Phú Lộc - quê hương của một tài năng quân sự, chính trị
Trong suốt chiều dài lịch sử, nhân dân Phú Lộc đã trải qua biết bao thăng trầm để xây dựng và bảo vệ quê hương. Núi rừng, đèo dốc, đầm phá, biển cả cùng với các cảnh quan nổi tiếng, như: Bạch Mã, Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng, đầm Cầu Hai, đầm Lăng Cô, núi Truồi, sông Truồi,... luôn gắn liền với mồ hôi, xương máu, trí tuệ của nhân dân Phú Lộc, ghi dấu bước phát triển của con người nơi đây. Bằng sức lao động cần cù, sáng tạo, nhân dân Phú Lộc từ xa xưa đã tạo ra trên quê hương mình những sản phẩm và ngành nghề truyền thống nổi tiếng, như: nghề đóng thuyền Diêm Trường, tơ tằm Mỹ Lợi, bánh ướt, bánh lọc, dâu Truồi, chè Truồi,... Sông Truồi, sông Nong trở thành giao thông đường thủy từ rừng tới biển, nối liền đầm phá Cầu Hai, Lăng Cô giàu hải sản với vùng núi cao nhiều lâm sản, để phục vụ giao thương hàng hóa của địa phương.
Đất và người Phú Lộc ngay từ thuở các bậc tiền nhân “khai sơn phá thạch” đã thể hiện ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết, nhân ái, bao dung trong quá trình đấu tranh chống thiên tai, địch họa, xây dựng cuộc sống. Quá trình đó đã hình thành nên nhiều làng quê có bề dày văn hóa và nổi tiếng bởi truyền thống hiếu học, như: làng Bàn Môn (xã Lộc An), làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ),... là nơi đã sản sinh nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều nhà yêu nước và cách mạng, trong đó có Đại tướng
Lê Đức Anh - một nhà chính trị, nhà quân sự tài năng, người con ưu tú của quê hương Phú Lộc.
Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh sinh ra ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang; quê gốc ở xứ Truồi, làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Làng Bàn Môn là nơi có truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi thành lập Chi bộ đảng đầu tiên ở nông thôn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuổi thơ của ông gắn bó với xứ Truồi với những vườn cây trái xanh tươi, cho quả ngọt bốn mùa, nơi có núi Truồi, sông Truồi. Chính con sông Truồi trong xanh, hiền hòa đã nuôi dưỡng tâm hồn, tuổi thơ ông.
Sinh ra và lớn lên trong chế độ thuộc địa nửa phong kiến, phải chứng kiến cảnh người dân sống cơ cực lầm than đã hun đúc trong ông lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc và tinh thần đấu tranh cách mạng triệt để. Sớm được tiếp xúc với những người yêu nước và cách mạng, ở tuổi niên thiếu, ông đã nghe cậu Giảng và ông Lê Bá Dị nói chuyện với nhau về chuyện nước, về các danh nhân yêu nước Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, về Nguyễn Ái Quốc, Đệ tam Quốc tế Cộng sản. Năm 15 tuổi, ông đã đọc báo chí tiến bộ và tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, về Nguyễn Ái Quốc và tham gia phong trào đấu tranh giành độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc. Ông bắt đầu giác ngộ và chính thức tham gia hoạt động cách mạng lúc 17 tuổi, bắt đầu từ việc đọc sách, báo đến việc tuyên truyền, vận động trong dân chúng. Ngày 01/5/1938, ông đã được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Đông Dương khi 18 tuổi.
Có thể nói, mảnh đất quê hương đã hun đúc nên tinh thần yêu nước, đi theo con đường đấu tranh cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng gắn liền với nhiều mốc son lịch sử của dân tộc. Đại tướng đã mang hết sức lực, trí tuệ và phẩm chất của người cộng sản để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi vẻ vang, tự hào; góp phần làm rạng rỡ quê hương Phú Lộc anh hùng. Đảng bộ, quân và dân Phú Lộc không chỉ tự hào về vùng đất đã đi vào thơ ca, mà còn tự hào có một người con là vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắc như Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với vị trí chiến lược quan trọng về quân sự nên bọn thực dân, đế quốc và tay sai đã bố trí trên địa bàn huyện Phú Lộc nhiều đồn bốt, cứ điểm được trang bị kỹ thuật quân sự tối tân, cùng với một lực lượng dày đặc để đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, Phú Lộc là một chiến trường ác liệt nhưng cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang của huyện nhà vẫn kiên trì bám đất, bám dân để xây dựng phong trào, sáng tạo nhiều cách đánh hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho phong trào kháng chiến ở Thừa Thiên Huế, góp phần cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Trải qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào cách mạng ở Phú Lộc có lúc thăng, lúc trầm bởi sự đàn áp dã man của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Là một trong những chiến trường gay go ác liệt, chịu nhiều mất mát hy sinh to lớn, song cán bộ, quân và dân huyện Phú Lộc đã nắm chắc, vận dụng sáng tạo phương châm “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch, trên bám dưới”, từng bước khôi phục lại phong trào, từng bước tạo thế và lực, củng cố và xây dựng lực lượng cách mạng ở địa phương, đẩy mạnh chiến đấu, diệt ác, trừ gian giải phóng nhiều vùng, làm cơ sở cho việc lấy nông thôn bao vây thành thị, đánh cắt giao thông, ngăn chặn việc tiếp viện của địch từ Đà Nẵng ra Trị Thiên Huế, là chiến trường mở đầu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Đặc biệt, năm 1975, trước khí thế cách mạng của toàn miền Nam, thực hiện mệnh lệnh chiến đấu thần tốc, táo bạo của Quân khu Trị Thiên Huế, quân và dân huyện Phú Lộc đã phối hợp với chiến trường toàn tỉnh tham gia nhiều chiến dịch trên các vùng ở khu 1, khu 2, khu 3 và toàn huyện; đã tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm cho địch hoang mang, dao động, buộc chúng phải co cụm phòng thủ, tạo điều kiện cho ta làm chủ ở nhiều vùng. Sáng ngày 24/3/1975, quân và dân Phú Lộc phối hợp với các lực lượng đồng loạt tiến công địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, giải phóng hoàn toàn huyện Phú Lộc; góp phần vào giải phóng Thừa Thiên Huế ngày 26/3/1975 và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Phú Lộc đã lập được nhiều chiến công. Toàn huyện có 12.450 người con thoát ly tham gia kháng chiến, đã có 2.358 liệt sĩ, gần 500 thương bệnh binh, hàng nghìn gia đình có công với nước. Hàng nghìn người con thân yêu của mọi miền đất nước chiến đấu trên quê hương Phú Lộc đã hy sinh xương máu, đóng góp sức người, sức của cho cách mạng.
Những sự hy sinh anh dũng và chiến công oanh liệt đó của quân và dân huyện Phú Lộc được Đảng, Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bên cạnh đó, toàn huyện có 11 xã, thị trấn và đơn vị Công an huyện Phú Lộc được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Có 5 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 307 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; một Huân chương Quân công hạng Nhì; hai Huân chương Quân công hạng Ba; một Huân chương Chiến công hạng Nhất; một Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Ba; 2 Huân chương Giải phóng hạng Nhất và Nhì cùng hàng trăm huân, huy chương cho các tập thể và cá nhân. Những chiến công, sự hy sinh to lớn của các thế hệ đảng viên, cán bộ quân và dân Phúc Lộc đã góp phần to thắm thêm truyền thống vẻ vang của quê hương, để lại lòng biết ơn, niềm vinh dự, tự hào cho các thế hệ mai sau.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mặc dù phải đương đầu với muôn vàn khó khăn để khắc phục hậu quả chiến tranh, đói nghèo, lạc hậu, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện đã nỗ lực vượt qua bao khó khăn, thử thách, chiến thắng đói nghèo, lạc hậu và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Cùng với tiến trình đổi mới của đất nước từ năm 1986 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của huyện liên tục phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn đạt cao hơn mức bình quân chung của tỉnh, bình quân hằng năm đạt trên 14%. Từ một huyện thuần nông, đến nay lĩnh vực dịch vụ - du lịch và công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 93,6% trong cơ cấu kinh tế. Tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 6,4%. Nhiều dự án du lịch, sản xuất công nghiệp có quy mô lớn đã được triển khai và đi vào hoạt động, đặc biệt là các dự án tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Khu công nghiệp La Sơn. Tổng lượng khách du lịch đến Phú Lộc (trước khi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19) đạt hơn 1 triệu lượt khách/năm. Nông nghiệp phát triển theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng biển và đầm phá. Đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa. Tổng thu ngân sách hơn 600 tỷ đồng/năm, trong đó thu cân đối ngân sách 200 tỷ đồng. Bộ mặt đô thị và nông thôn thay đổi rõ rệt; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư (tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 gần 35.000 tỷ đồng), góp phần khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương về phát triển dịch vụ, du lịch.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều hoạt động sôi nổi, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu của nhân dân. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) giảm còn 4,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 62,5 triệu đồng/người/năm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng cao; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố vững chắc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong sự phát triển và đi lên của Phú Lộc luôn có những tình cảm đặc biệt của Đại tướng Lê Đức Anh dành cho quê hương. Mặc dù sống xa quê và bận rộn công tác, nhưng trong những lần về thăm quê, Đại tướng luôn có nhiều trăn trở và gợi mở giúp quê hương khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội.
Khắc ghi lời căn dặn của Ðại tướng, nhiều năm qua, Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang toàn huyện đã không ngừng nỗ lực thi đua lao động sản xuất, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tháng 9/2018, xã Lộc An - quê hương Đại tướng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện đã có 8/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Những kết quả trên tuy mới chỉ là bước đầu, song rất đáng tự hào, là những tiền đề cơ bản và quan trọng để Phú Lộc tiếp tục phát triển nhanh và toàn diện hơn trong thời gian tới.
Thể theo nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện Phú Lộc, để tôn vinh, ghi nhớ công lao to lớn của Đại tướng, năm 2011, Đảng và Nhà nước đã xây dựng Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh tại xã Lộc An. Nhà Văn hóa được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2012. Đây là địa chỉ đỏ để tuyên truyền, giáo dục truyền thống vẻ vang của Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam và là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, sách, ảnh quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Từ khi đưa vào sử dụng, Nhà văn hóa đã đón từ 20.000 đến 25.000 lượt khách/năm đến tìm hiểu, nghiên cứu, học tập.
Tự hào với những truyền thống vẻ vang của quê hương, đất nước; noi gương, học tập Đại tướng Lê Đức Anh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện Phú Lộc tiếp tục phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Phú Lộc xác định tập trung phát huy tinh thần đổi mới tư duy, huy động và sử dụng tốt các nguồn lực để phát triển toàn diện các lĩnh vực, trong đó, góp phần cùng với tỉnh xây dựng, phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sớm trở thành đô thị loại III, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của địa phương; chăm lo cho các gia đình chính sách, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Mục tiêu tổng quát đến năm 2025, xây dựng Phú Lộc thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, ngày càng giàu đẹp, văn minh.
NGUYỄN VĂN MẠNH
SÁCH ĐỒNG CHÍ LÊ ĐỨC ANH VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM VÀ QUÊ HƯƠNG THỪA THIÊN HUẾ