Quay lại

Sự chỉ đạo của Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam Lê Đức Anh đối với Bộ Tư lệnh mặt trận 579 (1981-1986)

Năm 1981, Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (Bộ Tư lệnh Mặt trận 719) được thành lập; cơ quan tiền phương Bộ Tư lệnh các Quân khu 5, 7, 9 và Quân đoàn 4 được tổ chức thành Bộ Tư lệnh Mặt trận 579, 779, 979 và 479. Thượng tướng Lê Đức Anh - Tư lệnh Quân khu 7 được điều động bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.
 

Trên cương vị Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (Tư lệnh Mặt trận 719), từ năm 1981 đến năm 1986, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ các hoạt động của Bộ Tư lệnh Mặt trận 579:
 

1. Chỉ đạo Bộ Tư lệnh Mặt trận 579 tập trung ổn định đời sống nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia

Ngay sau khi nhân dân Campuchia được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng, việc tìm và đưa dân về, xây dựng lại nhà cửa, cứu đói cứu đau, ổn định đời sống cho nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang các cấp của bạn được quân tình nguyện Việt Nam tiến hành khẩn trương với tinh thần vô tư trong sáng và trách nhiệm cao nhất. Đến năm 1981, sau khi bạn tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và ban hành Hiến pháp mới của nước Cộng hoà nhân dân Campuchia, đời sống nhân dân và thực lực cách mạng của bạn có những bước ổn định và phát triển. Trên cương vị Tư lệnh Mặt trận 719, đồng chí Lê Đức Anh hết sức quan tâm đến vấn đề dựa vào dân, tin dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân bạn. Đồng chí khẳng định: “Kết cục thắng lợi trong cuộc đấu tranh “ai thắng ai” ở Campuchia không phải là để tiêu diệt bằng hết các loại tàn quân và phản động bằng đòn quân sự, mà là làm cho chúng tan rã và tàn lụi đi bằng sức mạnh tổng hợp của cách mạng Campuchia. Nếu nhân dân Campuchia thật sự làm chủ, bọn phản động không thể bám và dựa được vào dân thì chúng sẽ suy tàn và chỉ còn là những toán thổ phỉ tàn lụi dần”.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Mặt trận 579 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng trên, mục tiêu trước mắt: “Ta giúp bạn và cùng làm với bạn đến cuối năm 1981 có được: 100% huyện, xã 50% ấp có tổ nòng cốt. 100% huyện và 50% xã có chi bộ. Yêu cầu chung là phải tiến hành khẩn trương, vững chắc, lấy chất lượng làm chính, bảo đảm lai lịch rõ ràng và đúng tiêu chuẩn.

Trên thực tế, trong 9 tháng đầu năm 1981, các đơn vị thuộc Mặt trận 579 tập trung bồi dưỡng, bố trí đủ ban chỉ huy tiểu đoàn, phái viên cạnh đội vũ trang, giúp bạn bầu được 109/136 khung chính quyền khum (xã) (còn 27 khum chưa bầu cử). Ta giúp bạn xây dựng được lực lượng vũ trang các tỉnh gồm 2.530 người (với 444 cán bộ từ trung đội trở lên; lực lượng du kích phum (thôn, làng), khum (xã) có 5.676 người), trang bị 2.310 súng các loại. Tháng 10/1981, ta giúp bạn tuyển thêm được 208 chiến sĩ mới, thu quân đào ngũ được 205 người; Trường Quân chính Đông Bắc Campuchia khai mạc khóa học mới cho 150 học viên, mở 4 lớp tập huấn cho cán bộ xã đội với 215 người, bồi dưỡng phái viên được 256 người. Từ tháng 12/1981 đến cuối tháng 10/1982, ta tập trung phát động quần chúng, tổ chức học tập cho 99.258 lượt người dân và cán bộ của bạn; các gia đình có thân nhân theo Pôn Pốt đã viết 149 lá thư kêu gọi được 129 đối tượng ra trình diện tại Sư đoàn 3073.

Nhấn mạnh vai trò làm chủ của nhân dân, đồng chí Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam chỉ đạo: “Bất cứ ở đâu, nếu có dân, thì dù là bộ đội chủ lực hay bộ đội làm công tác địa bàn, đơn vị hay cơ quan đều phải coi nhiệm vụ phối hợp với bạn giúp dân đẩy mạnh ba phong trào cách mạng là trách nhiệm chính trị thường xuyên của mình”. Theo đó, trong năm 1983, các cơ quan, đơn vị thuộc Mặt trận 579 thực hiện chức năng của đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, cùng bạn tiến hành các đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong 136 khum (xã); tổ chức cho hơn 200 nghìn lượt người học tập; củng cố 15/19 huyện, 96/136 khum (xã); tích cực bồi dưỡng, phát triển lực lượng nòng cốt, phát triển đảng viên; củng cố, xây dựng được 21 chi bộ với 207 đảng viên và 1.031 nòng cốt; xây dựng được 47 chi đoàn thanh niên với 415 đoàn viên; giúp dân nước bạn xây dựng lại nhà cửa, trồng tỉa, làm thủy lợi, khắc phục hậu quả lũ lụt, hạn hán, thu hoạch mùa màng, nhường cơm sẻ áo, cứu đói, phục vụ văn hóa văn nghệ cho nhân dân bạn... Tất cả mọi việc giúp đỡ nhân dân Campuchia ổn định lại cuộc sống được cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam thực hiện với tất cả tình thương và trách nhiệm, thật sự cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân bạn, được nhân dân bạn tin yêu gọi là “Đội quân nhà Phật”. Qua thực tiễn, ta đã giúp bạn xây dựng nền nếp làm việc, phát huy tinh thần chủ động và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ trên các mặt hoạt động, nhất là trong công tác vận động quần chúng.

Đồng chí Lê Đức Anh chỉ đạo: “Cần bàn bạc thống nhất với bạn, xây dựng thành chế độ cán bộ các cấp chưa kinh qua công tác quần chúng đều phải xuống cơ sở để được rèn luyện trong phong trào quần chúng, để thông cảm với đời sống, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, để xây dựng tình cảm, thương nước, thương dân và chịu sự kiểm tra, bình phán của quần chúng”. Đồng chí Lê Đức Anh cho rằng: xây dựng lực lượng cách mạng Campuchia ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, tự đảm đương được nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước, “là mục tiêu quan trọng nhất, nhằm xây dựng phát triển các nhân tố bên trong, nhân tố quyết định của cách mạng Campuchia”2 và lưu ý “phải hết sức coi trọng khâu bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và giúp bạn có kế hoạch bảo vệ cán bộ”3.

Trong năm 1983, Mặt trận 579 đã giúp bạn phát triển được trên 4,4 nghìn dân quân, tự vệ; động viên trên 1,5 nghìn thanh niên nhập ngũ; thành lập 1 trung đoàn, 4 tiểu đoàn, 19 đại đội và 25 đội vũ trang công tác. Ta tích cực giúp bạn huấn luyện và lần lượt đưa các đơn vị ra phía trước phối hợp tác chiến hoặc độc lập hoạt động để bạn ngày càng trưởng thành. Chính quyền, các đoàn thể và lực lượng vũ trang của bạn đến cuối năm 1983 đầu năm 1984 đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất. Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia ngày càng trưởng thành, phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam truy quét địch có hiệu quả và có thể tự đảm đương được nhiệm vụ bảo vệ hai thành phố lớn là Phnôm Pênh và Kôngpông Chàm.

Những việc làm trên đã góp phần xây dựng, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa ta và bạn theo đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng ta, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia; qua đó, bạn càng hiểu ta hơn, mối quan hệ hợp tác giữa ta và bạn ngày càng chặt chẽ, thiết thực và có hiệu quả hơn. Ta đã duy trì nghiêm kỷ luật chiến trường, kỷ luật trong quan hệ với quân dân bạn, giữ vững được tác phong, hình ảnh của “Đội quân nhà Phật” trong lòng nhân dân.
 

2. Chỉ đạo Bộ Tư lệnh Mặt trận 579 truy quét địch ở nội địa, phá “chính quyền 2 mặt”, “cơ sở 2 mặt” của địch

Năm 1981, nhận định tương quan lực lượng giữa quân tình nguyện Việt Nam và Campuchia với chúng đến lúc “cân bằng” địch quyết định phát động chiến tranh du kích rộng khắp nội địa Campuchia. Trước tình hình đó, đồng chí Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Mặt trận 579 đẩy mạnh truy quét địch trong nội địa, phá “chính quyền 2 mặt”, “cơ sở 2 mặt”, đánh tan âm mưu của chúng. Đồng chí lưu ý: “Đối với tàn quân địch, người chỉ huy bộ đội của ta không thể chỉ biết phát huy sức mạnh quân sự mà phải biết phát huy sức mạnh toàn diện để đánh địch. Chỉ đưa bộ đội ta vào rừng, bao vây, vu hồi, tìm diệt quân địch lẩn trốn là không giải quyết được hết địch. Đương nhiên vẫn phải tiếp tục truy quét, triệt nguồn lương thực của địch, nhưng phải nắm vững mục đích của những hành động đó là để gọi địch ra hàng, trở về với nhân dân”.

Theo đó, thực hiện chức năng đội quân chiến đấu, các đơn vị thuộc Mặt trận 579 đã tập trung giúp bạn truy quét địch ở những địa bàn trọng điểm: Tây đền Pret Vihia, Bắc Choam Khsan, ngã ba biên giới Campuchia - Thái Lan - Lào, Tây Bắc Chép, Tha La, Xiêm Bọt, Đông Bắc Lom Phát, Tây Cô Nhắc; tiến hành đánh cắt hành lang của địch ở Tây sông Mê Kông, Đông huyện Chép. Các đơn vị tăng cường lùng sục, chủ động đánh địch, phá gỡ một số lượng lớn mìn của địch, bảo đảm tương đối an toàn và thông suốt các tuyến hành lang.

Năm 1982, Mặt trận 579 cùng với bạn đẩy mạnh phát động quần chúng, bóc gỡ “địch ngầm”, phá “chính quyền 2 mặt”, “cơ sở 2 mặt” của địch. Trung đoàn Bộ binh 733 thuộc Sư đoàn Bộ binh 315 thành lập đội công tác gồm 20 đồng chí hoạt động ở Côngpông Sralâu. Đây là địa bàn khá phức tạp, chính quyền cơ sở phần lớn là các phần tử hoạt động hai mặt. Ta bóc gỡ hàng chục đối tượng, từng bước ổn định tình hình an ninh chính trị. Trung đoàn Bộ binh 143 tích cực vận động quần chúng, phát hiện và bắt nhiều đối tượng hoạt động ngầm.

Đồng chí Lê Đức Anh chỉ đạo: “Đối với phần tử hai mặt trong chính quyền, trong lực lượng vũ trang, biện pháp chủ yếu cũng là giúp bạn giáo dục, cải tạo để họ ăn năn, hối lỗi. Tuyệt đối không được làm bừa, làm ẩu mà phải vững vàng, khôn khéo, tất cả đều phải đưa ra lấy ý kiến của dân, dựa vào dân; ta giúp bạn để bạn làm, giúp bạn thực hiện tốt chính sách nhân đạo”.

Từ cuối năm 1983 đến tháng 5/1984, Mặt trận 579 đẩy mạnh công tác phát động quần chúng ở 13/19 huyện, củng cố 56/136 khum (xã); tổ chức học tập cho các gia đình có người thân bỏ trốn ra rừng theo địch được 1.232 người; huy động 11.868 lượt người tham gia phát quang, làm đường, vận chuyển lương thực lên các chốt; phá một số “chính quyền 2 mặt” ở huyện Lom Phát (Rattanakiri), huyện Chép (Pret Vihia), ở khum Pla Khằn, huyện Tha La (Stung Treng); bắt hàng chục tên địch ngầm cài trong dân và các phần tử hoạt động hai mặt; gọi 87 đối tượng ra đầu hàng chính quyền bạn; riêng tháng 5/1984, có 55 đối tượng ra hàng, chủ yếu ở Choam Khsan, Ku Len (Pret Vihia), giao nộp 23 khẩu súng các loại.

Thực tế cho thấy, ở nội địa Campuchia, quân địch sử dụng chiến tranh du kích, tổ chức các toán nhỏ bu bám đánh vào phum, khum, phục kích giao thông, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, móc nối xây dựng “chính quyền 2 mặt”, “cơ sở 2 mặt”, tìm cách phá hoại từ bên trong, hòng làm cho cán bộ và nhân dân bạn hoang mang, làm cho ta chán nản, mệt mỏi. Quân tình nguyện Việt Nam đã giúp bạn truy quét địch, làm trong sạch địa bàn. Thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, lúc đầu, ta gặp không ít khó khăn khi đối phó với chiến tranh du kích của địch. Với tính chính nghĩa, bằng hành động nghĩa hiệp, vô tư trong sáng, ta đã được nhân dân Campuchia ủng hộ, tin yêu, hết lòng, hết sức giúp đỡ. Nhờ được lòng dân ủng hộ, ta và bạn đã phát động được phong trào quần chúng, xây dựng được “thế trận lòng dân” vững mạnh, rộng khắp; trên nền tảng đó, ta và bạn đã từng bước đánh bại chiến tranh du kích của địch, giữ vững được thành quả cách mạng, bạn ngày càng trưởng thành và tự đảm đương được nhiệm vụ. Kết quả đó đã khẳng định tầm chiến lược, tính đúng đắn trong sự chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh.
 

3. Chỉ đạo Bộ Tư lệnh Mặt trận 579 đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch, xây dựng tuyến phòng thủ biên giới Campuchia - Thái Lan

Tuyến biên giới Campuchia - Thái Lan nằm trên dãy núi Đăng Rếch có địa hình hiểm trở. Sau khi bị quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng cách mạng Campuchia đánh đổ (01/1979), tàn quân Pôn Pốt chạy về khu vực này lập nhiều căn cứ, tiếp nhận sự hỗ trợ của nước ngoài, từng bước khôi phục và tìm cách đưa lực lượng vào nội địa Campuchia để bu bám, đánh phá. Địa bàn này do Mặt trận 579 phụ trách.

Đầu năm 1984, đồng chí Tư lệnh Mặt trận 719 Lê Đức Anh chỉ đạo: “Đẩy mạnh hoạt động đánh địch trên biên giới Campuchia - Thái Lan, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược làm cho địch suy tàn không gượng dậy được, làm cho những đơn vị lớn không bám được trong nội địa, đập tan âm mưu chiến thuật lập căn cứ ven biên giới, làm chuyển biến rõ rệt tình hình cách mạng Campuchia”.

Bộ Tư lệnh Quân khu 5 mở Chiến dịch mùa khô 1983 - 1984 (mật danh C84) tiến công địch ở căn cứ 547 nằm trên dãy núi Đăng Rếch (lần 4), do đồng chí Nguyễn Chơn, Quyền Tư lệnh Quân khu làm Tư lệnh Chiến dịch; đồng chí Phan Hoan, Tư lệnh Mặt trận 579, làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng chiến dịch. Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm: Sư đoàn bộ binh 307 (thiếu), Sư đoàn bộ binh 2 (thiếu) được tăng cường Trung đoàn bộ binh 143 của Sư đoàn bộ binh 315, Trung đoàn bộ binh 687, Tiểu đoàn đặc công 409, các đơn vị binh chủng tăng thiết giáp, pháo binh, công binh, trinh sát thuộc Mặt trận 579, Trung đoàn 19 Campuchia.

Ngày 20/3/1984, ta thực hiện vây cắt, lực lượng trinh sát đi trước nắm địch và chuẩn bị hành lang đưa các đơn vị vào tiếp cận mục tiêu. Ngày 25/3, bộ đội ta trên các hướng đồng loạt nổ súng tiến công địch. Đến hết ngày 26/3, ta đã đánh chiếm được nhiều mục tiêu. Ngày 27/3, các đơn vị tiếp tục phát triển tiến công địch ở các mục tiêu còn lại. Song, do diễn biến tình hình quốc tế và theo đường lối đối ngoại của Đảng ta, đồng chí Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ra lệnh dừng chiến dịch tiến công. Các đơn vị tổ chức phòng ngự, sẵn sàng đánh địch phản kích. Kết quả chiến dịch: ta đã tiêu diệt căn cứ 547, địch bị tổn thất nặng, không còn khả năng phản kích.

Sau Chiến dịch C84, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tư lệnh Mặt trận 719, Mặt trận 579 triển khai giúp bạn xây dựng tuyến phòng ngự biên giới Campuchia - Thái Lan (mật danh K5). Từ cuối mùa mưa năm 1984, ta tiến hành khảo sát địa hình, phân công khu vực cho các đơn vị đảm nhận, chuẩn bị lực lượng lao động và bảo vệ. Các đơn vị bộ đội công binh vừa thi công các công trình, vừa hướng dẫn kỹ thuật giúp các đơn vị quân đội và dân công bạn thực hiện nhiệm vụ, đồng thời sẵn sàng đánh địch từ bên kia biên giới xâm nhập quấy phá. Đến mùa khô từ năm 1985 đến năm 1986, tuyến K5 cơ bản được xây dựng khép kín nên hạn chế được các tuyến hành lang vận chuyển của địch vào nội địa.

Nhằm tiêu diệt các căn cứ của quân Pôn Pốt trên tuyến biên giới Campuchia - Thái Lan, được sự chỉ đạo của Tư lệnh Mặt trận 719 Lê Đức Anh, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 mở Chiến dịch mùa khô 1984 - 1985 (mật danh Chiến dịch A4), do đồng chí Nguyễn Chơn, Tư lệnh Quân khu 5 làm Tư lệnh chiến dịch. Lực lượng ta tham gia gồm: 3 sư đoàn bộ binh (2, 315, 307), các đơn vị trực thuộc Mặt trận 579 cùng các đơn vị của bạn có nhiệm vụ đồng loạt tiến công tiêu diệt 4 căn cứ lớn của quân Pôn Pốt và các lực lượng phản động khác ở biên giới: căn cứ Pét Úm (K1), Núi Cụt (K2), Sam Pi Ka, Pha Nom Kan Tung (K3). Chiến dịch diễn ra từ ngày 08/12/1984 đến ngày 07/3/1985.

Trong chiến dịch này, ta đã làm cho địch bị thiệt hại rất nặng, bị tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực, mất một khu kho hậu cần lớn, một địa bàn quan trọng có ý nghĩa chiến lược, một khu căn cứ hỗn hợp của các lực lượng phản động cấu kết với nhau để chống phá cách mạng ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia mà chúng đã công phu xây dựng trong nhiều năm. Ta đã đẩy chúng suy sụp thêm một bước mới, gây mâu thuẫn nội bộ giữa lực lượng Pôn Pốt với bọn FULRO. Đây là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp của ta và bạn, của tiền tuyến và hậu phương, góp phần tạo thế phòng ngự liên hoàn vững chắc trên biên giới Campuchia - Thái Lan, tạo thuận lợi đẩy mạnh hoạt động trong nội địa giành thắng lợi vững chắc hơn. Trên toàn bộ chiến trường, thế và lực của địch ngày càng suy yếu, nhất là vấn đề bảo đảm hậu cần, vũ khí, đạn dược do không có lực lượng dự trữ trong nội địa; tinh thần binh lính địch ngày càng suy sụp, số hàng binh địch trong năm 1986 tăng gấp 4 lần so với năm 1985; trong số địch về hàng có những tên chỉ huy cấp trung đoàn, tiểu đoàn địch thuộc Mặt trận Đông Sông. 

Như vậy, từ năm 1981 đến năm 1986, trên cương vị Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia - Tư lệnh Mặt trận 719, đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều chỉ đạo mang tầm chiến lược đối với các hoạt động của Mặt trận 579. Đồng chí là người chỉ huy nghiêm khắc trong công việc, rất quan tâm, sâu sát đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ. Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Mặt trận 579 đã nghiêm túc chấp hành, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện các chỉ thị, mệnh lệnh của đồng chí Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam một cách kịp thời, hiệu quả. Cán bộ, chiến sĩ và đội ngũ chuyên gia Mặt trận 579 đã phát huy truyền thống tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, duy trì nghiêm kỷ luật chiến trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhân dân bạn tin yêu gọi là “Đội quân nhà Phật”. Sự chỉ đạo của
Đại tướng Lê Đức Anh, cùng với công sức, trí tuệ, tâm huyết, sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ và đội ngũ chuyên gia thuộc Mặt trận 579 đã góp phần tích cực giữ gìn hòa bình, ổn định, xây dựng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.

Trung tướng THÁI ĐẠI NGỌC