Quay lại

Tầm nhìn của vị Tư lệnh

Vào những năm 1969 - 1971 (sau năm Mậu Thân 1968), Chính quyền Sài Gòn tuyên bố đã kiểm soát hơn 90% lãnh thổ (miền nam Việt Nam). Khi đó ở miền Tây Nam Bộ, vùng giải phóng rộng lớn nhất của chúng ta tập trung phần lớn ở một số ấp và xã ven rừng U Minh Hạ và U Minh Thượng (còn cơ sở cách mạng của ta trong vùng kiểm soát của địch thì thôn, ấp nào cũng có).

Trong bối cảnh đó, phán đoán cơ quan đầu não của Việt cộng ở khu 9 tại vùng U Minh Thượng, nên tháng 8 năm 1971, địch tổ chức một cuộc càn lớn mang tên “Nhổ cỏ U Minh”. Chúng huy động hai trung đoàn có máy bay và pháo binh yểm trợ, chia làm hai mũi đánh vào U Minh Thượng. Mũi thứ nhất xuất phát từ Vị Thanh, dọc theo kênh Xáng Chắc Băng đi vào Vĩnh Thuận, rồi từ đó đánh vào phía Nam Đông Nam rừng U Minh Thượng. Mũi thứ hai, xuất phát từ Rạch Sỏi đi theo kênh Xáng Xẻo Rô rồi vào sông Trẹm - con sông chia cắt giữa U Minh Hạ và U Minh Thượng. Cả hai mũi trên hình thành thế gọng kìm với tham vọng “nghiền nát cơ quan đầu não của Việt cộng” ở khu 9.

Quyết tâm đập tan ý đồ thâm độc của địch, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng, sau khi cân nhắc kỹ tình hình và tương quan lực lượng, Quân khu giao cho Trung đoàn 2 và Trung đoàn 20 có nhiệm vụ tăng cường hỏa lực của quân khu, chặn đánh cánh quân của địch từ Rạch Sỏi theo kênh Xáng Xẻo Rô đi vào.

Ngày thứ hai của cuộc hành quân càn quét, cánh quân thứ hai của địch đã vào đến thứ 11 - thuộc xã Đông Hưng (huyện An Biên). Nơi chúng co cụm lại gần chi khu Hiếu Nghĩa.

Rạng sáng ngày 25 tháng 8, các đơn vị của ta đã đồng loạt nổ súng. Cả một vùng thứ 11 rực sáng bởi pháo sáng từ mặt đất bắn lên và những ánh chớp của đạn nổ.

Bị đánh bất ngờ, quân địch chống trả rất yếu ớt. Sau 40 phút nổ súng, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Các mũi báo về Sở chỉ huy Trung đoàn là đã bắn cháy chín tàu, bắt 12 tù binh, thu nhiều quân trang, quân dụng của địch, xóa sổ một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ của chúng.

Hồi đó tôi là phóng viên của Báo Quân giải phóng Tây Nam Bộ, được tòa soạn cử xuống Trung đoàn 2 để viết bài. Trận đánh này, tôi ở sở chỉ huy trung đoàn, nên nắm rất kỹ diễn biến chiến sự. Và ngay trong đêm, tôi đã viết xong một bản tin chi tiết (gần như một bài tường thuật) về trận tập kích này. Trời gần sáng, tôi báo cáo với các đồng chí trong Ban chỉ huy về tòa soạn để kịp chuyển bài viết cho Đài phát thanh giải phóng.

Rời trận địa chừng 500 m, đang leo lên một bờ liếp cây cỏ rậm rạp thì tôi bị một chiến sĩ áp sát và bắt tôi theo anh ta đến một cái lán - nơi có một người đàn ông trên dưới 50 tuổi, dáng to cao, đang chăm chú vào chiếc bản đồ trải trên nền đất. Cạnh ông là một chiến sĩ thông tin đang làm việc với chiếc máy bộ đàm PRC 25 trước mặt.

Ông nhìn tôi từ đầu đến chân rồi hỏi:

- Cậu ở đơn vị nào? Từ trận địa về đây à?

- Dạ thưa, cháu ở Báo quân khu, đang trên đường về tòa soạn để đưa tin về chiến thắng này cho Đài phát thanh giải phóng.

Cậu định viết thế nào? Ông hỏi tôi.

- Dạ thưa, cháu đã viết xong bản tin rồi. Đây, mời bác xem.

Nói rồi, tôi lấy từ trong túi mìn rơ-mo bản thảo đưa cho ông và nói:

- Cháu viết vội nên hơi khó đọc ạ!

- Thôi, cậu đọc cho tôi nghe.

Ông chăm chú nghe tôi đọc, đôi lúc ông bảo dừng lại để ông góp ý sửa một vài từ nào đó. Rồi ông bảo tôi:

- Bài viết tốt lắm, nhưng để lại đây cho tôi xem lại. Cậu về nghỉ ngơi đi. Nếu Hai Hên có hỏi thì cậu nói là bài báo ông Sáu đang cầm nghe!

Vào thời điểm đó, đồng chí Hai Hên là Chủ nhiệm Chính trị quân khu. Vậy mà ông này lại bảo là: “về nói với Hai Hên”, có nghĩa là ông có chức vị cao hơn thủ trưởng của tôi.

Về tới tòa soạn, anh em xúm lại hỏi thăm tình hình về trận đánh, về thương vong... Đang vui câu chuyện thì anh Ba Thu - Phó phòng Tuyên huấn bảo tôi:

- Đức nghỉ ngơi đi, chiều viết bài sớm đưa cho tôi, để tôi đưa cho bộ phận minh ngữ chuyển về đài trung ương. Đây là chiến thắng mang ý nghĩa rất lớn, phải nhanh chóng đưa tin, góp phần kịp thời cổ vũ, động viên quân và dân cả nước thi đua giết giặc lập công.

Tôi nói lại với anh Ba Thu câu chuyện về bài báo mà ông Sáu đang cầm.

Anh Ba Thu gắt lên với tôi:

- Tôi không biết ông Sáu nào hết. Nội nhật ngày nay, anh phải có bài cho tôi. Nếu không tôi sẽ kỷ luật anh. Tòa soạn cử anh xuống đơn vị trong trận đánh này là để viết bài, chứ không phải đi xem bộ đội chiến đấu!

Không chịu nổi cách nói của anh Ba Thu, tôi lại bến, chống chiếc xuồng be bảy lại, mời anh ta xuống xuồng rồi đưa đến chỗ ông Sáu.

Xuồng ghé bến, anh Ba bước lên đưa hai tay kính cẩn bắt tay ông Sáu:

- Dạ, báo cáo anh Sáu, có phải cậu phóng viên...

Anh Ba chưa nói dứt lời, ông Sáu xua tay bảo:

- Biết rồi, các cậu đến đây vì bài báo chứ gì. Ngồi xuống uống nước đã.

Ông Sáu bình thản nói với chúng tôi.

Sau đó ông vào chuyện ngay:

- Trận đánh của E2 và E20 đêm qua là rất gọn. Ta thắng lớn. Lần đầu tiên kể từ Mậu Thân năm 1968 đến giờ, ở Quân khu 9, ta đánh địch với quy mô cấp trung đoàn. Thắng giòn giã! Địch bị thua đau, chắc chắn sẽ có phản kích rất mạnh. Cơ quan tham mưu của chúng sẽ tìm mọi cách tìm kiếm xem cơ quan đầu não của Việt cộng tại đồng bằng sông Cửu Long ở đâu. Về phía ta, vừa đánh trận xong, cơ quan tuyên truyền của ta đã đưa tin ngay. Kẻ địch sẽ phán đoán cơ quan tuyên truyền của Việt cộng ở rất gần mặt trận. Và như thế, Bộ tư lệnh của Việt cộng cũng sẽ ở gần trận địa. Vậy nó đổ xuống đây một trung đoàn càn quét vùng này thì chúng ta đi đâu, khi mà vùng giải phóng chỉ còn vài ấp ven rừng U Minh như thế này?

- Vì vậy, báo chí các cậu phải hy sinh cho quân sự làm việc. Các cậu cứ yên tâm, 3 ngày nữa báo chí trung ương sẽ phát tin này.

Anh Ba Thu hết nhìn ông Sáu, lại nhìn tôi, có vẻ như ân hận về cách ứng xử với tôi trước đó.

Riêng tôi, tôi vô cùng ấn tượng và khâm phục về tầm nhìn chiến lược của ông Sáu.

Sau đợt đó, tôi mới biết đó là vị Tư lệnh Quân khu 9 - Lê Đức Anh.

Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng cho đến những năm sau này, khi ông là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi vinh dự được gặp và phỏng vấn ông đôi lần. Và lần nào cũng vậy, ông hỏi thăm tôi cũng như cuộc sống của gia đình tôi. Ông luôn nhắc nhở phải tu dưỡng và rèn luyện giữ vững phẩm chất của người đảng viên, người lính Cụ Hồ.

Tôi viết lại kỷ niệm này, như là một nén tâm nhang kính viếng một con người cả cuộc đời đã hy sinh cho đất nước và dân tộc.
 

BÚT KÝ CỦA BÙI ANH ĐỨC
Nguyên Phóng viên “báo Quân giải phóng Tây Nam Bộ” (Quân khu 9)