Quay lại

Phát biểu của Đại tướng Phạm Văn Trà tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh (Ngày 01/12/2020 tại tỉnh Thừa Thiên Huế)

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng!

Kính thưa các đại biểu và các vị khách quý!

Hôm nay, tôi vô cùng xúc động được tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh. Trước hết, tôi xin gửi đến các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí đại biểu, các vị khách quý và gia đình đồng chí Lê Đức Anh, cùng toàn thể các đồng chí lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Thưa các đồng chí!

Năm 1964, tôi được điều động vào chiến đấu tại chiến trường miền Tây Nam Bộ. Năm 1969, đồng chí Đại tá Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu 9, lúc đó tên đồng chí là Chín Hoà. Từ đây cho đến những năm về sau, tôi có nhiều thời gian được chiến đấu, công tác dưới quyền chỉ huy của đồng chí Lê Đức Anh. Quá trình ấy đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc về người chỉ huy tài ba, đức độ của mình.

* Ấn tượng của tôi về đồng chí Lê Đức Anh, trước hết, Đồng chí là một người chỉ huy sâu sát, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.

- Tôi còn nhớ, đồng chí Chín Hòa (Lê Đức Anh) được điều động về làm Tư lệnh Quân khu 9 và anh Tám Thuận (Võ Văn Kiệt), lúc đó làm Bí thư khu ủy và đồng thời là Chính uỷ quân khu. Trong điều kiện chiến trường Quân khu bước vào giai đoạn địch đánh rất ác liệt, đã bình định lấn chiếm phần lớn đất đai, quân dân ta rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn. Trước tình hình ấy, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Khu uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo từng bước khôi phục lực lượng, mở rộng căn cứ, vùng giải phóng. Là Tư lệnh Quân khu, nhưng đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Bí thư khu ủy thường xuyên vào tận vùng địch kiểm soát để nắm tình hình thực tiễn chiến trường, có lúc ở cùng với Trung đoàn chúng tôi hàng tháng trên đất Cần Thơ, xen kẽ với đồn địch. Báo cáo với đồng chí là lúc đó rất khó khăn, Khu uỷ là muốn mời đồng chí về rừng nước Cà Mau thì đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Võ Văn Kiệt nhất thiết là về lên Cần Thơ, đồng chí chỉ nói là có lên được đến Cần Thơ, lên được vùng địch như vậy mới nắm sát được địch, mới bám sát được tình hình và từ đó mới có chỉ đạo sát được. Cho nên hai đồng chí luôn luôn đi với nhau và thường là lên Trung đoàn tôi vì Trung đoàn tôi ở sát quân địch. Có những lúc đồng chí Võ Văn Kiệt ở cách đồn chỉ 400 thước thôi, đồng chí Lê Đức Anh cũng chỉ ở cách đồn 400 - 500 thước thôi nhưng mà địch cũng không biết, báo cáo các đồng chí như vậy.

Đồng chí đã chỉ cho chúng tôi cách đánh địch trong điều kiện ta địch xen kẽ nhau, ta bị thiếu quân, thiếu lương thực, thiếu vũ khí. Lúc đó thì chúng tôi chỉ thiếu lương thực, thiếu quân. Thiếu lương thực thì nhờ dân, thiếu thức ăn thì ra sông ngòi và rau xanh thì chủ yếu là rau rừng và rau lộc bình, chứ không có gì ăn cả, cực kỳ gian khổ. Đồng chí chỉ bảo chúng tôi phải luôn bám vào dân, dựa vào dân để chiến đấu, thường xuyên cơ động để đánh địch và bảo toàn lực lượng. Lúc nào chúng tôi khó khăn nhất thì đồng chí lại có mặt, dù ở xa hay ở gần.

- Đầu năm 1973, Hiệp định Pa - ri được ký kết, một trong những điều khoản quan trọng của Hiệp định là: “Hai bên thực hiện ngừng bắn, chấm dứt chiến sự không thời hạn”. Trong khi chúng ta thực hiện rất nghiêm túc nội dung này, thì phía nguỵ quân nguỵ quyền Sài Gòn lại đẩy mạnh bình định lấn chiếm. Riêng ở Quân khu 9, thực hiện nghị quyết của Khu uỷ, nhờ có sự chỉ huy quyết đoán, dám chịu trách nhiệm của Tư lệnh Lê Đức Anh mà căn cứ được giữ vững, vùng giải phóng được mở rộng.

Giai đoạn này, tôi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 U Minh, Quân khu 9. Thực hiện mệnh lệnh của Quân khu, bộ đội chiến đấu rất kiên cường, dũng cảm, các lực lượng vũ trang Quân khu lần lượt đánh bại 75 tiểu đoàn cùng các cuộc hành quân lấn chiếm quy mô lớn của địch.

* Ấn tượng thứ hai của chúng tôi với đồng chí Lê Đức Anh là  tầm nhìn chiến lược, luôn dự báo trước tình hình nên thường không bị bất ngờ và bị động. Đồng chí bao giờ cũng dự báo trước tình hình cho nên các lực lượng dưới quyền đồng chí thì lúc nào cũng chủ động.

- Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất; đầu năm 1976, đồng chí Lê Đức Anh tiếp tục được điều về làm Tư lệnh Quân khu 9. Lúc này, toàn quân đang thực hiện chủ trương giảm quân số, giải thể một số đơn vị. Quân khu 9 lúc đó có 2 sư đoàn, sư đoàn 4 và sư đoàn 8 nhưng đồng chí vẫn đề nghị với Bộ là cho thành lập sư đoàn 330 bao gồm Trung đoàn mạnh nhất của quân khu 8 và quân khu 9. Lúc bấy giờ điều 2 sư đoàn còn lại là sư 4 và sư 8 đi làm kinh tế.

Sau này, khi quân Pôn Pốt đánh sang toàn tuyến biên giới Tây Nam, thì Quân khu 9 có lực lượng đánh lại, đẩy lùi các cuộc xâm lấn biên giới của chúng, thậm chí còn tiêu diệt được một sư đoàn quân Pôn Pốt ở núi Phú Cường, giữ lại quân chủ lực tinh nhuệ thành lập Sư đoàn 330 thể hiện tầm nhìn chiến lược của đồng chí Lê Đức Anh.

Sau năm 1978, do chiến trường Quân khu 7 gặp khó khăn, đồng chí rời Tư lệnh Quân khu 9 về làm tư lệnh kiêm chính ủy Quân khu 7 và đồng chí đã giải quyết được những khó khăn của Quân khu 7.

- Một quyết định toán bạo nữa thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Lê Đức Anh là khi đồng chí đảm nhiệm trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, lạm phát kéo dài, Đồng chí đã đề xuất với Bộ chính trị và Chính phủ cắt giảm quân số, để tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước, hiện đại hoá quân đội.

Trong thời gian này, ta đã giảm hơn 60 vạn quân thường trực được cắt giảm; theo đó, gánh nặng về ngân sách quốc phòng được giải quyết một cách cơ bản. Lực lượng và tổ chức phòng thủ trên các hướng, địa bàn được bố trí, bảo đảm khả năng phòng thủ của từng địa phương và cả nước vững chắc trong mọi tình huống.

Khi cắt giảm quân số, đồng chí Lê Đức Anh đã đề xuất với Chính phủ về chế độ, chính sách cho bộ đội xuất ngũ rất phù hợp, như: cấp đất làm nhà, cho đi xuất khẩu lao động. Đồng chí nói: “Anh em chiến đấu gian khổ rồi, bây giờ họ về, phải chăm lo ổn định cho họ”.

- Thời kỳ đồng chí Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì tôi đang là Tư lệnh Quân khu 3. Trong giai đoạn này, tình hình quốc tế có nhiều biến động sâu sắc. Đồng chí Lê Đức Anh đã triệu tập các Tư lệnh quân khu, các Tư lệnh quân đoàn lên, đồng chí nói như thế này: tình hình thế giới gặp rất nhiều khó khăn, khả năng Liên Xô sẽ sụp đổ. Trong khi Liên Xô sụp đổ thì biến động lớn thì các quân khu, các quân đoàn phải nắm chắc quân đội bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cho tốt.

Đúng như Đồng chí dự liệu 6 tháng sau đó thì Liên Xô sụp đổ, trên thế giới có nhiều biến động lớn, nhưng ở trong nước, chúng ta vẫn giữ được sự ổn định. Ở một số nơi, bọn phản động trong nước có biểu hiện gây rối; nhưng, do được dự kiến từ trước, nên các đơn vị Quân đội và Công an đã kịp thời xử lý, ổn định tình hình.

* Ấn tượng thứ ba, đồng chí Lê Đức Anh là một người chỉ huy luôn biết lắng nghe ý kiến cấp dưới; luôn giữ vững và đề cao nguyên tắc lãnh đạo của Đảng.

- Là người cán bộ được chiến đấu nhiều năm dưới quyền chỉ huy của đồng chí Lê Đức Anh, tôi nhận thấy, Đồng chí là một người chỉ huy luôn biết lắng nghe, chấp thuận những ý kiến có lý, có tình ở cấp dưới. Tôi cũng đã đôi lần tranh luận và một số ý kiến được Đồng chí chấp thuận.

Tôi còn nhớ có lần, chúng tôi đang chuẩn bị bước vào chiến dịch, thì chúng tôi bị B-52 đánh phá, đơn vị hy sinh quá nhiều. Đồng chí Lê Đức Anh lúc đó vẫn quyết tâm tiến hành chiến dịch. Nhưng chúng tôi đề xuất không đánh được vì lực lượng của ta chưa được củng cố. Sau khi bàn bạc, Đồng chí quyết định cho lùi chiến dịch lại mấy ngày. Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, Đồng chí luôn luôn giữ nguyên tắc tính Đảng trong các quyết sách của mình.

- Đồng chí Lê Đức Anh cho rằng, Đảng phải giữ được nguyên tắc thì mới tạo được sức mạnh. Nếu không giữ nguyên tắc thì đảng sẽ suy yếu, thậm chí tan rã. Những sai lầm trong Đảng phải được đấu tranh đến cùng và khắc phục triệt để.

Cuối năm 1982, ta có chủ trương điều chỉnh hệ thống cấp uỷ đảng trong Quân đội theo tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị (khoá 5). Thời gian này, tôi là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330, rồi làm Phó Tư lệnh Mặt trận 979 làm nhiệm vụ quốc tế tại Cam-pu-chia; đồng chí Lê Đức Anh triệu tập các Tư lệnh lên và nói rằng Nghị quyết 07 là không đúng với tinh thần điều lệ của Đảng và bỏ cấp uỷ, tất nhiên quân đội không còn có sự lãnh đạo của Đảng nữa, thực sự đấy là phi chính trị hoá quân đội.

Đồng chí nhận thấy những mặt hạn chế của Nghị quyết 07 bỏ đảng cho nên đồng chí Lê Đức Anh đã đề nghị và được Bộ Chính trị chấp thuận riêng Quân tình nguyện và Chuyên gia đang làm nhiệm vụ quốc tế tại Cam-pu-chia vẫn giữ nguyên chế độ chính uỷ như trước đây, không thực hiện Nghị quyết 07. Trong đó, ở trong nước, sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 07 đã bộc lộ nhiều nhược điểm, nên Bộ Chính trị đã kịp thời ra Nghị quyết số 27, khôi phục lại hệ thống cấp uỷ đảng trong quân đội. Điều đó thấy rõ, đồng chí Lê Đức Anh là người rất nhạy bén về chính trị, luôn giữ vững và đề cao nguyên tắc lãnh đạo của Đảng.

- Khi làm Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước. Trong các quyết sách về đối nội và đối ngoại, Đồng chí luôn đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, chủ quyền thiên liêng của Tổ quốc lên hàng đầu, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân.

* Ấn tượng thứ tư của tôi về đồng chí Lê Đức Anh, đồng chí Lê Đức Anh là một người lãnh đạo, chỉ huy giàu lòng yêu  thương đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Chính đồng chí Lê Đức Anh là người khởi xướng, đề xuất với Đảng và Nhà nước phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đồng chí luôn luôn trăn trở suy nghĩ, những người lính hy sinh gian khổ chưa là gì so với nỗi đau của những người phụ nữ đã hy sinh chồng, con cho đất nước. Suy nghĩ đó cho thấy, Đồng chí là một người có tấm lòng nhân hậu, luôn trân trọng sự hy sinh cao cả của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đồng chí luôn luôn dạy chúng tôi, làm cán bộ phải luôn chú trọng các mối quan hệ, phải gần gũi, gắn bó với nhân dân, với chiến sĩ; phải luôn luôn chăm lo cải thiện đời sống của bộ đội, phải xây dựng đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân. Nhưng trong huấn luyện, thì phải huấn luyện thực sự, sát với thực tế chiến đấu. Nếu huấn luyện, rèn luyện mà hời hợt, thì xương máu sẽ đổ nhiều. Quân đội muốn mạnh phải có kỷ luật và đoàn kết, gắn bó với nhân dân.

Sau này khi đã nghỉ hưu, đồng chí Lê Đức Anh vẫn luôn quan tâm đến Quân đội. Đồng chí thường nhắc nhở, dặn dò tôi mỗi khi tôi đến thăm, là dù làm gì cũng phải giữ vững bản chất, truyền thống của Quân đội, phẩm chất quý giá của quân nhân cách mạng, hình ảnh cao đẹp của  “Anh Bộ đội Cụ Hồ”.

Thưa các đồng chí!

Với tôi, kỷ niệm về đồng chí Lê Đức Anh còn rất nhiều, và không thể kể hết trong buổi lễ trọng thể này. Nhớ về đồng chí Lê Đức Anh, tôi nhớ về một người anh, người thủ trưởng gần gũi, chân thành nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc. Chính tôi đã học được từ Đồng chí nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học rất sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ huy và cả trong cuộc sống đời thường.

Cuối cùng, kính chúc các đồng chí Lãnh đạo, cùng toàn thể các đồng chí đại biểu, khách quý mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!