi có quyết định đi B, vào tăng cường cho Phòng 2 - Bộ Tham mưu Miền để kịp phục vụ Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968.

Từ năm 1968 đến ngày 30-4-1975, tôi là Trưởng ban Nghiên cứu và Phó trưởng Phòng 2, Bộ Tham mưu Miền. Sau ngày miền Nam giải phóng, tôi chuyển sang làm Phó trưởng Phòng rồi Trưởng Phòng 2, Bộ Tham mưu Quân khu 7 cho đến năm 1980. Lúc này anh Sáu là Tư lệnh Quân khu 7. Những năm 1982-1987, sau khi đi học ở Học viện Chính trị và quân sự cấp cao về, tôi có quyết định chuyển sang phụ trách Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, thường xuyên đi công tác ở chiến trường K với tư cách cán bộ nghiên cứu hoặc phái viên của Tư lệnh Quân khu (đồng chí Năm Ngà). Lúc này anh Sáu đã là Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.

Tôi có bốn kỷ niệm sâu sắc với Thủ trưởng Sáu Nam khi ở chiến trường B2 và trong chiến tranh Tây Nam.

Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh

Thứ nhất: Sau đợt 1 Mậu Thân 1968, ở Sài Gòn - Gia Định và các đô thị trên chiến trường B2 ta giành thắng lợi lớn cả về quân sự và chính trị. Nhưng tổn thất cũng rất nặng nề. Không kịp bổ sung, chấn chỉnh. Nhiều đơn vị cấp trung đoàn, tiểu đoàn không còn sức chiến đấu. Có đại đội mới được bổ sung buổi sáng, đến cuối chiều tối đã hy sinh 2/3, cán bộ trung đội, đại đội chưa thuộc hết tên chiến sĩ đã hy sinh. Lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định gần như tê liệt. Địch lúc đầu bị đánh bất ngờ, hoang mang, hỗn loạn. Nhưng lực lượng chủ lực của Mỹ - ngụy chưa bị thiệt hại nặng, còn sức gượng lại và tổ chức phản kích quyết liệt trên các địa bàn ven đô thị và khu trung tuyến. Hệ thống chỉ huy của ta từ Miền xuống các địa phương, đơn vị rất khó khăn, nhiều nơi gần như không có báo cáo.

Chấp hành nghị quyết của Trung ương Cục và Quân ủy - Bộ Chỉ huy Miền, ta vẫn chủ trương tiếp tục tiến công đợt 2 vào đô thị theo tinh thần "Tổng công kích, tổng khởi nghĩa là một quá trình...".

 Theo tôi biết, trong lãnh đạo chỉ huy các cấp lúc bấy giờ đã có những ý kiến khác nhau, nhất là các cấp dưới tuy trong tư tưởng chưa thật thông nhưng không dám công khai phát biểu. Cá biệt đã có cán bộ cấp cao dao động, đầu hàng địch.

Vào đợt 2, ta cũng đánh được vào nhiều nơi trong nội đô, có gây tiếng vang nhưng tiếp tục bị tổn thất lớn hơn, khó khăn thêm. Trong đợt này, anh Sáu Nam - Phó Tư lệnh Miền được cử chỉ huy trực tiếp cánh Tây - Nam, xuống đến vùng ven Bình Chánh. Tham gia chiến đấu trên hướng này có Sư đoàn 9 do anh Sáu Khâm làm Sư trưởng, anh vẫn còn trên biên giới. Theo đồng chí Mười Mẫn, cán bộ trinh sát Phòng 2 Miền đi phục vụ trực tiếp anh Sáu kể lại: Do sốt ruột chưa nắm được tình hình các đơn vị thuộc quyền, thủ trưởng Sáu Nam đã điện cho anh Sáu Khâm: "Tôi đang ở đây (Bình Chánh), anh còn ở trên biên giới làm gì? Anh hay là tôi chỉ huy?" Anh Sáu Khâm điện trả lời: "Tôi đang chỉ huy Sư đoàn triển khai lực lượng nên chưa xuống kịp". Việc này chứng tỏ thủ trưởng Sáu Nam rất sâu sát, dũng cảm và nghiêm khắc với cấp dưới trong chấp hành mệnh lệnh.

Sau đợt 2, chuẩn bị đánh tiếp đợt 3 vào đô thị. Nhưng tư tưởng và ý kiến của cán bộ, chiến sĩ càng phân tán. Tôi được biết chính thủ trưởng Sáu Nam là một trong số ít người đầu tiên đề xuất ý kiến tạm thời ngừng tấn công vào đô thị vì không còn yếu tố bí mật bất ngờ, không còn thời cơ và không đủ lực. Lúc bấy giờ nhiều người trong chúng tôi cũng nghĩ như vậy nhưng không dám nói ra vì sợ bị quy chụp là "dao động, không chấp hành nghị quyết". Là một cán bộ chủ trì Phòng Quân báo Bộ Chỉ huy Miền trực tiếp phụ trách công tác nghiên cứu địch, tôi tự thấy cũng chưa làm hết trách nhiệm giúp người chỉ huy kịp thời đánh giá đúng tương quan địch ta trong một tình huống đặc biệt quan trọng sau đợt 1 Mậu Thân.

Thứ hai: Khi thủ trưởng Sáu Nam chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ làm Tư lệnh Quân khu 9, tôi được phân công trực tiếp báo cáo toàn diện tình hình địch cho thủ trưởng nắm và trả lời các câu hỏi nhận xét đánh giá về địch ở địa bàn đồng bằng sông Cửu Long. Trong cuộc họp này có đồng chí Trần Văn Danh (Ba Trần), nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền - Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu và đồng chí Trần Viết Tá, cán bộ Phòng Tuyên huấn Cục chính trị cùng nghe.

Tôi báo cáo khá chi tiết tình hình mọi mặt về địch, nhất là việc đẩy mạnh xây dựng phát triển địa phương quân, dân quân tự vệ và kế hoạch bình định ở các trọng điểm... Tôi cũng là một cán bộ dám nghĩ, dám nói kể cả phản biện với ý kiến cấp trên. Trong phần đánh giá tình hình, tôi có nêu các nhận xét: Địch tuy có một số mặt khó khăn về tinh thần và sức chiến đấu, nhưng đã tranh thủ phát triển nhanh lực lượng địa phương quân và phòng vệ dân sự ở các vùng chúng kiểm soát. Nhìn chung địa phương quân và lực lượng phòng vệ dân sự của địch mạnh hơn bộ đội địa phương và dân quân tự vệ của ta cả về số lượng và vũ khí trang bị. Do đó, chúng đã phát huy được tác dụng trong hỗ trợ thực hiện kế hoạch bình định các vùng trọng điểm. Về mặt này ta đánh giá chưa đúng mức kết quả bình định của địch ở các trọng điểm.

Nghe tôi nói như vậy, đồng chí Trần Văn Danh hỏi ngay: Đồng chí nói có chắc không? Tôi trả lời: "Bảo đảm chắc chắn!". Anh Sáu ngồi nghe rất chú tâm và bình tĩnh. Rồi anh nói: "Đồng chí cho tôi dẫn chứng cụ thể?". Tôi trình bày cụ thể số liệu ở một số tỉnh và huyện ở Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, Chương Thiện... , kể cả phiên hiệu các đại đội, liên đoàn địa phương quân kèm theo quân số và trang bị. Nghe xong anh làm thinh và gật đầu chấp nhận.

Nói như vậy để thấy anh Sáu là người chỉ huy chịu lắng nghe cấp dưới nói lên sự thật mà thường cấp dưới thấy khó nói - nhất là trước khi đi nhận một nhiệm vụ mới sẽ còn nhiều khó khăn ở chiến trường Khu 9 lúc bấy giờ.

Thứ ba: Trong thời gian thủ trưởng Sáu Nam đang chỉ huy tại chiến trường Quân khu 9, Phòng 2 - Bộ Tham mưu Miền hằng ngày vẫn báo cáo tình hình địch về mọi mặt với đồng chí như những ngày trước đây đồng chí là Phó tư lệnh Bộ chỉ huy Miền.

Sau ký kết Hiệp định Paris (tháng 1-1973), có một đoàn cán bộ của Trung ương từ miền Bắc vào do đồng chí Tố Hữu làm Trưởng đoàn. Đoàn có phổ biến tinh thần chỉ đạo của trên phải thực hiện "5 không" với phương châm không làm cho tình hình căng thẳng có thể dẫn đến "chiến tranh tiếp diễn". Lúc bấy giờ trong lãnh đạo, chỉ huy các cấp có hai luồng tư tưởng khác nhau. Một luồng đồng tình, muốn tranh thủ hoà hoãn để xả hơi nghỉ ngơi, củng cố lực lượng. Một luồng khác thấy địch tỏ ra rất ngoan cố, trắng trợn không thi hành nhiều điều khoản quan trọng trong hiệp định, nếu không kiên quyết chủ động đối phó thì kẻ địch sẽ càng lấn tới (như thời kỳ sau Hiệp định Giơnevơ 1954).

Trong một báo cáo tình hình địch trong sáu tháng đầu năm 1973 của Phòng 2 - Bộ Tham mưu Miền cho Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền, do tôi trực tiếp trình bày có ý kiến kết luận rất quan trọng được hội nghị chấp nhận là:

- Âm mưu địch rõ ràng không thi hành hiệp định đã ký kết, nhất là các vấn đề về hai vùng, hai quân đội, hình thái da báo cài răng lược và việc thành lập Chính phủ liên hiệp ba thành phần... Thực chất là Mỹ - ngụy muốn tiếp tục kéo dài chiến tranh bằng chiến lược "Việt Nam hoá" trong điều kiện có Hiệp định.

- Do đó, hình thái đấu tranh cơ bản diễn ra giữa ta và địch trên chiến trường không kém phần quyết liệt là: Địch bình định, ta chống bình định, địch lấn chiếm, ta chống lấn chiếm...

Trong thời gian này ở Khu 9 cũng có vấn đề tương tự. Một hôm, đồng chí trực ban tin tức Ban Nghiên cứu Phòng II Miền đưa lên tôi bức điện của Bộ Tham mưu Khu 9 hỏi trực tiếp Phòng II: "Yêu cầu cho biết trên chiến trường Khu 9 những nơi nào là ổn định và làm thế nào để tranh thủ được thế ổn định?" Dưới ký tên Sáu Nam. Đọc xong điện tôi cứ nghĩ mãi ý thủ trưởng định hỏi gì? Sau khi trao đổi với đồng chí Năm Bích, Trưởng phòng, tôi trực tiếp viết điện trả lời cho thủ trưởng Sáu Nam theo tinh thần đã báo cáo với Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền. Cụ thể: "Trên chiến trường B2 nói chung và Khu 9 nói riêng không thể có hình thái hoàn toàn ổn định. Chỉ có hình thái ổn định tương đối có lợi cho ta hoặc có lợi cho địch. Chỗ nào ta mạnh hơn địch thì ổn định có lợi cho ta, nơi nào ta yếu hoặc co thủ hữu khuynh để địch lấn chiếm, bình định có kết quả thì ổn định có lợi cho địch - Ký tên Ngọc Lân".

Sau này nghe anh em Ban 2 của Khu 9 nói lại nội dung bức điện trả lời đã được thủ trưởng Sáu Nam chấp nhận. Sự chỉ đạo và lãnh đạo đúng đắn, kiên quyết của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 9 do hai đồng chí Sáu Nam và Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) đứng đầu, đã góp phần tích cực cùng với Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền làm sáng tỏ nhiều vấn đề, giúp Trung ương kịp thời ra Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 sau đó. Sự sáng tạo và công lao của Khu 9, trong đó có vai trò quan trọng của thủ trưởng Sáu Nam trong giai đoạn khó khăn, phức tạp này đã đi vào lịch sử.

Thứ tư: Trong chiến tranh biên giới Tây Nam tôi phụ trách Trưởng Phòng 2 tiền phương Quân khu kiêm Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu, cùng một số đồng chí khác như: Trần Minh Tâm, Nguyễn Văn Răng, Đoàn Thanh Long (thời kỳ 1967-1968). Lúc này thủ trưởng Sáu Nam đã về làm Tư lệnh Quân khu 7, thay đồng chí Trần Văn Trà ra Bộ Quốc phòng.

Một buổi sáng tôi đang làm việc ở Phòng 2, Sở Chỉ huy cơ bản thì được đồng chí Cụm phó cụm Quân báo biên giới Lộc Ninh chạy về báo cáo: Thiếu tướng Đồng Văn Cống, Phó tư lệnh Quân khu vừa đến thăm đơn vị và thay mặt Tư lệnh Quân khu giao nhiệm vụ cho cụm: Cử ngay một tổ trinh sát thông thạo địa hình, có người biết tiếng Khơme, bí mật vượt biên giới, luồn sâu vào bắc đường 7, khu vực bắc Mimốt, thăm dò tình hình địch và tìm bắt liên lạc với lực lượng ly khai Campuchia của Quân khu Đông để điều tra tình hình địch và phối hợp tác chiến... Báo cáo xong đồng chí kêu khó quá, riêng cụm quân báo Lộc Ninh không thể thực hiện được vì chưa có kinh nghiệm hoạt động luồn sâu, không nắm được dân và lực lượng ly khai ở đâu. Đề nghị sử dụng lực lượng của Phòng do Thủ trưởng Phòng trực tiếp chỉ đạo.

Tôi hiểu ngay đây là một nhiệm vụ quan trọng, phải bằng mọi giá thực hiện bằng được. Nhưng yêu cầu nhiệm vụ đã vượt ra ngoài khả năng của cụm Lộc Ninh nên anh em thấy khó là tất yếu. Cuối năm 1977 và đầu 1978, qua tin trinh sát kỹ thuật, chúng tôi đã phát hiện có các bộ phận ly khai của Quân khu Đông chạy ra rừng hoạt động chống lại tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xary, nhưng cụ thể bao nhiêu và ở đâu thì chưa rõ. Tập thể Thủ trưởng và Thường vụ Đảng ủy phòng họp thống nhất xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng do Quân khu giao. Nhiệm vụ rất khó khăn, còn nhiều điểm chưa rõ, phải có thời gian nghiên cứu và làm công tác tổ chức chu đáo mới có thể thực hiện được, với điều kiện phải huy động lực lượng toàn phòng và được sự hỗ trợ nhiều mặt của Quân khu.

Sau khi trực tiếp tìm hiểu nhiệm vụ của trên, tôi đề nghị với Bộ Tư lệnh Quân khu 7: cho thời gian chuẩn bị từ 20 ngày đến một tháng; được bổ sung một số cán bộ, chiến sĩ gốc Campuchia hoặc Việt kiều biết tiếng và thông thạo địa hình các tỉnh Quân khu Đông; được ưu tiên bổ sung trang bị vũ khí để có thể hoạt động độc lập dài ngày sau lưng địch.

Nghe xong các đồng chí trong Thường vụ và Bộ Tư lệnh Quân khu, nhất là hai thủ trưởng Sáu Nam và Bảy Cống hoàn toàn nhất trí và đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phải hết sức giúp đỡ, hỗ trợ một cách khẩn trương, tích cực. Đồng chí Lê Đức Thọ, người đại diện Bộ Chính trị vào phía Nam trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ quốc tế giúp bạn đã nhiều lần gặp tôi trực tiếp động viên, giải thích, có lần ông ngồi nói hàng giờ liền.

Chúng tôi đã tổ chức sáu đội trinh sát đặc nhiệm hỗn hợp hoạt động trên năm hướng suốt từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 8-1978 mới hoàn thành nhiệm vụ được giao: bắt liên lạc thành công với lực lượng ly khai vùng 21 - Quân khu Đông, tiếp theo các vùng 22, 23 và đã đưa được hơn 2.000 dân Campuchia vượt biên giới lánh nạn sang Việt Nam an toàn. Với thành công này, lực lượng trinh sát Phòng 2 của Quân khu 7 đã góp phần tích cực giúp bạn xây dựng lực lượng cách mạng của nhân dân Campuchia đấu tranh làm tan rã chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary...

Trong cuộc họp tổng kết công tác cuối năm 1978, thủ trưởng Sáu Nam nhiều lần nhận xét Phòng Quân báo Bộ Tham mưu Quân khu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí Lê Đức Thọ nói với tôi: "Các đồng chí là bộ đội trinh sát nhưng đã phục vụ cho Trung ương Đảng một nhiệm vụ chính trị quan trọng"...

Về nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, tôi muốn phát biểu thêm một số ý kiến về sự lãnh đạo của Trung ương, trong đó có vai trò rất quyết định của hai đồng chí Sáu Thọ và Sáu Nam.

Rõ ràng Đảng, Quân đội và nhân dân ta đã có công lớn đối với cách mạng và nhân dân Campuchia. Về mặt quân sự, thủ trưởng Sáu Nam và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện có công lao rất lớn, nhất là đối với hai hướng Mặt trận 479 và 779 do Quân khu 7 đảm nhiệm. Thủ trưởng Sáu Nam luôn là người Tư lệnh chiến trường sắc sảo, nhạy bén, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và rất quyết đoán trong chỉ đạo chống lại kiểu chiến tranh du kích rất nham hiểm và khó chịu của tập đoàn Pôn Pốt...
 

Đại tá nguyễn Ngọc Lân
Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước