Sự chỉ đạo của Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam Lê Đức Anh đối với Bộ Tư lệnh mặt trận 979 những năm 1981 - 1986
Sau khi Việt Nam đưa quân tình nguyện giúp Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giải phóng đất nước Campuchia (07/01/1979), theo nguyện vọng tha thiết chính đáng của nhân dân Campuchia, đề nghị của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước và Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục ở lại giúp đỡ cách mạng và nhân dân Campuchia. Ngày 18/02/1979, tại Thủ đô Phnôm Pênh, hai nước đã ký “Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia”. Thực hiện Hiệp ước và do nhu cầu tái thiết sau giải phóng của bạn, cùng với quân tình nguyện đang ở Campuchia, Việt Nam đã nhanh chóng đưa một lực lượng cán bộ thuộc nhiều lĩnh vực, hình thành hệ thống chuyên gia từ Trung ương đến cơ sở. Đến cuối năm 1980, đã có 22 đoàn chuyên gia Trung ương, 20 đoàn chuyên gia tỉnh, thành phố.
Với quan điểm “giúp bạn là mình tự giúp mình”, trên cơ sở Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác, trước tình hình tại Campuchia diễn biến phức tạp, Việt Nam và Campuchia ký “Hiệp định giúp đỡ và hợp tác quân sự”, Bộ Quốc phòng hai nước đã ký “Hiệp định tiếp tục duy trì các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia”. Thực hiện những chủ trương hợp tác đã được hai Đảng, hai Nhà nước thỏa thuận, để thống nhất lãnh đạo, chỉ huy, nâng cao hiệu suất chiến đấu và công tác của các lực lượng vũ trang Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, ngày 18/5/1981, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 36/QUTW về tổ chức Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia và thành lập Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia mang phiên hiệu Bộ Tư lệnh 719. Theo Nghị quyết, Bộ Tư lệnh 719 trực thuộc Bộ Quốc phòng, đồng thời là cơ quan đại diện của Bộ Quốc phòng trên hướng Tây Nam, trực tiếp chỉ huy Quân tình nguyện và Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Campuchia. Ngày 29/6/1981, đồng chí Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng với các đồng chí trong Bộ Tư lệnh đề nghị Bộ Quốc phòng chuyển cơ quan tiền phương Bộ Tư lệnh các quân khu thành các Bộ Tư lệnh 579, 779, 979. Các Bộ Tư lệnh này có quyền hạn tương đương Bộ Tư lệnh quân đoàn, chịu sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Tư lệnh 719. Bộ Tư lệnh Mặt trận 979 - Quân khu 9 chịu sự chỉ đạo, chỉ huy của Mặt trận 719 về hoạt động tác chiến ở Campuchia, đồng thời cũng chịu sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 về các mặt công tác khác.
Trong khi ta chấn chỉnh tổ chức, điều chỉnh lực lượng để hoàn thành thế bố trí chiến lược thích hợp với đặc điểm cụ thể của chiến trường Campuchia thì Pôn Pốt - Iêng Xary ra sức thu thập tàn quân, củng cố lực lượng chống phá cách mạng Campuchia. Mùa khô năm 1981 - 1982, địch đã phục hồi được 11 sư đoàn chiến đấu, chiếm giữ một phần biên giới 7 tỉnh phía Bắc và Tây Bắc Campuchia. Trong nội địa, chúng đẩy mạnh hoạt động trên địa bàn 12 tỉnh. Tuy cường độ và quy mô thấp hơn các năm trước nhưng số vụ lại có chiều hướng nghiêm trọng hơn. Tháng 12/1981, ba phái (Pôn Pốt, Sê Nê Ka và Mô Li Ka) đã thành lập Chính phủ Liên hiệp ba phái, gây tác động tâm lý tiêu cực trong nhân dân và tạo được một số ảnh hưởng về chính trị và ngoại giao. Lúc này, Tư lệnh Lê Đức Anh đã cùng tập thể Bộ Tư lệnh 719 phân tích tình hình chiến trường, nhiệm vụ tác chiến trong 2 năm 1981 - 1982 và đề ra chủ trương: Tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận lớn quân địch đã lọt vào nội địa, xóa bỏ tình trạng xen kẽ địch - ta ở biên giới, không cho địch mở rộng hoạt động du kích. Giúp bạn từng bước nâng cao khả năng chỉ đạo, chỉ huy, vận động quần chúng, xây dựng lực lượng đánh địch rộng khắp. Thực hiện chủ trương này, ngày 29/12/1981, Bộ Tư lệnh Mặt trận 979 đã chỉ đạo Sư đoàn bộ binh 4 sử dụng Trung đoàn bộ binh 2 và Trung đoàn bộ binh 20 do đồng chí Phạm Văn Trà, Phó Tư lệnh Mặt trận chỉ huy tập kích tiêu diệt căn cứ 336 của địch, gây thiệt hại cho Trung đoàn 11, Sư đoàn 164 Pôn Pốt, buộc lực lượng này phải rút chạy sang Thái Lan.
Năm 1983, tình hình chiến trường tại Campuchia có nhiều diễn biến phức tạp. Sau khi Quân đoàn 4 rút quân về nước, một số đơn vị và địa bàn đảm nhiệm trước kia được giao về Mặt trận 979 đảm nhiệm, trong đó có tỉnh Bat Đom Boong. Lợi dụng việc ta rút quân, địch đẩy mạnh tiến công quân sự trên 4 tỉnh biên giới (Pôxát, Bat Đom Boong, Xiêm Riệp và Preatvihia). Riêng tại Pôxát và Bat Đom Boong, địch đã hình thành được một sư đoàn làm nhiệm vụ tiến công với ý đồ chiếm lại Bat Đom Boong và Xiêm Riệp để làm thủ đô cho chính phủ lưu vong của địch quay lại đứng chân. Trước tình hình trên, đồng chí Lê Đức Anh đã giao nhiệm vụ cho Mặt trận 979 cùng bạn tập trung tiêu diệt một số đơn vị chủ lực của địch, khôi phục lại địa bàn nội địa, kiên quyết không để cho chúng xây dựng lại các đơn vị mới. Trong đó tập trung đánh bại các cuộc phản kích của địch từ biên giới vào. Sau khi nhận ý kiến chỉ đạo từ Tư lệnh Lê Đức Anh, để chủ động phá vỡ các khu căn cứ, cắt đứt tuyến hành lang, ngăn chặn các đợt tiến công phá hoại của địch, Bộ Tư lệnh Mặt trận 979 chỉ đạo Sư đoàn 339 phối hợp với Đoàn 9903 (tỉnh Tiền Giang) và lực lượng bạn tổ chức nhiều đợt truy quét khu vực địch đứng chân. Bằng các lực lượng tổng hợp của ta và bạn, kết hợp binh, địch vận, vừa truy quét địch ngoài địa hình, vừa phát động đánh địch lẩn trốn trong dân, kêu gọi chồng, con, em theo địch quay về với cách mạng, với những người yêu nước Campuchia. Trong hoạt động truy quét, bằng cách đánh ban đêm và phục kích đón lõng năm 1983, Mặt trận 979 đã cùng với lực lượng bạn loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 tên, thu 33 khẩu súng các loại cùng nhiều quân trang, quân dụng và tài liệu khác. Kết quả này đã góp phần làm cho tình hình khu vực biên giới dần ổn định, tạo điều kiện cho ta tập trung giúp bạn trên các mặt trận, các lĩnh vực khác.
Tháng 7/1983, tại Hội nghị tổng kết việc hợp tác giúp đỡ về kinh tế, văn hóa, kỹ thuật giữa Việt Nam và Campuchia từ năm 1979 đến năm 1983, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam trong đó có Mặt trận 979: “Chúng ta phải giúp bạn mạnh lên, tự mình đảm đương cuộc đấu tranh trong thế liên minh chiến lược, chiến đấu ba nước Đông Dương... Nguyện vọng của cán bộ bạn là tha thiết muốn làm chủ lấy đất nước của mình. Một chuyên gia khi về nước mà bạn chưa trưởng thành, chưa đảm đương được nhiệm vụ là chuyên gia đó không hoàn thành nhiệm vụ, dù đồng chí đó làm việc ngày đêm. Vì thế, cần giúp bạn “nâng ba phong trào cách mạng” (đánh địch và địch vận, xây dựng lực lượng, sản xuất) lên một bước mới, với chất lượng mới”.
Quán triệt sâu sắc huấn thị của Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, trong suốt quá trình liên minh chiến đấu, Mặt trận 979 đã giúp bạn toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa; trong đó, tập trung vào xây dựng 3 phong trào cách mạng quần chúng như “toàn dân đánh giặc”, “toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội” và “toàn dân tham gia xây dựng thực lực cách mạng, củng cố chính quyền, xây dựng phum, sóc vững mạnh”. Đặc biệt, chuyên gia ở hai tỉnh Kongpong Speu và Campốt đã có nhiều kinh nghiệm trong đánh phá địch ngầm. Nhìn chung, công tác giúp bạn đánh phá địch ngầm, xây dựng cơ sở, thực lực cách mạng, đẩy mạnh 3 phong trào cách mạng phát triển tốt, nhất là phong trào quần chúng tham gia đánh địch rất sôi nổi và đạt hiệu quả cao. Việc giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân được Bộ Tư lệnh Mặt trận 979 quan tâm chỉ đạo, ta đã xây dựng huấn luyện và trang bị cho bạn được 2 binh đoàn trực tiếp đảm đương nhiệm vụ truy quét, bảo vệ giao thông; hoàn thành xây dựng, bàn giao Binh đoàn 2 và 5 tiểu đoàn bộ binh và 6 tiểu đoàn binh chủng khác cho Bộ Quốc phòng bạn. Đối với bộ đội địa phương, các lực lượng của Mặt trận 979 đã xây dựng và bàn giao cho bạn 10 tiểu đoàn tỉnh, 3 tiểu đoàn huấn luyện tân binh, xây dựng cơ quan quân sự từ tỉnh xuống xã cho 4 địa phương. Trong hoạt động chiến đấu, các lực lượng vũ trang Mặt trận 979 và bạn đã phối hợp chặt chẽ với nhau, hiệp đồng tác chiến, huy động lực lượng toàn diện để đánh địch. Song song với tác chiến là kèm cặp, xây dựng các đơn vị địa phương, từng bước chuyển dần từ “Ta làm giúp bạn” sang “Ta - bạn cùng làm”. Qua thực tiễn chiến đấu và công tác, bạn đã từng bước trưởng thành về nhiều mặt, có thể tự đảm nhiệm tác chiến trên một số địa bàn.
Thời gian này, Bộ Tư lệnh Mặt trận 979 tập trung chỉ đạo các lực lượng phối hợp với bạn đánh bại âm mưu mới của địch, làm thất bại thế “2 vùng, 2 lực lượng”. Tiêu diệt và làm tan rã phần lớn lực lượng địch, xây dựng thế trận tiến công và phòng thủ vững chắc cả biên giới và nội địa, triệt cắt tiếp tế, xâm nhập, giúp bạn xây dựng và phát triển thực lực cách mạng, nhất là lực lượng vũ trang, thực hiện thắng lợi 3 mục tiêu chiến lược, tiến lên đảm đương sự nghiệp cách mạng của mình. Năm 1984, cách mạng Campuchia đã có sự trưởng thành đáng kể và chuyển sang giai đoạn mới. Đất nước Campuchia dần được hồi sinh sau những năm nỗ lực hàn gắn vết thương do hậu quả của chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary để lại. Chế độ mới ở Campuchia đã đạt được những thành tựu quan trọng về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Quân đội cách mạng và nhân dân Campuchia từng bước tự đảm đương được những nhiệm vụ trọng yếu của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Mặc dù bị ta đánh thiệt hại nặng trên các địa bàn chiến lược, nhưng được các thế lực bên ngoài giúp sức và dựa vào căn cứ ở vùng biên giới Campuchia - Thái Lan, quân Pôn Pốt và lực lượng các phe phái cố đẩy mạnh các hoạt động phá hoại hòng tạo ra thế hai vùng, hai chính phủ có lợi cho chúng. Trước tình hình đó, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia Lê Đức Anh đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho các mặt trận, trong đó có Mặt trận 979, phải tiếp tục phối hợp với các lực lượng cách mạng Campuchia chiến đấu. Tư lệnh Lê Đức Anh nhấn mạnh: Các đòn tiến công liên tục của Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia vào các căn cứ của địch phải làm cho chúng suy yếu, lâm vào thế bị động đối phó, giúp cho tình hình Campuchia ngày càng ổn định có lợi cho cách mạng.
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh, trên đà thắng lợi, Bộ Tư lệnh Mặt trận 979 mở chiến dịch mùa khô 1984 - 1985 nhằm tập trung tiêu diệt tất cả các căn cứ còn lại của địch ở tuyến biên giới Campuchia - Thái Lan với phương châm “đánh đến đâu, chiếm giữ đến đó”, đồng thời đánh các căn cứ lõm hành lang tiếp tế của địch, biến các căn cứ ẩn náu của địch thành các điểm chốt giữ của ta, đánh bại âm mưu “giành thắng lợi quân sự trong mùa khô 1984 - 1985” và kế hoạch chuyển hướng chiến lược “chiếm đất, giành dân trong nội địa, chờ thời cơ xoay chuyển tình thế” của địch. Chủ trương của ta là thông qua chiến dịch này, thực hiện được kế hoạch đưa các đơn vị của bạn lên thay thế cho các đơn vị của ta đang làm nhiệm vụ chốt giữ dọc tuyến biên giới và ta tiếp tục rút dần một số đơn vị về nước. Đây là chiến dịch có quy mô lớn mà điểm then chốt là đánh vào căn cứ Cacđamon - nơi đặt cơ quan đầu não của Pôn Pốt. Lực lượng tham gia chiến dịch này khá lớn với quyết tâm là tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận các sư đoàn 164, 11, 86, 175 và 221 thuộc Quân khu Tây Nam của địch, xóa sạch các căn cứ của địch, làm chủ tuyến biên giới sau đó đưa lực lượng bạn lên chốt giữ, khóa chặt hành lang vận chuyển của địch. Do đặc điểm, tính chất đặc biệt của chiến dịch, Bộ Tư lệnh Mặt trận 979 quyết định thành lập Mặt trận Đoàn 97 đóng ở Điểm cao A3.
Sau khi tiêu diệt các căn cứ vòng ngoài, từ ngày 08/02/1985, các sư đoàn 330, 339 của ta và Sư đoàn 4 của bạn tập trung tổng lực tiến công vào căn cứ Cacđamon do Sư đoàn 111 và Trung ương Pôn Pốt chiếm giữ. Đến trưa ngày 10/02/1985, các đơn vị của ta đã hoàn toàn làm chủ được căn cứ này. Kết quả, ta đã tiêu diệt 550 tên, thu 2.304 súng các loại, 476 tấn đạn, 66 tấn lương thực, thực phẩm, 16 kho vũ khí, lương thực, thực phẩm... Mặt trận biên giới giành thắng lợi, ta đã quét sạch địch khỏi biên giới từ Cô Công đến Bát Đom Boong, làm cho địch tan rã và suy yếu nghiêm trọng, làm chủ biên giới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia giao cho Mặt trận 979.
Để tăng cường tuyến phòng thủ biên giới Campuchia - Thái Lan, không để địch xâm nhập, Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia và đồng chí Lê Đức Anh đã giao nhiệm vụ cho các mặt trận 479, 579, 779 và 979 làm nòng cốt giúp nhân dân bạn xây dựng công trình phòng thủ biên giới mang tên “K5” nhằm tạo thế trận đánh địch, bảo vệ biên giới, hạn chế địch tiến công từ biên giới vào nội địa. Tuyến phòng thủ biên giới K5 gồm hệ thống tổ chức phòng thủ, tập trung bộ đội chủ lực trên các trọng điểm và công sự, chiến hào, vật cản bằng hàng rào dây thép gai, mìn, đê, hào, lũy, rào, hầm chông, cạm bẫy... Khi triển khai công trình K5, đã có nhiều ý kiến hoài nghi về hiệu quả của công trình này, cho rằng tốn kém và không hiệu quả. Sau khi tiếp thu các ý kiến, đồng chí Lê Đức Anh đã phân tích: Làm K5 có ý nghĩa thiết thực. Một là, có tuyến tuần tra biên giới thì các đơn vị vũ trang của bạn vững tâm hơn, dám đảm nhận bảo vệ tuyến đường biên thì Quân tình nguyện Việt Nam mới rảnh tay thực hiện nhiệm vụ của đơn vị chủ lực cơ động chiến lược đúng như mục tiêu mà ta và bạn đã đề ra. Hai là, nếu lúc đó để bạn đứng ra tổ chức những trận đánh lớn hoặc “vận động cách mạng lớn” thì bạn chưa làm được nhưng nếu để bạn đứng ra tổ chức cho nhân dân đào hào, trồng tre phòng thủ biên giới thì bạn làm được và làm tốt. Như vậy, công trình K5 là nơi thực tế tập dượt cho bạn biết làm công tác vận động, tổ chức quần chúng.
Thực hiện quyết tâm chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh, Mặt trận 979 chỉ đạo các đơn vị quyết tâm giữ vững thế làm chủ biên giới, tập trung xây dựng tuyến phòng thủ K5. Mặt trận 979 đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 3 của bạn vận động nhân dân cùng lực lượng vũ trang tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới. Trước hết là giáo dục, quán triệt sâu sắc cho lực lượng vũ trang ta và bạn cũng như nhân dân Campuchia hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của kế hoạch này. Việc hoàn thành kế hoạch K5 sẽ tạo thế trận bảo vệ vững chắc biên giới và ngăn chặn địch xâm nhập vào nội địa. Trên cơ sở đó, ta điều chỉnh, bố trí lại lực lượng theo hướng mạnh dạn đưa các đơn vị của bạn đảm nhiệm tuyến biên giới hoặc bố trí xen kẽ với lực lượng ta để kèm cặp, giúp đỡ bạn trưởng thành, đủ sức bảo vệ biên giới. Đồng thời, mạnh dạn chuyển hầu hết các địa bàn huyện ở trong nội địa cho bạn phụ trách, tạo điều kiện cho bạn đảm đương nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Sau khi hoàn thành việc chuyển giao nhiệm vụ cho bạn từng bước, ta chuyển sang làm nhiệm vụ hỗ trợ chung là để cụ thể hóa thỏa thuận giữa hai Đảng hai Nhà nước Việt Nam - Campuchia, từng bước rút Quân tình nguyện Việt Nam về nước.
Bằng công tác phối hợp linh hoạt và hiệu quả, Mặt trận 979 và bạn đã huy động được gần 60.000 người đi xây dựng công trình K5, huy động sự đóng góp rất lớn từ nhân dân bao gồm tiền bạc, vật liệu, dụng cụ, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho việc xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ biên giới. Với sự cố gắng nỗ lực chung, ta và bạn đã xây dựng được tuyến phòng thủ bảo vệ biên giới dài hơn 200km, bố trí hàng chục nghìn quả mìn, kết hợp bố trí chông các loại, làm đường tuần tra biên giới dài hơn 100km. Bên cạnh đó, các lực lượng cũng đã xây dựng hệ thống điểm tựa, cụm điểm tựa cho bộ đội và dân quân; bố trí lực lượng phòng thủ giúp bạn đánh địch, bảo vệ địa bàn, bảo vệ lực lượng; xây dựng một số sân bay trực thăng, trận địa pháo và kho tàng kịp thời phục vụ chiến đấu bảo vệ tuyến biên giới, làm thất bại âm mưu của địch trong việc phục hồi căn cứ, kho tàng, thực hiện thế “hai vùng, hai chính quyền” để mở rộng chiến tranh du kích ở Campuchia. Phong trào lao động sản xuất được đẩy mạnh nhằm bảo đảm đời sống, chăm lo sức khỏe cho nhân dân và những lực lượng tham gia tuyến phòng thủ biên giới.
Thực tiễn tình hình chiến trường ở Campuchia đã cho thấy việc xây dựng K5 là rất cần thiết và mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, cũng cho thấy tầm nhìn xa của tập thể Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia và vai trò cá nhân của đồng chí Lê Đức Anh trong việc nhận định, đánh giá tình hình và đưa ra những quyết sách kịp thời, đúng đắn, phù hợp, sát thực tiễn. Tuyến tuần tra biên giới khi hoàn thành có tác dụng chia cắt chiến lược ngoại biên và nội địa, góp phần tích cực và có hiệu quả trong việc hạn chế, ngăn chặn sự xâm nhập của địch từ Thái Lan vào nội địa Campuchia. Ở trong nội địa, ta và bạn đã kết hợp ba mũi tiến công truy quét địch, địch vận và an ninh, làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch. Nếu như trước đó, địch từ bên kia biên giới thường xuyên thâm nhập, thực hiện lối đánh du kích với thời gian ngắn sau đó rút lui về bên kia biên giới Thái Lan gây cho ta rất nhiều phiền toái và khó khăn, tổn thất thì sau khi tuyến phòng thủ biên giới K5 và đường tuần tra biên giới được hoàn thành đã giải quyết gần như hoàn toàn tình trạng này. Điều đó đã tạo ra thời gian để các lực lượng của ta và bạn tiến hành công tác huấn luyện, củng cố đơn vị, từng bước chuyển giao nhiệm vụ, rút ngắn thời gian để Quân tình nguyện Việt Nam rút quân về nước theo thỏa thuận.
Trong giai đoạn Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp cách mạng Campuchia, sau khi chính quyền trung ương Pôn Pốt sụp đổ, bên cạnh nhiệm vụ truy quét tàn quân, giúp bạn xây dựng chính quyền, “cứu đói, cứu đau” cho nhân dân Campuchia thì có thể nói nhiệm vụ xây dựng tuyến phòng thủ biên giới K5 và đường tuần tra biên giới Campuchia - Thái Lan là một trong những nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, gian khổ, phức tạp nhất mà các lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam phải trải qua. Nhưng, vượt trên tất cả với sự đồng lòng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vì mục tiêu chung, các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam và Mặt trận 979 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, từng bước làm cho địch suy kiệt, mất khả năng chiến đấu, từng bước chuyển giao vai trò tác chiến, lãnh đạo, điều hành chính quyền và đảm nhiệm các nhiệm vụ cho bạn.
Ngày 05/11/1986, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký quyết định điều đồng chí Lê Đức Anh về nhận nhiệm vụ tại Bộ Quốc phòng, thôi giữ chức Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Gần ba năm sau đó, ngày 26/9/1989, những đơn vị cuối cùng của quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia Việt Nam rút hết về nước, mở ra một giai đoạn mới của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Campuchia. Trong đợt rút quân này, đội hình Mặt trận 979 được tổ chức thành 3 khối, hành quân về nước theo 3 hướng trở về Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.
Có được kết quả đó là nhờ sự đoàn kết một lòng, sự nhất trí cao và sự phấn đấu, nỗ lực, chấp nhận gian khổ hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong toàn Mặt trận. Trong sự thành công đó trước hết phải khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Bộ Tư lệnh Mặt trận 719 và cá nhân đồng chí Lê Đức Anh. Với vai trò là Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, đồng chí đã có những chỉ đạo rất kịp thời và sát, đúng đối với Mặt trận 979 - Quân khu 9 trong truy quét tàn quân, mở mảng chiến dịch, huấn luyện giúp bạn, xây dựng tuyến phòng thủ K5, đường tuần tra biên giới... Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 9 luôn tự hào về một giai đoạn đấu tranh hào hùng bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp cách mạng Campuchia hồi sinh, xây dựng đất nước và càng thêm tự hào về một giai đoạn được sống, công tác và chiến đấu dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của một con người tài năng, đức độ, một trong những lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của cách mạng Việt Nam - quê hương Thừa Thiên Huế - Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (1981 - 1986) Lê Đức Anh.
Đại tá NGUYỄN VĂN LỢI