Quay lại

Ở anh, tôi thấy rõ nhiều điều đáng quý và đáng kính

Đầu năm 1963, khi được lên đường vào Nam chiến đấu (lúc đó gọi là đi B), tôi là cán bộ nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Bộ tổng Tham mưu. Đoàn đi xuất phát từ Xuân Mai (Hòa Bình) rạng sáng ngày 18-2-1963; đến cuối tháng 6-1963 mới vào đến Nam Bộ (B2).

Đây là thời kỳ đầu thành lập Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền (thay thế cho Ban Quân sự miền Nam trước đó). Anh Nguyễn Văn Linh là Bí thư Trung ương Cục, anh Trần Văn Trà là Tư lệnh B2, anh Lê Đức Anh (đi cuối năm 1963, đầu 1964 vào tới B2) làm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền. Tôi được giao làm cán bộ nghiên cứu về địch, Phòng 2, Cục Tham mưu Miền nên được biết và tiếp xúc với anh Lê Đức Anh (tức Sáu Nam) từ ngày ấy.

Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh

Chỉ ngoại trừ hơn một năm (từ tháng 1-1973 đến tháng 4 1974) công tác trong Ban Liên hợp quân sự bốn bên ở Trại Đavít, Sài Gòn, còn suốt cả thời kỳ chống Mỹ từ năm 1963 đến 1975, tôi công tác tại Phòng 2, Bộ Tham mưu B2. Sau giải phóng miền Nam 1975, khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, tôi làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia từ cuối năm 1978 đến 1988 với cương vị Trưởng Phòng Quân báo tiền phương Quân khu 7 rồi Mặt trận 479; lúc này anh Sáu Nam là Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (mật danh là 719). Từ năm 1990 tôi được điều về Tổng cục II để chuẩn bị rồi đi làm Tùy viên quân sự Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Thái Lan. Lúc đó anh Sáu Nam là Bộ trưởng Quốc phòng, sau đó làm Chủ tịch nước. Qua quá trình tiếp xúc, làm việc gần anh, tôi có ba vấn đề sâu sắc nhất:

Một là, việc anh tổ chức chiến đấu đánh bại cuộc hành quân Gianxơn Xity, một cuộc hành quân trên bộ lớn nhất của quân đội đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam.

Sau thất bại của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", từ giữa năm 1965, Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược "Chiến tranh cục bộ" với nội dung chủ yếu là:

- Triển khai nhanh quân chiến đấu Mỹ ở miền Nam, bố trí ở các địa bàn trọng yếu, ngăn chặn quân giải phóng, ổn định và xây dựng quân ngụy Sài Gòn.

- Mở các cuộc hành quân, phản công chiến lược nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và chủ lực của ta và giành quyền kiểm soát nông thôn.

- Tiếp tục hành quân "tìm diệt" chủ lực ta, hỗ trợ cho quân ngụy "bình định" để tiến tới có thể rút dân quân Mỹ.

Từ khi đổ bộ ồ ạt vào miền Nam nước ta, quân Mỹ cùng với quân các nước chư hầu đã tiến hành hai cuộc phản công chiến lược vào hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, trong đó Đông Nam Bộ được coi là một trong hai hướng tiến công chú yếu của chúng.

Cuộc phản công lần thứ nhất, mùa khô 1965-1966, chúng đánh vào vùng Hố Bò, An Nhơn Tây thuộc Củ Chi. Sau đó chúng đánh lên sát biên giới Việt Nam - Campuchia nhưng bị thất bại, không đạt được ý đồ diệt hoặc đánh bật chủ lực ta và đầu não Quân khu Sài Gòn - Gia Định.

Cuộc phản công chiến lược lần thứ hai, mùa khô 1966 - 1967, mà đỉnh cao là cuộc hành quân Gianxơn Xity. Đây là cuộc hành quân then chốt trong cuộc phản công mùa khô lần thứ hai, một cố gắng trên bộ lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam do Bộ tư lệnh dã chiến II của Mỹ trực tiếp vạch kế hoạch và chỉ đạo nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của Nam Bộ, đồng thời "đánh gãy xương sống Việt Cộng", tức là nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng nhất của chủ lực B2; xoá căn cứ kháng chiến bắc Tây Ninh để giành thắng lợi, tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Địch đã huy động đến 45.000 quân, gồm: 22 tiểu đoàn Mỹ (thuộc các sư đoàn bộ binh số 1 và 25, Lữ dù 173, Lữ 1 sư đoàn 9 và Lữ 3 Sư đoàn 4); ba tiểu đoàn quân ngụy Sài Gòn; 1.200 xe tăng và thiết giáp; 256 cỗ pháo các loại; 300 máy bay lên thẳng, 3 phi đoàn máy bay vận tải ... do tướng ba sao Giônnathan Simân, Tư lệnh dã chiến II trực tiếp chỉ huy. Thời gian của cuộc chiến kéo dài 53 ngày, từ 22 tháng 2 đến 15-4-1967.

Trên cơ sở đánh giá toàn diện tình hình địch, ta, Bộ Chỉ huy Miền thấy ta có khả năng bám trụ và chiến đấu tự vệ vùng căn cứ nên đã quyết định mở chiến dịch phản công nhằm đánh bại cuộc hành quân Gianxơn Xity của Mỹ, bảo vệ căn cứ kháng chiến, bẻ gãy gọng kìm "tìm diệt" để hỗ trợ cho bộ đội địa phương, dân quân du kích và quần chúng yêu nước, làm thất bại gọng kìm "bình định", tạo thời cơ và điều kiện mới cho cuộc kháng chiến giành thắng lợi cho đoạn mới tiếp sau.

Về tổ chức lực lượng: Phương châm được xác định là phòng thủ để chiến đấu tại chỗ, tạo thế trận chiến tranh nhân dân trên một vùng địa bàn không có dân, bằng cách dùng lực lượng của các cơ quan của Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền (trừ một số ít thật cần thiết đã di chuyển lên vùng an toàn, ngoài tầm pháo của địch) để tổ chức ra các "xã đội", "huyện đội" và "ấp chiến đấu"; cán bộ chỉ huy các "huyện đội" do Bộ chỉ huy Miền chỉ định, hầu hết là các đồng chí đầu ngành, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của một cơ quan chỉ huy quân sự gọi là "Tỉnh đội" do Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền Lê Đức Anh làm Chỉ huy trưởng. Lực lượng chung khoảng 5.000 "du kích cơ quan"; nếu tính cả chủ lực và "bộ đội địa phương" thì tổng quân số chiến đấu tại chỗ khoảng 10.000 người.

Về trang bị: Để vừa bảo vệ được kho tàng, phương tiện, vừa phát huy được hiệu lực của vũ khí, thay vì phải chuyển dịch kho, Bộ chỉ huy Miền đã chấp nhận phương án phân tán kho bằng cách phân phát vũ khí cho các đơn vị dưới danh nghĩa "cho mượn" và sẽ thu lại sau khi kết thúc chiến dịch. Lúc đó anh Sáu Nam đã lệnh cho Quân lực mở kho, phát cho các cơ quan súng tiểu liên AK, súng chống tăng B40 và súng máy bắn máy bay. Do đó anh em rất phấn khởi và tin tưởng vào sự thắng lợi của chiến dịch.

Tư tưởng chỉ đạo là: Bám trụ vững chắc, thực hành tiến công kiên quyết, phản công mạnh mẽ, kết hợp ba thứ quân tiến hành đánh nhỏ, đánh vừa và tạo điều kiện để đánh lớn; bảo đảm đánh dài ngày, mạnh bạo nhưng chắc thắng, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, bảo vệ được cơ quan, kho tàng và căn cứ kháng chiến.

Phân công nhiệm vụ tác chiến: Chủ lực làm nhiệm vụ cơ động đánh địch; "du kích cơ quan, bộ đội địa phương "và" bộ đội bảo vệ căn cứ "bám đánh địch tại chỗ, dựa vào thế trận của" xã - ấp chiến đấu", nơi địch không đến thì bung ra tìm địch mà diệt, vừa chiến đấu vừa bảo đảm công tác phục vụ chiến đấu, bảo vệ an toàn cơ quan, căn cứ, kho tàng, duy trì hoạt động công tác chuyên môn bình thường trong căn cứ, đánh liên tục và dài ngày.

Phòng Quân báo Miền của tôi cũng như các cơ quan khác phải vừa làm việc chuyên môn vừa sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên theo dõi chiến đấu, moi tin tức của địch trên chiến trường B2 nói chung và quân địch cụ thể trong cuộc hành quân Gianxơn Xity nói riêng.

Cuộc hành quân càn quét của chúng bắt đầu ngày 22-2 1967, nhưng trước đó 21 ngày chúng đã có những hoạt động thăm dò, nghi binh, dọn bãi đổ quân rất ác liệt bằng 15 phi vụ ném bom chiến lược bằng máy bay B52 (từ 45 đến 60 lần/chiếc), 30 phi vụ đánh bom chiến thuật bằng máy bay phản lực cường kích (90 lần/chiếc), 50 phi vụ máy bay rải chất độc hoá học.

Cuộc hành quân của chúng chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 22 tháng 2 đến 15-3-1967, chúng đánh vào hướng tây bắc tỉnh Tây Ninh, đông và tây đường số 22 thuộc các huyện Tà Đạt, Sóc Ky nhằm vào cơ quan Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền. Ngay trong ngày đầu, các lực lượng tại chỗ của ta đã đánh trả quyết liệt, vừa diệt địch (19 tên, 16 xe tăng, 16 máy bay...) vừa chặn đứng các mũi đột kích, làm thất bại phương án "hợp điểm" của quân địch tại huyện Tà Đạt. Những ngày sau, khí thế hùng hổ của quân địch đã giảm hẳn, tốc độ hành quân chậm lại, chúng vừa tiến vừa thăm dò. Thất bại trong tám ngày đầu tiên buộc quân địch phải co lại giữ chốt, bảo vệ hành lang vận chuyển, tạo thế cho bước kế tiếp. Sau bốn ngày Bộ chỉ huy quân Mỹ đã thừa nhận thất bại (ta thu được qua sóng điện đài). Tướng ba sao trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân nói "Không lường được Lầu Năm góc của Việt Cộng", còn tướng Oétmolen, Tổng chỉ huy quân Mỹ ở Nam Việt Nam thì thốt lên "Không thấy bóng dáng của Việt Cộng mà đến đâu cũng bị đánh". Kết thúc giai đoạn 1, phía ta vẫn chưa phải sử dụng chủ lực, còn phía Mỹ đã cách chức tướng chỉ huy cuộc hành binh Giônnathan Simân.

Giai đoạn 2 từ ngày 18 tháng 3 đến 13-4-1967: Quân địch tiến công đánh vào khu đông bắc của căn cứ kháng chiến, từ đồng đường số 4 lên Ka Tum; thủ đoạn chiến thuật của chúng là kết hợp giữa các mũi đột kích của bộ binh với việc dùng máy bay trực thăng chở quân đổ bộ tập kích bất ngờ vào bên sườn và phía sau đội hình bố trí của ta để nhằm chụp bắt lực lượng ta. Lúc này Bộ Chỉ huy chủ trương tung chủ lực vào thực hành đánh lớn, mục tiêu là tiêu diệt chiến đoàn trở lên, trong khi các lực lượng vũ trang địa phương vẫn giữ vững quyền chủ động, phản công đánh địch ngay từ đầu và suốt đợt chiến đấu. Trong giai đoạn này địch tổ chức một số chốt dã chiến tương đương cấp chiến đoàn, có xe tăng, thiết giáp, pháo binh và lôcốt bê tông đúc sẵn. Ta đã sử dụng Trung đoàn 2 và Trung đoàn 16 bộ binh chủ lực, thực hiện xuất sắc trận quyết chiến Đồng Rùm, đồng thời phát triển thể tiến công, phối hợp du kích bao vây quân địch ở cụm Sóc Con Trăng với việc bung ra đánh địch tăng viện và tạo bước ngoặt cho toàn chiến trường. Trong giai đoạn này, lực lượng tại chỗ tiếp tục phát huy được vai trò của mình, lực lượng chủ lực về cơ bản đã thực hiện được ý định của Bộ chỉ huy chiến dịch.

Ngày 13-4-1967, bộ phận quân địch cuối cùng của cuộc hành quân Gianxơn Xity rút khỏi địa bàn tác chiến, kết thúc cuộc chiến một cách thảm bại. Sau 53 ngày đêm, chúng đã không thực hiện được mục tiêu đề ra; đồng thời bị ta loại ra khỏi vòng chiến gần 1/4 quân số trực tiếp tham chiến; bị bắn cháy, hỏng, loại mất 2/3 số xe tăng - thiết giáp, gần một nửa số máy bay trực thăng và pháo. Riêng lực lượng tại chỗ (nói chung) diệt 6.600 tên địch, 685 xe tăng - thiết giáp, 118 máy bay và một số pháo. Tướng Oétmolen phải thừa nhận: "Cuộc tiến công đã bị cộng sản phản kích nhiều lần. Không phá được căn cứ của Việt Cộng mà chỉ bắc được một cây cầu qua sông, làm một sân bay dã chiến cho máy bay Ci30 để tạo điều kiện sau này khi phải hành quân trở lại...".

Về phía ta, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Miền mà trực tiếp điều hành là Bộ Tham mưu Miền do anh Sáu Nam làm Tham mưu trưởng, đã đánh bại cuộc hành quân trên bộ lớn nhất của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Bài học rút ra từ đây là quán triệt tư tưởng tiến công, thể hiện quyết tâm và phương châm tác chiến là tạo được thế trận chiến tranh nhân dân trên một vùng không có dân bằng cách sử dụng lực lượng các cơ quan, hình thành xã, ấp chiến đấu và lực lượng tại chỗ kết hợp với một bộ phận chủ lực, vừa kiên quyết bám trụ tại chỗ, vừa thực hành liên tục phản công và tiến công. Nói đến thắng lợi đánh bại cuộc hành quân Gianxơn Xity không thể không nói đến vai trò và tài năng của anh Sáu Nam.

Anh đã chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu 9 có biện pháp đối phó thích hợp với địch sau Hiệp định Paris 1973.

Từ cuối năm 1972, Bộ Tổng tham mưu ngụy đã có "Kế hoạch Hùng Vương 2 và 18" nhằm chủ động triển khai các hoạt động quân sự và chính trị bất chấp thời điểm Hiệp định Paris được ký kết, để giành lợi thế chiến trường từ đầu. Chúng đề ra kế hoạch "Tràn ngập lãnh thổ".

Đầu tháng 1-1973, Bộ Chỉ huy Miền xây dựng kế hoạch đáp lại quân ngụy, gọi là kế hoạch "Thời cơ”. Đây là kế hoạch tiến công đồng loạt của lực lượng vũ trang ba thứ quân trên khắp chiến trường B2 nhằm tranh thủ trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực, giải phóng thêm nhiều địa bàn quan trọng, vừa ngăn chặn kế hoạch "Tràn ngập lãnh thổ" của quân ngụy, vừa cải thiện thêm một bước thế trận.

Hiệp định Paris được ký kết là một thắng lợi lớn của cách mạng Việt Nam. Đây là một bước ngoặt trong tính toán chiến lược có tính chủ động, thể hiện đường lối độc lập tự chủ của Đảng ta. Nghị quyết của Quân ủy Trung ương ngày 9-1-1973 xác định chủ trương "Ra sức củng cố hòa bình, nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris, lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu, sử dụng lực lượng quân sự làm hậu thuẫn, triệt để phát huy tác dụng của pháp lý để buộc địch cũng phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định". Mặc dầu nghị quyết của Trung ương Đảng, Trung ương Cục, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, của Bộ Tư lệnh Miền đều nêu rõ "Nhất thiết lực lượng vũ trang ta phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu. Bất kể trong tình huống nào nếu địch gây hấn trở lại, nhất định sẽ bị giáng trả đích đáng và ta sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn". Song bên cạnh đó, sự chỉ đạo "Lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu, sử dụng lực lượng quân sự làm hậu thuẫn" của Trung ương Đảng đã khiến các địa phương, đơn vị rất lúng túng khi cụ thể hoá nghiệp vụ quân sự. Vào thời điểm phải ngừng bắn, quân ngụy dốc toàn lực ào ạt lấn chiếm bất chấp tính chính trị, ngoại giao và pháp lý của Hiệp định. Một số địa phương và đơn vị của ta nhận thức đấu tranh thi hành Hiệp định một cách cứng nhắc, không sâu sắc vận dụng tư tưởng tiến công và bạo lực cách mạng nên lực lượng vũ trang chống đỡ thụ động, lúng túng, để địch nhanh chóng chiếm lại nhiều vùng giải phóng.

Đến cuối tháng 3-1973, quân ngụy không chỉ chiếm lại hầu hết những vùng đất ta giải phóng được trong đợt tiến công "Thời cơ" trước ngày 28-1-1973, mà bắt đầu lấn sâu vào các vùng giải phóng toàn B2. Tại Khu 6 và Khu 7, địch đã lấn chiếm 309 ấp với 290.000 dân. Tại Khu 8, chỉ trong hai tháng riêng bốn tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre, Gò Công, Kiên Tường địch đã đóng thêm 287 đồn bốt, lấn chiếm 129 ấp thuộc 24 xã.

Trong bối cảnh chung đó, tình hình Quân khu 9 lúc này do anh Lê Đức Anh làm Tư lệnh và anh Võ Văn Kiệt làm Chính ủy lại diễn ra theo chiều hướng khác. Do sớm đề ra các chủ trương cụ thể về phương hướng tấn công, đối tượng tác chiến, phương thức hoạt động với từng vùng, từng loại đồn bốt, đường giao thông, kho tàng, đồng thời đề đạt lên Bộ Chỉ huy Miền không rút chủ lực vào sâu trong căn cứ U Minh, giữ nguyên thế bố trí của bốn trung đoàn chủ lực Miền và Quân khu để hỗ trợ các địa phương chống bình địch lấn chiếm. Do vậy Quân khu 9 đã đánh bại kế hoạch bình định lấn chiếm của địch, quân ngụy không lấn chiếm được vùng nào quan trọng.

Từ sự chỉ đạo bổ sung của Trung ương Cục, tình hình chung sau hai tháng thi hành Hiệp định và thắng lợi bước đầu của Quân khu 9, Bộ Chỉ huy Miên đã đúc rút một số kinh nghiệm chống bình định lấn chiếm và phổ biến cho các quân khu học tập vận dụng. Trong thông báo ngày 27-3-1973 của Bộ Chỉ huy Miền đã chỉ rõ: "Quân khu 9 đã đánh giá đúng âm mưu ngoan cố phá hoại Hiệp định, phá hoại hoà bình của địch, dự kiến được những thủ đoạn xảo quyệt của chúng nên đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang có biện pháp đối phó thích hợp, kịp thời uốn nắn những tư tưởng lệch lạc, suy nghĩ đơn giản, ảo tưởng hoà bình, thiếu cảnh giác, trông chờ Ủy ban Quốc tế và Ban Liên hợp quân sự đi kiểm tra. Khu ủy đã đánh giá đúng những mặt yếu mới của địch, nhất là tinh thần sa sút, nên đã có kế hoạch tấn công quân sự, kết hợp tấn công chính trị, binh vận ở cơ sở tương đối tốt. Phong trào bao bó đồn bốt địch phát triển, những cuộc hành quân của địch tuy liên tục nhưng kết quả rất hạn chế ".

Giữa năm 1973, lực lượng vũ trang B2 đã có tiến bộ hơn trong hoạt động chống phá hoạt động lấn chiếm của địch. Trong tháng 5-1973, lực lượng vũ trang hai Quân khu 8 và 9, diệt và bức rút 122 đồn tua, địch chỉ lấn chiếm và tái chiếm được 30 đồn. Riêng Quân khu 9, lực lượng vũ trang chẳng những bước đầu đánh bại kế hoạch bình định lấn chiếm của quân ngụy, mà còn đẩy lui địch, giải phóng thêm 30 ấp và 35.000 dân.

Hồi đó tất cả các tin tức tình báo, nhất là kế hoạch "Tràn ngập lãnh thổ", cơ quan chúng tôi đã nắm tình hình địch, cung cấp đầy đủ và kịp thời cho anh Lê Đức Anh. Anh đã nói: "Rất cảm ơn các đồng chí đã cung cấp tin tức!".

Một vài kỷ niệm trong quá trình làm việc gần anh Sáu và sự quan tâm của anh với ngành Tình báo quốc phòng:

Một là: Tác phong tỉ mỉ, lắng nghe ý kiến cấp dưới.

Đầu năm 1964, để chuẩn bị cho chủ lực Miền đánh tập trung nhằm tiêu diệt lớn quân địch, Phòng Quân báo phải nghiên cứu tình hình địch và chuẩn bị chiến trường theo yêu cầu của Bộ Chỉ huy. Ngoài hướng Bà Rịa, còn phải nghiên cứu một số hướng khác. Anh Sáu Nam lúc đó là Tham mưu trưởng yêu cầu Phòng Quân báo báo cáo tình hình cơ bản của địch ở Bình Long. Tôi được phân công chuẩn bị để báo cáo. Rất lo vì tôi từ miền Bắc mới vào chiến trường khoảng nửa năm, chưa nắm được tình hình và tâm lý chiến trường, ngay cả những địa danh chính còn chưa thuộc, nay phải báo cáo tình hình cơ bản về địch của một số tỉnh, không lo sao được. Tôi tập trung ba ngày đêm thu thập tài liệu nghiên cứu, lên bản đồ, thống kê số liệu, phân tích đánh giá tình hình để thông qua phòng trước khi báo cáo. Hôm đó có anh Lê Quang Vũ, Trưởng phòng Quân báo Miền cùng đi, nên tôi cũng yên tâm. Tôi báo cáo có hệ thống, tương đối trôi chảy từ đặc điểm về địa hình, dân tình, địch tình đến đánh giá mạnh yếu. Anh Sáu Nam yêu cầu báo cáo sâu về địch bao gồm âm mưu, ý đồ, quy luật hoạt động, nhất là về lực lượng. Tôi trả lời cụ thể từ lực lượng tổng trù bị của địch đến chủ lực, bảo an, dân vệ và hệ thống ấp chiến lược. Tưởng đã đầy đủ, đến lúc anh hỏi phía địch có bao nhiêu thanh niên chiến đấu, tỷ lệ được trang bị súng ống là bao nhiêu? Phân bổ thanh niên chiến đấu ở các ấp chiến lược như thế nào? Tôi liếc nhìn anh Vũ để cầu cứu, song anh lắc đầu. Tôi báo cáo chưa nắm được. Anh hỏi ngay: Thế quân báo không đánh thanh niên chiến đấu à ? Tôi nín thinh. Anh Vũ nói đỡ là tôi mới vào nên chưa nắm hết tình hình. Anh hỏi: - Vào được bao lâu? Tôi trả lời mới được 6 tháng. Anh nói: "Nếu là tôi thì trong 6 tháng phải am hiểu hết tình hình". Tôi thầm nghĩ nếu trình độ tôi như anh thì đã khác. Sau đó anh chỉ bản đồ giảng giải, đánh giá, phân tích mạnh yếu của địch, rồi hỏi: - Nếu đánh thì chọn điểm nào, và ta phải chuẩn bị cho bộ đội cách đánh nào? Tôi chần chừ chưa dám trả lời, anh liền nói: - Đồng chí cứ nói, tôi muốn nghe ý kiến của các đồng chí, còn quyết định là quyền của tôi...

Bước đầu tiếp xúc làm việc với anh, tôi thấy mình còn nhiều thiếu sót, song đã cho tôi một bài học về nghiên cứu đánh giá tình hình phải toàn diện, cụ thể, không thể chung chung được; ngoài ra là tác phong tỉ mỉ, lắng nghe ý kiến cấp dưới. Bài học đầu tiên này giúp tôi làm quen và làm tốt hơn trong những buổi làm việc sau này.

Hai là: Anh nghiêm khắc, song không định kiến, đánh giá cán bộ trên hiệu quả công việc. Trong cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất vào mùa khô 1965-1966 của Mỹ, sau đợt một đánh vào "vùng trung gian" bắc - tây bắc Sài Gòn thất bại, chúng mở đợt hai đánh lên sát vùng biên giới vào các khu trung tâm căn cứ của ta trong đó có cuộc hành quân Bớcminhham quy mô cấp sư đoàn tăng cường.

Hôm đó anh Khương, một cán bộ nghiên cứu, trực ban. Khoảng 10 giờ đêm nhận được một báo cáo của tình báo từ Sài Gòn gửi ra về cuộc hành quân Bớcminhham. Lên bản đồ xong, thấy địch có kế hoạch đánh vào căn cứ. Định báo cáo cho Tham mưu trưởng thì có điện reo bên kia đầu máy là đồng chí Lê Trọng Tấn (tức Ba Long), lúc đó là Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền hỏi tình hình có gì không? Anh Khương báo mới nhận được một tin quan trọng, song chưa báo cáo Tham mưu trưởng; đồng chí Ba Long nói liền: "Đồng chí không biết nguyên tắc là cấp dưới có thể báo cáo lên cấp trên vượt cấp?" Anh Khương báo cáo đầy đủ tin tức mới nhận được từ ý đồ, kế hoạch, lực lượng, khu vực hành quân và thời gian cho đồng chí Ba Long, xong quay điện thoại ngay để báo cáo anh Sáu thì đầu máy bên kia bận và bận liên tục vì đó là lúc anh Ba Long trao đổi với anh Sáu Nam về tình hình và cách xử lý. Không biết cách nào để chen vào báo cáo được.

Sáng hôm sau anh Khương và tôi đi giao ban ở Bộ Tham mưu. Từ xa tôi thấy anh Sáu cứ mang kính lên lại bỏ xuống; tôi thầm nhủ "không ổn rồi". Vừa tới nơi anh nói ngay với anh Khương: "Giao ban xong đồng chí mang balô vào ở luôn trong Bộ Chỉ huy Miền vì tôi là Tham mưu trưởng mà không nắm được gì khi đồng chí Phó Tư lệnh hỏi".

Tưởng quan hệ sẽ căng thẳng, song những ngày sau đồng chí Khương vẫn làm việc và đi giao ban bình thường. Đến khi anh Sáu đi làm Tư lệnh Quân khu 9 thì chính anh đã chọn anh Khương làm thư ký riêng để cùng đi Quân khu 9, song vì công việc nên không đi được.

Ba là: Anh tin và mạnh dạn giao việc cho cán bộ.

Cuối năm 1990 tôi được điều về Tổng cục II. Anh Sáu Nam lúc đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định tôi đi làm Tùy viên quân sự tại Thái Lan vào tháng 7-1991. Vì là Tùy viên quân sự đầu tiên nên phía Thái Lan nghiên cứu và trả lời chậm. Khoảng tháng 8-1992, vào một buổi tối, đồng chí Ngọc là thư ký của anh Sáu Nam gọi điện cho tôi báo: "Anh chuẩn bị đi làm Đại sứ Việt Nam ở Campuchia thay anh Ngô Điền". Tôi liền nói: "Không được đâu!", "Ý ông Sáu Nam đó, chuẩn bị đi, ngày mai trao đổi" - Anh Ngọc nói rồi cúp máy. Tôi bàng hoàng vì một quyết định đến quá đột ngột.

Hôm sau, tôi báo cáo là công việc quan trọng lại quá mới mẻ và quá sức tôi không làm được. Anh giải thích là chỉ cần ba yếu tố: nắm vững chủ trương đường lối của ta và của bạn, thông thạo tình hình Campuchia - điểm này thì cậu nắm được vì mười năm ở chiến trường - và có tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao.

Mấy đêm không ngủ và trao đổi với một số bạn bè thân thiết bên Bộ Ngoại giao, tôi thấy mặc dầu được cấp trên tin tưởng song phải cân nhắc, đánh giá đúng khả năng, từ lĩnh vực quân sự sang ngoại giao không thể một sớm một chiều mà làm được. Tôi đề đạt ý kiến nhiều lần là nên cử người của Bộ Ngoại giao. Cuối cùng cấp trên đã thay đổi ý định và cử anh Trần Huy Chương đi làm Đại sứ tại Campuchia. Tôi thở phào nhẹ nhõm và cuối năm đó lên đường đi làm Tùy viên quân sự Việt Nam tại Vương quốc Thái Lan.

Bốn là: Anh rất quan tâm đến công tác nắm địch.

Thời gian anh Sáu Nam làm Tư lệnh Quân khu 7, anh biết rõ Phòng Quân báo Quân khu 7 tiền thân của nó là Phòng Quân báo Miền nên phạm vi và khả năng nắm địch rộng, cơ sở nhiều và phát huy tác dụng tốt. Song về biên chế thì cũng như các quân khu khác theo biểu biên chế của Cục Quân lực đề ra, kinh phí cũng có hạn. Nếu thực hiện theo đúng biên chế và kinh phí được cấp sẽ phải cắt, giảm rất nhiều cơ sở và sẽ ảnh hưởng đến công tác nắm địch. Trên nguyên tắc bảo đảm tổng quân số của cấp trên cho, Quân khu điều chỉnh quân số của các đơn vị cho phù hợp, anh Sáu cho Phòng Quân báo thành lập một "Tiểu đoàn quân báo nhân dân", quân số khoảng 100 người để bảo đảm cho các cơ sở hoạt động. Nhờ vậy duy trì được mạng lưới nắm địch ở cơ sở trong mọi tình huống.

Qua nhiều đời tư lệnh Quân khu, chúng tôi - chỉ huy Phòng Quân báo - vẫn phải giữ chữ ký phê chuẩn của anh Sáu Nam cho thành lập Tiểu đoàn Quân báo nhân dân như bảo bối để xin biên chế.

Quan điểm của anh về ta, địch rất rõ ràng. Trước mọi biến chuyển tình hình anh đều nhắc nhở cơ quan nắm địch phải nhận rõ âm mưu cơ bản của địch để đánh giá đối tượng, đừng nhìn hiện tượng bề ngoài mà chủ quan đơn giản.

Là lãnh đạo cao cấp, anh luôn là người quan tâm đến tình hình địch; bồi dưỡng giúp đỡ cấp dưới trong phân tích, nhìn nhận, đánh giá và xử lý các vấn đề đang đặt ra phải giải quyết.
 

Đại tá Nguyễn Bạch Vân
Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước