Quay lại

Quân khu 9 ghi nhớ và biết ơn sâu sắc tình cảm và những lời căn dặn của ông - nguyên Tư lệnh, Đại tướng Lê Đức Anh

Đã từ lâu, Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang miền Tây Nam Bộ luôn dành sự kính trọng đặc biệt đối với Đại tướng Lê Đức Anh, bởi phần nhiều cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, nhất là hai cuộc kháng chiến vĩ đại vừa qua, ông đã gắn bó máu thịt với mảnh đất và con người của vùng đồng bằng sông Cửu Long thân thương và rất đỗi anh hùng này. Đặc biệt, từ sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 và giai đoạn chiến đấu đánh bại kế hoạch "Tràn ngập lãnh thổ" - lấn chiếm, bình định của chính quyền và quân đội Sài Gòn sau Hiệp định Paris 1973, thì ông đã trở thành niềm tự hào của quân và dân Quân khu 9 anh hùng.
 

Đáp lại, dù sau này ông đảm trách những cương vị cao mà Đảng và Nhà nước giao phó, nhưng ở trong ông vẫn luôn dành cho Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng những tình cảm trĩu nặng, sự quan tâm thấu đáo và chân tình. Bởi vậy, mỗi khi có dịp trở lại mảnh đất miền Tây (dù rằng do công việc, sức khoẻ và tuổi tác, những chuyến du hành của ông có thưa hơn trước), thì không chỉ ở trong ông, mà trong tất cả cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Khu 9 chúng tôi đều cảm nhận rõ là ông về với Khu 9 như về với quê mình, về với người thân trong nhà.

Tôi thuộc thế hệ hậu sinh nên không có vinh dự được sống và chiến đấu cùng chiến hào với ông như các bậc đàn anh đi trước. Nhưng tôi không thể nào quên người Tư lệnh chiến trường Tây Nam Bộ (từ năm 1969 đến tháng 11-1973), dày dạn về bản lĩnh chính trị, mưu lược về lãnh đạo, chỉ huy, cương nghị với kẻ thù, hoà thuận với đảng bộ, quân và dân vùng Đồng bằng Chín Rồng. Đánh bại chiến lược bình định cấp tốc "Tràn ngập lãnh thổ, nhổ cỏ U Minh" của Mỹ - nguỵ, tạo thế và lực mới cho quân và dân đồng bằng sông Cửu Long tiến lên cùng với cả miền Nam phản công, tiến công và nổi dậy lật đổ chế độ Sài Gòn, giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Để lại cho các lực lượng võ trang Quân khu 9 truyền thống: "Quân dân đoàn kết, kiên cường bám trụ, tự lực tự cường, anh dũng chiến đấu"...

Mấy năm gần đây có đôi lần được cùng anh em Quân khu đón ông về thăm miền Tây, tuy quỹ thời gian rất ngắn ngủi nhưng đã để lại trong lòng mỗi chúng tôi những ấn tượng vô cùng sâu sắc.

Mùa Hè 2003, lúc đó tôi đang làm Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự thành phố và tỉnh Cần Thơ; ông từ thành phố Hồ Chí Minh xuống thăm Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Thành uỷ Cần Thơ. Tôi được Bộ Tư lệnh Quân khu giao việc "tháp tùng Thủ trưởng" tới thăm vùng đất Long Mỹ - nơi ông đã từng cùng bộ đội và nhân dân địa phương chiến đấu quyết, liệt và oai hùng để giữ vững từng dải đất, từng nhánh sông giai đoạn 1969 - 1973 lịch sử. Tới thăm Bảo tàng Chiến thắng 75 tiểu đoàn "Tràn ngập lãnh thổ" của Mỹ - Thiệu, ông xúc động khi nhìn lại những hiện vật và những tấm hình được lưu giữ nơi đây. Ông căn dặn: Dù điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn cũng cố gắng giữ gìn và tôn tạo, bổ sung thêm những hiện vật cho Bảo tàng, vì đây là những bằng chứng vô cùng chân thực và sinh động để nói rõ, để tái hiện cuộc sống và chiến đấu anh dũng ngoan cường của bộ đội và nhân dân Khu 9 trong giai đoạn đọ sức, đấu trí quyết liệt trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại vừa qua. Những bằng chứng được lưu giữ có sức thuyết phục, sức truyền cảm rất mạnh mẽ đối với các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, để họ có quyền tự hào, có quyền làm điểm tựa vững chắc để phát huy tinh thần và sức lực, trí tuệ và tài năng của mình trong sự nghiệp giữ nước và xây dựng non sông đất nước ngày càng phồn vinh, tươi đẹp ...

Những năm gần đây, cùng với việc phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, Bộ Tư lệnh Quân khu và đảng bộ, nhân dân địa phương đã rất chú trọng thực hiện lời căn dặn của ông trong việc giữ gìn và tôn tạo các tài liệu, hiện vật và các di tích lịch sử gắn với các đợt học tập, sinh hoạt chính trị của các đảng bộ và các đơn vị lực lượng vũ trang.

Tôi còn nhớ, hôm đó, khi rời nhà Bảo tàng Chiến thắng, chúng tôi định đưa ông vào Hội trường của Huyện Long Mỹ, thì Đại tá Khuất Biên Hoà, Thư ký giúp việc của ông nói rằng: "Bác muốn vào thăm nhà ông Tám Hoà ở ấp 8, anh Việt Quân à!". Một tình huống thật là đột xuất. Từ Cần Thơ xuống tới vị trí Bảo tàng này là hết đường ô tô. Từ đây vô ấp 8 còn khá xa, mà phương tiện duy nhất chỉ có thể là xuồng máy đi đường thuỷ, trong khi quỹ thời gian thì không còn nhiều mà "chương trình" thì còn rất nhiều việc. Tính sao đây?

Và rồi bản lĩnh của người chỉ huy quân sự đã giúp tôi tìm ra giải pháp. Một chiếc xuồng Bobo chạy đệm không khí của anh em cảnh sát và hai chiếc xuồng máy được đưa tới. Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Phu nhân ngồi trên xuồng Bobo, còn chúng tôi ngồi trên hai xuồng máy khác để tháp tùng. Mặc dù đồng chí cảnh sát cầm lái chiếc Bobo đã điều khiển vận tốc nhỏ nhất nhưng chiếc xuồng vẫn lao như bay trên mặt sông mênh mông làm chúng tôi không sao đuổi kịp. Hình ảnh hai ông bà Chủ tịch tuổi đã 85, tóc bạc trắng như tiên, ngồi trên chiếc xuồng sơn trắng xé nước lướt trên mặt sông thật là lãng mạn và cũng thật là hiện thực sinh động.

Từ xuồng Bobo bước lên, chúng tôi thận trọng dìu Chủ tịch và Phu nhân bước qua mảnh sân rêu trơn (vì mới mưa dâm nhiều ngày) để vào căn nhà lá. Chủ tịch ân cần thăm hỏi hai má con ông Tám Hoà, người đã cho mình mượn khu vườn cây phía sau nhà để đặt sở chỉ huy tiền phương của Quân khu trong những năm tháng chiến đấu ác liệt đánh bại nhiều đợt tiến công “tràn ngập lãnh thổ” của 75 tiểu đoàn quân đội Sài Gòn ở vùng đất Chương Thiện - Long Mỹ - Vị Thanh - Hoả Lựu - Cần Thơ lịch sử này. Nâng trên tay chiếc tivi và túi quà của Chủ tịch trao tặng, cả hai má con ông Tám Hoà (bà má đã 91 tuổi, ông Tám cũng đã trên 70 tuổi) rưng rưng xúc động, tay run run, nước mắt tuôn trào...

Hôm sau, ông tới thăm Bộ Tư lệnh Quân khu 9. Đồng chí Ba Tiền Phong, Tư lệnh và đồng chí Năm Lượng, Phó Tư lệnh mừng đón đoàn cán bộ chủ trì các tỉnh kết nghĩa của bạn sang dự Lễ kỷ niệm ngày truyền thống của Quân khu 9. Hai là, sáng nay được tin sắp tới đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải sẽ vô bàn về quy hoạch giao thông của vùng đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện chỉ đạo chiến lược của Trung ương và cũng là ý tưởng của Bác Sáu (Lê Đức Anh). Tôi báo cáo xong, ông liền nói:

"Theo tôi, nên bàn trong nội bộ Quân khu, nội bộ các tỉnh, thành của đồng bằng sông Cửu Long trước. Có quy hoạch rồi mới mời Bộ Giao thông và đại diện Chính phủ vào, rồi thống nhất quy hoạch tổng thể. Quy hoạch trúng thì kinh tế - xã hội phát triển tốt, quy hoạch không trúng thì sẽ gây lãng phí ghê gớm. Tôi quê tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm gần đây khi nghe tin tỉnh nhà định làm ba cây cầu lớn vượt phá Tam Giang, dân Thừa Thiên - Huế mừng lắm. Tôi cũng mừng nhưng tôi chê vì tôi nghĩ rằng trước mắt chỉ nên làm một cây cầu cho dân đi đỡ cực. Còn tiền nên đầu tư vào việc khác sẽ có lời gấp trăm lần. Chứ cùng một lúc mà tập trung vốn để bắc ba cây cầu lớn sẽ lãng phí vô cùng vì cầu xây xong dân không có hàng hoá chở đi bán. Còn hàng hoá của Chính phủ chở vô thì dân tiêu thụ không đáng bao nhiêu; như vậy sẽ rất lãng phí.

Hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, với sự phát triển của khoa học công nghệ nên tốc độ rất khẩn trương, nếu chúng ta không tích cực thì sẽ tụt hậu rất nghiêm trọng. Bởi vậy, vùng đồng bằng sông Cửu Long giờ phải tiến hành khẩn trương việc quy hoạch tổng thể về kinh tế - xã hội, trước hết là quy hoạch về giao thông:

- Về đường không: Phải có sân bay quốc tế, mà là quốc tế thật sự chứ không phải dán tem mác cho oai. Tức là quan hệ với các nước trên thế giới để lập đường hàng không trực tiếp, rồi ngay sau đó phải có hàng hoá để trao đổi, phải có người - tức là đưa, đón khách quốc tế.

- Về đường thuỷ: Phải có kế hoạch đồng bộ để các cửa biển, cửa sông được nạo vét thường xuyên, tàu lớn ra vào cập cảng thuận tiện.

- Về đường bộ: Phải khẩn trương mở rộng các tuyến đường đã có sẵn, đồng thời làm mới ít nhất một tuyến Quốc lộ 1 nữa.

Lãnh đạo Quân khu và các tỉnh nên bàn bạc kỹ rồi cùng với Bộ Giao thông - Vận tải và đại diện của Chính phủ bàn rồi quyết định và triển khai thực hiện một cách tích cực.

Hiện nay xu thế hội nhập và nền kỹ nghệ của quốc tế phát triển rất cao; nếu chúng ta không khẩn trương thì không theo kịp.

Nhân dân, bộ đội, cán bộ của miền Tây Nam Bộ rất tốt, rất trung thành với lý tưởng cách mạng, kiên cường trong chiến đấu giải phóng Tổ quốc trước đây, cần cù và sáng tạo trong lao động, đã làm nên nhiều thành tựu trong 20 năm đổi mới vừa qua. Nhưng tôi đề nghị bây giờ hãy bớt nhậu đi, tập trung vào công việc.

Hiện nay, việc hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn là điều tất yếu. Không làm là sai. Làm thì nhiều việc lắm. Nói thì đủ thứ nhưng trước hết là yếu tố con người - đồng bằng sông Cửu Long phải học, phải chịu khó lao vào học tập.

Từ đất và nước mà làm ra lúa gạo. Nhưng gạo phải chế biến thành hàng hoá. Trồng ra cây mía, nhưng mía phải chế biến thành đường; rồi đường phải chế biến ra sản phẩm hàng hoá thì mới thu được lời cao. Muốn vậy phải học. Mà ai sẽ làm việc nói trên? - Nông dân! Vậy thì phải tổ chức cho người dân đồng bằng sông Cửu Long học tập. Mà theo quy luật, khi sản xuất nông nghiệp từ thô sơ đơn giản tiến lên công nghiệp hoá thì một bộ phận lớn trong nông dân sẽ đi vào sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Còn một bộ phận trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp thì phải sử dụng công cụ, máy móc hiện đại. Theo quy luật phát triển của nền kinh tế thì phải như vậy. Lãnh đạo Quân khu phải nắm vững quy luật này để có quy hoạch về chiến lược con người, chiến lược về lao động. Theo lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh được vận dụng và triển khai cụ thể bằng chủ trương đường lối của các kỳ Đại hội Đảng vừa qua thì tiến lên công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn là một việc dứt khoát phải làm. Chúng ta phải bảo vệ và khai thác thật tốt lực lượng lao động trong nông dân và bồi dưỡng cho lực lượng này không ngừng tăng lên. Mà lực lượng này không đâu bằng đồng bằng sông Cửu Long. Bởi vậy Quân khu phải coi đây là một việc lớn.

Việc này đã bàn chưa? Ai bàn? - Ở Trung ương tôi chưa thấy bàn, hay nói đúng hơn có bàn nhưng còn chung chung lắm, chứ nói riêng cho từng vùng thì chưa thấy bàn.

Ví dụ: Cá cơm là một sản phẩm rất quý của biển. Cho đến nay mới chỉ có Phú Quốc là có "Kế hoạch về cá cơm". Tôi đã từng ra đó. Người dân Phú Quốc đóng những thùng gỗ rất to để ướp cá làm mắm. Đến chừ thương hiệu "Nước mắm Phú Quốc" đã đi khắp thế giới và được bạn bè năm châu công nhận. Còn trong đất liền, từng vùng quy hoạch cái gì thì chưa thấy có. Nói cái này để thấy rằng, làm quy hoạch không chỉ dừng lại ở tầm vĩ mô, mà phải đi vô từng vùng, từng vấn đề cụ thể sau khi đã có quy hoạch tổng thể, có quy hoạch vĩ mô rồi, để ta có quy hoạch chi tiết, như thế mới đồng bộ, mới khoa học.

Ta cứ nói dân dùng xung điện, thuốc nổ để đánh cá, rồi bắt bớ, phạt. Không phải hiện tượng này giờ mới có, mà nó có mấy chục năm nay rồi. Ngoài Hà Nội vẫn cứ họp, cứ nói; còn người dân thì vì cuộc sống thường nhật nên họ vẫn cứ làm, mặc dù biết rằng làm là sai. Bởi vậy ta không chỉ dừng lại ở họp để kiểm điểm cán bộ, rồi dùng cảnh sát tuần tra. Mà vấn đề là chính quyền phải có kế hoạch đồng bộ và dứt khoát, phải dựa vào dân để thực hiện kế hoạch. Các kế hoạch phải liên quan chặt chẽ với nhau, làm phải đạt được hiệu quả.

Tôi xin nhắc lại về vị trí chiến lược của Quân khu 9 đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu nên nhớ phải thường xuyên liên hệ, làm việc chặt chẽ với các tỉnh trong nhiệm vụ kinh tế - xã hội cũng như an ninh - quốc phòng. Kẻ thù của chủ nghĩa xã hội không bao giờ thay đổi âm mưu, không thay đổi mục tiêu, mà nó chỉ thay đổi sách lược. Giờ nhìn ra thì chúng ta thấy "êm". Nhưng phải thấy bên trong cái "êm" đó, đằng sau cái êm đó là cái gì. Phải luôn nhớ rằng lúc này, phải hơn lúc nào hết, tranh thủ để phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các quốc gia và các dân tộc trên thế giới", nhưng phải luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch.

Hai cuộc chiến tranh giải phóng trước đây, tôi đã được đi hết vùng đất đồng bằng sông Cửu Long. Người dân miền Tây Nam Bộ có tinh thần độc lập tự chủ rất cao. Chính tinh thần độc lập tự chủ này, dưới sự lãnh đạo của Khu uỷ và các tỉnh uỷ nên các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã giải phóng địa bàn của mình cùng thời điểm với việc giải phóng Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 lịch sử. Giờ đây lãnh đạo Quân khu hãy phát huy tinh thần ấy trong công cuộc đổi mới đất nước.

Nhân dịp ngày vui lớn này, tôi xin chúc Đảng bộ, các lực lượng vũ trang và nhân dân Quân khu 9 lập nhiều chiến công mới, thành tựu mới trong công cuộc đổi mới đất nước vĩ đại ngày hôm nay!".

Chỉ với trên dưới hai giờ của buổi sáng hôm đó, mà Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã truyền thụ cho tôi, người Bí thư của Đảng bộ Quân khu những nội dung vô cùng trọng đại, vô cùng quý giá mà cũng vô cùng dễ hiểu, vì nó vừa sát với thực tế vừa cấp thiết, vừa là chiến lược lâu dài vừa hiện hữu trước mắt. Tới tuổi 85 mà Đại tướng vẫn dành cho Ban lãnh đạo Quân khu chúng tôi những tư duy mẫn tuệ như vậy, thật quý giá biết nhường nào!

Đến hôm nay, sau vừa tròn một năm công tác kể từ ngày đó, chúng tôi có thể vui mừng báo cáo với Đại tướng rằng: một năm qua, Đảng bộ, các lực lượng vũ trang và nhân dân đồng bằng sông Cửu Long đã đoàn kết phấn đấu với nỗ lực và tinh thần đổi mới rất cao, những lời chỉ giáo quý báu của Đại tướng đã và đang trở thành kết quả hiện thực khả quan. Vùng đất và con người miền Tây Nam Bộ đang phát triển bền vững và đổi thay hằng ngày theo hướng tích cực của mục tiêu mà Đảng đã vạch ra: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Và trong tâm khảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân Tây Nam Bộ luôn có hình ảnh gần gũi thân thương và rất đỗi kính yêu của vị Tư lệnh chiến trường oai hùng năm xưa, của Đại tướng - Chủ tịch nước Lê Đức Anh thời kỳ đổi mới - Bác Sáu Nam!
 

Thiếu tướng Nguyễn Việt Quân
Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước